Ðức thánh cha Beneđitô XVI
và truyền thông xã hội
Ðức thánh cha Beneđitô XVI và truyền thông xã hội.
Roma [CNS 21/08/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Vào cuối thông điệp "Bác ái trong sự thật" (Caritas in Veritate), Ðức thánh cha Benedicto XVI đã nói đến sự "xâm nhập của truyền thông hiện đại" và sức mạnh của chúng trong việc phục vụ điều thiện cũng như điều ác.
Trong một thông điệp dài về các vấn đề kinh tế, bài phân tách của đức thánh cha về truyền thông hiện đại chỉ dài hai trang cho nên ít được chú ý tới. Tuy nhiên, hai trang này lại là một cảnh cáo mạnh mẽ của Ðức thánh cha về cuộc cách mạng truyền thông của thời đại.
Một cách đặc biệt, Ðức thánh cha bác bỏ lập luận của Tây Phương cho rằng sự xâm nhập của truyền thông hiện đại vào các nước đang phát triển sẽ đương nhiên mang lại ánh sáng văn minh và tiến bộ.
Ðức thánh cha viết như sau: "Không phải vì truyền thông xã hội gia tăng việc giao lưu và quảng bá tư tưởng mà đương nhiên chúng thăng tiến tự do hay "quốc tế hóa" sự phát triển và dân chủ cho mọi người". Ghi nhận này của Ðức thánh cha có thể được chứng minh một cách dễ dàng nếu chúng ta nhìn vào hiện tình các nước nghèo và đang phát triển trên thế giới ngày nay.
Lời cảnh cáo trên đây của Ðức thánh cha làm nổi bật một số điểm quan trọng.
Trước hết, xét dưới khía cạnh luân lý, truyền thông đại chúng không đứng ở thế trung lập. Chúng thường lệ thuộc vào các quyền lợi kinh tế đang muốn thống lĩnh thị trường và áp đặt những mô hình văn hóa nhằm phục vụ cho các ý đồ ý thức hệ và chính trị.
Kế đó, truyền thông có một vai trò to lớn trong việc nhào nặn cách sống của con người. Ðây là vai trò đã được xu thế toàn cầu hóa gia tăng. Ðiều này đòi hỏi phải suy tư nghiêm chỉnh về ảnh hưởng của truyền thông xã hội, nhứt là khi chạm đến các vấn đề đạo đức và chiều kích "liên đới" của sự phát triển.
Truyền thông xã hội có một vai trò khai sáng khi chúng hướng đến một cái nhìn về con người và công ích phản ánh thật sự những giá trị phổ cập. Ðiều đó có nghĩa là truyền thông xã hội cần tập trú vào việc thăng tiến phẩm giá con người, được hướng dẫn bởi bác ái và hướng đến phục vụ chân lý.
Liệu Ðức thánh cha có quá lý tưởng và ngây thơ khi nói đến "bác ái" trong truyền thông đại chúng không?
Ðức Tổng Giám Mục Claudi Celli, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về truyền thông xã hội khẳng định rằng Ðức thánh cha không hề "ngây thơ" khi nhắc chiều kích bác ái ấy của truyền thông xã hội.
Trong một bài viết được hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS trích dẫn, Ðức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về truyền thông xã hội khẳng định rằng Ðức thánh cha biết rất rõ về những gì đang được quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Chính vì thế mà ngài kêu gọi suy tư về hiện tượng "lời nói và hình ảnh" đang làm cho con người sa đọa, chấm dứt tất cả những gì nuôi dưỡng hận thù và bất khoan nhượng hay tất cả những gì làm tổn thương vẽ đẹp và sự thân mật của tính dục con người.
Ðức Tổng Giám Mục Celli, người đã tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật truyền thông mới tại Tòa Thánh, cho biết: Ðức thánh cha vừa muốn đề cao những lợi ích mà sự bùng nổ thông tin mang lại, nhưng đồng thời cũng muốn lên tiếng bày tỏ những quan ngại của ngài. Chẳng hạn ngài đặc biệt quan tâm đến ý niệm về "tình bạn". Ngài tin rằng đây là một yếu tố quan trọng của thời đại thông tin toàn cầu, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ bị "dung tục".
Trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2009, Ðức thánh cha viết như sau: "Thật là một điều đáng buồn nếu khát vọng nuôi dưỡng và phát triển tình bạn trên mạng lại làm tổn hại cho gia đình, người láng giềng và những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong chỗ làm việc, trong môi trường giáo dục và giải trí".
Năm nay đã 82 tuổi, Ðức Benedicto XVI có thể bị xem như một con người "lỗi thời" thích sách vở hơn là băng hình và diễn tả hầu hết những ý tưởng quan trọng của mình bằng các tài liệu viết tay.
Dù vậy, những cộng sự viên thân tín của ngài lại mô tả vị giáo hoàng này như một người bạn của các phương tiện truyền thông hiện đại. Gần đây, sự kiện ngài chấp nhận xuất hiện trên "You Tube" là một bằng chứng cho thấy rằng ngài không hề là kẻ thù của các phương tiện truyền thông hiện đại.
Trong tác phẩm "Muối cho đời", ghi lại những tư tưởng trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng, đức Benedicto XVI đã đề cao vai trò của truyền thông. Tuy nhiên ngài cảnh cáo: "Những xác tín và cách sống liên kết Giáo hội nằm ở một lãnh vực sâu xa hơn là những hình thức diễn tả và cách sống được các phương tiện truyền thông áp đặt lên chúng ta".
Theo Ðức thánh cha, sự bùng nổ các phương tiện truyền thông hiện đại là một thách đố cho Giáo hội. Ðây hẳn phải là một trong những mục tiêu chính của công cuộc truyền giáo của Giáo hội trong thời hiện đại.
Chu Văn