Nhận định về việc

các cơ quan truyền thông Nhà nước Việt nam

đưa tin về cuộc gặp gỡ giữa đại sứ Việt nam tại Ý

và một vị đại diện của Tòa Thánh

 

Nhận định về việc các cơ quan truyền thông Nhà nước Việt nam đưa tin về cuộc gặp gỡ giữa đại sứ Việt nam tại Ý và một vị đại diện của Tòa Thánh.

Hà nội, Việt Nam [xem bản tin của Nguyễn Xuân Hương trên Vietcatholic 1/09/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ngày 22 tháng 8 năm 2009, đại sứ Việt nam tại Ý, ông Ðặng Khánh Thoại, đã có cuộc gặp gỡ với đức ông Ettore Balestrero, nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đặc trách về các mối quan hệ với các quốc gia.

Tuy cho tới nay, Tòa thánh chưa chính thức xác định về cuộc gặp gỡ, nhưng ngày 27 tháng 8 năm 2009 và những ngày kế tiếp, các cơ quan ngôn luận của Nhà nước cộng sản Việt nam đã rộng rãi phổ biến bản tin bằng ba ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt của thông tấn xã Việt nam.

Trong bản tin, Thông tấn xã Việt nam cho biết trong buổi làm việc với Ðức Ông Balestero, ông Thoại "tái khẳng định chính sách kiên định của Việt Nam là tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của dân chúng."

Bản tin cho biết thêm: "Ông Thoại cũng thông báo với vị đại diện Tòa Thánh Vatican về những cải thiện và sự phong phú trong đời sống tôn giáo của các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền."

Nhận định về bản tin này, tác giả Nguyễn Xuân Hương viết trên Trang mạng Vietcatholic như sau: "Ðiều này không đúng sự thật. Những gì diễn ra tại Việt Nam trong thời gian gần đây thôi chứng minh điều ngược lại. Cho tới nay, quyền tự do tôn giáo của người dân tại Sơn La thuộc giáo phận Hưng Hóa, và tại Ðồng Hới thuộc giáo phận Vinh, và nhiều thôn bản vùng Cao Nguyên Trung Phần thuộc giáo phận Ðà Lạt, Kon Tum, và Ban Mê Thuột vẫn không được tôn trọng. Ðáng buồn hơn người Công Giáo tại Việt Nam bị tấn công cả về tinh thần lẫn thể lý.

Việc hàng trăm người Công Giáo bị đánh đập tại Tam Tòa, Ðồng Hới, việc các linh mục Nguyễn Thế Bính và Nguyễn Ðình Phú bị đánh đập trọng thương, việc các linh mục Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Phượng, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật và Nguyễn Ngọc Nam Phong bị bôi nhọ và gán ghép những tội danh nguy hiểm trên tờ Hà Nội mới số ra ngày 24 tháng 8 năm 2009 và trên một số cơ quan truyền thông khác những ngày sau đó, việc tiếp tục giam cầm linh mục Nguyễn Văn Lý là không thể chấp nhận được và đe dọa nghiêm trọng những tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước vốn đã rất căng thẳng".

Tiếp tục đọc lại bản tin của thông tấn xã Việt nam bằng Anh ngữ, tác giả cho biết chính phủ Việt nam nói rằng "đã cho phép Giáo hội Công giáo tại Việt nam được tổ chức "Năm của Thánh 2010" (the year of saint 2010). Theo tác giả, cụm từ "Năm của Thánh 2010" -- mà bản tin sử dụng -- là vô nghĩa.

Nếu hiểu là "Năm Thánh 2010" thì tự bản tin của Thông Tấn Xã Việt nam cũng đủ nói lên thực chất việc "tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của dân chúng." Giáo Hội ở các nước khác trên thế giới, ngay cả tại Trung Quốc và Cuba, không cần ai "cho phép" để tổ chức Năm Thánh cả".

Tác giả Nguyễn Xuân Hương nhận định: "Những thông tin như thế, thiết nghĩ chỉ làm trò cười cho thế giới và làm ô nhục quốc thể đất nước chúng ta".

Bản tin của Thông tấn xã Việt nam cũng viết rằng "Ðại Sứ Ðặng Khánh Thoại nói rằng ông đồng ý với tuyên bố của Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong buổi gặp gỡ với các Giám Mục Việt Nam tại Rôma. Trong bài diễn văn ngài đã kêu gọi người Công Giáo Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước, coi đó như một nghĩa vụ và là cống hiến quan trọng trong thời điểm khi Việt Nam phát triển quan hệ với cộng đồng thế giới."

Thủ đoạn cắt cúp những câu nói để phỉ báng Giáo Hội Việt Nam là điều không thể chấp nhận và không đóng góp vào cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và nhà nước Việt Nam.

Thực tế là ở miền Bắc sau năm 1954, và ở miền Nam sau năm 1975, hơn 2,250 trường đại học, trung học, tiểu học, bệnh viện, viện mồ côi, nhà dưỡng lão và các cơ sở hoạt động bác ái xã hội khác đã bị nhà nước tịch thu và dùng vào những mục đích khác, kể cả để kinh doanh và ban phát cho cán bộ.

Giáo Hội bị cấm không được hoạt động trong các lãnh vực giáo dục, y tế trừ một số cơ sở chăm sóc cho người cùi và những bệnh nhân nhiễm HIV mà nhà nước không muốn dính líu tới.

Các Giám Mục Việt Nam đã liên tục yêu cầu được dự phần tích cực trong các hoạt động vốn là sở trường của mình như giáo dục và y tế. Giáo Hội tại Việt Nam dù trong hoàn cảnh bị cấm đoán vẫn luôn luôn tìm cách này cách khác đóng góp cho sự vươn lên của đất nước.

Việc cắp cúp diễn văn của Ðức Giáo Hoàng, vị lãnh đạo tinh thần của thế giới Công Giáo, là một điều bất kính và chắc chắn sẽ bị vạch trần trước công luận thế giới.

Kết thúc bài nhận định về bản tin của Thông Tấn Xã Việt nam, tác giả Nguyễn Xuân Hương trích đọc một đoạn trong "Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay" được đưa ra tháng Chín năm 2008 như sau: "đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm Sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh."

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page