Cần đọc lại những khoản cơ bản

trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

 

Cần đọc lại những khoản cơ bản trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

(Radio Veritas Asia 27/08/2009) - Cần đọc lại những khoản cơ bản trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: đây là đề tài của chuyên mục Công Giáo và Nhân Quyền tuần này của chúng tôi.

Kính thưa quí vị, các bạn thân mến,

Sau mấy mươi năm dài giữ im lặng, cựu trung úy Lục quân Hoa Kỳ, ông William Calley, giờ đây nói rằng ông vô cùng ân hận đã góp phần trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai trong cuộc Chiến tranh Việt Nam trước đây.

Lên tiếng trong một buổi họp ở thành phố Columbus, tiểu bang Georgia, viên cựu trung úy đã từng bị đưa ra tòa và bị kết án với 22 tội danh trong cuộc thảm sát thường dân ở Mỹ Lai, Việt nam năm 1968, đã bày tỏ lời xin lỗi công khai lần đầu tiên từ trước đến nay cho hành động của mình.

Ông Calley nói: "Không có ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy ân hận cho những gì đã xảy ra ngày đó ở Mỹ Lai,"

"Tôi thương xót cho người dân Việt Nam bị thảm sát hôm đó, cho gia đình họ, cho những người lính Mỹ liên quan đến chuyện này cùng gia đình của họ. Tôi vô cùng ân hận."

Tưởng cũng nên ôn lại: Tháng Ba năm 1968, ông Calley là một viên trung úy trẻ, chỉ huy một đại đội lục quân Hoa Kỳ vào Mỹ Lai với nhiệm vụ "tìm kiếm và tiêu diệt" du kích quân cộng sản trong vùng. Mặc dù không bị tấn công, theo các báo cáo tường trình sau đó, ông Calley đã ra lệnh tiến vào làng đốt nhà dân và bắn bừa bãi dân làng.

Sự việc bùng nỗ lớn sau khi phóng viên Seymour Hersh tiết lộ chi tiết của cuộc thảm sát này.

Năm 1971, ông Calley bị đưa ra tòa án quân sự và bị kết án 22 tội vì đã giết 22 thường dân trong tổng số khoảng từ 300 đến 500 người bị giết bao gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con.

Cuộc thảm sát này làm chấn động người dân Mỹ và ảnh hưởng nhiều đến sự ủng hộ cuộc chiến của người dân Mỹ.

Ông Calley trước đây thừa nhận ông đã ra lệnh tấn công làng Mỹ Lai và nhưng ông nói rằng ông được cho hay là bất cứ người nào còn sống sót trong làng đó đều có thể là mối đe dọa cho binh sĩ Hoa Kỳ, và ông chỉ tuân theo lệnh thượng cấp.

Thú tội và ân hận về hành động tội lỗi hay sai trái của mình là chuyện thường xảy ra. Con người có thể thoát được lưới của tòa án của con người. Nhưng không ai có thể tránh được bản án của tòa án lương tâm của mình.

Ðiều mĩa mai là có khi tòa án lương tâm chẳng tìm ra được lý do để cắn rứt thì con người lại phải lên tiếng thú nhận và tỏ dấu ân hận vì những tội lỗi mà mình không hề phạm. Những kẻ lẽ ra phải hối hận và thú nhận hành động tội ác rõ như ban ngày của mình, thì vẫn tỏ ra chai lì. Trong khi đó, những kẻ không hề phạm tội ác lại phải cúi đầu nhận tội và xin khoan hồng. Ðây là điều xảy ra như cơm bữa tại cộng hòa xã hội nghĩa Việt nam.

Cùng một lúc với lời thú tội của cựu trung úy Calley tại Hoa kỳ, thì tại Việt nam, tối hôm thứ Tư 19 tháng 8 năm 2009, trong một đoạn phim kéo dài 10 phút đồng hồ, khán thính giả Truyền Hình Việt nam đã chứng kiến cảnh 4 nhà hoạt động cho dân chủ tại Việt nam đã cúi đầu nhận tội và xin khoan hồng.

Trong những ngày vừa qua, người ta đọc được nhiều phản ứng khác nhau nơi người Việt nam trong và ngoài nước về thái độ "nhận tội và xin khoan hồng" của các nhà bất đồng chính kiến này. Người thông cảm, kẻ chỉ trích.

Trong các lời nhận định từ trong nước, các nhà phân tách cho rằng cha Phan văn Lợi, một linh mục Huế hiện đang bị quản thúc tại gia, đã đặt đúng vấn đề khi ngài cho rằng mọi người quá chú tâm vào việc phê phán các nhà dân chủ và đánh giá xem việc nhận tội là can đảm hay hèn nhát, mà quên mất trọng tâm của vấn đề.

Trích dẫn bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, vị linh mục này nói như sau: "Bị can chỉ có thể nói mình có tội hay vô tội trong một phiên tòa mà thôi, mà phiên tòa đó phải là một phiên tòa công minh, một phiên tòa dân chủ, công khai, sau một tiến trình với đúng với pháp luật. Tức là người đó khi bắt đầu bị thẩm vấn, họ phải được cố vấn về pháp luật, họ phải được quyền thuê mướn những luật sư vừa ý và khi ra tòa thì luật sư đó phải có quyền nói một cách tự do và bên quan tòa phải cân nhắc giữa công tố và luật sư. Cái việc thú tội trước công an trong khám là điều hoàn toàn vô nghĩa".

Nhận định trên đây của cha Phan văn Lợi đưa chúng ta trở về với những nguyên tắc cơ bản được đưa ra trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Ðại hội đồng liên hiệp quốc cho công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948 và được cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ký tên nhìn nhận và cam kết tôn trọng khi gia nhập Liên hiệp quốc.

Chúng tôi xin được phép trích đọc một số điều khoản cơ bản ấy.

Ðiều 5: "không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm".

Ðiều 6: "mọi người đều có quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi"

Ðiều 7: "tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản Tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy".

Ðiều 8: "Mọi người đều có quyền được các tòa án quốc gia có thẩm quyền bênh vực theo pháp luật trước những hành vi phạm các quyền cơ bản do hiến pháp hay luật pháp qui định".

Ðiều 9: "Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán".

Ðiều 10: "Mọi người, với tư cách bình đẳng về mọi phương diện, đều có quyền được một tòa án độc lập và vô tư phân xử cộng bằng và công khai để xác định quyền, nghĩa vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội nào đối với người đó".

Ðiều 11: "Mọi người, nếu bị qui tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một tòa án công khai, nơi người đó đã có được tất cả những bảo đảm cần thiết để bào chữa cho mình, chứng mình được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp".

Trên đây là những điều khoản đầu tiên và cơ bản nhứt về tố tụng được ghi trong Bản Tuyên Ngôn quốc Tế nhân quyền mà Việt nam đã nhìn nhận và cam kết tôn trọng.

Trước khi thẩm định về thái độ nhận tội và xin khoan hồng của các nhà đấu tranh cho dân chủ, thiết tưởng chúng ta cần nêu lên câu hỏi cơ bản nhứt: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam có thực sự tôn trọng những điều mình cam kết không?

Bao lâu Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền không được tôn trọng, thì mọi luật pháp và hình thức tố tụng tại Việt nam đều không có giá trị và nói như cha Phan văn Lợi, việc các nhà đấu tranh cho dân chủ "thú nhận tội lỗi và xin khoan hồng trong khám trước mặt công an là vô nghĩa."

Với phát biểu trên đây của cha Lợi, chúng tôi xin tạm ngưng mục Công Giáo và Nhân Quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quí vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page