Hội đồng đại kết

các Giáo hội Kitô Âu Châu

 

Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô Âu Châu.

Lyon [La Croix 14/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Thành phố Lyon của Pháp được xem như là thủ đô của Phong Trào Ðại Kết Kitô. Chính tại đây mà Cộng đồng đại kết Taize được khai sinh.

Kể từ thứ Tư 15 tháng 7 năm 2009, thành phố này trở thành "buồng phổi" của phong trào đại kết Âu châu, khi đón tiếp các đại diện của Hội đồng đại kết Kitô về tham dự phiên khoáng đại lần thứ 13 với chủ đề "Ðược kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng duy nhứt vào Chúa Kitô". Hội đồng đại kết Kitô gọi tắt là KEK là tổ chức đại kết quan trọng nhứt tại Âu Châu.

Hội đồng này qui tụ 124 Giáo hội Kitô Âu Châu, trong đó có Chính thống, Tin lành, Anh giáo, Công giáo cổ và giáo hội Armeni. Ngoài ra, tham gia vào Hội đồng còn có khoảng 40 tổ chức Kitô khác nhau. Riêng Giáo hội Công giáo không phải là thành viên của Hội đồng đại kết Kitô, nhưng Hội đồng vẫn được xem là "đối tác" đại kết của Giáo hội Công giáo tại Âu Châu.

Ðược thành lập năm 1959, Hội đồng đại kết các Giáo hội đề ra sứ mệnh cổ võ sự hiệp nhứt và hòa giải giữa các Giáo hội Kitô, đồng thời cho phép các tín hữu Kitô tại Âu Châu có được một chứng tá chung tại lục địa này. Như vậy, Hội đồng thường xuyên dấn thân vào việc xây dựng Âu Châu, tranh đấu cho nhân quyền, bảo vệ môi sinh cũng như chăm sóc cho người di dân.

Phiên khoáng đại lần thứ 13 này qui tụ khoảng 750 đại diện của các Giáo hội Kitô Âu Châu. Hội nghị thường diễn ra 6 năm một lần với mục đích xác định đường hướng hoạt động của Hội Ðồng.

Chương trình hội nghị lần này rất đa diện. Trước hết, hội nghị mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô được dự trù tổ chức vào ngày Chúa Nhựt 19 tháng 7 năm 2009, dưới sự chủ tọa của mục sư Jean Arnold de Clermont, chủ tịch Hội đồng và Ðức thượng phụ đại kết Constantinople, Bartolomeo I.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Ðồng, Hội nghị cũng sẽ vạch ra tương lai của phong trào đại kết. Mục sư Luca Negro, thư ký của Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô, giải thích rằng khi kỷ niệm 50 năm thành lập, Hội đồng không chỉ tưởng nghĩ đến quá khứ, mà còn đưa ra một cái nhìn "đại kết" cho những năm sắp tới.

Phải nhìn nhận rằng kể từ một thế kỷ qua, hoàn cảnh đã biến đổi nhiều. Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô đã được khai sinh khi Âu Châu còn bị chia cắt thành hai khối đông và tây. Bà Smaranda Dochia, thư ký của Hội nghị nói rằng "lúc đó các Giáo hội Kitô Âu Châu không muốn chấp nhận để cho một bức tường chính trị chia cắt con người, gia đình và các Giáo hội. Bức tường đã sụp đổ gần 20 năm nay. Tuy nhiên, cuộc đối thoại và các mối giây thân hữu giữa con người và giữa các Giáo hội vẫn luôn cần thiết, hôm nay cũng như trong quá khứ."

Mặc dù ngày nay Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô đang ở trong một Âu Châu đã được biến đổi, thống nhứt và cũng bị tục hóa hơn, Hội đồng cũng vẫn phải nghĩ đến những khó khăn của Phong Trào Ðại Kết.

Mục sư Luca Negro ghi nhận: "tại cuộc gặp gỡ lần thứ ba của Hội đồng ở Sibiu dạo tháng 9 năm 2007, Hội đồng đã phải nhìn nhận rằng mình đang ở vào một ngõ cụt về đại kết". Theo vị mục sư này, ưu tiên hàng đầu là phải nghĩ đến tương lai của Phong trào đại kết tại Âu Châu và sau đó là vai trò mà hội đồng có thể nắm giữ.

Hội đồng hiện đang trải qua nhiều khó khăn nội bộ, nhứt là với Giáo hội Chính thống Nga. Giáo hội này quyết định không tham dự hội nghị vì một cuộc xung đột về vấn đề Estoni. Dù vậy, Hội đồng đại kết các Giáo hội Kito vẫn tiến hành tổ chức hội nghị.

Trong Hội nghị kéo dài một tuần lễ, ngoài vấn đề của Giáo hội chính thống Nga, các tham dự viên hẳn cũng sẽ bàn thảo về việc mở rộng cửa cho các Giáo hội khác như Công giáo và Tin lành Phúc âm.

Trang mạng của Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô Âu châu khẳng định như sau: "việc xây dựng những chiếc cầu nối giữa hai khối Ðông và Tây, giữa các Giáo hội thiểu số và các Giáo hội đa số, giữa các thế hệ, giữa phái nam và phái nữ, giữa các hệ phái Kitô cũng như sự hòa giải, hiệp nhứt trong Chúa Kitô, hòa bình thế giới, chứng từ chung của các Giáo hội: đó là những vấn đề chính đã và đang được Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô quan tâm".

Cũng theo trang mạng của Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô, "các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội khác nhau đã dấn thân sống và cùng nhau làm chứng trong tinh thần đại kết. Bên kia những chia cách, các Giáo hội vẫn cùng nhau hoạt động để thăng tiến sự hiệp nhứt của Giáo hội và cùng nhau làm chứng trước các dân tộc và tổ chức Âu Châu".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page