Hội Nghị Thân Hữu
các dân tộc tại Rimini Ý
Hội Nghị Thân Hữu các dân tộc tại Rimini, Ý.
Roma [Tin tổng hợp 25/08/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Trên 7 trăm ngàn người đang tham dự Hội Nghị Thân Hữu Các Dân Tộc do Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức tại Rimini, Ý. Trong các tham dự viên, người ta nhận thấy sự có mặt của một số nhân vật tên tuổi như cựu thủ tướng Anh, ông Tony Blair, bà Mary Ann Glendon, cựu đại sứ Hoa kỳ bên cạnh Tòa Thánh, ông Robert George, đương kiêm chủ tịch Liên Âu và hằng chục nhân vật cấp cao đạo đời cũng như giới trí thức trên khắp thế giới.
Với chủ đề "sự hiểu biết vẫn luôn luôn là một Biến Cố", Hội Nghị lần thứ 30 này được xem là cuộc gặp gỡ qui tụ đông người tham dự nhứt từ 29 năm nay.
Trong những năm vừa qua, cuộc gặp gỡ hữu nghị này đã thu hút được hầu hết các nhân vật đạo đời có thế giá trên khắp thế giới. Trong số những người đã từng tham dự Hội Nghị có đức thánh cha Gioan Phaolô II, Ðức Benedicto XVI khi còn làm Hồng y, Mẹ Terexa Calcutta, Ðức Dalai Lama, cựu tổng thống Balan Lech Walesa và nhiều chính trị gia, triết gia nổi tiếng trên thế giới.
Bên kia những khác biệt về văn hóa, chúng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và chính kiến, mọi người đều có chung một cảm nghiệm về gặp gỡ và đối thoại. Không ai chối bỏ bản sắc của mình, nhưng mọi người đều cảm nhận được điều tốt đẹp và thiện hảo trong cuộc gặp gỡ. Tựu trung, lời thánh Phaolô được ứng nghiệm: "Hãy thử nghiệm mọi sự và chỉ lại điều tốt".
Ngoài ban tổ chức gồm 14 người ở cấp trung ương, Hội Nghị Thân Hữu Rimini được tổ chức, chuẩn bị và điều hành bởi những cố gắng quảng đại và vô vị lợi của trên 3 ngàn thiện nguyện viên. Phần lớn đều là những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Chính nhờ sự đóng góp của họ mà cuộc Gặp Gỡ đã trở thành một Biến Cố quan trọng với: 400 cuộc triển lãm, 3 ngàn cuộc gặp gỡ, 5 ngàn khách mời và 850 ký giả theo dõi diễn tiến cuộc gặp gỡ.
Là một biến cố xã hội, cuộc gặp gỡ thiết yếu mang tính tôn giáo.
Ðức cha Francesco Lambiasi, Giám mục Giáo phận Rimini trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Hội Nghị hôm Chúa Nhựt 23 tháng 8 năm 2009 đã khẳng định rằng "Chúa Giêsu Kitô là điểm tựa của toàn bộ lịch sử nhân loại."
Bản thông cáo báo chí đăng trên mạng lưới điện toán của hội nghị giải thích rằng chủ đề này sẽ khảo sát về "con người, sự liên hệ của con người với thế giới và những động lực làm cho con người biết được thực tại."
Theo lời giải thích của ban tổ chức, cuộc hội ngộ Rimini nhằm tìm cách "kiến tạo những điểm tiếp xúc giữa kinh nghiệm và con người thuộc nhiều niềm tin và nền văn hóa khác nhau, nhưng cùng chia sẻ ước muốn tích cực được hiểu biết và thăng tiến lẫn nhau."
Ðược biết Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đã gửi một điện văn chúc mừng đến cuộc hội ngộ Rimini. Ðề cập đến chủ đề của cuộc gặp gỡ, Ðức thánh cha khẳng định rằng gặp gỡ Ðức Kitô là một "biến cố" tạo ra thông hiệp. Ðiện văn do Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh gửi, được tuyên đọc tại thánh lễ khai mạc.
Trong sứ điệp, Ðức thánh cha nhắc lại rằng "biến cố" là một từ mà Ðức ông Don Giussani, người sáng lập Phong trào Hiệp Thông và Hòa Giải, đã xử dụng để giải thích lại bản chất đích thực của Kitô giáo. Theo vị sáng lập Phong trào Hiệp Thông và Hòa Giải, Kitô giáo là một "cuộc gặp gỡ", nghĩa là một cảm nghiệm về hiểu biết và thông hiệp.
Ðức thánh cha gợi lại hai từ "biến cố" và "gặp gỡ" để giải thích về sự hiểu biết, nhứt là hiểu biết về Thiên Chúa. Ðức thánh cha khẳng định rằng nếu có một sự hiểu biết cần thiết cho con người hơn cả thì đó là sự hiểu biết về Ðấng Tạo Hóa của mình. Nếu có một sự hiểu biết được mô tả một cách đày đủ bởi từ "gặp gỡ" thì đó chính là mối quan hệ cơ bản giữa tinh thần của con người và Thần Linh Chúa."
Ðức thánh cha nói rằng các vị Giáo Phụ đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thanh tẩy con mắt của tâm hồn để có thể thấy Chúa.Ðây là điều được gợi hứng từ mối phúc thật: "Phúc cho những tâm hồn trong sạch vì họ sẽ nhìn thấy Chúa".
Theo Ðức thánh cha, lý trí con người chỉ có thể hoạt động và như vậy có thể đạt tới mục đích đích thực là hiểu biết chân lý và Thiên Chúa là nhờ một tâm hồn trong sạch, yêu mến sự thật mà mình tìm kiếm".
Xuyên suốt sứ điệp, Ðức thánh cha kêu gọi các tham dự viên Hội Nghị Thân Hữu Rimini hãy "tin tưởng nơi Chúa, đón nhận sự hiện diện mầu nhiệm của Ngài, vốn là suối nguồn của chân lý và tình yêu đối với con người và xã hội".
Trong các vị diễn giả năm 2009 người ta thấy có Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh; Jeb Bush, cựu thống đốc bang Florida; Hồng y Antonio María Rouco Varela, Tổng giám mục Madrid và chủ tịch Hội đồng Giám mục Tân ban nha; John Milbank, nhà văn và giáo sư Ðại học Nottingham; Carl Anderson, hiệp sĩ tối cao của Hội Hiệp sĩ Columbus.
Hội Nghị đã say mê theo dõi bài chia sẻ của ông Harry Wu, sáng lập viên của Sáng Hội Nghiên Cứu về Lao Cải tại Trung Quốc. Ðã từng bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bách chỉ vì niềm tin Công giáo, ông Wu đã cho các tham dự viên Hội Nghị thấy được bản chất độc tài dã man của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Chu Văn