Hội đồng giám mục Việt nam
nói về tình hình Giáo hội tại Việt nam
Ðức cha chủ tịch hội đồng giám mục Việt nam nói về tình hình Giáo hội tại Việt nam.
Roma [cf Vietcatholic 18/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Sau khi thực hiện chuyến viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô từ ngày 21-06-2009 đến 03-07-2009, một phái đoàn của Hội đồng Giám mục Việt Nam do Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Ðà Lạt, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam dẫn đầu, đã đến thăm Hội đồng Giám mục Pháp hôm thứ Năm, 16-07-2009.
Ðón tiếp phái đoàn có cha Bernard Podvin, người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Pháp, cha Gildas Kerhuel, tổng thư kí Vụ Truyền giáo và Bertrand Jegouzo, thường trực Vụ Truyền giáo.
Nhân dịp này, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã dành cho Trang Mạng của Hội đồng Giám mục Pháp một cuộc phỏng vấn, qua đó ngài trình bày về hiện tình Giáo hội tại Việt nam.
Trước hết, nhận định về chuyến viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa qua, Ðức cha chủ tịch hội đồng giám mục Việt nam cho biết:
"Chuyến viếng thăm ad limina của chúng tôi là dịp để thảo luận và tường trình về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Tòa thánh Vatican rất quan tâm đến hoàn cảnh của chúng tôi. Chúng tôi đã đề cập đến vấn đề trả lại tài sản của Giáo Hội và của các Ðại Chủng viện. Giáo Hội Việt Nam có 26 giáo phận và 32 giám mục, trong số đó 29 vị đã đến Roma trong dịp này. Cộng đồng Công giáo có 6.5 triệu tín hữu với 3,000 linh mục và 12,000 nữ tu trong tổng số dân 83 triệu."
Riêng về những khó khăn mà Giáo Hội tại Việt nam đang phải đương đầu, Ðức cha Nhơn giải thích:
"Sau năm 1975, các tôn giáo đều bị mất đất đai và tài sản, cũng như các tổ chức điều hành các trường học, bệnh viện hay bệnh xá. Tất cả tài sản này đều bị Nhà nước - độc quyền về giáo dục và y tế - thu hồi. Tài sản bị tịch thu đã không được dùng vào công ích nhưng cho các cá nhân. Tuy nhiên Nhà nước Việt Nam đã nhận thức được điều này và có lẽ trong tương lai tình hình sẽ được cải thiện.
Tình hình các Ðại chủng viện cũng thế. Trước 1975, các giáo phận đều có chủng viện riêng, nhưng đã bị đóng cửa vào năm 1975. Ðến năm 1987 mới được mở lại hai Ðại Chủng viện: một ở Hà Nội cho các giáo phận miền Bắc và một ở Sài Gòn cho các giáo phận miền Nam. Chỉ tiêu cho mỗi giáo phận là từ 5 đến 7 chủng sinh cho một chu kỳ học 6 năm. Chỉ tiêu này do Nhà nước ấn định. Niên khóa 2009-2010, mỗi chủng viện được ấn định chỉ tiêu riêng của mình. Hiện nay chúng tôi có 7 chủng viện. Nhưng khó khăn vẫn còn đó, vì chính quyền cộng sản là vô thần, và chúng tôi không được tham gia vào lãnh vực truyền thông vốn do Nhà nước kiểm soát.
Hoạt động đối ngoại cũng có những khó khăn. Chúng tôi không được làm việc trong lãnh vực giáo dục và y tế. Caritas mới được Nhà nước công nhận hồi năm ngoái (2008). Kể từ nay 13 giáo phận có một văn phòng Caritas. Từ năm 1975 các nữ tu có thể chăm sóc bệnh nhân ở miền Nam. Nhà do các nữ tu quản lý, nhưng họ không được điều hành. Họ có thể ở lại đó để dạy học. Có một cuốn phim về đề tài này do đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện, phim Chuyện tử tế."
Trong bài phỏng vấn, Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam nói đến mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội như sau:
"Chuyến viếng thăm của Hồng y Roger Etchegaray năm 1989 đã khơi mào một kỉ nguyên mới cho các liên hệ với chính quyền Việt Nam. Sau chuyến viếng thăm này, đã có 19 chuyến viếng thăm chính thức của Vatican, một dấu hiệu cởi mở, mặc dù rất chậm. Từ khi đổi mới năm 1993, Giáo Hội đã có thể gửi các linh mục đi học ở nước ngoài, nhất là ở Paris. Bảy người trong số đó đã là giám mục.
Mới đây chúng tôi cũng được quyền phong chức linh mục và bổ nhiệm giám mục. Trước đó bắt buộc phải xin phép chính quyền.
Nhiều chủng sinh đã đến học tại Pháp."
Theo đức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam, "Các chủng sinh ở Pháp về có tinh thần cởi mở và dấn thân hoàn toàn cho sứ vụ. Việc đào tạo các chủng sinh tại Pháp khó hơn tại các quốc gia khác. Vì thế chúng tôi phải chuẩn bị kĩ lưỡng các chủng sinh trước khi gửi họ sang Pháp. Tiếng Pháp cũng khó hơn tiếng Anh và chương trình giảng dạy cũng đòi hỏi trình độ học vấn cao hơn."
Nói đến vị trí của người giáo dân trong Giáo Hội Việt Nam, Ðức cha Nhơn khẳng định như sau:
"Các giáo dân luôn có vị trí quan trọng trong Giáo Hội do sự kiện có ít linh mục vì bị bách hại. Tại miền Bắc, nhiều tín hữu, linh mục và giám mục đã di cư vào năm 1954. Các giáo dân đã giữ vai trò quan trọng làm cho Giáo Hội sống động. Chúng tôi có 53,000 giáo lý viên tình nguyện. Các ca đoàn cũng rất nhiều và rất sinh động. Ðó là hai sức mạnh của Giáo Hội chúng tôi."
Nhận định về quan hệ giữa Giáo Hội Việt Nam với Giáo Hội Pháp, Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam nói:
"Cuộc viếng thăm đầu tiên của các giám mục Pháp là của Ðức cha Duval năm 1996, một cuộc viếng thăm rất cảm động. Lần viếng thăm sau cùng cách đây 2 năm với Ðức Hồng y Ricard, Ðức cha Aubertin và Ðức Ông Lalanne.
Chúng tôi dự định mời các giám mục Pháp vào năm 2010, khi chúng tôi mừng 50 năm thành lập Hàng giáo phẩm Việt nam và 350 năm thiết lập giáo phận Tông tòa đầu tiên do Hội Thừa sai Paris phụ trách. Chúng tôi mong muốn mời Ðức Hồng y Etchegaray vào dịp khai mạc các ngày lễ này, cũng như Ðức Hồng y Vingt-Trois và cha Bề trên Hội Thừa sai Paris."
VietCatholic