Một số nhận định về

thông điệp Bác ái trong sự thật

 

Một số nhận định về thông điệp "Bác ái trong sự thật".

Roma [Zenit, La Croix 9/07/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Thông điệp "Bác ái trong sự thật" (Caritas in veritate) được Ðức thánh cha Beneđitô XVI cho công bố hôm thứ Ba 7 tháng 7 năm 2009 đã gặp nhiều phản ứng thuận lợi trong cũng như ngoài Giáo hội.

Trước hết là nhận định của Ðức cha Francesco Folio, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Cơ Quan Unesco của Liên hiệp quốc ở Paris, Pháp Quốc. Vị đại diện của Tòa thánh tại Unesco đưa ra nhận xét như sau: giáo huấn xã hội Công giáo đã làm một bước nhảy vọt khi xem lao động của con người không như một thứ hàng hóa, mà trái lại khẳng định tính cách trọng tâm của con người và định mệnh tối hậu của con người cũng như của công ích.

Theo Ðức cha Follo, giáo huấn xã hội của Giáo hội không phải là con đường thứ ba giữa tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa Marxit. Giáo huấn này cũng không phải là một ý thức hệ hay đơn thuần là một thủ bản về những chuẩn mực và luật luân lý. Trái lại, đây là một cái nhìn không dựa trên tư bản hay những phương tiện sản xuất mà trên con người và phẩm giá con người.

Ghi nhận thứ hai của Ðức cha Follo khi đọc thông điệp "Bác ái trong sự thật" của đức Benedicto XVI là: giáo huấn xã hội của Giáo hội dựa trên mạc khải của Chúa Giêsu Kitô và dưới ánh sáng của lịch sử. Nói cách khác, việc phát triển giáo huấn xã hội của Giáo hội gắn liền với sự gia tăng ý thức về phẩm giá con người.

Cũng tại Pháp, Ðức hồng y Andre Vingt Trois, Tổng giám mục Paris, kiêm chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, nói rằng thông điệp xã hội của đức Benedicto XVI là một "sứ điệp hy vọng" vĩ đại.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba 7 tháng 7 năm 2009, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp khẳng định rằng thông điệp mới của Ðức thánh cha nói lên sứ mệnh của Giáo hội là "phân tách những vấn đề xã hội của thời đại". Theo Ðức hồng y Vingt Trois, với thông điệp này, Ðức thánh cha không thiết lập danh sách những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hoặc để đương đầu với những hậu quả của xu thế toàn cầu hóa, mà chỉ muốn "kêu gọi mọi người hãy vận dụng khả năng phán đoán luân lý của mình". Không một sinh hoạt nào của con người có thể thoát khỏi trách nhiệm luân lý.

Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, với thông điệp xã hội này, Ðức thánh cha kêu gọi mọi người hãy đảm nhận trách nhiệm của mình trong hoạt động kinh tế và xã hội, cũng như tự vấn về vấn đề phân phối tài nguyên, tôn trọng các quyền xã hội của các nước nghèo.

Liền sau khi thông điệp "Bác ái trong sự thật" được công bố, một vị Hồng y người Pháp khác là Ðức hồng y Philippe Barbarin, Tổng giám mục Lyon, cũng đưa ra những nhận định rất tích cực. Trong một bài viết được đăng trên trang mạng của Tổng giáo phận, Ðức hồng y Barbarin nêu lên câu hỏi: "đức ái của chúng ta có chân thật, cụ thể, chứ không chỉ ngoài môi miệng không? Ðức ái của chúng ta có cắm rễ sâu trong con người và thế giới không?"

Ðây là hai câu hỏi mà Ðức hồng y Tổng giám mục Lyon cho rằng thông điệp mới của Ðức thánh cha gợi lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Theo Ðức hồng y, thông điệp của Ðức thánh cha khẳng định: "nếu hành động của chúng ta không được xây dựng trên sự thật về thế giới và về con người, thì những sáng kiến của chúng ta sẽ không mang lại hoa trái yêu thương đích thực".

Trên đây là nhận định của một số vị lãnh đạo Giáo hội tại Pháp.

Một giáo sư kinh tế học tại Ý thì lại cho rằng với thông điệp mới này, Ðức thánh cha xứng đáng được trao tặng giải Nobel về kinh tế.

Trong một bài phỏng vấn trên nhựt báo Ý "Il Corriere della sera" [người đưa tin chiều], ông Ettore Gotti Tedeschi khẳng định rằng không ai có thể minh bạch hơn Ðức thánh cha để nói cho nhà kinh tế phải làm gì: đó là phải áp dụng luật của kinh tế chứ không phải tránh né nó.

Cũng là một cây viết thường xuất hiện trên báo "Người quan sát Roma", cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa thánh, ông Tedeschi nói rằng Ðức thánh cha đã phân tách một cách cặn kẻ và rõ ràng những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và kêu gọi đưa ra những dự án mới, không những chỉ để duyệt lại những luật lệ và các vấn đề về quản trị, mà để thực hiện những mục tiêu chính của kinh tế.

Hiện đang là giáo sư kinh tế học tại Ðại học Công giáo Milano, Bắc Ý, ông Tedeschi khẳng định rằng ông đón nhận văn kiện mới của Ðức thánh cha không chỉ vì là một người Công giáo, mà còn trong tư cách là một nhà kinh tế. Theo ông, Ðức thánh cha là người duy nhứt cho thấy có một liên hệ chặt chẽ giữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và sự sút giảm mức sinh sản tại những nước công nghiệp tiên tiến.

Giáo sư Tedeschi giải thích rằng sinh sản là một vấn đề cấm kỵ mà nhiều phân tách gia không dám nói tới. Ðây là một vấn đề có liên quan đến luân lý cho nên bị các nhà phân tách xem như không có tính khoa học, chỉ dành riêng cho những người mà họ gọi là "các nhà tôn giáo cuồng tín". Theo ông, đây cũng là một hình thức của điều mà ông gọi là chủ nghĩa "phủ nhận".

Theo giáo sư Tedeschi, cuộc khủng hoảng không chỉ phát sinh từ lòng tham của một số người hay vì tài chính không được quản lý nghiêm minh, mà từ những nguyên nhân sâu xa hơn. Ông khẳng định: "Việc hạ giảm sinh sản là nguyên nhân "đầu tiên" của cuộc khủng hoảng." Chính việc hạ giảm sinh sản làm gia tăng giá sinh hoạt, hạ giảm các nền kinh tế và các thỏa ước tài chính và như vậy khiến cho việc gia tăng kinh tế không đầy đủ.

Theo giáo sư Tedeschi, về phương diện kinh tế, con người đã trở thành một "phương tiện" gia tăng kinh tế trong toàn cầu hóa. Vừa là người lao động, vừa là người tiêu thụ và tiết kiệm, con người nhận thấy ba chiều kích này xung đột nhau. Và chỉ cần một sự gia tăng kinh tế nhỏ cũng đủ để làm cho cuộc xung đột bùng nổ. Và nếu cuộc xung đột bùng nổ, thì như Ðức thánh cha cảnh cáo, con người sẽ bị "xuống cấp" về nhân bản.

Ðức thánh cha xác tín rằng thị trường không thể hoạt động nếu không tuân thủ nguyên tắc "liên đới và tin tưởng". Theo giáo sư Tedeschi, lòng tin tưởng là tài nguyên quí hiếm nhứt, nhưng lại bảo đảm cho mọi thị trường có thể đứng vững. Nhưng lòng tin tưởng chỉ có được do cách hành xử của từng cá nhân mà thôi.Nó không có tính cách tập thể, cũng không được qui định bởi luật pháp. Lòng tin tưởng cũng như đạo đức: đạo đức cũng có tính cách cá nhân. Nó không đến nhờ luật pháp. Nó cũng không được học hỏi trong đại học.

Theo ông, đạo đức được "sống" và áp dụng chỉ khi nào con người tin tưởng và người ta chỉ tin tưởng khi cho rằng nó là điều tốt và hữu ích.

Giáo sư Tedeschi kết luận: "Chính cách hành xử đạo đức tạo ra lòng tin tưởng đó".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page