Nhận định của ÐHY Zen Ze Kiun (Trần Nhật Quân)

về hiện tình Kitô giáo tại Trung Quốc

 

Nhận định của Ðức hồng y Zen Ze Kiun (Trần Nhật Quân) về hiện tình Kitô giáo tại Trung Quốc.

Hong Kong [National Catholic Register 24/08/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Vì những nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo và các quyền chính trị tại Trung Quốc, Ðức hồng y Joseph Zen Ze Kiun (GIuse Trần Nhật Quân), cựu Giám mục Hongkong thường được mệnh danh là "lương tâm mới của Hongkong". Và dĩ nhiên, vị Hồng y này cũng thường là đối tượng của những tấn công của báo chí tại Trung Quốc. Từ năm 1998 đến năm 2004, ngài bị chính phủ cộng sản Trung Quốc không cho vào viếng thăm lục địa. Ngài đã từng chống lại việc "tấn phong" hai giám mục thuộc Hội công giáo ái quốc Trung Hoa. Ngài gọi hai vụ tấn phong này là một hành động tuyên chiến với Tòa thánh.

Kể từ lúc nghỉ hưu, Ðức hồng y Zen không ngừng lên tiếng yêu cầu tôn trọng tự do tôn giáo tại Trung quốc. Ngài đã cảnh cáo về những giải thích sai lạc đối với thông điệp "Bác ái trong sự thật" (Caritas in Veritate) của Ðức thánh cha Beneđitô XVI. Ngài lo ngại rằng chính phủ cộng sản Trung Quốc có thể lèo lái bức thông điệp này để biện minh cho những chính sách kinh tế và xã hội của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho báo Công giáo "The National Catholic Register" xuất bản tại Hoa kỳ, Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong nói về những diễn tiến mới nhứt trong quan hệ giữa Tòa Thánh và chính phủ cộng sản Trung Quốc như sau: "Chúng tôi biết là hiện đang có trao đổi giữa hai bên. Chúng tôi biết là đã có tiếp xúc giữa hai bên, nhưng chúng tôi không biết chính xác những gì đã được hai bên thảo luận".

Nhận định về việc chính quyền cộng sản Trung Quốc giam tù người Công giáo cũng như các tín hữu Kitô khác và những nhà tranh đấu cho nhân quyền, Ðức hồng y Zen nói rằng Giáo hội Công giáo rất quan tâm đến tất cả mọi vấn đề có liên quan đến nhân quyền tại Trung Quốc. Ðây là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, ngài nói: "chúng ta phải quan tâm trước tiên đến người của chúng ta. Một số người Công giáo đã bị tù từ 10 năm nay và chúng tôi nhắc Tòa thánh là phải đưa vấn đề này ra thảo luận với Bắc Kinh. Tại Trung quốc, dân chúng bị giam tù mà không hề được đem ra xét xử trong một phiên tòa hợp pháp. Ðây là trường hợp của Ðức cha Su, Giám mục Baoding, người đã bị giam giữ từ 13 năm nay."

Mỗi năm tại Trung Quốc có trên 13 triệu vụ phá thai. Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong nói: "Ðây là một điều đáng buồn. Cần nhớ rằng tại Trung Quốc, chúng ta không thể trình bày giáo huấn luân lý của Giáo hội Công giáo về vấn đề này. Về vấn đề này, Giáo hội không có tiếng nói công khai. Nếu Giáo hội có nhiều "không gian" hơn trong xã hội, thì chúng ta có thể dạy dỗ cho dân chúng về vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề phá thai là một vấn đề khắp nơi và những con số về phá thai hầu như ở đâu cũng đáng sợ cả".

Nhận định về cuộc thảm sát tại Thiên An Môn cách đây 20 năm, Ðức hồng y Zen nói rằng chính quyền cộng sản Bắc Kinh chắc chắn biết được những phản ứng mạnh mẽ nơi nhiều người, nhưng họ không muốn nhìn nhận sự kiện hay duyệt lại những gì đã xảy ra. Ðức hồng y cho biết: tại Hongkong, Giáo hội vẫn không ngừng đề cập đến biến cố này và nhắc nhở rằng nếu bỏ qua "di sản" Thiên An Môn, thì sẽ không bao giờ có hàn gắn hay hòa giải. Sự thật cần phải được nói lên và cần phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Ngài khẳng định: "Nếu không giải quyết vấn đề, thì chúng ta không thể hòa giải hay tiến tới và chúng ta sẽ không hề được bảo đảm rằng một điều như thế sẽ không xảy ra nữa."

Một số phân tách gia phỏng đoán rằng mỗi ngày có khoảng 10 ngàn người Trung Quốc trở lại Kitô giáo. Ðược hỏi: liệu Trung Quốc có thể trở thành một nước Kitô giáo không, Ðức hồng y Zen trả lời như sau: "Chúng tôi có nghe nói rằng trong quá khứ nhiều người tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nước Kitô giáo. Ngày nay, cái nhìn của chúng tôi dựa trên hy vọng vào tương lai hơn là sợ hãi. Nhưng chúng ta không thể tiên đoán về vấn đề này".

Thật ra đa số những người Trung Quốc trở lại Kitô giáo đều theo Tin Lành. Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong cũng nhìn nhận sự kiện ấy. Một phần vì các Giáo hội Tin lành uyển chuyển hơn: chỉ cần đến nhà thờ một hai lần là có thể được xem như một người trở lại đạo. Trong khi đó, theo Ðức hồng y, Giáo hội Công giáo đòi hỏi nhiều thời gian hơn để học hỏi giáo lý trước khi được nhận vào Giáo hội. Chính sách của cộng sản cũng không giúp nhiều trong vấn đề này: hiện vẫn còn chia rẽ giữa Giáo hội công khai được chính quyền đỡ đầu và Giáo hội thầm lặng. Hơn nữa, xã hội Trung Quốc đang thay đổi, một cách cụ thể ngày càng trở nên duy vật và tục hóa hơn, nhứt là tại các thành phố lớn.

Cuối cùng, bàn về mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa kỳ, Ðức hồng y Zen cho rằng cần phải phân biệt giữa một bên là những lợi ích mà các mối quan hệ có thể mang lại và một bên là nghĩa vụ phải nói lên sự thật. Ngài khẳng định: "Bạn không thể phản bội sự thật để đạt được một lợi ích vật chất. Do đó, tôi hy vọng rằng Hoa kỳ sẽ không bỏ qua một bên vấn đề nhân quyền và dân chủ. Ðây là một vấn đề vừa thực tiễn vừa có tính cách luân lý, bởi vì trong thực tế, quyền và sự tiến bộ trong những lãnh vực khác là bất khả phân ly và bạn không thể tiến bộ trong những lãnh vực khác mà không mang lại cho dân chúng quyền và những tự do cơ bản".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page