Nhận định về

chuyến viếng thăm Vatican sắp tới

của chủ tịch nhà nước Việt nam

 

Nhận định về chuyến viếng thăm Vatican sắp tới của chủ tịch nhà nước Việt nam.

Vinh, Việt Nam [xem tác giả Emily Nguyễn, trên Vietcatholic 28/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Vào giữa lúc đang diễn ra biến cố Tam Tòa, thì lại có tin chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt nam, ông Nguyển Minh Triết, sẽ viếng thăm Vatican vào tháng 11 năm 2009. Người Việt nam nói chung và người Công giáo Việt nam nói riêng đón nhận tin này với những cảm xúc lẫn lộn: vừa hy vọng lại vừa lo sợ, khi nhớ lại những gì đã diễn ra sau chuyến viếng thăm Vatican của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dạo tháng Giêng năm 2007.

Trong những ngày vừa qua, báo chí công cụ của Nhà nước Việt nam không ngừng bôi nhọ các tín hữu Công giáo. Trong vụ Tam Tòa, các nạn nhân bị các cơ quan truyền thông độc quyền của Nhà nước mô tả như những thành phần ngoan cố hay các tội phạm có tổ chức nhằm phá rối và hủy hoại an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc. Nhiều người hiện không biết đang bị giam giữ ở đâu và trong tình trạng nào. Ngay cả các linh mục cũng bị hành hung đến trọng thương.

Nhưng cùng một lúc với những bôi nhọ giáo dân và bóp méo sự thật xung quanh vụ Tam Tòa, các cơ quan truyền thông công cụ của Nhà nước cộng sản Việt nam lại loan báo về việc chủ tịch Nhà nước sẽ viếng thăm Vatican vào tháng 11 năm 2009. Bất cứ ai có chút hiểu biết về chế độ cộng sản Việt nam đều biết rằng thời điểm của việc loan báo tin này đã được người cộng sản tính toán rất kỹ. Họ luôn bắn ra một tín hiệu như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Người Việt nam nào cũng biết rằng cứ sau mỗi lần Nhà nước cộng sản Việt nam cam kết cải thiện tình trạng nhân quyền và tôn trọng tự do tôn giáo, thì đều diễn ra những cuộc bách hại.

Ngày 25 tháng Giêng năm 2007, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm một chuyến viếng thăm lịch sử tại Vatican. Thế rồi ba tuần lễ sau đó, ngày 19 tháng 2 năm 2007, công an đã bố ráp văn phòng Tòa Tổng giám mục Huế, tịch thu máy vi tính và bắt giữ cha Nguyễn văn Lý, người đã từng bị tù tổng cộng 14 năm tù vì dám lên tiếng tố cáo những vụ bách hại tôn giáo và đòi hỏi nhân quyền và dân chủ.

Tiếp theo vụ bắt giữ Cha Lý là hàng loạt những cuộc bách hại khác diễn ra khắp nơi. Người Công giáo tại Sơn La và nhiều nơi ở cao nguyên bị ngăn cấm không cho tham dự Thánh lễ, kể cả Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Tu viện Thiên An Huế cũng như một số cơ sở dòng tu bị tịch thu, ủi sập và biến thành khách sạn hay nơi du lịch. Nỗi cợm hơn cả là vụ giáo xứ Thái Hà. Ngay cả Ðức cha Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục Hà nội, cũng không được dung tha: ngài đã bị cơ quan truyền thông công cụ của Nhà nước cộng sản Việt nam bôi nhọ trong hàng bao tháng trời sau khi một cơ sở của Tổng giáo phận là Tòa khâm sứ cũ bị nhanh chóng biến thành một công viên thành phố.

Việt nam đã trở thành hội viên thứ 150 của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới gọi tắt là WHO, sau khi đã thành công trong việc che đậy được thành tích vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Trong những cố gắng che đậy tương tự, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành nhà lãnh đạo cộng sản đầu tiên của Việt nam viếng thăm Vatican và được Ðức giáo hoàng tiếp kiến.

Chuyến viếng thăm Vatican sắp tới của chủ tịch Nguyễn Minh Triết chắc chắn cũng phải được hiểu như một cố gắng đánh bóng bộ mặt chế độ và che đậy thành tích vi phạm nhân quyền như thế. Chuyến viếng thăm đã được tính toán rất kỹ vào giữa lúc nhà nước cộng sản Việt nam đang cần che đậy những thành tích vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Ai cũng biết rằng mục đích của chuyến viếng thăm là để đẩy mạnh tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt nam và Tòa Thánh, đồng thời cũng để khỏa lấp những vi phạm nhân quyền và bịt miệng các nạn nhân.

Qua Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Ðảng cộng sản Việt nam, ai cũng biết tin về về chuyến viếng thăm Vatican sắp tới của chủ tịch nước và đồng thời về một chuyến viếng thăm Việt nam mà Ðức thánh cha có thể thực hiện được.

Những người cộng sản Việt nam sẽ nắm bắt chuyến viếng thăm Vatican của chủ tịch Nguyễn Minh Triết và việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh như một cơ hội để giới thiệu với thế giới một nhà nước luôn tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo.

Nhưng như ông Maran Turner, giám đốc điều hành của Tổ Chức có tên là "Freedom Now" [Tự do ngay bây giờ] nhận định, trái với dự đoán của một số người cho rằng quan hệ ngoại giao giữa Việt nam và Hoa kỳ sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt nam, tình trạng đã không thay đổi mà còn xấu đi. Hai năm sau khi Việt nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và ba năm sau khi Việt nam được Hoa kỳ cất tên khỏi danh sách những nước "cần được quan tâm một cách đặc biệt về tự do tôn giáo", người ta không thấy có tiến bộ rõ rệt nào. Trái lại, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Việt nam đang thụt lùi trong cam kết thăng tiến và tôn trọng nhân quyền.

 

VietCatholic

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page