Nhận định về những diễn tiến mới
trong Vụ Tam Tòa
Nhận định về những diễn tiến mới trong Vụ Tam Tòa.
Tam Tòa Ðồng Hới, Việt Nam [Tổng hợp 2/08/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Hôm Chúa Nhựt 2 tháng 8 năm 2009, Tòa giám mục Vinh đã kêu gọi người Công giáo thuộc tất cả 178 giáo xứ trong giáo phận tập trung tham dự thánh lễ tại các nhà thờ giáo xứ để hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân bị công an bắt bớ, đánh đập, vu oan và cáo gian trong biến cố Tam Tòa.
Thông cáo kêu gọi cầu nguyện của giáo phận Vinh cũng cho biết thêm rằng: khi nào những yêu cầu chính đáng của giáo phận vẫn chưa được đáp ứng, trái lại người Công giáo vẫn tiếp tục bị xuyên tạc, bôi nhọ thì vẫn còn có những buổi hiệp thông dưới nhiều hình thức khác.
Một nhân viên tại Tòa giám mục Vinh cũng tiết lộ: "sắp tới, giáo phận Vinh sẽ còn cần những buổi cầu nguyện và những cách biểu dương ý chí qui mô hơn".
Kể từ khi có cuộc tập họp cầu nguyện tại 19 sở hạt trong toàn giáo phận Vinh hôm Chúa Nhựt 26 tháng 7 năm 2009, giáo phận vẫn kêu gọi mọi thành phần trong giáo phận và mọi người, dù bất kỳ ở đâu, thuộc thành phần nào, không phân biệt tín ngưỡng, mầu da, sắc tộc, hãy cùng quan tâm tới đòi hỏi công lý của giáo dân Tam Tòa.
Hiện tình hình giáo xứ Tam Tòa lắng dịu hơn, nhưng thấy rõ là nhà nước Cộng sản Việt nam đã thất bại về mặt dư luận quốc tế: không ai tin là chính phủ Việt nam có thực tâm muốn đối thoaị và giải quyết các căng thẳng tôn giáo.
Ðặc biệt, nhà báo lão thành Bùi Tín , cựu đại tá quân đội nhân dân từng có mặt tại Ðồng Hới trong thập niên 1960 và đã chứng kiến ngôi nhà thờ bị bom đánh sạt một góc, đã trả lời trên đài Á Châu Tự Do hôm 31-7-2009 rằng chính quyền Quảng Bình thực ra đã làm sai hoàn toàn chủ trương của trung ương.
Khi được phóng viên Việt Long của Ðài Á Châu Tự Do hỏi: "chủ trương của Quảng Bình như vậy có đi ngược lại với chủ trương của trung ương không, ông Bùi Tín, hiện đang lưu vong tại Pháp, khẳng định rằng Hoa kỳ và Việt Nam đã cam kết với nhau để những quá khứ lùi lại lịch sử. Một cách cụ thể, hai nước đã đồng ý hạn chế những di tích chiến tranh. Theo ông Bùi Tín, ở Hà Nội chẳng hạn, cả một cái cầu Long Biên đã bị bom Mỹ đánh gẫy đổ, cả một bệnh viện Bạch Mai bị đánh ngay từ chỗ giữa và hai cánh hai bên, cả cái phố Khâm Thiên ở giữa thành phố Hà Nội cũng vậy. Vậy mà bây giờ họ chủ trương khôi phục hoàn toàn lại hết, không để lại một cái di tích gì gọi là đổ nát nữa, chỉ có một cái bia nhỏ để nhắc lại là nơi đó đã chứng kiến một hành động tàn phá trong chiến tranh, thế thôi.
Ông Bùi Tín nêu lên câu hỏi: "Thế thì tại sao trong khi ở Hà Nội họ không giữ di tích lịch sử chiến tranh, tội ác chiến tranh của Mỹ, trong khi đó ở một thị trấn cũ như Ðồng Hới, thì họ lại có chủ trương như thế. Rõ ràng là chủ trương đó là một ngụy biện, một cái dựng đứng lên, một cái cớ để chống lại việc Công giáo có thể trở lại hoạt động như cũ và cho đồng bào Công giáo có thể sinh hoạt làm ăn và thực thi lễ lạc tín ngưỡng như xưa mà thôi."
Trong khi đó, trên trang mạng VietCatholic hôm 31-7-2009, trong bài viết với nhan đề "Không phải thiện chí, đừng mắc bẫy của Cộng Sản", tác giả Lê Sáng cho biết: "Ngày 30 tháng 7 vừa qua, vào lúc 10 giờ sáng, ông Nguyễn Ðức Thịnh, vụ phó vụ Công Giáo và bà Ðào Thị Ðượm, chuyên viên Công Giáo thuộc ban tôn giáo chính phủ Việt Nam, đã đến Toà giám mục gặp và trao đổi với linh mục Võ Thanh Tâm, Tổng đại diện Giáo Phận Vinh cùng với linh mục Phạm Ðình Phùng, Chánh văn phòng Toà Giám Mục Xã Ðoài. Tại cuộc gặp này, đại diện ban tôn giáo chính phủ muốn nghe những ý kiến từ giáo phận Vinh..."
Theo tác giả, thực ra đây là một cuộc gặp gỡ vô ích.
Lý do bởi vì, như tác giả Lê Sáng viết:
"Chúng ta hãy nhìn lại sự việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tận Toà Tổng Giám Mục Hà Nội gặp Ðức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, ông ta "muốn nghe" rồi ra tận hiện trường Toà Khâm Sứ... Nhưng sau đó sự việc diễn biến như thế nào thì mọi người đã được mục sở thị."
Trong khi đó, bản văn Thông Cáo số 4, phổ biến ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Văn Phòng Thư Ký Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh, ký tên Linh Mục Antôn Phạm Ðình Phùng, sau khi giải thích sự việc theo thứ tự thời gian, đã lập lại những những yêu cầu từ ban đầu như sau:
"- Thả ngay, thả hết những giáo dân bị công an Quảng Bình đánh đập và đang bị bắt giữ.
-- Săn sóc, chữa lành những giáo dân bị công an đánh đập.
-- Bồi thường tại chỗ lán che của Giáo xứ Tam Tòa.
-- Trả lại Thánh Giá, trả lại tài sản của Giáo Hội và tài sản của giáo dân.
-- Dừng ngay việc xuyên tạc sự thật, bôi nhọ tôn giáo, kích động hận thù, gây chia rẽ khối đoàn kết lương giáo.
-- Riêng việc 2 Linh Mục và các giáo dân bị đánh đập, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phải chịu trách nhiệm việc chữa trị, lo thuốc men và phải xét xử những kẻ "côn đồ" theo pháp luật.
Lúc 18 giờ ngày 30/7/2009, Tòa Giám Mục nhận được tin từ người nhà của các nạn nhân cho biết: công an Quảng Bình đã thả thêm 4 giáo dân bị bắt giữ từ ngày 20/7/2009. Hiện còn 3 giáo dân bị giữ. Còn ông Nguyễn Công Lý bị mang đi ngày 26/7/2009 đã được thả ngày sau đó."
Chu Văn