Gương anh dũng của các tiền nhân

trong đức tin tại Tam Tòa

 

Gương anh dũng của các tiền nhân trong đức tin tại Tam Tòa.

Tam Tòa, Việt Nam [xem bài " giáo xứ Tam Tòa, tinh thần tử đạo của tổ tiên như mời gọi" trong Vietcatholic 28/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Biến cố Tam Tòa không khỏi gợi lại cho người giáo dân tại giáo xứ này gương tử đạo anh dũng của hai bậc tiền bối trong đức tin là thánh Gioan Ðoạn Trinh Hoan và thánh Mattheo Nguyễn văn Phượng.

Ðối với giáo xứ Tam Tòa, các địa danh Kẻ Sen, Kẻ Bàng hay ngày nay gọi tắt là Sen Bàng là anh em ruột thịt trong cùng một gia đình. Ngày nay các địa danh đó gắn liền với một thắng cảnh có tầm vóc quốc tế là Ðộng Phong Nha. Nhưng trước đây hàng thế kỷ, nơi đây là căn cứ địa bảo vệ đức tin của người dân Công Giáo, có xứ đạo, có dòng nữ , có tiểu chủng viện và cũng là nhiệm sở đầu tiên của một linh mục, sau này được Giáo hội tôn phong lên bậc hiển thánh là linh mục Gioan Ðoạn Trinh Hoan. Linh mục Ðoạn Trinh Hoan là cha sở xứ đạo Sáo Bùn, tiền thân của giáo xứ Tam Tòa, và về sau bị bắt tại đây, đã trở thành một chứng nhân đức tin được giáo xứ Tam Tòa kính nhớ như là một bậc tổ tiên của giáo xứ.

Linh mục Gioan Ðoạn Trinh Hoan xuất thân trong một gia đình có nhiều người làm linh mục, bị đày đọa, bắt bớ, cầm tù, chết trong ngục hay chết vì đạo. Cha của ngài là ông Batôlômêô Ðoạn Trinh Sương, mẹ là bà Isave Diệm sinh hai con là Ðoạn Trinh Cung và Ðoạn Trinh Hoan.

Ông Ðoạn Trinh Cung chết rũ tù dưới thời bắt đạo của Tây Sơn. Các con của ông là Ðoạn Trinh Cách bị lưu đày, và một người con khác là linh mục Ðoạn Trinh Khoan (1829-1885) bị quân Văn Thân thiêu sát tại nhà thờ Dương Lộc, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày 8-9-1885.

Thuở ấu thời, Ðoạn Trinh Hoan học La-tinh với cậu ruột là cha Kiết, sau được cha này bảo trợ vào học Tiểu chủng viện An Ninh. Khoảng năm 1816, Ðoạn Trinh Hoan được Ðức Cha Labartette gửi qua học chủng viện Pénang, rồi về nước năm 1824. Thầy Hoan giúp chủng viện An Ninh cho tới khi chủng viện được đưa vào Dương Sơn, thầy Hoan cũng theo vào và từ đó làm thư ký cho Ðức Cha Taberd. Năm 1836, Ðức Cha Stéphane Cuénot (tên VN là Thể) truyền chức linh mục cho thầy Hoan tại nhà thờ Gò Thị, Bình Ðịnh và phái tân linh mục ra coi hai xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng từ năm 1836 đến 1838.

Từ năm 1838 đến 1842, ngài coi xứ Bái Trời thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đồng thời quản nhiệm một vài xứ đạo ở Huế, rồi lại ra Sen Bàng lần thứ hai trong bốn năm.

Năm 1850, giáo phân Bắc Ðàng Trong (tức giáo phận Huế ngày nay) được thành lập và Ðức Cha Sohier (tên Việt Nam là Bình) bổ nhiệm linh mục Ðoạn Trinh Hoan làm cha sở họ Sáo Bùn, tức Tam Tòa, Ðồng Hới, khoảng cuối năm 1851, đồng thời phụ trách hai tu viện Dòng Mến Thánh Giá Mỹ Hương và Dòng Mến Thánh Giá Kẻ Bàng.

Tư liệu của giáo phận Huế cho biết linh mục Ðoạn Trinh Hoan là người có công trong việc đào tạo nên một số linh mục trẻ tuổi, xuất sắc trong đó có linh mục Ðoạn Trinh Khoan, cháu gọi ngài bằng chú ruột. Các đức Giám Mục Cuénot, Pellerin, Sohier rất tín nhiệm cha Hoan trong công tác giáo dục, mục vụ, đào tạo thế hệ linh mục trẻ và nhiệt liệt khen ngợi ngài.

Lúc bấy giờ, làn sóng khủng bố người Công Giáo dâng cao với chính sách "phân tháp" ác nghiệt đang bổ xuống đầu giáo dân. Theo chính sách này, các gia đình công giáo bị tách ra khỏi xứ đạo, buộc sống chung với các gia đình ngoại giáo, con cái không được ở chung với cha mẹ Công Giáo để không học đạo được. Ruộng đất, vườn tược, trâu bò, nông cụ, của chìm nổi của người Công Giáo bị buộc giao cho các lý trưởng, chức dịch hay người ngoại giáo quản lý, thủ đắc. Các linh mục không có nhà thờ để làm lễ, giáo dân không có nơi phượng tự để đọc kinh, dự lễ và nguyện ngắm. Giáo dân bị gọi tên một cách khinh bỉ là "dữu dân" ("dữu" là tên một thứ cỏ dại).

Vào đầu năm 1861, cha Hoan đến xứ đạo Sáo Bùn (tức Tam Tòa) để cho giáo dân xưng tội và chuẩn bị mừng lễ Lễ Hiển Linh. Nơi đây cha được ông Trùm xứ Matthêô Nguyễn Văn Phượng lo nơi trú ẩn chu đáo. Lúc bấy giờ có hai người ngoài Công Giáo thuộc hai làng Ðức Phổ và Hữu Cai rình rập theo dõi và đi tố giác với quan. Quan quân tại tỉnh lị đóng ở Ðồng Hới chuẩn bị kéo đến Sáo Bùn. Có ba giáo dân Sáo Bùn thấy vậy bèn cấp báo vì biết có thể người ta chuẩn bị đến bắt cha Hoan trong khi đó các vị trong Ban chức việc bán tín bán nghi nên không chịu dẫn cha Hoan đi trốn ngay. Khi quan quân kéo đến Sáo Bùn, cha Hoan chạy ra bờ sông, xuống được một chiếc thuyền chèo ra xa. Không tìm thấy dấu tích vị linh mục, quan quân dập tắt hết đuốc đèn kéo ra bờ sông phục kích. Cha Hoan thấy bốn bề yên tĩnh bèn lên bờ tìm một bụi kín để núp nhưng bị lính phát hiện, báo động và ngài buộc phải lên tiếng xưng mình là đạo trưởng. Lính bắt ngài dẫn về Ðồng Hới lúc đó đã quá nửa đêm ngày mồng 2 rạng mồng 3-1-1861.

Sáng ngày 3-1-1861, quan quân lùng bắt được ông Trùm Hạt Nguyễn Văn Phượng.

Nghe tin cha Hoan bị bắt, Ðức Cha Sohier (tên Việt Nam là Bình) lúc đó đang ẩn trốn ở Sen Bàng, xuất 15 nén bạc cộng thêm một số tiền của một vài giáo hữu giàu có ở đây đem vào Ðồng Hới để tính chuộc cha Hoan ra nhưng các quan ở Ðồng Hới không dám thả ngài vì chức vị ngài là đạo trưởng vốn là đối tượng chủ yếu trong các cuộc bách hại, ruồng bố của triều đình.

Trong tù, cha Ðoạn Trinh Hoan bị tra tấn nhiều lần nhưng ngài không chịu xuất giáo, và vẫn hiên ngang làm công tác mục vụ như giải tội cho các tù nhân, ủi an khuyên bảo họ.

Ngày 25-5-1861, vua Tự Ðức đã duyệt phê bản án và gửi ra Ðồng Hới.

Ngày 26-5-1861, linh mục Gioan Ðoạn Trinh Hoan và Trùm Hạt Matthêô Nguyễn Văn Phượng bị chém tại pháp trường Ðồng Hới sau khi xin quan cho khỏi trói vào cọc, và quỳ thẳng, vươn cổ cho lý hình chém.

Thi hài của hai vị tử đạo đã được giáo dân Sáo Bùn (Tam Tòa) đưa về an táng tại giáo xứ Mỹ Hương, và sau khi vua Tự Ðức tha đạo, hài cốt các ngài được cải táng và cung nghinh về Ðại chủng viện Phú Xuân (Huế).

Ngày 2-5-1909, Ðức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong chân phước cho hai vị.

Và Ngày 19-6-1988, hai chân phước đã được Ðức thánh cha Gioan Phaolo II tôn phong hiển thánh.

 

VietCatholic

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page