Giáo hội Công giáo và

cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras

 

Giáo hội Công giáo và cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras.

Honduras [La Croix 22/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Honduras, Giáo hội Công giáo không đứng về phía tổng thống Zelaya, hiện đang lưu vong tại Nicaragua, nhưng cũng không ủng hộ tổng thống Micheletti, người được đưa lên sau cuộc đảo chính hôm 28 tháng 6 năm 2009. Người đứng đầu Giáo hội có uy tín nhứt hiện nay tại Honduras là Ðức hồng y Maradiaga vẫn luôn kêu gọi đối thoại giữa hai bên.

Những người ủng hộ tổng thống Manuel Zelaya đã cho biết sẽ tổ chức một cuộc tổng đình công trong hai ngày 23 và 24 tháng 7 năm 2009.

Ðắc cử hồi năm 2005, trong thời gian gần đây, tổng thống Zelaya dự định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để được tái cử. Ðây là một quyết định hoàn toàn đi ngược lại với Hiến Pháp Honduras. Quân đội đã xem đây là một hành động vi hiến và đã thực hiện cuộc đảo chính để lật đổ ông Zelaya và buộc ông phải đi lưu vong.

Nhưng nhiều người dân Honduras cũng dựa vào Hiến Pháp để lên án cuộc đảo chính. Ðược qui tụ thành "Mặt trận quốc gia chống đảo chính", các công đoàn và các hiệp hội giáo chức muốn bênh vực tổng thống Zelaya và chống lại chính phủ mới được quân đội ủng hộ.

Cộng đồng thế giới đã lên án cuộc đảo chính. Nhưng Giáo hội Công giáo tại Honduras thì trái lại, đã không chống lại việc truất phế tổng thống Zelaya.

10 ngày trước khi diễn ra cuộc đảo chính, Ðức hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng giám mục thủ đô Tegucigalpa, đã cùng với đại diện của Hội đồng Giám mục Honduras, đích thân đến gặp tổng thống Zelaya để nói với ông rằng Giáo hội chống lại việc ông tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để tìm cách tái cử.

Trong một thông cáo được đưa ra hôm 3 tháng 7 năm 2009, Hội đồng Giám mục Honduras đã biện minh cho lập trường của các ngài và nói rằng lập trường này hoàn toàn phù hợp với Hiến Pháp Honduras.

Thật vậy, điều 239 của Hiến Pháp Honduras cấm tổng thống không được kéo dài nhiệm kỳ của mình. Ðược đưa ra nhằm mục đích ngăn ngừa mọi mưu toan độc tài trong một quốc gia vốn đã bị cai trị dưới chế độ độc tài quá lâu, điều 239 của Hiến Pháp Honduras đã biện minh cho cuộc đảo chính lật đổ ông Zelaya, sau khi Tòa Bảo Hiến và Quốc hội đồng thanh lên án việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn dành cho Nhựt báo Công giáo Pháp La Croix hôm thứ Ba 21 tháng 7 năm 2009, linh mục Juan Lopez, một cộng tác viên thân cận của Ðức hồng y Maradiaga, nói rằng: "điều này không hề có nghĩa là Giáo hội ủng hộ chế độ mới hay tham gia vào chính phủ mớI".

Cha Lopez cho rằng cộng đồng thế giới chỉ theo dõi những biến cố tiếp theo việc bắt giữ tổng thống Zelaya và buộc ông đi lưu vong kể từ ngày 28 tháng 6 năm 2009. Theo cha, cần phải hiểu rằng cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội tạI Honduras đã bắt đầu từ lâu.

Thật vậy, trong một thông cáo được cho công bố trên trang mạng của Giáo hội ngay từ đầu tháng 6 năm 2009, các Ðức giám mục Honduras đã lên tiếng tố cáo các bất bình đẳng xã hội, nạn mù chữ, tham nhũng dưới sự cai trị của ông Zelaya. Các Ðức giám mục viết rằng hệ thống dân chủ ngày càng xuống cấp và là nguyên nhân khiến người dân không còn tin tưởng nơi các tổ chức chính phủ.

Hiện nay Giáo hội tạI Honduras đang đặt tin tưởng nơi khả năng hòa giải và bảo vệ hòa bình của Ðức hồng y Maradiaga. Ðược Ðức thánh cha Gioan Phaolo II nâng lên bậc Hồng y hồi năm 2001, Ðức tổng giám mục thủ đô Tegucigalpa đã từng được xem là một người có thể được bầu làm giáo hoàng. Với uy tín ấy, Ðức hồng y Maradiaga là người có thể đứng ra làm trung gian trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Dù cậy, cùng với vị hồng y này, Hội đồng Giám mục Honduras đã yêu cầu ông Zelaya đừng về nước trong lúc này để tránh một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, các ngài vẫn nhấn mạnh rằng việc quân đội trục xuất tổng thống Zelaya ra khỏi nước là một hành động bất hợp pháp.

Theo Ðức hồng y Tổng giám mục thủ đô Tegucigalpa, giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể được tìm thấy qua đối thoại mà thôi.

Từ ba tuần nay, trong khi các phe phái ngày càng có lập trường cực đoan, thì trong các cuộc gặp gỡ với nhiều giới chính trị trong nước, Ðức hồng y Maradiaga không ngừng kêu gọi "hòa giải".

Sứ điệp mà ngài luôn nhắn gởi với cộng đồng thế giới là: "chúng tôi có quyền quyết định về số phận của chúng tôi".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page