Giáo xứ Tam Tòa

hành trình gian khổ của Ðức Tin

 

Giáo xứ Tam Tòa, hành trình gian khổ của Ðức Tin.

Nguyễn Ðức Cung (New Jersey August 08, 2009)

Trong tác phẩm Thiên Chúa và Trần Thế, Ðức Giáo Hoàng Biển-Ðức XVI đã viết rằng: "Ðức tin là một con đường. Bao lâu còn sống, ta còn trên đường, và vì vậy, đức tin vẫn luôn bị đe dọa và bị chèn ép... Ðức tin chỉ có thể trưởng thành, khi trong mọi giai đoạn cuộc sống nó đủ sức chấp nhận và chịu đựng sức mạnh cũng như sự o ép của không tin, cuối cùng vượt thắng chúng, để lại bước đi tiếp trên một đoạn đường mới." [1] Lời dạy của vị giáo hoàng thần học gia số một trên thế giới quả thật đã lột tả được giá trị sinh động của đức tin đối chiếu với cuộc sống của người tín hữu Công Giáo Việt Nam nói chung và người giáo dân Tam Tòa nói riêng kể từ khi Tin Mừng được truyền bá trên đất nước Việt Nam.

Cách đây gần bốn thế kỷ, năm 1643, khi hạt giống đức tin Công Giáo được linh mục Ðắc-Lộ (Alexandre De Rhodes) gieo vãi trên vùng đất huyện Lệ-Thủy thuộc phía nam của tỉnh Quảng Bình, một số địa danh như Ðại-Phong (hay Kẻ Ðợi), Mỹ Hương, Mỹ Phước, Xuân Hồi, Sáo Cát, Sáo Bùn rồi Tam Tòa đã trở nên quen thuộc trong lịch sử giáo hội Công Giáo Việt Nam vì đó là những cứ điểm của đức tin, những cái nôi sản sinh người Công Giáo và cũng là những trường hợp lịch sử người giáo dân dùng mạng sống để chứng minh cho Sự thật và Công lý. Các tư liệu liên quan tới những cuộc hành trình gian khổ của Ðức Tin phát xuất do những biến động thời cuộc từ giáo xứ Mỹ Hương qua Sáo Bùn đến Tam Tòa xuyên suốt nhiều triều đại lịch sử, ngày nay vẫn còn là những tư liệu khả chứng để người giáo dân Tam Tòa có thể sống, cảm nghiệm và viết tiếp trang sử đức tin của mình.

1.- Hành trình đức tin từ Macao đến Ðại Việt.

Sự truyền bá đạo Công Giáo ở Ðại Việt trong những năm đầu thế kỷ XVII liên hệ đến hoạt động của Dòng Tên đặt trụ sở tại Macao (hay Áo Môn) để điều khiển chương trình làm việc của dòng này tại Trung Hoa và Nhật Bản lúc bấy giờ. Dòng Tên tức là dòng tu mang tên Ðức Chúa Giêsu (Société des Jésuites) do Thánh Ignatius Loyola thành lập ở Paris năm 1534. gọi là Dòng Tên vì kỵ húy sợ phạm đến tên Chúa Giêsu. Dòng này được sự bảo trợ của Bồ Ðào Nha do sự phân công của Rôma theo tinh thần của hiệp ước Tordesillas năm 1494 và sáng kiến truyền đạo tại Ðại Việt bắt nguồn từ nhiều biến cố. [2]

Trước hết từ khi vua Lê Thế-Tông (1573-1599) hãy còn nhỏ tuổi, bà chị của vua là công chúa Mai Hoa tục gọi là bà chúa Chèm [3] giữ quyền nhiếp chính đã có liên lạc với người Bồ ở Macao để nhờ giúp đỡ mục đích là gây dựng thế lực chống lại sự khuynh loát của Trịnh Tùng. Bà cho mời các thừa sai người Bồ đến Thăng Long để truyền đạo nhưng lúc bấy giờ Macao chưa có thừa sai nên đã không đáp ứng được yêu cầu này. Bà cho người sang tận Goa cũng với mục đích đó nhưng Giám mục ở Goa đã giới thiệu sứ giả về Macao vì vùng đất Ðại Việt thuộc khu vực truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên ở Macao. Giáo sĩ Ordonez de Cevallos, người Tây Ban Nha, đến Ðại Việt, gặp Lê Thế-Tông và công chúa Mai Hoa năm 1591. Công chúa có cảm tình với giáo sĩ này, ngỏ ý muốn kết hôn cùng ông nhưng ông cho biết linh mục không thể lập gia đình. Bà chúa này xin trở lại đạo Công Giáo và lấy tên thánh là Maria, tiếng Việt là Mai Hoa, có lập một nhà tu kín ở An Trường (Thanh Hóa).

Macao hay còn gọi là Áo môn, cũng có tên A-Ma-Kao năm 1555 là một làng nhỏ người Bồ cất tạm mấy nhà tranh để làm trạm chuyển dịch hàng hóa cho người Tàu ở tỉnh Quảng Ðông. Chung quanh Macao là khu vực hoành hành của bọn trộm cướp lưu manh và nhờ sự yêu cầu của quan trấn Quảng Ðông, người Bồ đã dẹp yên được bọn cướp và trong ít năm lợi dụng đây là một khu vực dễ đi lại và kín gió cho tàu bè, người Bồ đã biến vùng này thành một khu thương mại sầm uất. Người Bồ dùng Macao làm trạm liên lạc trung gian giữa Trung Hoa với Nhật Bản và giữa Trung Hoa với phương Tây. Người Trung Hoa cho Bồ Ðào Nha thuê Macao, trả cống vật và chấp nhận sự can thiệp vào đó của chính quyền Trung Hoa [4]. Năm 1578, Ðại Việt lại cử một phái đoàn đến Macao mục đích vận động xin các thừa sai đến giảng đạo. Giám mục Carneiro ở đây nhờ linh mục Pedro d'Alfaro qua Bắc Việt giảng đạo nhưng cha này không đi được vì đang bận lo xây tu viện ở Phi Luật Tân. Về sau ngài bị người Bồ trục xuất và trên đường về Goa để khiếu nại thì bị mất ở bờ biển Bình Ðịnh.

Sau đó linh mục Giovanni Battista de Pesaro, người Ý thay thế cha Alfaro mở trường dạy giáo lý cho các thanh niên Tàu, Nhật và Việt, có gửi tặng Mạc Mậu Hợp một bức họa về ngày phán xét và một lá thư xin vào Bắc Việt để giảng đạo. Mạc Mậu Hợp rất vui mừng cho phép các thừa sai đến giảng đạo, chủ tâm là kéo người Bồ về phe của ông mục đích chống lại thế lực của nhà Lê ngày càng trở nên mạnh. Nhưng rủi thay, cha Pesaro không sang Ðại Việt được vì phải trở về Âu châu và từ trần ở Naples (Ý).

Việc các thừa sai Dòng Tên đến truyền giáo ở Ðại Việt xuất phát từ lý do đạo Công Giáo lúc bấy giờ bị bách hại rất dữ dội ở Nhật Bản nên một số giáo dân phải tìm cách trốn đi, nhiều người đến Hội An (Quảng Nam) và định cư ở đấy. Nhiều tư liệu cho biết lý do cấm đạo tại Nhật Bản là do sự tranh thương giữa các lái buôn Hòa Lan theo Tin Lành và các thương nhân Bồ theo Công Giáo nên đã tìm cách ảnh hưởng trên các lãnh chúa Nhật, gây nghi ngờ hoang mang rồi xui giục các lãnh chúa ra chỉ thị cấm đạo. Thương nhân Hòa Lan đã nỗ lực tuyên truyền để lãnh chúa Nhật tin rằng các thừa sai là tay chân đế quốc Bồ, lợi dụng danh nghĩa truyền giáo để do thám và tổ chức nội công cho việc thôn tính nước Nhật của hoàng đế Bồ trong tương lai [5]. Tuy nhiên, cần nhận thấy rõ rằng các lãnh chúa Nhật và các nhà truyền giáo Dòng Tên đặt quan hệ trên nguyên tắc rất rõ rệt: trao đi đổi lại: "cho quyền giảng đạo miễn là đứng lấn tới chính trị, và các giáo sĩ phải giúp các lãnh chúa súng ống, cách đóng thuyền, trang bị các dụng cụ đi biển; nhờ vậy mà thương thuyền Nhật bản có thể đi cùng khắp Ðông Nam Á: Ðài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương và Việt Nam (Hải Phòng, Phố Hiến, Hội An, Ðà Nẵng...) Lãnh chúa Mobugana (1534-1582) lại dùng đạo mới để chống đối lại những giáo phái Phật giáo mà ông đang muốn khuynh đảo. Lãnh chúa Hideyoshi (1536-1598) tuy ra lệnh giết 26 người Kitô giáo, nhưng vẫn để cho thương thuyền Bồ Ðào Nha buôn bán ở Nagasaki. Sự đố kỵ giữa người Hòa Lan theo Thệ phản và người Bồ theo Công giáo cũng được các lãnh chúa lợi dụng để chia rẽ người Tây phương với nhau. Ðến thời Tokugama Ieyasu (1543-1616), khi các lãnh chúa thấy có thể giao thiệp thẳng với các vua chúa và các nhà cầm quyền vùng Ðông Nam Á (kể cả Phi Luật Tân của Y Pha Nho), không cần sự môi giới của các nhà truyền giáo nữa, và có lẽ mọi kỹ thuật đi biển đã biết hết rồi, họ mới cấm đạo. Ðến cuối thế kỷ thứ 17, họ thẳng tay đuổi những người Nhật theo đạo đi Macao và Phi Luật Tân, và tàn sát những người ở lại Nhật mà không chịu bỏ đạo. Chính sách lợi dụng, học hỏi Tây phương để lấy lợi cho mình bắt đầu từ các lãnh chúa qua tới Minh Trị và có thể nói cho tới ngày nay các nhà cầm quyền Nhật vẫn tiếp tục noi theo." [6] Sự xuất hiện của các giáo sĩ ngoại quốc ở Ðàng Trong, kiến thức uyên bác và tinh thần thương yêu hài hòa của họ đối với dân chúng và nhà cầm quyền đã làm nảy sinh nhiều phương cách xử trí.

Trong tác phẩm Xứ Ðàng Trong, Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Li Tana dẫn lại ý kiến của Boxer khi tin rằng "mặc dù, tự thâm tâm, thù ghét việc truyền bá đức tin Kitô giáo trong lãnh thổ của mình, họ Nguyễn cũng ít nhiều nhắm mắt làm ngơ trước sự có mặt của các thừa sai Công giáo Rôma với mục đích là có được súng và đại bác từ Macao." [7] Ở đây người ta tìm thấy một sự đồng nhất trong chính sách đối với giáo sĩ ngọại quốc của các lãnh chúa Nhật Bản và chúa Nguyễn ở Ðàng Trong hay chúa Trịnh ở Ðàng Ngoài là muốn canh tân quân đội để tranh giành quyền chính trị mà vũ khí là cái họ nghĩ đến trước tiên.

Ðối với các vị thừa sai, mục đích của họ tới Ðại Việt là để truyền giáo, là mang ánh sáng đức tin đến cho người dân xứ này, cho nên họ đã cố gắng làm bất cứ cái gì trong khả năng của mình để được phép ở lại mà giảng đạo. Ngoài việc nhờ các giáo sĩ tìm mua các vũ khí tối tân, ý định của các chúa Nguyễn còn bộc lộ trong các mục tiệu khác như năm 1686 chúa Hiền dùng quyền mình buộc Bartholomêô da Costa thầy thuốc riêng của chúa lúc đó đang chuẩn bị về lại Âu châu, phải từ Macao trở lại Ðàng Trong để coi sóc sức khỏe cho chúa. Antonio de Arnedo năm 1704 và De Lima năm 1724 được chúa Nguyễn Phúc Chu thu dụng để dạy ông toán và thiên văn. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đã dùng Neugebauer và Diebert và sau khi những người này qua đời năm 1745, Slamenski và Koffler được điền vào chỗ họ. Năm 1752, chúa sử dụng thừa sai Dòng Tên Xavier de Moteiro, nhà hình học và Jean de Loureira, bác sĩ.

Tại Nhật Bản từ năm 1596, đã có tình trạng bách hại Thiên Chúa giáo. Trước kia ở Nhật có khoảng 123 giáo sĩ theo đuổi công cuộc truyền giáo nhưng nay chỉ còn khoảng 30 người ở lại, đa số khác phải buộc trở về Áo Môn. Trong lúc họ chờ đợi thì một thương gia Bồ, Ferdinado a Corta đem đến cho họ một đề nghị thích hợp với lòng hăng hái của họ: sang Ðại Việt truyền giáo. Và họ nhận [8]. Năm 1615, hai giáo sĩ Dòng Tên Francisco Buzomi và Diego Carvalho đến Nam Hà, cập bến Ðà-Nẵng cùng với một số người giúp việc gồm một Bồ và hai Nhật. Cha Buzomi lo học tiếng Việt, tìm nơi lập trụ sở, khởi đầu công cuộc giảng đạo. Cuối năm đó con số tín hữu lên 300. Khi Carvalho đi thì có Anrê Fernandez đến, rồi năm 1617 thêm có Francisco Barretto và Francisco di Pina. Về sau thêm có Christoforo Borri là một nhà bác học đến giúp, năm 1622 rời Việt Nam về Âu châu. Năm 1624, cha Buzomi có thêm 7 cộng sự viên đến giúp trong số đó có cha Alexandre de Rhodes.

2.- Ðức tin nở hoa ở Ðàng Trong và nhu cầu đào tạo lớp cán bộ truyền giáo.

Một trong những vị thừa sai có công nhất đối với đạo Công giáo tại Việt Nam và đối với nền văn hóa dân tộc có thể nói đó là linh mục Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ).

Cha Ðắc-Lộ sinh ngày 15.3.1593 thuộc giáo xứ thánh Mađalêna tại Avignon, thuộc lãnh thổ của Tòa Thánh từ năm 1348-1791, do đó cha Ðắc-Lộ và gia đình là công dân dưới quyền Ðức Giáo Hoàng, mang quốc tịch Tòa Thánh (sujet du Pape). Có tư liệu cho ngài thuộc gốc Do Thái nhưng có tác giả như Dr. L. Gaide trong bài Quelques renseignements sur la famille du P. A. De Rhodes đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, cho biết ngài gốc Tây Ban Nha. Theo Amé Chezaud, dòng Tên, trong bài "Alexandre de Rhodes từ trần (Ðỗ Quang Chính phiên dịch và chú thích), "không có dấu chỉ Rhodes thuộc dòng dõi Do Thái như người ta tưởng. Hãy cứ tạm nhận cho Rhodes có nguồn gốc Do Thái#" [9] Thân sinh là cụ Bernadin II de Rhodes, một quan chức giàu có, làm bạn đời cùng Francoise de Raphaelis, ngày 10.9.1590, có 8 người con mà Rhodes là con thứ hai.

Từ lúc 7 tuổi theo học ở Collège d'Avignon với các cha Dòng Tên nên theo ơn gọi tại đây và vào nhà tập Dòng Tên tại Rôma. Thụ phong linh mục năm 1618, ngài được bề trên cho phép đi truyền giáo tại Nhật Bản. Ngày 29.5.1623, De Rhodes đặt chân tới Áo Môn (Macao) chờ dịp thuận tiện để vào Nhật nhưng tình hình ở Nhật lúc bấy giờ vô cùng khó khăn vì quốc gia này đang ban hành lệnh cấm đạo gắt gao do tướng quân Phong Thần Tú Cát (Hideyoshi) khởi đầu từ 1587, rồi đến tướng quân Ðức Xuyên Tú Trung (Ieyasu) năm 1614 làm cho giáo hội non trẻ xứ Thái Dương Thần Nữ trở nên tan tác. Ở Nhật Bản lúc đó các cha thừa sai chưa biết tổ chức hệ thống "thầy giảng" người bản xứ nên một khi các giáo sĩ ngoại quốc, bị giết, bị bắt hoặc bị trục xuất, thì giáo dân trở nên như rắn mất đầu. Trường hợp Ðại Việt sau này lại khác vì các thừa sai đã biết rút kinh nghiệm ở xứ Phù Tang.

Ngày 7.12.1624 đoàn giáo sĩ Dòng Tên gồm có Antonio de Fontis, Gaspar Luis, Alex. De Rhodes, Hieronimo Majorica dưới sự hướng dẫn của linh mục Gabriel de Mattos đến Hội An. Học ngôn ngữ bản xứ trong 6 tháng, cha Ðắc-Lộ đã giảng được tiếng Việt và sau 18 tháng ngài được gọi về Áo-Môn để đi giảng đạo ở Bắc-Kỳ.

Vùng nam sông Gianh lúc bấy giờ do giáo sĩ Buzomi phụ trách truyền giáo kể từ năm 1615.

Ngày 19.3.1627 linh mục Ðắc Lộ đến cửa Bạng (Thanh Hóa) rồi ra Kẻ Chợ, gặp Trịnh Tráng lúc ông này đang chuẩn bị đem quân vào đánh Nam Hà. Ðến cuối năm 1627, các giáo sĩ ở Hà nội rửa tội được 1.200 người gồm chị của chúa và gia quyến, tên thánh Monica. Một bà khác là vợ Trịnh Tùng cũng vào đạo, tên thánh Catarina với 200 nhà sư. Năm 1628 có thêm 2.000, năm sau thêm 3.500.

Sau khi xuất quân đi đánh Chúa Nguyễn thất lợi trong cuộc ra quân lần thứ nhất, Trịnh Tráng lại thấy mùa buôn đã qua mà không thấy tàu nào tới Bắc Hà, nên đã ra lệnh trục xuất cha Ðắc-Lộ vào Nam Hà cuối tháng 3 năm 1629. Ðoàn người bị trục xuất gồm cha Ðắc-Lộ, cha Pedre Marquez và hai người Việt là Inhaxu Nhuận và một quân nhân đã giải ngũ có tên Antôn làm nhiệm vụ liên lạc.

Khi cha Ðắc-Lộ bị Trịnh Tráng tống xuất vào Bố Chính thì ở đấy cha đã gặp lại những người Công Giáo mà cha đã rửa tội trước đó hai năm (1627). Ðất Bố Chính lúc bấy giờ chia làm hai: Bắc Bố-Chính từ Ðèo Ngang vào tới bắc sông Gianh - nguồn Son do tướng Nguyễn Khắc Kham làm tri châu, Nam Bố-Chính từ phía nam sông Gianh - nguồn Son vào tới sông Nhật Lệ do tướng Nguyễn Tịch làm tri châu.

Theo linh mục Henri Albi thời điểm cuộc tống xuất nói trên là ngày 31-3-1629, linh mục Ðắc-Lộ cho biết đoàn có 37 người kể cả viên thuyền trưởng, thuyền ghé Kẻ Bờ rồi Kẻ No gần Cửa Bạng. Trên đường Kẻ Bạng - Cửa chùa, Ðắc-Lộ gặp hai quân binh đã chịu phép rửa trước đây tại Kẻ Chợ là Simon và Anrê. Họ đem gia quyến và bạn hữu đến xin cha rửa tội.

Ngày 15-4-1629, linh mục Ðắc-Lộ và phái đoàn đến Bắc Bố Chính và được giao cho quan tri châu là tướng Nguyễn Khắc Kham. Ông này đối xử rất tử tế với ngài. Linh mục tranh thủ rao giảng phúc âm ở chợ Phan Long cũ tức Ba-Ðồn sau này, thành lập một cộng đoàn gồm 27 giáo dân tại vùng bắc Quảng bình rồi trở ra Nghệ An về lại Kẻ Chợ. Ở đây linh mục không gặp được Trịnh Tráng vì chúa cố ý lánh mặt nên có tàu Bồ đến cha lên đường trở về Áo Môn và 10 năm sau trở lại Nam Hà khi linh mục Buzomi già yếu, ngã bệnh và mất tại Áo Môn. Giáo dân ở Nam Hà lúc bấy giờ đã có khoảng 12.000 người do công lao to lớn của cha Buzomi. Viết về linh mục Buzomi, cha Ðắc-Lộ cho biết: "Buzomi đã sống thánh thiện, làm việc không biết chán, bạo dạn trước gian nguy, cương quyết thi hành điều đã định. Người đã thành công một cách mỹ mãn vì khi người đặt chân lên đất Nam Hà, chỉ có mấy người theo đạo Thiên Chúa, vậy mà người đã để lại ít ra cũng 12.000 tín hữu." [10] Bạo dạn trước gian nguy là đức tính của bậc lãnh đạo tinh thần thiết tưởng cũng là tấm gương đáng bắt chước của người Công Giáo Việt Nam ngày nay trước mọi kẻ thù của tôn giáo.

Cuộc đời và sự nghiệp của cha Ðắc-Lộ đã để lại rất nhiều điều cần học hỏi nhưng ở đây chúng ta sẽ nhắc đến một vấn đề quan trọng đó là thiết lập hệ thống thầy giảng tức là đào tạo cán bộ truyền giáo để nối tiếp công tác mục vụ khi các giáo sĩ vắng mặt.

Trong sách Người chứng thứ nhất, tác giả Phạm Ðình Khiêm đã cho biết tình hình đạo Công Giáo ở Ðàng Trong và nhu cầu phải có thêm cộng sự viên người bản xứ trong thế kỷ XVII như sau: "Khi đạo càng truyền rộng ra, thì luật-lệ càng nghiêm-minh chặt chẽ, việc phong chức thánh càng khó khăn hơn. Ðối với các nhà truyền giáo ở giữa dân ngoại trong thế kỷ XVII, vấn đề này thật phức-tạp. Không có quyền truyền chức thánh, không có phương-tiện đào-tạo ngay các linh-mục theo những luật-lệ và điều kiện đã qui-định sẵn, các vị này, do nhu-cầu thúc-bách, đã tạo ra một giải-pháp trung-gian mà đến nay vẫn còn cần-thiết: đó là các "Thầy giảng" lựa chọn ngay trong số các giáo-hữu tại địa-phương để tham gia nhiệm-vụ truyền-giáo." [11] Thật ra cơ chế "Thầy giảng" từ thế kỷ XVI đã có tại Nam Mỹ, và tại châu Á, cụ thể là tại Ấn Ðộ chính thánh Phanxicô Xavie đã áp dụng hữu hiệu tại Ấn Ðộ. Phương sách này cũng đã được Tòa Thánh Rôma khuyến khích và năm 1567, thánh Phanxicô Borgia đã gửi chỉ thị cho các giáo sĩ Dòng Tên.

Tại Nam Hà, trước đó, linh mục Buzomi và các giáo sĩ hoạt động công tác truyền giáo bên cạnh ngài đã dùng người giáo dân Việt Nam cộng tác vào các chương trình truyền giáo, cũng gọi họ là "Thầy giảng" nhưng chưa có đặt ra các điều lệ về tổ chức đoàn thể, khấn hứa, chức vị rõ ràng. Trong thời gian giảng đạo ở Bắc Việt từ 1627 đến 1630 chắc có lẽ linh mục Ðắc-Lộ có liên lạc với cha Buzomi ở Nam Hà nên tại đây ngài cũng thành lập cơ chế "Thầy giảng" với các vị nổi tiếng như An-tôn và Phan-xi-cô, trước là tu sĩ Phật giáo, Y-nha-xô và An-rê v.v...

Với cha Ðắc-Lộ, rút kinh nghiệm chung của giáo hội Công Giáo tại Nhật Bản, khi đạo bị bách hại, các giáo sĩ phải trốn tránh, hoặc tản mác nơi khác, giáo dân trở nên như rắn mất đầu cho nên ngài rất chú trọng việc đào tạo các tầng lớp "thầy giảng" cho giáo hội Việt Nam.

Có hai nguyên tắc được áp dụng trong việc đào tạo "Thầy giảng": thứ nhất, đào tạo nhân đức đến bậc anh-dũng và thứ hai, mở rộng trí thức, nâng cao trình độ văn hóa của người tông đồ. Tất cả chỉ nhằm mục đích vì "sự vinh quang lớn lao của Thiên Chúa" (Ad majorem Dei gloriam) như tôn chỉ của Dòng Tên. Ngoài tấm lòng nhiệt thành, kiến thức uyên bác bày tỏ trong các cuộc thuyết giảng hằng ngày và lòng đạo đức tuyệt vời của cha Ðắc-Lộ, các thầy giảng còn được thấm nhuần các tài liệu căn bản gồm một số sách do các giáo sĩ Dòng Tên in ở Ðàng Ngoài. [12] Trong công tác truyền giáo ở Á châu, các linh mục Dòng Tên dù ở Trung Hoa, Ðại Việt hay Áo Môn đều thường xuyên liên lạc với nhau theo hệ thống của dòng. Năm 1584, một cuốn giáo lý đầu tiên bằng chữ Hán được xuất bản do linh mục Ruggieri, Dòng tên, biên soạn. Cuốn đó về sau được giáo sĩ Lợi Mã Ðậu (Mateo Ricci) bổ sung nhiều tài liệu và biên soạn lại thích hợp và đầy đủ hơn, trong chín năm liền, lúc còn ở Triều châu (Quảng Ðông) năm 1594, ấn hành tại Bắc Kinh năm 1603, gọi tên là Thiên Chúa thực nghĩa. Ngoài ra linh mục Mateo Ricci còn soạn thêm các cuốn Giao hữu luận, Thiên Chúa giáo yếu, Kỳ nhân thập thiên. Các tác phẩm đó đã tạo được ảnh hưởng lớn lao trong giới sĩ phu Trung Hoa nên chắc chắn linh mục Ðắc-Lộ cũng phải thừa hưởng được gia tài văn hóa đó. Như vậy dĩ nhiên các "Thầy giảng" cũng được hưởng thêm bổng lộc của tri thức.

Ngoài các tư liệu giảng dạy đó ra, các thầy giảng còn được sử dụng các sách do cha Ðắc-Lộ trước tác như cuốn Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa mà beào (vào) đạo thánh Ðức Chúa Blời (Trời, Lời) , sách Suy ngắm sự Thương khó Chúa Giê-su hoặc quyển tiểu sử Chúa Giê-su bằng thơ nôm do bà công chúa Catarina, em chúa Trịnh Tráng soạn.

Trong Người chứng thứ nhất, Phạm Ðình Khiêm cho biết thêm: "Ngoài việc tu luyện nhân đức và học tập giáo lý bằng quốc ngữ, chữ nôm và chữ hán, các thầy giảng lại tiếp tục học các khoa kinh sử cổ điển, vừa để bồi bổ văn hóa truyền thống vừa để rút ở đó những lý-luận thích ứng để áp dụng vào khoa minh-giáo. Về môn học này trong đoàn thầy giảng có sẵn một giáo-sư tài ba là thầy giảng I-nha-xô, một vị sinh-đồ và cựu quan ở Chính Dinh." [13] Ngày 31 tháng 7 năm 1643, lễ thánh Inhaxô Lôyôla quan thầy Dòng Tên, linh mục Ðắc Lộ tổ chức lễ tuyên khấn cho 10 thầy giảng do ngài đào tạo đứng đầu là Thầy I-nha-xô trong một buổi lễ rất long trọng tại nhà thờ Hội-An. Trong lễ đó, các "Thầy giảng" tuyên thệ suốt đời phụng sự Hội Thánh, không bao giờ lấy vợ, và sẽ vâng lời các cha dòng đến giảng đạo trong nước hoặc những vị thay mặt các Cha. Nhóm thầy giảng này được chia ra hai nhóm nhỏ một gồm 5 vị do thầy Ðamasô dẫn đầu từ Hội-an đi hoạt động về phía nam tới Phú Yên, nhóm thứ hai gồn 5 vị do Thầy Inhaxô cầm đầu hoạt động từ Hội-an hướng về bắc ra tới Ðèo Ngang. Ðặc biệt trong nhóm "Thầy giảng" của cha Ðắc-Lộ có thầy giảng Anrê Phú Yên sau đó được phúc tử đạo và là vị thánh tử đạo tiên khởi của Việt Nam.

Trở lại địa bàn hoạt động của công tác truyền giáo, khoảng tháng 7 năm 1643, linh mục Ðắc-Lộ đã từng đến làng Ðại-Phong (tức Kẻ Ðợi), huyện Lệ-Thủy, Quảng Bình, làm phép rửa cho 300 giáo dân đã được các thầy giảng tổ chức sẵn trước đó. Thời gian về sau các họ đạo khác được thành lập gồm Ðại Phong, Trung Quán, Dinh Mười và Ðộng Hải (tiền thân của Sáo Bùn và Tam Tòa) đã được linh mục Lôrensô Lâu tường trình các hoạt động về Tòa Thánh Rôma tháng 12 năm 1692.

3.- Giáo xứ Tam Tòa, thử thách đức tin qua trường kỳ lịch sử.

Hành trình gian khổ vì đức tin của giáo xứ Tam Tòa có quan hệ hữu cơ với các cơ cấu tiền thân của nó là giáo xứ Ðộng Hải hay họ Lũy, giáo xứ Ðại Phong, giáo xứ Mỹ Hương, Sáo Bùn trong bối cảnh chính trị là những cuộc biến động do phong trào Văn Thân tại tỉnh Quảng Bình tác động sau biến cố kinh đô thất thủ ngày 23 tháng 5 năm ất dậu (1885).

Hơn một thập kỷ trước đó tại Nghệ Tĩnh (năm 1874) đã xuất phát phong trào Văn Thân có liên hệ đến quá trình lịch sử của đạo Công Giáo tại Việt Nam vốn cũng đã được giới sử học nhiều lần đề cập tới.

Trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim có viết rằng: "Nguyên lúc bấy giờ dân trong nước ta chia ra làm hai phái: bên lương, bên giáo; hai bên vẫn không ưa nhau. Ðến khi xảy ra việc đại-úy Francis Garnier lấy Hà-nội, bọn sĩ-phu ở mạn Nghệ-Tĩnh thấy giáo-dân có nhiều người theo giúp ông ấy, thì lấy làm tức giận lắm, bèn rủ nhau nổi lên đánh phá. Tháng giêng năm giáp-tuất (1874), là năm Tự-đức thứ 27, đất Nghệ-an có hai người tú-tài là Trần Tấn và Ðặng Như Mai hội-tập cả các văn-thân trong hạt, rồi làm một bài hịch gọi là "Bình-tây sát tả", đại-lược nói rằng: "Triều-đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ-phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo-dân, rồi sau đánh đuổi tây cho hết, để giữ lấy cái văn-hóa của ta đã hơn 1000 năm nay, v.v." Bọn Văn-thân cả thảy độ non ba nghìn người, kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo. Nước ta mà không chịu khai-hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ-phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy-nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức-giận một lúc mà làm việc nông-nổi càn-rỡ, để cho thiệt-hại thêm, như thế thì cái tội-trạng của bọn sĩ-phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru!" [14]

Bài hịch đó có tên gọi "Hịch kêu gọi khởi nghĩa của Văn Thân" nhưng vì căn cứ vào nội dung chủ yếu nói hai việc là giết Ðạo và đánh Tây nên gọi tắt là hịch "bình Tây sát Tả", với một đoạn trích dẫn như sau:

"Ðây, các bạn, lời thề của chúng ta!

"Chúng ta đồng đứng lên chống kẻ thù chung!

"Nhà nho chúng ta, theo truyền thống đấu tranh cao quý, chúng ta tạm gác bút nghiên để cầm lấy khí giới.

"Hôm nay, hỡi các bạn, hãy chiến đấu cho Công lý !

"Hãy quyết tâm ra bãi chiến trường.

"Công lý ở về phía ta. Chúng ta thề tử chiến với kẻ thù. Thực hiện các nguyện vọng cao quý của chúng ta.

"Chúng ta có lẽ phải, cho nên chúng ta là người bất khả chiến bại. Khi chúng ta đứng lên, công lý của chúng ta sẽ được tô điểm bởi một trận thắng vẻ vang!

"Than ôi! Mối đạo giả dối của Gia Tô đã vào nước chúng ta.

"Kinh cầu nguyện của chúng chiêm ngưỡng Chúa và các vị Thánh.

"Bọn đui! Bọn điếc! Bọn ngu!

"Các chủ thuyết của chúng dạy rằng không có cha cũng không có vua trên đời này.

"Bọn chó! Bọn dê cừu!

"Lời biện bác của chúng đều vô lý và xuyên tạc.

"Thái độ của chúng khiêu khích và phách lối. [15]

Trong tác phẩm Nước Ðại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa, giáo sư Yoshiharu Tsuboi đã đưa ra một định nghĩa rõ ràng về hai chữ văn thân: "Từ văn có nghĩa là "chữ" và cũng có nghĩa "người biết chữ". Trong xã hội cổ xưa, ở Trung Hoa và ở Việt Nam, từ này thông thường dùng để chỉ người có học thức. Từ thân có nghĩa chính từ nguồn gốc là cái dải thắt lưng tơ mà viên chức thời Trung Hoa xưa cột áo ngang lưng: từ này dùng để chỉ các thân hào, thư lại ở địa phương; hoặc viên chức về hưu - các chuyên gia tiếng Anh viết lịch sử Trung Hoa phiên dịch chữ này ra tiếng Anh là gentry, tiếng Pháp: petite noblesse. Vậy theo ngữ nguyên, văn thân chỉ chung các nhân sĩ, thân hào, thư lại ở địa phương và các viên chức về hưu. Và ở thời kỳ Tự Ðức, hình như từ ngữ này giữ cái nghĩa ấy." [16]

Vị giáo sư này còn nói rõ thêm nhiệm vụ chính yếu của lớp văn thân này: "Chính các thân hào và nhân sĩ đảm nhiệm việc phiên dịch cho dân chúng các tuyên cáo chính thức, các bài viết bằng Hán tự và dân chúng sẽ không hiểu nếu đọc nguyên văn. Ðiều này và chức vụ "trung gian cấn thiết" của văn thân giữa cấp lãnh đạo và quần chúng đặc biệt quan trọng đối với các biến cố mà chúng tôi nghiên cứu nhân các bài hịch và các cuộc vận động chống Pháp, chống công giáo."17 Yoshiharu Tsuboi cũng đề cập đến trình độ của lớp văn thân này: "Trung tâm của giới nhân sĩ là nhóm tú tài, một vị trí không rõ rệt giữa quan và dân: "gần thành công", sánh với các quan, vì họ không lên đến được tột đỉnh kỳ thi - không dỗ cử nhân, tiến sĩ - nhưng trái lại, họ thành công ở chỗ hơn các người hỏng thi và quần chúng..." [18] Năm 1874, nhóm Văn Thân làm loạn ở Nghệ Tĩnh đã bị Nguyễn Văn Tường và Lê Bá Thận dẹp tan.

Sau cuộc tập kích người Pháp tại kinh đô Huế ngày 23 tháng 5 năm ất dậu (1885) thất bại. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị rồi ban hành chiếu cần vương kêu gọi giới sĩ phu đứng lên giúp vua; khắp nơi phong trào Văn Thân ào ạt nổi dậy tấn công giáo dân suốt 18 tỉnh Trung Kỳ trong chiến dịch gọi là "bình Tây sát Tả". Giáo xứ Tam Tòa sau này vốn là hậu thân của các giáo xứ Ðại Phong, Mỹ Hương, Sáo Bùn, Sáo Cát lúc bấy giờ chịu lâm vào cơn lốc tang thương của lịch sử, nạn nhân của phong trào Văn Thân cho nên tìm hiểu một vài biến cố xảy ra với các giáo xứ này cũng là để biết được các hành trình gian khổ vì đức tin của người giáo dân Tam Tòa từ trước cũng như hiện tại.

Trong cuốn sách Những bí ẩn lịch sử đàng sau cuộc chiến Việt Nam, tác giả Lữ Giang cho biết một số biến cố đức tin liên hệ tới làng Ðại Phong như sau: " Dòng họ nhà Ngô khi di cư vào Quảng Bình đã đến cư ngụ ở làng Ðại Phong, huyện Phong Lộc (sau này sát nhập vào huyện Lệ Thủy), phía tây nam thành phố Ðồng Hới (tỉnh lỵ Quảng Bình), cách thành phố này khoảng 30 cây số. Ðây là một làng quê hẻo lánh, nhưng ruộng đất khá phì nhiêu. Từ Mỹ Duyệt, một làng nằm bên quốc lộ 1 trên đường từ Ðồng Hới đi Quảng Trị, đi bộ về phía tây, theo một con đường rộng khoảng 2 mét, băng qua những cánh đồng ruộng dài khoảng 4 cây số, sẽ gặp làng Mỹ Phước, một xứ đạo nhỏ. Ði hết làng Mỹ Phước, qua một cái cầu ván là làng Ðại Phong. Ngày xưa Ðại Phong cũng là một xứ đạo. Khoảng năm 1628, linh mục Alexandre de Rhodes đến truyền giáo ở Quảng Bình, các làng Trung Quán, Mỹ Hương, Mỹ Ðịnh, Mỹ Duyệt, Mỹ Phước, Ðại Phong, Sáo Bùn... lần lượt theo đạo Công Giáo. Dòng họ nhà Ngô cũng theo đạo từ đó.

Sau cuộc chính biến đêm 22 rạng ngày 23 tháng tư năm Ất Dậu (1885) tại kinh thành, Triều Ðình Huế đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, rồi sau đó đưa đến huyện Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình, có Tôn Thất Thiệp và Nguyễn Phạm Tuân đi theo phò vua. Phong trào Cần Vương do Văn Thân lãnh đạo nổi lên tàn sát người Công Giáo và đốt phá các làng Công Giáo. Tất cả các giáo xứ ở Quảng Bình như Sáo Bùn, Trung Quán, Mỹ Hương, Mỹ Ðịnh, Mỹ Trạch, Ðại Phong v.v... đều bị tiêu diệt. Văn Thân lùa giáo dân vào trong các nhà thờ rồi lấy lửa đốt luôn nhà thờ. Chỉ có một số ít chạy thoát được.

Sau khi giáo xứ Ðại Phong bị thiêu hủy, dòng họ nhà Ngô còn sống sót được chia ra hai nhánh: Nhánh cụ Ngô Ðình Khả chạy vào Thừa Thiên và đến định cư ở Bãi Dâu. Nhánh cụ Ngô Ðình Quyền (anh cụ Ngô Ðình Khả) chạy về Ðồng Hới (tỉnh lỵ Quảng Bình hiện nay). Tại đây, họ gặp một số giáo dân còn sống sót của các giáo xứ Sáo Bùn, Mỹ Hương, Mỹ Ðịnh v.v... cũng đang sống trốn tránh ở đây. Cuối năm 1886, khi phong trào Văn Thân đã bị dẹp tan, linh mục Bonin đã họp các nhóm giáo dân chạy tán loạn lại và thành lập một giáo xứ mới, lấy tên giáo xứ Tam Tòa, ở trên bờ sông Nhật Lệ, ngay phía bắc thành Ðồng Hới. Sở dĩ gọi là giáo xứ Tam Tòa vì tại khu vực này trước đây có Tam Pháp Tòa [19] của nhà Nguyễn.

Gia đình cụ Ngô Ðình Quyền quay về Ðại Phong, xây dựng lại xóm làng, nhưng một người con của cụ là ông Ngô Ðình Miều và gia đình cư ngụ luôn tại Tam Tòa [20]. Cô Ngô Ðình Thị Tiến, em ruột cụ Ngô Ðình Khả, lúc đó khoảng 12 tuổi, may mắn sống sót trong vụ Văn Thân đốt nhà thờ Ðại Phong, trong một trường hợp rất lạ lùng. Khi Văn Thân đến vây giáo xứ Ðại Phong, một số giáo dân chạy vào nhà thờ, một số chạy ra đồng hay các làng chung quanh để ẩn trốn. Văn Thân đến vây nhà thờ, chận ở các cửa, ai ra thì chém. Sau đó, Văn Thân nổi lửa đốt nhà thờ.

Theo cô Tiến kể lại, khi lửa đang cháy bên ngoài, giáo dân bình tĩnh đọc kinh cầu nguyện. Linh mục chính xứ đứng giữa cung thánh hướng dẫn giáo dân cầu nguyện. Tro từ trên nóc nhà thờ đổ xuống như mưa, khói tỏa mịt mù. Linh mục chính xứ đã lấy một cái thúng đội lên đầu, tiếp tục đứng cổ võ giáo dân giữ vững đức tin, cho đến khi ngài ngã quỵ vì bị ngộp thở. Khi thấy tiếng kinh không còn nữa, Văn Thân biết mọi người trong nhà thờ đã ngã gục, liền mở cửa vào nhà thờ lục soát, thấy ai còn sống thì chém cho chết. Lúc đó vì còn nhỏ, cô bị đè bẹp dưới xác của những giáo dân người lớn, nên Văn Thân không thấy. Khi Văn Thân rút đi, chờ đêm tối cô bò ra khỏi khu nhà thờ, nhưng không dám tìm về nhà mà đến một nhà quen không công giáo xin ẩn trốn. Bà chủ nhà có hai người con cũng theo Văn Thân đi đốt phá các làng công giáo nên rất sợ. Khi thấy hai người con cùng với những người khác đến lục soát ở khu gần đến nhà bà, bà bảo cô Tiến lội xuống dưới ao, rồi bà lấy bèo phủ lên. Văn Thân đi qua bờ ao, có thọc mũi giáo xuống ao tìm kiếm, cô bị ngọn giáo đâm trúng ở trán, nhưng Văn Thân không biết, nhờ vậy cô đã sống sót. Sau này người ta vẫn còn thấy một vết thẹo dài trên trán cô.

Khi phong trào Văn Thân bị dẹp tan, cô đã tìm lại được gia đình người anh là ông Ngô Ðình Miều và theo gia đình này ra ở giáo xứ Tam Tòa mới thành lập. Năm 1888, linh mục Bonin lập Dòng Mến Thánh Giá Tam Tòa. Dòng này là hậu thân của Dòng Mến Thánh Giá ở Mỹ Hương đã bị Văn Thân đốt năm 1885. Cô Tiến đã xin đi tu ở Dòng này và về sau được thăng lên chức Bề Trên của Dòng.

Những giáo dân quay trở lại Ðại Phong đã góp tiền bạc xây lại nhà thờ Ðại Phong đẹp hơn nhà thờ cũ, nhưng vì số giáo dân trở lại lập cư quá ít nên được Ðức Giám Mục Giáo phận sát nhập vào giáo xứ Mỹ Phước ở gần đó. Nhà thờ Ðại Phong sau đó được gỡ ra và bán cho một giáo xứ ở Huế." [21]

Nếu giáo xứ Ðại-Phong là một trong những tiền thân của Tam Tòa đã để lại n hình ảnh thương tâm của giáo dân qua cuộc thiêu sát và lùng bắt người có đạo thì giáo xứ Mỹ Phước vốn có những người dân là tổ tiên Tam Tòa về sau đã để lại danh tính và con số rõ ràng các anh hùng tử đạo đã hy sinh cho lý tưởng tôn giáo.

Theo tư liệu để lại giáo xứ Mỹ Phước thuộc về thôn Mỹ Phước, tổng Ðại-Phong, huyện Lệ-Thủy, Quảng Bình lúc đó thuộc quyền quản nhiệm của Linh mục Gioan Baotixita Tống Viết Cơ. Lực lượng Văn Thân với đầy đủ súng ống, gậy gộc tấn công giáo xứ Mỹ Phước, bắt cha sở Tống Viết Cơ (cháu của Thánh Phaolô Tống Viết Bường) đi hành quyết. Giáo dân chạy vào nhà thờ, Văn Thân vây đốt nhà thờ thiêu sát khoảng 442 người vào ngày 13.01.1886. Cùng bị bắt với cha sở và bị giết có một nữ tu Dòng mến Thánh Giá thuộc tu viện Nhu Lý (Quảng Trị) tên là Y. [22] Lúc bấy giờ linh mục Héry (Cố Y) tới đồn Pháp ở Ðồng Hới xin giúp đỡ. Chỉ huy trưởng quân đội Pháp ở đây cho một tiểu đội đi theo Cố Y kéo lên họ đạo Mỹ Hương thì giáo dân ở đây không còn người nào cả. Họ chạy trốn sau động cát bờ biển. Cố Y đi tìm và đã gặp giáo dân, đưa họ về giáo xứ Sáo Bùn tạm cư trú tại 3 địa điểm: Sáo Bùn, Sáo Cát Thượng và Sáo Cát Hạ (tức làng Ðồng Dương ở hữu ngạn cửa sông Nhật Lệ). Số giáo dân tản mác tìm gặp lại được này gồm 50 nữ tu, các trẻ em mồ côi Viện Dục Anh và 410 giáo dân họ đạo Mỹ Hương. Các họ đạo khác: Ðại Phong, Xuân Hồi, Mỹ Duyệt, Mỹ Ðịnh, Phụ Việt, Trung Quán cũng bị đốt phá, một số ít giáo dân bị giết. [23] Nếu các cuộc hành trình bảo vệ đức tin của giáo dân các giáo xứ Ðại-Phong, Mỹ Hương, Mỹ Phước tìm về vùng đất an toàn để xây dựng lại cơ sở trước bão táp thời cuộc thì giáo xứ Sáo Bùn, tiền thân của Tam Tòa đã đảm trách sứ mệnh lịch sử là vươn rộng cánh tay cưu mang đùm bọc những người anh em ruột thịt trong cảnh dầu sôi lửa bỏng nhưng rồi chính mình cũng không tránh khỏi số phận đen tối của bạo lực dành cho.

Nhắc lại một vài diễn tiến trong danh xưng của giáo xứ Tam Tòa. Gọi tên là họ Ðộng Hải vào thế kỷ XVII bởi lẽ vì nó nằm ở cửa Ðồng Hới. Cũng có danh xưng họ Lũy vì nó nằm gần hệ thống lũy Ðâu Mâu - Nhật Lệ (xây khoảng năm 1631).

Khoảng từ năm 1797, họ Lũy được gọi nôm na là họ Sáo Bùn, vị trí ở về phía tây nam cách Quảng Bình Quan (quen gọi Cổng Bình Quan) độ 3 cây số. Vì là nơi cư dân sống bằng nghề chài lưới, dùng những tấm sáo tre đan lại giăng trên sông ở những chỗ nước nông đầy bùn đe bắt tôm cá nên gọi là "sáo bùn". Cụm từ này trở thành địa danh của một giáo xứ, xứ đạo Sáo Bùn.

Trong giai đoạn Văn Thân, sĩ phu tỉnh Quảng Bình cũng nổi lên hưởng ứng hịch Cần Vương với những tên tuổi lừng danh như Nguyễn Phạm Tuân ở làng Kiên Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh hay Hoàng Phúc làm vệ úy dưới triều Hàm Nghi, và một nhận vật khác mang tính huyền thoại là Cô Tám, con của Hoàng Phúc. Với chiến dịch "bình Tây sát Tả", phong trào Văn Thân hướng mọi hoạt động tàn sát, bắt bớ, cướp phá đối với các xứ đạo mà như Patrice Morlat cho biết "cuộc khởi loạn lan rộng một phần lớn xứ Trung Kỳ" [24] và Ðào Trinh Nhất phải thừa nhận: "Suốt một dãy Trung Việt cho mãi đến ngoài Bắc, Văn thân ứng nghĩa có, giặc cướp thời cơ có, nhao nhao nổi lên, thành ra cả nước rối loạn hết sức, chỉ duy có một hạt Thừa Thiên là được yên ổn mà thôi, vì nhờ có binh Pháp giữ được trị an." [25] Lúc bấy giờ giáo xứ Sáo Bùn nằm bên tả ngạn sông Nhật-Lệ phía nam cổ thành Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Vào tháng 9-1885, khi phong trào Văn Thân bắt đầu phát động tại Quảng Bình, giáo xứ Sáo Bùn dưới quyền quản nhiệm của Linh mục Jean Héry có tên Việt là Cố Y với số giáo dân khoảng 1200 người. [26] Trong khi quân Văn Thân tấn công các giáo xứ ở Nam Thừa Thiên rất sớm khoảng tháng 11-1883, vùng Phú Lộc, họ đạo Truồi, giáo xứ Cầu Hai, Nước Ngọt, Châu Mới, Buồng tằm v.v... và tại Quảng Trị một số giáo xứ như Trí Bưu, Nhu Lý, Bố Liêu, An Lộng, Ðầu Kênh, Ðại Lộc, Dương Lộc, Thanh Hương, Kẻ Văn... thì các giáo xứ nam Quảng Bình chưa bị hề hấn gì.

Trong chiến dịch "sát Tả" của phong trào Văn Thân, giáo xứ Sáo Bùn phải chịu đựng sự đau khổ qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn dưới quyền cha sở Jean Héry (đầu năm 1886 đến Tháng 6-1886): Ðầu năm 1886, khi quân Văn Thân khỉ sự tấn công các giáo xứ nam Quảng Bình như Ðại Phong, Mỹ Hương, Mỹ Phước, Trung Quán v.v... thì xứ đạo Sáo Bùn vẫn chưa có gì động tĩnh. Cha sở xứ đạo là Cố Y tới gặp chỉ huy quân sư Pháp tại Ðồng Hới (đóng trong cổ thành) để xin cứu giúp nhưng bị từ chối vì trước đó họ đã giúp cho Cố hai lần vũ khí để chở vào cho giáo xứ Di Loan và chủng viện An Ninh (tháng 9-1885). Không có phương tiện tự vệ, các giáo xứ nam Quảng Bình phải tìm cách bỏ chạy về tị nạn tại giáo xứ Sáo Bùn. Lúc bấy giờ Sáo Bùn đã trở thành một trung tâm tị nạn lớn, đã mở rộng tấm lòng đón rước tất cả các anh chị em đồng đạo của mình dưới sự tổ chức cứu trợ hết sức chu đáo của cố Y. Không lâu sau đó, tình hình trở lại yên tĩnh và phần đông trở về lại giáo xứ của mình.

Ngày 14.6.1886, linh mục Héry được phép giáo quyền cho rời giáo xứ Sáo Bùn đi Hồng Kông chữa bệnh, sau thời gian 6 năm coi xứ đạo này. Từ Hồng kông, cha Héry về lại Pháp và qua đời tại đó năm 1905.

- Giai đoạn xứ đạo Sáo Bùn dưới quyền linh mục Claude Bonin (tên Việt là Cố Ninh): Linh mục Claude Bonin đến thay cố Y làm cha sở Sáo Bùn, vừa được 10 ngày thì chiều ngày 24.6.1886 quân Văn Thân bất ngờ bao vây, tấn kích giáo xứ Sáo Bùn, đốt nhà dân, giết chết 52 giáo dân đang ẩn trốn trong nhà thờ. Phần đông giáo dân chạy bộ về thành Ðồng Hới vì ở đấy có quân lính Pháp đóng. Cha sở Bonin cùng một số giáo dân khác nhanh chân xuống đò cũng chạy về Ðồng Hới.

Ngày 5.8.1886, lực lượng Văn Thân do viên chỉ huy tên Cộc đánh vào thành Ðồng Hới nhưng bị thất bại và trong vụ này có 3 giáo dân Sáo Bùn bị tử thương.

Cuối năm 1886, linh mục Bonin gom toàn bộ giáo dân xứ đạo Sáo Bùn, cùng một số giáo dân tứ xứ thuộc Ðại Phong, Mỹ Hương, Mỹ Phước chạy loạn về Ðồng Hới, liên lạc xin chính quyền một miếng đất sát bờ sông Nhật Lệ (trên phần đất của làng Lệ Mỹ cũ) và lập nên một giáo xứ mới gọi là giáo xứ Tam Tòa. Sở dĩ gọi tên giáo xứ Tam Tòa vì ở đây vốn có ba tòa miếu cũ thờ Huyền Trân công chúa, Liễu Hạnh công chúa và Cửu Thiên huyền nữ. Về hành chánh, xứ đạo Tam Tòa có tên làng Ðồng Mỹ thuộc thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Phong trào Văn Thân đã nhìn người Công Giáo với con mắt thù địch cho nên mặc dù với chủ trương "bình Tây sát Tả" nhưng trong thực tế họ chỉ biết "sát Tả" mà không dám "bình Tây".

Sau đây là nhận định của Trần Văn Giàu, một sử gia mác-xít: "Không thể chối cãi rằng phong trào 1874 ở Nghệ Tĩnh là phong trào yêu nước, do Văn Thân yêu nước khởi xướng. Nhưng cũng không thể chối cãi rằng các nhà Văn Thân yêu nước đã làm những điều rất sai chính trị khi họ xem việc "sát tả" là điều kiện thứ nhất của việc "bình Tây", không biết phân biệt giáo dân bình thường và những giáo sĩ làm tay sai cho giặc Pháp. Họ vơ đũa cả nắm, và vô tình họ đẩy tất cả những người đạo đồ Thiên Chúa qua một bên, bên giặc Pháp. Họ đặt nhiệm vụ "gìn giữ văn minh Nho giáo" cho cuộc vận động, như thế là bó hẹp quá, là hạn chế quá cái ý nghĩa của cuộc vận động, ý nghĩa đó là cứu nước Việt Nam, chớ nào chỉ bảo vệ riêng một đạo nào, bất kỳ Nho giáo, hay Phật giáo, hay Lão giáo. "Bình Tây" chỉ chắc mọi người dân đồng ý, còn "sát Tả" thì vị tất người dân thường đã nhất trí bằng lòng; các nhà Văn thân khởi nghĩa vô hình trung đã tự cô lập mình, càng dễ bị triều đình đánh dẹp." [27]

Trong cuốn Trần Văn Dư với phong trào Nghĩa hội, Nguyễn Q. Thắng đã trích hai bài từ sách Ðặng Ðức Tuấn, Tinh hoa Công giáo yêu nước, xuất bản tại Sài Gòn năm 1971 của hai ông Lam-Giang và Vũ Ngọc Nhã: một bài có tên Ðại loạn năm Ất Dậu 1885 và bài Dậu Tuất niên phong hỏa kí sự của một tác giả khuyết danh. Nguyễn Q. Thắng viết rằng: "Ðương thời tác giả trường thi "Ðại loạn năm Ất Dậu 1885"chắc chắn là một giáo dân có tham chánh (?) đã ghi lại biến cố bi thương mà trọng đại này của lịch sử một cách hiện thực và có tính khách quan." [28] Trong bài "Ðại loạn năm Ất Dậu 1885" có những câu viết về phong trào Văn Thân như sau:

"Tưởng giết đạo rồi sung sướng thật.

Lấy trâu bò, ruộng đất cho mau giàu.

Nay bị thằng Tây đánh đạp quá đau,

Thôi đầu cổ lưng vai chi cũng đá.

Trước tưởng đạo với Tây là một lõa,

Nào hay Tây với Ðạo khác hai phe.

Ðạo chỉ lo nhân đức tu tề,

Tây thì cứ thị hùng hiếp thế..." [29]

Trong bài thi trường thiên Giáo nạn trong quốc biến (Dậu Tuất niên phong hỏa kí sự), tác giả khuyết danh đã viết:

"Những quan bị cách hồi hưu,

Cử, tú, hào mục định mưu lạ đời.

Tận tru dân đạo mọi nơi,

Rày đà gặp hội mượn lời ra tay.

Các trò ứng thí vừa hay,

Bỏ trường, bỏ quyển chạy ngay về nhà.

Bao nài dặm thẳm đường xa,

Bình Tây sát Tả tính là mau quan.

Dụng tử, ấm tử nghinh ngang

Rần rần nổi giận hiệp đoàn diệt Tây." [30]

Trong một đoạn khác, tác giả khuyết danh Ðại loạn năm Ất-Dậu đã viết:

"Giặc Bình Phú đương ngày phản phúc

Tỉnh Quảng Nam lục tục tiếp theo.

Hà Ðông dậy trước sát thiêu,

Bao nhiêu nhà đạo, cháy tiêu chẳng còn.

Ðạo dân chém giết hao mòn,

Nửa phần thoát khỏi chạy bon ra ngoài.

Thân hào lấy tiếng làm oai,

Tận thâu súng mác tiền tài sạch không.

Phân binh hai đạo tiên phong

Một ra Phú Thượng [31] vây vòng chung quanh.

Một lên Trà Kiệu [32] gần thành,

Trống chiêng vang núi quân binh chật đàng.

Bủa quân vây khắp tứ bàng

Cất lên trại mạc, tính toan chẳng về..." [33]

Phong trào Văn Thân thực chất chỉ là một phong trào giết người cướp của không hơn không kém. Theo tư liệu của Huỳnh Nhuận [34] hiện nay trong tỉnh Bình Ðịnh có ba nhà mồ tập thể của các nạn nhân Văn Thân: một tại Gia Hựu (xã Hoài Châu), một tại Thác Ðá Bình Chương (xã Hoài Ðức, quận Hoài Nhơn), và một Ðồng Quả Kim Sơn )xã An Nghĩa, quận Hoài Ân). Sau đây là bài vè của đồng bào Bình Ðịnh đã thành sử liệu về vụ Văn Thân sát hại và cướp của các làng Công Giáo trong khu V:

Thân Hào Sát Tả

Ra Quảng Ngãi giả đón ngăn là Chú Án [35]

Sao còn vây Gia Hựu nát như tương?

Xuống Làng Song đi phủ ủy có Lão Thương [36]

Sao còn đốt Chánh Khoan mù những khói?

Quyết làm hiểm như loài muông sói.

. . .

Thương thay giáo nhơn khi ấy,

Gửi nắm xương theo sông biển,

Mà rửa bụi trần ai,

Rơi giọt máu với cỏ cây,

Mà nhuần ơn vũ lộ

Vì đạo Chúa chịu lấp chôn hào hố.

. . .

Phú hình dung trong đám lửa than,

Ðã xong cho mũi mác ngoài đàng,

Lại rồi với lưỡi gươm trong cửa.

Thả trôi nổi lúc bụi lau bụi dứa,

Mà phơi chin chiều ruột chưa se.

Mà vắt một lá gan chưa ráo.

Ðã đốt trong nhà không cửa tháo,

Còn quăng xuống giếng chẳng đàng lên.

Thương xã sanh thủ nghĩa [37] lòng bền,

Muôn dặm chẳng nao cơn sấm sét.

Kính tuẫn đạo vong thân [38] đại tiết,

Trăm năm không sợ cuộc biển dâu.

. . .

Dân làng xóm thảy tàng đầu xuất vỹ [39]

Khi trước giả đò như phủ ủy,

Ðến nay đà bày mặt hung hoang.

Lấy của người bất luận bạc vàng,

Lấy gạo nồi mâm chi cũng tóm.

Trở mặt lạ cũng trong làng xóm,

Trâu bò hòm trấp thảy đều thâu!

Ngoài miệng rằng xướng nghĩa làm đầu,

Chánh ý thiệt giết người lấy của.

Ðương khi ấy giáo nhơn,

Cam liều chết đặng về cùng Thiên Chúa.

Tấm lòng vàng đá,

Tân, Châu, Hoàng, Minh, Sĩ, Chung, Thành [40]

Quyết xã sanh cho được tới Thiên Ðình,

Tấc dạ sắt đinh,

Thông, Mão, Hậu, Bảo, Trang, Nhứt, Lý [41]

Các tỉnh giáo sư cùng giáo sĩ,

Cũng cam lòng vì đạo liều mình.

Mọi nơi phước viện chốn tu trinh,

Ðã nhiều kẻ quyên sinh trí mạng,

Bằng thuật đủ tóc tơ quá ngán,

Hãy nói qua sơ lược ít tờ.

Hai trăm mười bốn sở nhà thờ,

Tính lại mười phần đã ráo.

Bốn mươi ngàn người bổn đạo,

Sót lại còn muôn rưỡi là may.

Một là vì ý Chúa cao dày...

. . .

Ðã khiến nên ong dậy muôn trùng [42]

Mà vắng tiếng rồng ngâm một mối. [43]

Các bài vè viết cảnh cướp bóc, chém giết ở Bình Ðịnh, mô tả cảnh tượng sát tả ở Quảng Nam cũng là những bản sao thảm trạng đã xảy ra ở Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình. Gia Hựu cũng như Sáo Bùn, Làng Song cũng như Ðại Phong, Mỹ Hương, nào có khác chi? Thật là thê thảm cho tình trạng người Công Giáo lúc bấy giờ. Nói chung chính sách của Văn Thân "chỉ chú trọng chém giết và cướp của, không có một sách lược uyển chuyển để thêm bạn bớt thù, nên dần dà bị cô lập và tự tiêu diệt nhường chỗ cho sự yên hàn mà mọi người đang mong đợi." [44]

Ðôi dòng tạm kết

Năm 1888, một nhà thờ gỗ được dựng lên làm nơi thờ phượng cho giáo dân Tam Tòa, bồi dưỡng đời sống đức tin. Căn cứ theo tập kỷ yếu Nhà thờ Tam Tòa Ðà Nẵng, sau 50 năm qua ba thời kỳ, in năm 2004, kể từ khởi thủy, từ sau ngày Tự Ðức tha đạo ngày 13.7.1862 thì hai năm sau (1864), giáo xứ đã có linh mục về phục vụ bắt đầu với linh mục Martinô Pontviane (cố Phong, 1864-1877) nối tiếp với khoảng 60 linh mục ngoại quốc và Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ. Trong số các vị linh mục người Pháp làm cha sở Tam Tòa (1895-1896) nổi tiếng có cha Léopold Cadière (cố Cả) là một nhà Việt Nam học lừng danh với hơn 240 cuốn sách, tập báo, tham luận viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam; cha Henri de Pirey (cố Huề 1918-1934) là nhà khảo cổ học và bỉnh bút của tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué, đặc biệt cha René Morineau (cố Trung) có công xây ngôi nhà thờ Tam Tòa vào năm 1940 mà di tích thánh thiêng chúng ta còn thấy hiện nay.

Ngôi thánh đường này trong những biến cố lịch sử ngày 9.3.1945 Nhật đảo chính Pháp đã chứng kiến việc giáo dân Tam Tòa dũng cảm che chở cho cha sở René Morineau bằng cách vòng trong vòng ngoài chận đường quân Nhật không cho bắt cha sở của mình. Một thanh niên lực lưỡng trong làng đi kèm với một toán thanh niên giỏi võ nghệ đã cõng cố Trung đi lách qua cửa cung thánh nhà thờ xuống sông Nhật Lệ lên thuyền chèo lên Trung Quán.

Cũng chính ngôi thánh đường này đã là hầm trú ẩn vững chắc cho người giáo hữu trong làng khỏi cảnh tên bay đạn lạc khi quân Pháp trở lại Ðồng Hới tháng 3.1947 và biết bao lần ôm trọn hơn nghìn giáo dân trong lòng mình khi Việt Minh thỉnh thoảng từ năm 1947 đến 1954 rình mò về bắt cóc, khủng bố giáo dân, mưu ám sát lý trưởng (vụ lý trưởng Nguyễn Nhạc) nhưng lần nào cũng thất bại vì những hồi chuông trên nóc thánh đường lanh lảnh báo động rền vang đêm cũng như ngày. Việt Minh Cộng Sản đã hoàn toàn chịu thua trước tinh thần chống Cộng quyết liệt của giáo dân Tam Tòa giai đoạn 1945-1954.

Trong vòng hơn nửa thế kỷ (1888-1954), giáo xứ Tam Tòa lớn mạnh trong đức tin mặc dù chịu biết bao gian khổ để trở thành một giáo hạt gọi tên là giáo hạt Tam Tòa hay giáo hạt Quảng Bình cùng chen vai thích cánh với 59 địa danh các giáo xứ, giáo họ khác ở phía nam tỉnh Quảng Bình. Năm 1954, với hiệp định Genève chia đôi đất nước, giáo xứ Tam Tòa lại khởi đầu một cuộc xuất hành (Exodus) mới để giữ vẹn đức tin. Dĩ nhiên "đức tin chỉ có thể trưởng thành, khi trong mọi giai đoạn cuộc sống nó đủ sức chấp nhận và chịu đựng sức mạnh cũng như sự o ép của không tin, cuối cùng vượt thắng chúng, để lại bước đi tiếp trên một đoạn đường mới." như lời Ðức Giáo Hoàng Biển-Ðức XVI chỉ dạy. Giáo xứ Tam Tòa đang nỗ lực để tự chứng tỏ có khả năng chịu đựng sức mạnh cùng sự o ép của bạo quyền và hy vọng sẽ cùng với Giáo Hội Việt Nam đi tiếp một giai đoạn lịch sử mới.

New Jersey August 08, 2009

 

Chú Thích:

1.- Joseph Ratzinger, Biển-đức XVI, Thiên Chúa và Trần Thế, Tin và Sống trong thời đại ngày nay, Trao đổi với Peter Seewald, bản dịch Việt ngữ của Phạm Hồng-Lam, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại xuất bản, 2008, trang 37.

2.- Dòng Tên là tên gọi tắt Dòng Ðức Chúa Giêsu do Ignace de Loyola lập ở Paris năm 1534. Chủ trương của đấng sáng lập Dòng là muốn đẩy lui các bè rối đang phá phách Giáo Hội, và muốn lôi kéo được nhiều người theo đạo thì phải có một nền văn hóa cao. Ignace de Loyola học ở Tây ban Nha, ở Ðại học Ba Lê, đỗ tiến sĩ năm 1534. Ngày 15.8.1534 Ignace cùng 6 vị sáng lập viên khác dâng mình trọn đời rao giảng Phúc Âm. Dòng được Giáo hội công nhận năm 1540, bành trướng và phát triển khắp nơi.

Do hiệp ước ký tại Tordesillas, năm 1494, các quốc gia được chinh phục hay phát hiện ra về phía đông đường ranh giới sẽ do vương quốc Bồ phụ trách lo việc truyền giáo, và phía tây đường ranh giới sẽ do Tây Ban Nha phụ trách. Thỏa hiệp này do sự chủ trì của Tòa Thánh Vatican.

3.- Bà chúa Chèm: Theo Ordonez de Cevallos trong cuốn Tratado de las releciones trang 20B và trong cuốn Historia y Viaje del Mundo trang 143-56, thì Hoàng Thái Hậu mẹ vua Lê Thế Tông, gốc người Chiêm Thành. Vua Lê Thánh Tông đã chia đất họ làm ba quận, cho dân di cư xuống trú ngụ làm ăn. Năm 1499 để bảo vệ cho nòi giống được tinh tuyền, vua Lê Hiến Tông cấm không cho người Việt Nam được kết hôn với người Chiêm Thành, nhưng không ai chịu giữ. Theo de Cevallos thì chính vua lê Anh Tông đã cưới một công chúa người Chiêm Thành. Ðể có thể rảnh tay chống với nhà Mạc ở phía Bắc, vua Lê cần phải bắt tay hòa hảo với người Chiêm Thành mạn nam. Bà sinh công chúa Chèm vào lúc người anh, vua nước Chiêm chết không có con nối nghiệp, nên công chúa được hưởng tước đó, vì thế người ta vẫn gọi bà là bà chúa Chèm. Người ta cũng gọi bà chúa Chè để ghi nhớ công ơn bà đã khai thác và mở mang việc trồng chè ở vùng Thanh Hóa. Còn tên Mai Hoa thì Hoa có lẽ là tên bà, còn Mai là lối phiên âm tên thánh maria của bà cho đẹp với chữ Hoa. Ordonez de Cevallos gọi bà là Flora. (Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Nxb. Hiện Tại, Sài Gòn, 1959, quyển I, tr. 24).

4.-A.H. de Oliveira Marques, History of Portugal, ColumbiaUniversity Press, Volume I (from Lusitania to Empire), 1972, trang 335-336.

5.- Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Nxb. Hiện Tại, 1959, quyển I, tr. 46.

6.- Phong Uyên, Thử tìm hiểu chính sách truyền giáo của các giáo sĩ dòng Tên ở Viễn đông trong bối cảnh lịch sử thế kỷ thứ 16-17, Website Talawas, ngày 13.7.2006.

7.- Li Tana, Xứ Ðàng Trong, Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, bản dịch Nguyễn Nghị, Nxb. Trẻ, 1999, tr. 107.

8.- Nguyễn Phương, Cha Ðắc-lộ với sự thành lập Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam, Tạp chí Ðại-Học, số 1, Tháng 2-1961, trang 73.

9.- Dr L. Gaide, Quelques renseignements sur la famille du P. A. De Rhodes, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1927, tr. 225-228.

10.- Nguyễn Phương, Bài đã dẫn, trang 80.

11.- Phạm Ðình Khiêm, Người chứng thứ nhất, Lịch sử tôn giáo chính trị miền nam đầu thế kỷ XVII, Tinh Việt văn đoàn xb. Sài Gòn, 1959, tr. 71.

12.- Phạm Ðình Khiêm Sđd, tr. 53 và 76.

13.- Phạm Ðình Khiêm, Sđd, tr. 78.

14.- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nxb. Tân Việt, bản in lần VII, 1964, tr. 520.

15.- Yoshiharu Tsuboi, Nước Ðại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, (L'empire vietnamien face à la France et à la Chine 1847-1885), in lần thứ ba có sửa chữa, Nxb. Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999, tr. 274.

16.- Yoshiharu Tsuboi, Sđd, tr. 255.

17.- Yoshiharu Tsuboi, Sđd, tr. 256.

18.- Yoshiharu Tsuboi, Sđd, tr. 257.

19.- Tam Pháp Tòa là Ðại Lý Thị, Tòa Ðô-Sát, Tòa Bộ Hình, nhưng cơ quan này chỉ có ở kinh đô Huế cũng gọi Tam Tòa.

20.- Muốn rõ thêm gốc tích nhà Ngô ở Tam Tòa, xin đọc thêm Nguyễn Ðức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại, 1075-1975, tập I, Nxb. Nhật-Lệ, 2006, tr. 439.

21.- Lữ Giang, Những bí ẩn lịch sử đàng sau cuộc chiến Việt Nam, quyển I, tác giả xuất bản, California, 1998, tr. 393; Nguyễn Ðức Cung, Diên-Lộc Quận-Công Nguyễn Thân, Nxb. Nhật-Lệ, 2002, tr. 439.

22.- Bulletin Des Amis Du Vieux Hué, tháng 7-8 năm 1941, tr. 297-298.

23.- Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, Trang sử Giáo xứ Tam Tòa, ông Dương Văn Khâm ghi lại, thủ bản ronéo, tr. 23.

24.- Patrice Morlat, Les affaires politiques de l'Indochine (1895-1923), L'Harmattan, Paris, 1995, tr. 38.

25.- Ðào Trinh Nhất, Phan Ðình Phùng, Nxb. Tân Việt, bản in lần tư, không đề năm in, bản Văn hóa Thông tin (1998), tr. 65.

26.- Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, tlđd, tr. 23-24; dẫn theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, tập I, lưu hành nội bộ, bản in ronéo, năm 2000, trang 91.

27.-Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, tập I, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb. TPHCM, 1993. Dẫn lại theo Trần Lục, bài của Giáo sư Lê Hữu Mục, Cụ Sáu đối diện với phong trào Văn Thân, Canada, 1996, tr. 359.

28.-Nguyễn Q. Thắng, Trần Văn Hội với Phong trào Nghĩa hội, Nxb. Thông Tin Văn Hóa, 2000, tr. 52.

29.-Nguyễn Q. Thắng. Sđd, tr. 52.

30.-Nguyễn Q. Thắng, Sđd, tr. 114.

31.- Phú Thượng: một làng toàn Công Giáo thuộc huyện Hòa Vang, Quảng Nam.

32.- Trà Kiệu: làng công giáo ở huyện Duy Xuyên. Quảng Nam, tương truyền có Ðức Mẹ hiện ra trong khi Văn Thân tấn công giáo xứ này.

33.- Nguyễn Q. Thắng, Sđd, tr. 78

34.- Huỳnh Nhuận, Nhân kỷ niệm mười năm tôn vinh hiển thánh 117 Anh hùng Tử đạo Việt nam (1988-1998), Nội san Liên Lạc số 7, Hội Ái hữu Cựu chủng sinh Làng Song, Quy Nhơn, 1998, tr. 77.

35.- Chú Án: Quan án sát Nguyễn Kham có nhiệm vụ bảo vệ dân lành, nhưng ông ta bất lực. Giả hiệu đi ngăn quân sát tả ông đã để cho giáo dân Gia Hựu chết thảm, do đó dân chúng không tôn trọng mà gọi là chú Án.

36.- Lão Thương: quan Thương biện Trần Ðăng Phong.

37.- Xá sinh thủ nghĩa: bỏ mạng sống để giữ điều nghĩa.

38.- Tuẫn đạo vong thân: liều mình chết vì đạo. Ðại tiết: nghĩa lớn.

39.- Tàng đầu xuất vỹ: dấu đầu lòi đuôi.

40.- Ðây là tên Việt Nam của 7 vị giáo sĩ ngoại quốc, người Việt thường gọi là Cố:

Cố Tân: Père Poirier ở Bàu Gốc;

Cố Châu: Père Garin ở Phường Chuối;

Cố Hoàng: Père Guégan ở Phú Hòa;

Cố Minh: Père Dupont ở Hội Ðức;

Cố Sĩ: Père Macé ở Nước Nhỉ;

Cố Chung: Père Barrat ở Thác Ðá;

Cố Thành: Père Tribarne ở Mằng Lăng.

41.- Tên của 7 linh mục Việt Nam.

42.- Ong dậy muôn trùng: Loạn lạc khắp nơi; từ ngữ Hán văn: "đạo tặc phong khởi".

43.- Rồng ngâm một mối: một ông vua nắm quyền nhất thống, dân trong nước đều tuân theo mệnh lệnh (các chú thích 35-43 của Huỳnh Nhuận theo tư liệu dẫn trên).

44.- Hồ Ðức Hân, Lược Sử Giáo Phận Vinh, Nhóm thân hữu Nghệ Tĩnh Bình phát hành, không ghi năm in, (Lời tựa Phan Viết Phùng), tháng 7 1989, tr. 60.

 

Nguyễn Ðức Cung

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page