Phản ứng của các giám đốc xí nghiệp

lãnh đạo công đoàn và chính trị gia Pháp

đối với thông điệp xã hội

của đức Benedicto XVI

 

Phản ứng của các giám đốc xí nghiệp, lãnh đạo công đoàn và chính trị gia Pháp đối với thông điệp xã hội của đức Benedicto XVI.

Paris [La Croix 16/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Thông điệp có tựa đề " Bác ái trong sự thật" của đức thánh cha Benedicto đã được cho công bố hôm 7 tháng 7 vừa qua.

Hơn một tuần lễ sau khi được công bố, thông điệp "Bác ái trong sự thật" của Ðức thánh cha Benedicto XVI vẫn tiếp tục tạo ra nhiều phản ứng trong và ngoài Giáo hội trên khắp thế giới, nhứt là vào giữa lúc đang diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tại Pháp, hôm thứ tư 15 tháng 7 vừa qua, tại Học Viện "College des Bernadins" ở quận 5 Paris, Ðức hồng y Andre Vingt Trois, Tổng giám mục Paris, kiêm chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã giới thiệu thông điệp mới của Ðức thánh cha với các dân biểu, giám đốc xí nghiệp và lãnh tụ công đoàn và các hiệp hội.

Trong phần giới thiệu thông điệp, Ðức hồng y Vingt Trois đã nhấn mạnh rằng "nhân loại có sứ mệnh và các phương tiện để làm chủ thế giới trong đó chúng ta đang sống", cũng như thăng tiến công lý và tình thương, ngay cả trong lãnh vực kinh tế.

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp tái khẳng định niềm xác tín Kitô giáo, theo đó "con người được kiện toàn trong quan hệ với một Ðấng lớn hơn mình, tức Ðấng Tuyệt Ðối". Theo Ðức hồng y Tổng giám mục Paris, thông điệp không nhằm đưa ra một số giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, mà chỉ muốn kêu gọi mọi người hãy làm một phán đoán luân lý. Một cách dứt khoát, Ðức thánh cha quả quyết rằng chính sự phục vụ con người mới là tiêu chuẩn tối hậu và quyết định của dự án xã hội".

Sau phần giới thiệu của Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp là góp ý của một số nhân vật lãnh đạo tại Pháp.

Ông Addou Diouf, nguyên tổng thống Ghana, đương kiêm tổng thư ký của các nước pháp thoại, đã chào mừng "sứ điệp sáng chói" của Ðức thánh cha bằng câu nói của văn hào Chateaubriand như sau: "những giờ phút khủng hoảng làm cho con người co cụm". Nhưng cựu tổng thống Ghana cảnh cáo rằng không nên xem thông điệp của Ðức thánh cha chỉ như một câu giải đáp của Giáo hội trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nghĩ như thế là giới hạn tầm quan trọng của thông điệp.

Ông Diouf không ngần ngại khẳng định rằng thông điệp mới của Ðức thánh cha là "giáo huấn xã hội của Giáo hội cho thế kỷ 21". Theo ông, trong thông điệp, Ðức thánh cha trình bày cái nhìn của Giáo hội về kinh tế và xã hội cũng như chính trị, văn hóa và tinh thần cho thế giới ngày mai. Ông Diouf nói rằng cần phải "điều tiết, nhân bản hóa và dân chủ hóa xu thế toàn cầu hóa hiện nay".

Về phần mình, ông Francois Chereque, tổng thư ký công đoàn CFDT tại Pháp, nhìn nhận rằng, cho dẫu quá nhận mạnh đến chiều kích siêu việt, thông điệp của Ðức thánh cha cũng đã đưa ra những nhận định chính xác. Theo ông, cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và môi sinh cũng là một cuộc khủng hoảng luân lý: khi các công nhân đe dọa phá hủy nhà máy của họ, điều đó cho thấy một cuộc khủng hoảng về " ý nghĩa".

Ông Michel Camdessus, nguyên tổng giám đốc công đoàn FMI, ghi nhận rằng thông điệp của Ðức thánh cha kêu gọi thăng tiến một công ích cho toàn thế giới. Theo ông, đây là lần đầu tiên một ý niệm như thế xuất hiện trong giáo huấn xã hội của Giáo hội.

Ông Camdessus nói: "thông điệp của Ðức thánh cha mang lại nhiều bất ngờ. Người ta chờ đợi một bản văn chi tiết về cuộc khủng hoảng, về việc giải quyết vấn đề. Nhưng Ðức thánh cha chỉ nói đến tình thương, lòng bác ái. Ðây là một văn kiện thiết yếu nói về con người. Theo ông, thông điệp "Bác ái trong sự thật" đề ra một "nhân bản chủ nghĩa Kitô, nhân vị và cộng đồng hướng về sự siêu việt".

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ và trao đổi về thông điêp của Ðức Thánh Cha, một giám đốc ngân hàng tại Pháp cho biết: ông đón nhận thông điệp mới của Ðức thánh cha như một lời kêu gọi phát huy điều mà ông gọi là "những không gian "nhưng không" giữa lòng xí nghiệp, mà vẫn không chối bỏ chiều kích kinh tế".

Về phần mình, ông Eduardo Malone, giám đốc công ty có tên là "Chargeurs", còn đi xa hơn.Ông khẳng định rằng sứ điệp của Ðức thánh cha được nhắn gởi cho mỗi người, ngay trong chỗ làm việc của mình, chứ không phải ngỏ với các cơ cấu tổ chức.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page