Một mẫu người trái sự thật, trái đạo lý

 

Một mẫu người trái sự thật, trái đạo lý: đây là đề tài của chuyện tử tế tuần này của chúng tôi.

(Radio Veritas Asia 15/08/2009) - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Cuốn phim tài liệu có tựa đề "Sự thật về Hồ Chí Minh" do "Phong trào Quốc Dân Ðòi Trả tên Sài Gòn" thực hiện, đã được rộng rãi giới thiệu với người Việt hải ngoại và nhanh chóng phổ biến "chui" tại Việt nam.

Với nhiều người Việt nam trong nước hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, hình tượng "yêu nước, nhân bản và nhứt là đạo đức" của ông Hồ Chí Minh, được đảng cộng sản Việt nam nhào nặn, đã được phơi bày. Sự thật cho thấy đó chỉ là một hình tượng giả tạo. Ngày nay, nhiều chi tiết trong cuộc đời của ông Hồ Chí Minh đã được tiết lộ.

Theo tài liệu của Ðảng cộng sản Việt nam thì thân phụ ông Hồ chí Minh là Nguyễn Sinh Sắc là một nhà ái quốc, đã từ quan vì chống triều đình. Thật ra, sử liệu cho thấy Ông Nguyễn Sinh Sắc không từ chức, mà bị cách chức vì say rượu đánh chết một nông dân tên là Tạ Ðức Quang. Lúc ấy ông mang tên là Nguyễn Sinh Huy, nhưng từ năm 1898 cải danh thành Nguyễn Sinh Sắc. Án mạng xảy ra vào tháng 5 năm 1909. Tuy, theo sự điều tra của Sở Mật Thám thì ông chỉ mang tội ngộ sát, vì say rượu, nhưng Hội đồng nhiếp chính ở Huế quyết định cách chức ông. Sau đó ông phải vào Lộc Ninh làm giám thị cho một đồn điền cao su để kiếm sống.

"Nguyễn Ái Quốc" cũng không phải là tên riêng của ông Hồ Chí Minh, mà là tên chung của một số nhà ái quốc ở Pháp lúc ấy. Trong số này có các ông Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh. Lúc ấy ông Hồ mới tới Pháp, lại còn trẻ chưa có thành tích gì khiến mật vụ Pháp chú ý theo dõi. Vì thế các bậc đàn anh thường để cho ông ta thay mặt, đứng tên trên các văn kiện hay bài báo do họ soạn thảo chung, hoặc riêng. Ngay chính ông Hồ trong tập hồi ký viết dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, nhan đề "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" cũng xác nhận, nguyên văn trang 46 như sau:

"Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo."

Nhưng điều cần đưa ra ánh sáng ở đây chính là tác giả của cuốn "những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch"

Năm 1997, tức cách nay hơn 11 năm, nhà văn Vũ Thư Hiên đã viết trong tác phẩm hồi ký "Ðêm giữa ban ngày" rằng:

"đến bây giờ chẳng còn ai không biết tác giả Trần Dân Tiên của cuốn "Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch" là chính Hồ Chí Minh." Là bởi vì ngay năm 1976, nghĩa là chỉ một năm sau khi toàn thắng và chiếm được cả nước, những người cộng sản đã chủ quan cho rằng nay đã toàn thắng, chẳng còn gì phải sợ, phải giấu nữa, nên họ đã ngang nhiên xác nhận điều đó trong cuốn "Những Sự Kiện Lịch Sử Ðảng Cộng Sản".

Rồi 11 năm sau, tức năm 1987, một cán bộ Cộng sản là Hà Minh Ðức cũng viết hụych tọet ra rằng cuốn sách nói trên là tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh. Cuốn sách của Hà Minh Ðức còn được đề tựa bởi Nguyễn Khánh Toàn, là người đã từng sống và làm việc với ông Hồ ở Nga trong nhiều năm, biết rõ về ông Hồ.

Sở dĩ ông Hồ Chính Minh đã có thể trơ trẻn đến độ viết sách tự đề cao mình, tự xưng mình là "người khiêm tốn nhường ấy", tự gán cho mình tước hiệu "Cha Già Dân Tộc" một cách lố lăng như thế là vì nhu cầu cấp bách để tự cứu lấy sinh mạng chính trị của mình. Lúc cuốn sách xuất bản lần đầu tiên là vào mùa xuân năm 1948. Như vậy ông ta đã cưu mang và viết nó trong lúc chiến cuộc sôi động nhất giữa quân Pháp và Việt Minh. Quân của ông Hồ chịu những tổn thất kinh khủng. Ðã có lúc ông suýt bị bắt sống ở Việt Bắc. Ông ta thấy rõ nguyên do tại sao không chỉ có Thực Dân Pháp, mà cả các chính phủ Anh, Mỹ đều chống Việt Minh. Anh đã giúp Pháp trở lại Ðông Dương sau thế chiến II. Mỹ đã viện trợ dồi dào về tài chính cho Pháp tiếp tục chiến tranh chống Việt Minh. Chỉ vì họ biết ông là Công Sản. Mà theo ý họ, đã là cộng sản thì là tay sai Quốc Tế III, hay Quốc Tế Cộng Sản, tức Liên Xô.

Chính ông Hồ đã gián tiếp thú nhận điều đó khi viết trong cuốn sách mỏng nói trên rằng:

"Bọn đế quốc bịa đặt rằng những người cách mạng đó là tay sai của Ðệ Tam Quốc Tế, của Liên Xô... Ðế quốc Anh cho rằng ông Nguyễn là tay sai của Liên Xô. Vì vậy nhà cầm quyền Anh coi ông là kẻ thù số một và cố bắt ông cho bằng được."

Một trong những điều lố lăng nhứt của tác giả cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" là tự tôn mình lên làm "Cha Già Dân Tộc". Thật vậy, ở cuối cuốn sách, tác giả viết:

"Nhân dân Việt Nam muôn người như một nghe theo lời Hồ Chủ tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ tịch. Không có gì so sánh với lòng dân Việt Nam kính mến, tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh.

"Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha Già Hồ Chí Minh."

"Nhân dân gọi Hồ Chủ tịch là Cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam."

Thật ra ông Hồ Chí Minh có phải là "con người trung thành nhất của tổ quốc Việt nam", nghĩa là một con người thật sự yêu nước, thương nòi, có tinh thần dân tộc thật sự không, hay ông chỉ là một tín đồ của chủ nghĩa cộng sản?

Theo đúng thuyết Cộng Sản, của Mác cũng như của Lênin, thì người cộng sản tranh đấu đánh đổ các nước tư bản, đế quốc để lập nên một chế độ đại đồng trong đó không còn quốc gia nữa. Nhưng theo sách lược giai đoạn của Lênin, thì muốn đi tới mục tiêu cuối cùng đó, phải chia cuộc đấu tranh ra làm nhiều giai đoạn. Và trong một giai đoạn nào đó, Quốc Tế Cộng Sản cần phải lợi dụng lòng yêu nước của các dân tộc bị trị để đánh đế quốc, và tiêu diệt tư sản. Khi qua giai đoạn đó rồi, thì sẽ tiến lên giai đoạn hủy bỏ các quốc gia cùng với các giai cấp để chỉ còn lại giai cấp vô sản toàn thế giới mà thôi.

Như vậy, tóm lại những người cộng sản như ông Hồ nói là chiến đấu chống thực dân, đế quốc, không phải vì chủ nghĩa dân tộc, mà vì chủ nghĩa cộng sản, vì thế giới đại đồng hoang tưởng.

Những sự kiện lịch sử chứng minh điều đó. Nếu bảo ông Hồ và đảng cộng sản của ông chiến đấu vì dân vì nước, vì chủ nghĩa dân tộc, thì tại sao các ông lại giết vô số nhà ái quốc? Nếu bảo chiến đấu để đánh đuổi thực dân, giành độc lập, thì tại sao sau hiệp ước Élysée do Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký với cựu hoàng Bảo Ðại ngày 8-3-1949 và được Quốc Hội Pháp phê chuẩn đầu năm 1950 trao trả độc lập cho Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp, các ông vẫn tiếp tục chiến tranh, đẩy hàng trăm ngàn người vào chỗ chết? Như vậy là thương dân, vì dân ư? Ðộc lập đã có rồi cơ mà? Tại sao khi đã chiếm được nửa nước, với hiệp định Genève, năm 1954, các ông liền áp dụng đúng những chính sách của một nước Cộng Sản, như Trung Cộng, như Liên Xô và các nước Ðông Âu. Cũng hợp tác xã, cũng đánh tư sản, cũng cải cách ruộng đất. Chỉ nguyên cuộc cải cách ruộng đất này đã giết gần 200 ngàn người. Tài liệu lịch sử kinh tế của chính các ông đã xác nhận con số người bị giết là 172,008. Nhưng nhiều nguồn tin khác nói đến nửa triệu. Cải cách bằng bạo lực, khủng bố kinh khủng như vậy rõ ràng mang dấu ấn của chủ nghĩa cách mạng giai cấp bằng bạo lực của Mác, Lê, không thể nào bảo là cuộc cải cách vì dân tộc được.

Hơn nữa, bằng chứng rành rành cho thấy chính ông Hồ đã viết đơn xin Staline chỉ thị về việc tiến hành cuộc cải cách đẩm máu ấy.

Trong tập III của hồi ức của mình, chủ tịch Khrutshchev của Liên xô đã viết về Hồ Chí Minh như sau:

"Các bạn phải tôn kính người này (tức Hồ Chí Minh), hãy quỳ gối trước ông ấy để tỏ lòng biết ơn về những đóng góp vô vị lợi của ông ấy cho chính nghĩa Cộng Sản, đã dành cho nó tất cả sức lực và khả năng của mình."

Trong tập I, Khrutshchev viết: "giờ đây nhân dân Việt nam đang đổ máu và hiến sinh mạng vì phong trào cộng sản thế giới".

Như vậy, nếu nói ông Hồ có công thì phải nói ông ta có công với Quốc Tế Cộng Sản, chứ không có công mà chỉ có tội với nhân dân Việt Nam mà thôi.

Không độc ác như Staline, không khát máu như Mao Trạch Ðông, không tàn bạo như Polpot, không dã man như Hitler, nhưng chắc chắn với những khổ đau triền miên mà dân tộc Việt nam đã gánh chịu dưới ách cộng sản do Hồ Chí Minh áp đặt, người ta chỉ có thể so sánh ông với hình tượng gian hùng của một Tào Tháo mà thôi. Với những con người như thế thì mọi phương tiện đều tốt miễn là họ đạt được mục đích của mình. Ðưa những mẩu người như thế ra để tôn thờ, để học tập và noi theo thì không gì "trái sự thật, trái đạo lý" cho bằng. Muốn biết điều đó có trái với đạo lý hay không thì chỉ cần nhìn vào đám "quần chúng tự phát", phường "xã hội đen" sát cánh bên cạnh công an cảnh sát để hành hung dân lành trong vụ Tam Tòa vừa qua. Ðó là phó bản trung thành của một Hình Tượng Vô Ðạo được tôn thờ như một mẫu gương để học tập và noi theo.

Chúng tôi xin tạm ngưng chuyện tử tế tuần này tại đây. Xin thân ái chào quí vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Bảy tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page