Vài nét về giáo xứ Tam Tòa

giáo phận Vinh

 

Vài nét về giáo xứ Tam Tòa, giáo phận Vinh.

Vinh, Việt Nam [x.Vietcatholic 20/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Như chúng tôi đã loan tin, hằng trăm công an đã hành hung linh mục chính xứ và giáo dân giáo xứ Tam Tòa, Ðồng Hới, thuộc giáo phận Vinh. Ðể giúp theo dõi sự việc, chúng tôi xin được dựa vào một bài viết trên trang mạng Vietcatholic để ghi lại vài nét lịch sử về giáo xứ này.

Giáo xứ Tam Tòa, có nhà thờ tọa lạc tại đường Nguyễn Du, thành phố Ðồng Hới hiện nay, đã được thành lập khoảng năm 1631 với tên gọi là "xứ đạo Ðông Hải, còn gọi là Họ Lũy."

Khoảng năm 1774, sau khi lực lượng Chúa Trịnh chiếm được Ðàng Trong và san bằng nơi thường được gọi là "Lũy Thầy", nhà thờ này được chuyển về khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải, và được gọi là giáo xứ Sáo Bùn. Khoảng năm 1886, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với khoảng 1,200 giáo hữu. Ở đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và có tu viện dòng Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục.

Năm 1886, Quân Văn Thân đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ Sáo Bùn, nên số giáo dân chạy về Ðông Hới lánh nạn. Sau khi được sự cho phép của chính quyền bảo hộ và các cơ quan hữu trách, Cha sở lúc này là cố Claude Bonin và giáo dân Tam Tòa chuyển nhà thờ về ở rẻo đất bên bờ sông Nhật Lệ sát cửa thành thuộc đất làng Mỹ Lệ và đổi tên thành giáo xứ Tam Tòa, cho đến hôm nay. Năm 1850, khi giáo phận Huế được thành lập, Tam Tòa thuộc sự quản lý của Giáo phận Huế.

Nhà thờ Tam Tòa lần đầu tiên được xây dựng năm 1887 và năm 1940, được tái thiết khang trang và hoàn chỉnh hơn.

Năm 1954, sau hiệp định Genève, hầu hết giáo dân Tam Tòa, cùng với rất nhiều dân cư ở đây và giáo dân các xứ thuộc hạt Nam Quảng Bình di cư vào Ðà Nẵng sinh sống và thành lập giáo xứ Tam Toà ở Ðà Nẵng. Từ đó, số giáo dân còn lại ở đây được coi sóc bởi 2 linh mục Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể. Ðến năm 1962, cha Thể qua đời, và năm 1964, chiến tranh lại bùng phát, cha Nghiêm rời Tam Tòa cho đến nay không có linh mục coi sóc.

Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích, đổ nát và được duy trì trong tình trạng này cho đến ngày nay. Mặc dầu số giáo dân còn lại quá ít ỏi, không đủ khả năng tái thiết, nhưng Tổng giáo phận Huế cũng như bà con Tam Tòa vẫn luôn ước mong tái thiết nhà thờ mà Cha Ông họ đã dày công xây dựng.

Ngày 26/3/1997, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tự động ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử như một di chứng tội ác chiến tranh, không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là Tổng giáo phận Huế và bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa.

Ðến ngày 15/5/2006, Tổng giáo phận Huế chuyển giáo hạt Nam Quảng Bình cho giáo phận Vinh, trong đó có giáo xứ Tam Tòa. Ngay sau đó, Ðức cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng về quản xứ Làng Sen, kiêm xứ Tam Tòa, có hơn 1,000 giáo dân sinh sống tại địa bàn thành phố Ðồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà.

Hiện nhà thờ cũ đổ nát, mọi sinh hoạt tôn giáo đang phải nhờ nhà của một giáo dân tại đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ Tam Tòa khoảng 100m về phía Tây Bắc.

Vì thế, giáo phận Vinh đang làm thủ tục lấy lại đất này, xây dựng nhà thờ Tam Tòa, đảm bảo quyền lợi thực tế chính đáng của công dân. Ðây là điều hoàn toàn có căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý.

Trước hết, phải khẳng định rằng việc Giáo phận Vinh tái thiết giáo xứ Tam Tòa là cần thiết và hợp pháp, đáp ứng nhu cầu thực tế của công dân, do đó không cần phải xin cấp phép lại. Theo nội dung trên, giáo xứ Tam Tòa được thành lập và hoạt động hợp pháp từ rất sớm, năm 1631. Ngay cả khi vì hoàn cảnh lịch sử, giáo dân phải di cư đi nơi khác, nhà thờ bị chiến tranh tàn phá, số còn lại không đủ điều kiện tái thiết, Tam Tòa vẫn luôn luôn là một giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Huế, nay thuộc giáo phận Vinh.

Thứ hai, việc Giáo phận Vinh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình trả lại khuôn viên nhà thờ Tam Tòa, để xây dựng lại, phục vụ nhu cầu của đông đảo giáo dân ở đây là điều chính đáng, đúng pháp luật.

Bộ giáo luật 1983, điều 1279 quy định: Tòa giám mục, đứng đầu là Giám mục giáo phận, là người trực tiếp đứng chủ, quản lý, sử dụng mọi tài sản của Giáo hội tại địa phương. Theo đó, đất và nhà thờ Tam Tòa là tài sản của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, do tòa tổng giám mục Huế trực tiếp đứng chủ, quản lý và sử dụng, trước sau không thay đổi.

Ðịa bàn quản lý của tổng giáo phận Huế trước và sau hiệp định Genève (1954) vẫn bao gồm cả hạt Nam Quảng Bình. Trong đó, nhà thờ Tam Tòa cũng thuộc sự quản lý đó cả trên lý thuyết và thực tiễn. Việc giáo dân Tam Tòa, vì hoàn cảnh lịch sử phải di cư đi nơi khác làm ăn sinh sống, nhà thờ bị chiến tranh tàn phá nặng nề, số còn lại không có khả năng tái thiết để đưa vào sinh hoạt, hoàn toàn không làm thay đổi chủ sở hữu nhà thờ và đất đó, là tòa tổng giám mục Huế.

Ðiều 70 hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định rõ ràng rằng: "Những nơi thờ tự của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, không ai được xâm phạm". Ðiều đó đã được quy định chi tiết và cụ thể hơn tại Pháp lệnh tôn giáo năm 2005: "Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưởng tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm mọi việc xâm phạm tài sản đó" (Ðiều 26). Và "Ðất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường..." (Ðiều 27). Nội dung này cũng đã được quy định rất chi tiết tại các Ðiều 220 Bộ luật dân sự và điều 9 Luật đất đai 2003.

Năm 1996, việc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tự tiện chia cắt đất và đưa khuôn viên nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích tội ác chiến tranh mà không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là Tòa tổng giám mục Huế là vi phạm nghiêm trọng các quy tắc trên của pháp luật, đi ngược lại lịch sử.

Trên thực tế, đất nhà thờ Tam Toà đã có từ năm 1886, cho đến năm 1997 bị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng bình chiếm dụng trái phép. Diện tích đất này chưa bao giờ thuộc diện bị cải tạo theo luật cải cách ruộng đất và thông tư số 73 ngày 7/7/1962. Cũng không hề có quyết định trưng dụng, trưng thu hay trưng mua nào hết.

Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đang quản lý khuôn viên này theo danh mục đất có di tích lịch sử là điều bất hợp pháp. Do đó, cần áp dụng Ðiều 98 Luật đất đai 2003 để xử lý chuyển mục đích sử dụng, trả lại cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam, trực tiếp là giáo phận Vinh.

 

VietCatholic

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page