Ðức thánh cha Benedicto XVI

và tự do tôn giáo

 

Công giáo và nhân quyền: Ðức thánh cha Benedicto XVI và tự do tôn giáo.

(Radio Veritas Asia - Thứ Năm ngày 16/07/2009) - Ðức thánh cha Benedicto XVI và tự do tôn giáo: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi.

Kính thưa quí vị, các bạn thân mến,

Cũng như các vị tiền nhiệm của ngài, đặc biệt là đức Gioan Phaolô II, Ðức thánh cha Benedicto XVI cũng là một vị giáo hoàng của nhân quyền. Trong rất nhiều dịp khác nhau, ngài đã không ngừng lên tiếng kêu gọi nhìn nhận và tôn trọng quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.

Nổi bật và đáng chú ý nhứt trong thời gian gần đây có lẽ là bài diễn văn đáp từ của ngài khi tiếp kiến tân đại sứ Mehico đến trình ủy nhiệm thư. Trong buổi tiếp kiến dành cho ông Hector Federico King Altamirano, tân đại sứ Mehico bên cạnh Tòa Thánh, hôm thứ Sáu 10 tháng 7 năm 2009, Ðức thánh cha đã nói đến bản chất của tự do tôn giáo, ca ngợi việc bãi bỏ án tử hình và những nỗ lực bảo vệ thai nhi tại nước này.

Trong bài diễn văn chào mừng ông tân đại sứ, Ðức thánh cha nhắc lại bản sắc đặc thù của Mehico. Thật vậy, bản sắc của quốc gia này đã được nhào nặn qua hàng bao thế kỷ nhờ mối quan hệ phong phú với sứ điệp Tin Mừng do Giáo hội loan báo.

Ðức thánh cha khẳng định: "niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô đã làm phát sinh một nền văn hóa tại Mehico có sức mang lại một ý nghĩa đặc thù và toàn diện về sự sống và một cái nhìn đày hy vọng về cuộc sống , đồng thời cũng thiết lập một loạt những nguyên tắc căn bản cho sự phát triển hài hòa của toàn thể xã hội".

Theo Ðức thánh cha, một trong những điển hình của nền văn hóa hài hòa này chính là "Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình" diễn ra tại thành phố Mehico hồi tháng Giêng năm 2009. Ðức thánh cha nhìn nhận rằng người dân Mehico rất quí trọng gia đình. Chính vì vậy mà các gia đình luôn được trợ giúp đày đủ, các mái ấm gia đình tiếp tục là trường học về sự kính trọng và cảm thông, là vườn ương những giá trị nhân bản và là một lý do hy vọng cho toàn thể xã hội".

Cũng trong bài diễn văn chào mừng ông tân đại sứ Mehico bên cạnh Tòa Thánh, Ðức thánh cha nhắc lại việc nước này vừa kỷ niệm 50 năm tái lập quan hệ ngoai giao với Tòa Thánh. Theo Ðức thánh cha, đây là cơ hội để hiểu một cách đúng đắn về một quốc gia dân chủ thật sự và nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo trong mọi khía cạnh của nó đối với cuộc sống xã hội và công cộng.

Có thể nói đây là trọng tâm và đỉnh điểm của bài diễn văn của Ðức thánh cha.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng tự do tôn giáo đã từng gặp nhiều khó khăn tại Mehico. Trong Hiến Pháp năm 1917, nước này không nhìn nhận và bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Giữa năm 1926 và năm 1928, Mehico đã mở một cuộc bách hại công khai nhắm vào các linh mục và tu sĩ cũng như giáo dân.

Ám chỉ đến biến cố này, Ðức thánh cha nói đến bản chất đích thực của tự do tôn giáo. Ngài nói: "Sự thật là: tự do tôn giáo không phải là một quyền trong các quyền khác hay là một đặc ân mà Giáo hội Công giáo xin xỏ... Nó thuộc về bản chất của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia". Ðây cũng chính là điều mà đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục Hà nội, đã khẳng định trong cuộc gặp gỡ với chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà nội dạo tháng 11 năm 2008.

Thật vậy, tự do tôn giáo không phải là một quyền trong những quyền khác. Nhứt là nó không phải là một đặc ân được Nhà nước ban phát một cách tùy tiện.

Trong bài diễn văn chào mừng ông tân đại sứ Mehico bên cạnh Tòa thánh, Ðức thánh cha cũng khẳng định rằng tự do tôn giáo không thể bị giản lược thành "cuộc sống chung của những công dân nào thực hành tôn giáo một cách riêng tư. Tự do tôn giáo cũng không thể bị giới hạn vào việc tự do thờ phượng". Theo Ðức thánh cha, tự do tôn giáo "có nghĩa là các tín hữu phải được hoàn toàn bảo đảm để có thể bày tỏ niềm tin tôn giáo, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng công ích và một trật tự xã hội công bình trong mọi khía cạnh của cuộc sống, mà không bị giới hạn hay cưỡng bách".

Trong ý nghĩa đó, theo Ðức thánh cha, Giáo hội cổ võ và khuyến khích một cái nhìn tích cực về vai trò của tôn giáo trong xã hội, đồng thời cũng không can thiệp vào sự tự trị của các tổ chức dân sự.

Ðây cũng chính là điều mà Ðức thánh cha đã nhắn gởi cho nhà cầm quyền cộng sản Việt nam qua bài nói chuyện với các Ðức giám mục Việt nam trưa ngày thứ Bảy 9 tháng 7 năm 2009. Thật vậy, khi khuyến khích các Ðức giám mục Việt nam cộng tác với chính quyền trong việc mưu tìm công ích và xây dựng đất nước, Ðức thánh cha khẳng định rằng Giáo hội không hề có ý "thay thế chính quyền". Theo Ðức thánh cha, nếu hiểu một cách đúng đắn về tự do tôn giáo, thì chính quyền không có gì phải lo sợ trước Giáo hội. Trái lại, đối thoại và hợp tác giữa Giáo hội và Nhà nước là điều luôn có thể thực hiện được.

Giáo hội chỉ có thể hợp tác một cách tích cực với Nhà nước để mưu tìm công ích khi nào tự do tôn giáo được nhìn nhận và tôn trọng. Ðây là điều không thể chối cãi được trong các lãnh vực xã hội, y tế và đặc biệt là giáo dục. Ở những nơi nào trên thế giới tự do tôn giáo được nhìn nhận và tôn trọng đày đủ thì ở đó, Giáo hội góp phần một cách tích cực vào việc xây dựng con người và xã hội.

Giáo hội không chỉ góp phần bằng cách hoạt động xã hội, y tế và giáo dục. Sự đóng góp lớn lao nhứt của Giáo hội chính là kho tàng giáo huấn của mình.

Thật vậy, nhìn nhận hay không, chính do ảnh hưởng và tác động của Giáo hội mà nhiều bang tại Mehico đã thông qua luật bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Ðức thánh cha ca ngợi những nỗ lực ấy của Mehico cũng như việc bãi bỏ bản án tử hình tại nước này hồi năm 2005. Tôn trọng và bảo vệ sự sống con người: đây là một trong những điểm nòng cốt trong giáo huấn xã hội của Giáo hội.

Quả thật, Giáo hội đóng góp nhiều nhứt vào việc cải thiện xã hội bằng chính giáo huấn của mình. Ðây cũng là điều được Ðức hồng y Joseph Zen Ze Kiun (Giuse Trần Nhật Quân) đề cao khi nhìn lại tình hình Giáo hội tại Trung Quốc, hai năm sau khi Ðức thánh cha gởi thư cho người Công giáo tại nước này.

Trong một lá thư gởi cho anh chị em tín hữu Công giáo tại Trung Quốc nhân lễ thánh Phêrô và Phaolô hôm 29 tháng 6 năm 2009, Ðức hồng y cựu giám mục Hongkong khẳng định rằng Trung Quốc cần có Giáo hội, cần có kinh nghiệm phổ quát của Giáo hội để giúp đương đầu với xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Theo nhà vô địch tranh đấu cho tự do tôn giáo này, chỉ khi nào được làm một người Công giáo, nghĩa là được có tự do tôn giáo, con người mới có thể thực sự yêu nước và phục vụ quê hương mình. Ðây chính là ý nghĩa đích thực của tựa đề thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam hồi năm 1980: "Sống Phúc âm trong lòng dân tộc". Nói cách khác, kêu gọi yêu tổ quốc mà không nhìn nhận và tôn trọng tự do tôn giáo chỉ là một lời tuyên truyền ngụy biện.

Với khẳng định trên đây, chúng tôi xin tạm ngưng chuyên mục Công Giáo và Nhân Quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quí vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page