Những cuộc đàn áp

trong lịch sử giáo phận Vinh

dưới thời cộng sản

 

Những cuộc đàn áp trong lịch sử giáo phận Vinh dưới thời cộng sản.

Vinh, Việt Nam [theo Hồng Lĩnh, trong Vietcatholic 26/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Cuộc đàn áp dã man mới đây tại Tam Tòa không khỏi gợi lại những trang sử đau thương của giáo phận Vinh dưới thời cộng sản.


Hôm Chúa Nhựt 26 tháng 7 năm 2009, một ngày cầu nguyện đã huy động 500,000 giáo dân của địa phận từ các giáo hạt trong giáo phận Vinh. Tất cả đều một lòng cầu nguyện và tố cáo việc Nhà Nước bắt giam người vô lý và trái phép.


Trong bài viết có tựa đề "bảo vệ chính nghĩa và công lý cho giáo dân Tam Tòa đang bị giam cầm là làm sống lại lịch sử tử đạo Việt nam", được đăng trên trang mạng Vietcatholic ngày 26 tháng 7 năm 2009, tác giả Hồng Lĩnh đã ghi lại một số biến cố đau thương xảy ra cho giáo phận Vinh dưới thời cộng sản như sau:

"Bắt đầu từ giữa thập niên 1940, Cộng sản Việt nam đã mang chết chóc về địa phân Vinh. Suốt một chiều dài lịch sử ấy, địa phận nhà đã phải quằn quại trong nước mắt và máu qua các vụ phá nát và bao vây Nhà Chung Xã Ðoài, thảm sát ban chấp hành của Liên Ðoàn Công Giáo Nghệ Tỉnh Bình, tàn sát Tràng Nứa và Quỳnh Lưu bằng quân chính quy."

Thật thế, sau khi Ðức Cha Bắc qua đời vào ngày 30/07/1946, lợi dụng các chiêu bài "tiêu thổ kháng chiến từ năm 1947 đến năm 1949, phát động quần chúng từ năm 1949 đến năm 1953, Cải cách ruộng đất từ năm 1955 đến năm1956", Cộng sản Việt nam đã tấn công dồn dập Tòa Giám Mục, làm tiêu tán tài sản của địa phận và gây chết chóc. Liên lạc với Tòa thánh Vatican bị cắt đứt hoàn toàn. Tòa Giám Mục bị trống ngôi. Cha chính Trần Hữu Ðức giám quản, sau nầy trở thành giám mục tiên khởi địa phận, lâm vào thế bí và bị bao vây hoàn toàn.

Một hôm tại Bùi Chu, cách Xã Ðoài một con sông, cộng sản Việt nam đã tập trung mấy ngàn người hò hét như loài ác thú và dẫn ngài tới giữa đám đông ấy để cật vấn, hăm dọa và bắt ký nhận những điều vu oan giá họa. Ngài ôn tồn giải thích và nhất định không ký.

Sau đó Ngài bị dẫn tới một ngôi chùa, bị cô lập tại đó và bỏ cho chết đói. Nhưng sau một tuần bị bỏ quên,họ tới mở cửa chùa và thấy Ngài vẫn bình tĩnh như thường. Sau đó Ngài bị quản thúc tại gia với lính gác thường xuyên, không một ai được lai vãng tới thăm Ngài.

Trong thời gian âm u đó, khắp các giáo Xứ và giáo Hạt chìm đắm trong cảnh ngộ ấy. Nhiều linh mục bị đối xử tàn nhẫn không kém giáo dân: Bị đấu tố, bị cùm kẹp, bị tù khổ sai. Một số linh mục, vì chịu không nỗi cực hình, đã chết trong tù.

Riêng về Liên Ðoàn Công Giáo Nghệ Tĩnh Bình được thành lập với mục tiêu làm giảm bớt các xáo trộn gây thiệt hại cho giáo phận. Sau hai năm thành lập,Liên đoàn này đã bị tắm máu với ba bản án tử hình, sáu bản án khổ sai hay chết trong tù vì lý do tra tấn, như truờng hợp cô Liên Phương ủy viên phụ trách phụ nữ.

Người nầy chết, người khác qủa cảm tiến lên trong niềm tin vào Chúa Cả Ba Ngôi. Lần lượt tại Quỳnh Lưu, Hưng Yên Tràng Nứa, Lưu Mỹ, Làng Nghi, giáo dân cùng chủ chăn đã đứng lên chịu đầu rơi máu chảy trước họng súng của sư đoàn 308 để đánh dấu các trang sử bất khuất chống lại cộng sản vô thần.

Riêng tại Tràng Nứa, cha quản xứ Võ Viết Hiền, may mắn thoát khỏi tàn sát nhờ trốn thoát được, nhưng lãnh án tử hình vắng mặt. Ngài đã trốn vào Nam và được gởi đi du học tại Hoa kỳ. Về nước, ngài làm việc tại giáo phận Nha Trang. Nhưng 35 năm sau Ngài bị bắt tại giáo xứ Phước Hải, Nha Trang và bị giải về nhà tù Nghệ An. Ngài đã chết rũ tù vào năm 1985.

Ðọc lại những trang sử trên đây và nhìn vào những gì vừa xảy ra cho giáo xứ Tam Tòa hôm 20 tháng 7 năm 2009, tác giả Hồng Lĩnh cho rằng giáo phận Vinh đang bắt đầu một cuộc hành trình mới để viết lên trang sử bất khuất trước bạo lực vô thần.

Giáo phận Vinh với 500,000 tín hữu cùng với chủ chăn cùng nhau lên tuyến đầu trực diện với bọn cướp về xóm đạo Tam Tòa, trong tinh thần như tác gỉa Hồ Ðức Hân đã ghi như sau, trong cuốn sách Giáo Phận Vinh:

"Nay nhìn lại Giáo phận Vinh được cưu mang trong u sầu của 300 năm bắt đạo, sinh trưởng trong loạn lạc do vô thần Cộng sản Việt nam gây ra, lớn lên trong gian truân chiến đấu với bạo tàn cộng sản Việt nam, phát triển trong thiếu thốn do vô thần Cộng sản Việt nam bao vây. Nhưng không vì thế mà khựng lại trước bạo tàn tại Tam Tòa. Người dân Nghệ Tĩnh Bình ngày nay thuộc mọi thành phần, mọi tôn giáo, đều không khỏi lấy làm vinh dự, khi nhìn thấy tiền nhân ta đã săng hay lấy khí tiết bảo vệ non sông, lấy máu đào tô điểm sơn hà, lấy nhân bản đề cao danh dự, lấy ý chí tạo lập hạnh phúc chung, vì Thiên Chúa và Tổ Quốc".

Tòa Tổng Giám Mục Vinh cương quyết lên tiếng bảo vệ đàn chiên, đang bị bách hại và nhất thề không lùi bước nữa trước bất cứ các trả thù cũng như bách hại do bạo tàn có thể sẽ gây ra, bằng văn thư đối đầu trực diện với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình với các xác quyết như sau:

1.- Giáo dân Tam Tòa không vi phạm pháp luật khi dựng lán trên nền nhà thờ Tam Tòa. Cho đến nay khuôn viên, tháp chuông nhà thờ Tam Tòa vẫn thuộc chủ quyền giáo xứ Tam Tòa, giáo phận Vinh.

2.- Giáo dân không tới gây rồi trật tự công công, chỉ dựng lán che (dài 9 mét, rộng 6 mét, lợp tôn), không xây dựng nhà kiến cố, nên không phải báo cáo, xin phép.

3.- Ủy ban nhân dân tỉnh nói rằng quần chúng nhân dân và giáo dân đánh đập nhau là không đúng sự thật. Chúng tôi có đủ bằng chứng khẳng định rằng công an Quảng Bình đã đánh đập, bắt giữ giáo dân trái pháp luật. Công an Quảng Bình đã chiếm đoạt trái phép Thánh Gía và tài sản của Gíao hội cũng như của giáo dân.

Bởi vậy chúng tôi yêu cầu:

1.- Thả ngay, thả hết những giáo dân bị công an Quảng Bình đánh đập và đang bị bắt giữ.

2.- Săn sóc, chữa lành những giáo dân bị công an đánh đập.

3.- Bồi thường tại lán che của xứ Tam Tòa.

4.- Trả lại Thánh gía, trả lại tài sản của Giáo hội và tài sản của giáo dân.

5.- Dừng ngay việc xuyên tạc sự thật, bôi nhọ tôn giáo, kích động hận thù, gây chia rẽ khối đoàn kết lương giáo.

Hôm Chúa Nhựt 26 tháng 7 năm 2009, một ngày cầu nguyện đã huy động 500,000 giáo dân của địa phận từ các giáo hạt trong giáo phận Vinh. Tất cả đều một lòng cầu nguyện và tố cáo việc Nhà Nước bắt giam người vô lý và trái phép.

 

Chu Văn

(dựa theo bản tin của VietCatholic)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page