Ơn tha thứ và

biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu

 

Ơn tha thứ và biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu.

Roma [Chiesa 10/08/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Trong nghị trình làm việc của Ðức thánh cha trong mùa hè này, người ta thấy tên tuổi của thánh Gioan Maria Vianney, bí tích sám hối và Lễ Chúa Giesu biến hình trên núi Tabor liên kết chặt chẻ với nhau.

Trước hết, trong bài huấn dụ trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần hôm thứ Tư 5 tháng 8 năm 2009, Ðức thánh cha Beneđitô XVI đặc biệt đề cao gương của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, mà Giáo hội vừa tưởng niệm 150 năm ngày qua đời. Không những đối với tất cả mọi linh mục trong Năm Linh mục này, thánh nhân cũng là mẫu gương sống đức tin cho mọi tín hữu Kitô trong thời đại tục hóa, duy lý và duy tương đối này.

Trong bài huấn dụ, Ðức thánh cha nhấn mạnh rằng trong một nước Pháp hậu cách mạng đang trải qua điều mà ngài gọi là "nền độc tài của chủ nghĩa duy lý" có chủ trương loại bỏ sự hiện diện của linh mục và Giáo hội ra khỏi xã hội, thánh Gioan Maria Vianney đã thể hiện một niềm tin kiên cường và can đảm: mỗi đêm ngài đã đi bộ hằng chục cây số để tham dự thánh lễ. Sau đó, khi làm linh mục, thánh nhân đã vận dụng mọi sáng kiến mục vụ để chứng mình rằng chủ nghĩa duy lý đang thống trị trong xã hội, trong thực tế đã không thỏa mãn được những nhu cầu đích thực của con người và do đó không khả tin.

Một cách cụ thể, cuộc sống của cha sở họ Ars hoàn toàn dâng hiến cho bí tích Thánh Thể và bí tích giải tội. Ngài sống giữa bàn thờ và tòa cáo giải.

Về bí tích sám hối, Báo Người Quan Sát Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, đã cho đăng một bài viết về thánh Ambrosio, Giám mục Milano, bắc Ý vào thế kỷ thứ 4.

Cha Inos Biffi, một chuyên gia về các thánh giáo phụ và tác giả của bài báo, viết rằng "theo thánh Ambrosio, Chúa Kitô Nhân Từ hay lòng nhân từ xuất phát từ Ngài là lý do tại sao Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới và con người nói riêng. Tha thứ là tiếng nói đầu tiên và cuối cùng về thế giới và về lịch sử thế giới".

Theo tác giả bài báo, tư tưởng của thánh Ambrosio về sự tha thứ được trình bày trong bài chú giải của ngài về việc tạo dựng vũ trụ. Thánh nhân viết: "Chúa là Thiên Chúa chúng ta đã tạo dựng trời và tôi không thấy nói Ngài đã nghỉ ngơi. Ngài tạo dựng trái đất và tôi cũng không thấy Ngài nghỉ ngơi. Ngài đã tạo dựng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao và tôi cũng không thấy nói Ngài đã nghỉ ngơi. Nhưng tôi đọc thấy rằng Ngài đã tạo dựng con người và sau đó, Ngài đã nghỉ ngơi, vì con người là một tạo vật mà Ngài có thể tha tội cho".

Tác giả bài báo suy luận: "Con người được Thiên Chúa tạo dựng ngay từ đầu như một tạo vật để được tha thứ". Vì lý do này, trên thiên đàng vui mừng mỗi khi lòng nhân từ được thể hiện: tạo vật đạt được cứu cánh và vinh quanh của nó. Hơn bất cứ vị thánh giáo phụ nào, thánh Ambrosio cảm nhận được quyền năng của ơn thánh có sức tái tạo và nhờ đó, lỗi lầm được tha thứ. Và ơn tha thứ của Thiên Chúa đạt đến hối nhân như thế nào, nếu không phải là xuyên qua bí tích sám hối?

Cũng trên báo Người Quan Sát Roma trong số ra ngày 5 tháng 8 năm 2009, thần học gia người Mỹ Robert Imbelli xem biến cố Hiển Dung của Chúa Giesu trên núi Tabor như một chìa khóa để giải thích thông điệp "Bác ái trong sự thật" (Caritas in Veritate) của Ðức thánh cha và như vậy cũng giúp hiểu được ý nghĩa cuối cùng của con người và vũ trụ.

Theo tác giả Imbelli, "biến cố Hiễn dung cho thấy gương mặt thật của Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Chúa Cha và định mệnh của các môn đệ và mọi người. Nói cách khác, biến cố mạc khải chân lý về Chúa Kito và toàn thể nhân loại, như thánh Marco đã ghi lại: "6 ngày sau, Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbe và Gioan lên núi cao. Và Ngài đã biến hình trước mặt họ".

Theo một số giáo phụ, cụm từ "sáu ngày sau" là một lời loan báo về sự kiện toàn của công cuộc tạo dựng. Nói cách khác, việc Thiên Chúa tạo dựng Adam và Eva đã được hoàn tất trong sự mạc khải của con người thật là Chúa Giesu Kitô, Adam mới, nơi vinh quang của Thiên Chúa ngự trị một cách tỏ tường.

Theo tác giả Imbelli, hiểu như thế thì lễ Hiển Dung có thể được cứ hành như một ngày lễ, trong đó Giáo hội công bố cái nhìn của mình về một nhân bản chủ nghĩa toàn diện. Chiêm ngắm vẽ đẹp của Chúa Giêsu biến hình, các môn đệ khao khát được nhìn thấy toàn thế giới được bao trùm trong ánh sáng biến hình và hành động phù hợp với ước muốn thánh thiện ấy.

Trích dẫn thông điệp mới của Ðức thánh cha, tác giả viết: "phát triển đòi hỏi phải chú ý đến đời sống thiêng liêng, quan tâm đến những cảm nghiệm về lòng tin tưởng nơi Chúa, hiệp thông thiêng liêng với Chúa Kitô, phó thác vào sự quan phòng và lòng thương xót của Thiên Chúa, tình yêu và sự tha thứ, quên mình, chấp nhận người khác, công lý và hòa bình. Trên đây là những đòi hỏi cốt lõi để được biến đổi thành những trái tim "bằng thịt", biến cuộc sống trần thế thành thần linh và như vậy xứng đáng hơn với nhân loại.

Tác giả đặc biệt nhắc đến đức cố giáo hoàng Phaolô VI, người qua đời trong chính ngày lễ Hiễn dung ngày 6 tháng 8 năm 1978 tại Castel Gandolfo.

Trong thông điệp "bác ái trong sự thật", Ðức Benedicto XVI viết rằng Ðức Phaolô VI đã làm chứng cho mầu nhiệm hiễn dung trong cuộc sống của mình. Gương của Chúa Giêsu biến hình đã mang lại sức mạnh cho linh đạo và niềm hy vọng của ngài về Giáo hội và nhân loại... Ðược thúc đẩy bởi ước muốn làm cho tình yêu của Chúa Kitô được hiển hiện nơi con người thời đại, Ðức Phaolô VI đã đề cập đến những vấn đề đạo đức quan trọng cũng như những nhược điểm văn hóa của thời đại".

Ðây cũng chính là nỗ lực của cha sở họ Ars cách đó một thế kỷ rưởi: mang lại ơn tha thứ của Chúa dưới ánh sáng của biến cố Hiển dung.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page