Bạo động tại Iraq

mang tính chính trị hơn là tôn giáo

 

Bạo động tại Iraq mang tính chính trị hơn là tôn giáo.

Roma [Zenit 17/07/2009] - Ðức tổng giám mục thuộc nghi lễ Latinh Bagdad, Iraq khẳng định rằng vấn đề bạo động tại đây mang mầu sắc chính trị hơn là tôn giáo.

Hôm thứ Ba 14 tháng 7 năm 2009, trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Caritas Tây Ban Nha ở thủ đô Madrid, Ðức cha Jean Benjamin Sleiman nhìn nhận rằng tình trạng Iraq đã cải thiện hơn so với năm 2008; con số các nạn nhân của bạo động đã giảm tới 80 phần trăm. Tuy nhiên, Ðức cha Sleiman lo sợ rằng các cuộc tấn công nhắm vào các nhà thờ Công giáo trong thời gian gần đây "khiến cho nhiều người và các tín hữu Kitô không còn hy vọng rằng bạo động có thể giảm bớt và như vậy tìm cách bỏ nước ra đi".

Ðức Tổng giám mục thuộc nghi lễ Latinh đã cùng với giám đốc Caritas Iraq, ông Nabil Nissan, đến Tây Ban Nha để trình bày về tình hình Iraq sau khi quân đội Hoa kỳ triệt thoái khỏi nước này. Ngài cũng nói đến những thách đố nhân đạo khẩn thiết nhứt mà Caritas Iraq phải đương đầu.

Chuyến đi Tây Ban Nha của Ðức cha Sleiman trùng với việc kỷ niệm 10 năm Ðức thượng phụ Calde lúc bấy giờ là Ðức cha Rafael Bidawid viếng thăm Tây Ban Nha.

Trong bài nói chuyện với giới truyền thông, Ðức cha Sleiman nhấn mạnh đến một trong những vấn đề trầm trọng nhứt hiện nay tại Iraq là sự hòa giải dân tộc. Ngài cũng nói đến tình trạng hiện nay của các cộng đồng kito thiểu số: ít nhứt đã có một nửa trong tổng số tín hữu Kitô đã bỏ nước ra đi. Theo Ðức cha Sleiman, với khoảng nửa triệu tín hữu thuộc 14 Giáo hội Kitô khác nhau, tình trạng của cộng đồng Kitô thiểu số tại Iraq sẽ rất mong manh nếu những người hồi giáo cực đoan có nhiều quyền hành hơn.

Về hoạt động của Caritas Iraq, Ðức tổng giám mục Bagdad cho biết: ngoài chương trình trợ giúp nhân đạo cho những thành phẩn dễ bị tổn thương nhứt, Caritas Iraq dành ưu tiên cho một số lãnh vực như: thực phẩm cho trẻ em, trợ giúp y tế, bảo vệ những người khuyết tật và tỵ nạn.

Trong cuộc họp báo, đức cha Sleiman kêu gọi cộng đồng thế giới, cách riêng các tín hữu Kitô, hãy ý thức về tình trạng hiện nay của Iraq. Ngài khẳng định: "vấn đề của Iraq cũng là vấn đề của quí vị". Theo ngài, vấn đề Iraq không chỉ giới hạn trong xứ sở này, mà còn liên hệ đến cả vùng Trung Ðông và những hậu quả của bạo động trong vùng cũng ảnh hưởng đến toàn Âu Châu. Xây dựng hòa bình tại Trung Ðông cũng có nghĩa là xây dựng hòa bình tại Âu Châu.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page