Nội dung thông điệp

" Bác ái trong sự thật"

của Ðức thánh cha

 

Nội dung thông điệp "Bác ái trong sự thật" của Ðức thánh cha.

(Radio Veritas Asia 9/07/2009) - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Thông điệp xã hội đầu tiên của Ðức thánh cha: "Bác ái trong sự thật" (Caritas in veritate) gồm có phần nhập đề và 6 chương.

Phần Nhập Ðề

Trong Phần Nhập Ðề, ÐTC nhắc nhở rằng "bác ái là con đường chính yếu trong giáo huấn xã hội của Hội Thánh". Ðàng khác, xét vì có "nguy cơ bác ái bị hiểu lầm, bị đưa ra khỏi đời sống luân lý đạo đức, nên nó cần phải có sự thật đi kèm". Và ngài cảnh giác rằng "Một thứ Kitô giáo bác ái mà không có sự thật thì dễ bị lẫn lộn với một mớ những tâm tình tốt đẹp, tuy hữu ích cho cuộc sống chung trong xã hội, nhưng nó ở bên lề xã hội".

Sự phát triển cần sự thật. ÐTC quả quyết rằng nếu không có sự thật, thì "hoạt động xã hội sẽ tùy thuộc những tư lợi và phải tuân theo các tiêu chuẩn quyền lực, đưa tới những hậu quả phá tán xã hội". Ðức thánh cha nhấn mạnh hai "tiêu chuẩn hướng dẫn hoạt động luân lý" xuất phát từ nguyên tắc "bác ái trong sự thật": đó là công lý và công ích". Ngài lập lại rằng, "Giáo Hội không đề ra những giải pháp chuyên môn", nhưng có "một sứ mạng chân lý cần phải chu toàn" để "có một xã hội xứng hợp với con người, với phẩm giá và ơn gọi của con người".

Chương thứ I

Chương thứ I trong Thông Ðiệp được dành cho Sứ điệp của Thông điệp "Populorum progressio" [Phát triển các dân tộc] của Ðức Phaolô 6. ÐTC nhận xét rằng "nếu không có viễn tượng đời sống vĩnh cửu, thì sự tiến bộ của con người trong thế giới này sẽ không có hơi thở". Không có Thiên Chúa, thì sự phát triển bị phủ nhận, trở thành vô nhân đạo". Ðức Phaolô 6 tái khẳng định "tầm quan trọng hết sức lớn lao của Tin Mừng trong việc xây dựng xã hội theo tự do và công lý" . Trong thông điệp Humanae vitae, [Sự sống con người], Ðức Phaolô VI "nêu rõ những mối liên hệ chặt chẽ giữa luân lý đạo đức trong cuộc sống và luân lý đạo đức xã hội". Ngày nay cũng vậy, "Giáo Hội mạnh mẽ đề nghị mối liên hệ ấy".

Chương thứ II

Trong chương thứ II, ÐTC bàn thẳng tới vấn đề Phát triển con người ngày nay. Ngài nhận xét rằng sự tìm kiếm lợi lộc như một đối tượng duy nhất "mà không để ý tới công ích như mục đích tối hậu thì có nguy cơ tàn phá sự phong phú và tạo nên nghèo đói". Và Ngài kể ra một số lệch lạc trong sự phát triển như: những hoạt động tài chánh "hầu hết có tính chất đầu cơ", làn sóng di dân "thường chỉ do người ta tạo nên" và bị quản lý sai trái, hoặc "sự khai thác bừa bãi những tài nguyên của trái đất". Ðứng trước những vấn đề có liên hệ với nhau như thế, Ðức Giáo Hoàng kêu gọi thực hiện "một tổng hợp mới về nhân bản". Cuộc khủng hoảng "buộc chúng ta phải điều chỉnh lại hành trình của chúng ta". Ðức Giáo Hoàng nhận xét rằng "sự phát triển ngày nay có nhiều trục trung tâm". "Sự phong phú trên thế giới gia tăng, nếu xét tuyệt đối, nhưng lại gia tăng sự chênh lệch" và nảy sinh những thứ nghèo mới. Ðức Giáo Hoàng lấy làm tiếc vì nạn tham ô hối lộ đều hiện hữu tại các nước giàu cũng như nước nghèo; nhiều khi các đại xí nghiệp liên quốc không tôn trọng các quyền của công nhân. Ðàng khác, "những viện trợ quốc tế thường bị tước khỏi mục tiêu của chúng, vì thái độ vô trách nhiệm của những người hiến tặng và những người được hưởng". Ðồng thời, ÐTC cũng tố giác rằng, "có những hình thức thái quá trong việc bảo vệ kiến thức từ phía các nước giàu, qua việc sử dụng một cách quá cứng nhắc quyền tài sản trí thức, nhất là trong lãnh vực y tế" .

ÐTC ghi nhận rằng sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã kêu gọi điều chỉnh lại toàn bộ sự phát triển, nhưng điều này chỉ diễn ra một phần mà thôi. Ngày nay, có một sự tái thẩm định vai trò của chính quyền quốc gia, và ước mong có sự tham gia của xã hội dân sự vào chính sách quốc gia và quốc tế. Rồi Ðức Giáo Hoàng chú ý đến sự kiện các nước giàu di chuyển việc sản xuất tới những nơi khác với những phí tổn hạ. Ðức Giáo Hoàng cảnh giác rằng "Tiến trình này có kèm theo sự giảm bớt các hệ thống an ninh xã hội", gây "nguy hiểm trầm trọng cho quyền lợi của các công nhân". Thêm vào đó, "có việc cắt giảm những chi phí xã hội, nhiều khi do chính các tổ chức tài chánh quốc tế cổ võ, sự kiện này khiến cho các công dân trở nên bất lực đứng trước những rủi ro cũ và mới". Ðàng khác, người ta thấy rằng "vì những lý do lợi ích kinh tế, các chính phủ thường giới hạn các quyền tự do công đoàn". Vì thế, Ðức Giáo Hoàng nhắc nhớ các nhà cầm quyền rằng "Tư bản đầu tiên cần bảo tồn và làm gia tăng giá trị chính là con người, là nhân vị trong sự toàn vẹn của con người".

ÐTC viết thêm rằng, trên bình diện văn hóa, sự kiện có thể trao đổi phản ứng mở ra những viễn tượng mới cho việc đối thoại, nhưng cũng có hai nguy hiểm. Trước tiên là xu hướng "hợp tuyển văn hóa", trong đó các nền văn hóa nói chung "được coi như tương đương với nhau". Nguy cơ trái ngược là "sự san bằng văn hóa", "đồng nhất hóa các lối sống" . Rồi ÐTC nghĩ tới thảm trạng nạn đói. Ngài tố giác rằng "hiện nay đang thiếu những tổ chức kinh tế có khả năng đương đầu với tình trạng cấp thiết là nạn đói". ÐTC cầu mong người ta tìm đến "những biên cương mới" trong kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và sự cải cách ruộng đất công bằng tại các nước đang trên đường phát triển.

Theo ÐTC, việc tôn trọng sự sống không thể tách rời khỏi sự phát triển các dân tộc vì bất kỳ lý do gì. Ngài nhận thấy tại nhiều nơi trên thế giới vẫn còn có những biện pháp kiểm soát dân số tới độ "áp đặt cả việc phá thai". Tại các nước phát triển cao, có sự lan tràn não trạng bài trừ sinh sản và người ta thường tìm cách phổ biến não trạng ấy cho cả những nước khác, như thể đó là một sự tiến bộ văn hóa. Ngoài ra, "người ta có lý do để nghi ngờ rằng nhiều khi chính những viện trợ phát triển" bị cột chặt với "những chính sách y tế, trong thực tế bao hàm sự áp đặt việc kiểm soát sinh sản. Thêm vào đó, những luật lệ cho phép làm cho chết êm dịu cũng thật là điều đáng lo âu." Ðức thánh cha viết: "Khi một xã hội tiến tới sự phủ nhận hoặc hủy hoại sự sống thì rốt cuộc sẽ không còn tìm được những động lực và sức mạnh để hoạt động hầu phục vụ thiện ích đích thực của con người".

Một khía cạnh khác gắn liền với sự phát triển là quyền tự do tôn giáo. ÐTCviết như sau: "bạo lực cản trở sự phát triển đích thực, điều này được đặc biệt áp dụng cho nạn khủng bố theo chủ nghĩa cực đoan". Ðồng thời, sự cổ võ chủ thuyết vô thần nơi nhiều quốc gia là điều trái ngược với những nhu cầu phát triển của các dân tộc, tước đoạt của họ những năng lực tinh thần và nhân bản. Ðể phát triển, cần có sự tác động hỗ tương của nhiều cấp độ kiến thức được hòa hợp với nhau nhờ đức bác ái.

Vì thế, ÐTC cầu mong rằng những chọn lựa kinh tế hiện nay tiếp tục "theo đuổi mục tiêu ưu tiên là làm sao để mọi người có công ăn việc làm". Ngài kêu gọi chống lại một nền kinh tế "ngắn hạn hoặc rất ngắn hạn", nhằm hạ thấp mức độ bảo vệ quyền của giới công nhân, để một quốc gia nào đó có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Vì thế, ngài khuyên nên sửa chữa những lệch lạc trong kiểu mẫu phát triển như tình trạng sức khỏe của trái đất ngày nay cũng đang đòi hỏi. Và ÐTC kết luận về sự toàn cầu hóa như sau: "Nếu không có sự hướng dẫn của bác ái trong sự thật, thì sự toàn cầu hóa có thể góp phần tạo nên những nguy cơ đưa tới những thiệt hại cho đến nay người ta chưa biết được và dẫn tới những chia rẽ mới". Vì thế, cần có một sự dấn thân chưa từng có và với tinh thần sáng tạo".

Chương thứ III

Chương thứ III có tựa đề "Tình huynh đệ, phát triển kinh tế và xã hội dân sự". Phần này mở đầu với lời ca ngợi kinh nghiệm về sự trao tặng. Kinh nghiệm này thường không được nhìn nhận "vì thứ nhân sinh quan duy sản xuất và duy lợi ích". Ðức thánh cha nhận xét rằng do xác tín về sự độc lập của kinh tế đối với những ảnh hưởng luân lý, con người đã lạm dụng các phương tiện kinh tế đến độ gây ra những tàn phá. Ðể thực sự có tính chất nhân bản, sự phát triển phải dành chỗ cho nguyên tắc "nhưng không". Ðiều này có giá trị đặc biệt đối với thị trường. ÐTC cảnh giác rằng "Nếu không có những hình thức nội tại liên đới và tín nhiệm lẫn nhau, thì thị trường không thể chu toàn chức năng kinh tế của nó". Thị trường "không thể chỉ cậy dựa nơi chính mình", nó phải kín múc năng lực luân lý từ các chủ thể khác, và không được coi những người nghèo như những gánh nặng, trái lại như một nguồn tài nguyên. "Thị trường không thể trở thành nơi mà kẻ mạnh đè bẹp người yếu". "Tiêu chuẩn thương mại cần phải nhắm theo đuổi công ích mà nó, và nhất là cộng đồng kinh tế, phải đảm trách." Theo đức thánh cha, tự bản chất, thị trường không phải là điều tiêu cực. Vì thế, điều có liên hệ ở đây là con người, lương tâm và trách nhiệm của con người. Và ngài kết luận rằng cuộc khủng hoảng hiện nay chứng tỏ rằng "những nguyên tắc truyền thống về đạo đức xã hội - như sự minh bạch, lương thiện và trách nhiệm - không thể bị lơ là coi nhẹ". Ðồng thời ngài nhắc nhở rằng nền kinh tế không loại bỏ vai trò của Nhà Nước và cần phải có những luật lệ đúng đắn. Nhắc lại Thông điệp Centesimus Annus, [Năm Thứ 100] của đức Gioan Phaolô II, ÐTC nêu rõ sự cần thiết phải có một hệ thống với ba chủ thể là: thị trường, Nhà Nước và xã hội dân sự, và ngài khuyến khích cần phải "văn minh hóa nền kinh tế". Cần có những hình thức kinh tế liên đới. Thị trường và chính trị đang cần có "những người cởi mở đối với việc trao tặng cho nhau".

Ðức Benedicto XVI đưa ra nhận xét: cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đòi phải có một sự thay đổi sâu xa đối với xí nghiệp. Việc quản trị xí nghiệp không thể chỉ để ý tới lợi lộc của các chủ nhân mà thôi, nhưng còn phải đảm trách cộng đồng địa phương nữa. Ðức Giáo Hoàng nói đến những giới chủ xí nghiệp chỉ đáp ứng những chỉ dẫn của những người có cổ phần và ngài mời gọi tránh sử dụng đầu cơ các nguồn tài chánh. Chương III kết thúc với một sự thẩm định mới về hiện tượng hoàn cầu hóa, và không nên hiểu hiện tượng này như một "tiến trình xã hội - kinh tế mà thôi". Ðức thánh cha viết: "Chúng ta không nên trở thành nạn nhân của hiện tượng này, nhưng phải là những người nắm vai chính, tiến hành một cách hợp lý, được sự hướng dẫn của bác ái và sự thật". Sự hoàn cầu hóa cần một hướng đi văn hóa duy nhân vị và cộng đồng, cởi mở đối với siêu việt, có khả năng sửa chữa những lệch lạc. Ðức Giáo Hoàng nói thêm rằng "có thể có sự tái phân phối tài nguyên, nhưng sự phổ biến an sinh không thể bị ngăn chặn bằng những dự phóng ích kỷ và bảo vệ thị trường".

Chương thứ IV

Trong chương thứ IV, Thông điệp "Bác ái trong sự thật" khai triển đề tài "Sự phát triển các dân tộc, các quyền lợi và nghĩa vụ, môi sinh". ÐTC nhận xét rằng người ta đòi hỏi quyền được sống trong thừa thãi nơi các xã hội sung túc, trong khi tại một số miền chậm tiến dân chúng đang thiếu lương thực và nước uống. "Các quyền lợi của cá nhân bị tách rời khỏi khuôn khổ nghĩa vụ thì sẽ trở thành điên rồ". Các quyền lợi và nghĩa vụ đòi phải có một khuôn khổ luân lý đạo đức. Trái lại, nếu chúng "chỉ đặt nền tảng trên những quyết định của một nghị viện công dân, thì chúng có thể bị thay đổi bất kỳ lúc nào. Các chính quyền và các tổ chức quốc tế không thể quên đặc tính khách quan và không thể tùy nghi sử dụng của các quyền". Về vấn đề này, ÐTC nhắc đến những vấn đề liên hệ tới sự gia tăng dân số và ngài khẳng định rằng "thật là điều không đúng khi coi sự gia tăng dân số như nguyên nhân đầu tiên gây ra chậm tiến". Ngài tái khẳng định rằng tính dục không thể bị thu hẹp vào việc thỏa mãn khoái lạc và hưởng thụ". Người ta cũng không thể điều hành tính dục bằng những chính sách duy vật, với chính sách cưỡng bách kế hoạch hóa sinh sản. Và ÐTC nhấn mạnh rằng sự cởi mở trong tinh thần luân lý trách nhiệm đối với sự sống là một sự phong phú về mặt xã hội và kinh tế. Các quốc gia được kêu gọi đề ra các chính sách đặt gia đình ở vị thế trung tâm". ÐTC tái khẳng định: "Nền kinh tế cần có một nền luân lý đạo đức để tiến hành tốt đẹp; không phải bất kỳ thứ luân lý đạo đức nào, nhưng là thứ luân lý thân thiện với con người". Chính vị thế, trung tâm của nhân vị con người phải là nguyên tắc hướng đạo trong những can thiệp giúp phát triển sự cộng tác quốc tế, những can thiệp này phải luôn có sự can dự của những người được trợ giúp. ÐTC khuyến khích các tổ chức quốc tế phải tự hỏi về hiệu năng đích thực của guồng máy bàn giấy hành chánh, thường các guồng máy này quá tốn kém. Nhiều khi chính những người nghèo lại là những người duy trì những tổ chức hành chánh hoang phí. Do đó, ÐTC kêu gọi hãy hoàn toàn minh bạch trong những ngân khoản nhận được.

Những đoạn cuối cùng trong chương thứ IV của Thông điệp được dành cho môi sinh. Ðối với tín hữu, thiên nhiên là một món quà của Thiên Chúa cần phải sử dụng trong tinh thần trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, ngài nói đến các vấn đề năng lượng. ÐTC tố giác "sự kiện một số quốc gia và các nhóm quyền lực vơ vét các nguồn tài nguyên, đây là một cản trở nghiêm trọng đối với sự phát triển các nước nghèo". Vì thế, cộng đồng quốc tế phải tìm ra những con đường cơ chế để kỷ luật hóa việc khai thác các tài nguyên không tái sinh được. Các xã hội kỹ thuật tân tiến có thể và phải giảm bớt nhu cầu năng lượng của mình, đồng thời phải gia tăng việc nghiên cứu các năng lượng khác. ÐTC nói rằng "cần phải thực sự thay đổi não trạng để đi tới chỗ chấp nhận những lối sống mới. Ngày nay có một lối sống tại nhiều nơi trên thế giới, có xu hướng duy khoái lạc và duy tiêu thụ. Vấn đề quyết định là lối sống luân lý toàn bộ của xã hội. "Nếu người ta không tôn trọng quyền sống và cái chết tự nhiên, thì lương tâm con người rốt cuộc sẽ đánh mất ý niệm về môi sinh nhân bản và ý niệm môi trường sống".

Chương thứ V

Chương thứ V đặt trọng tâm vào "Sự cộng tác của gia đình nhân loại" trong đó ÐTC nhấn mạnh rằng "sự phát triển các dân tộc chủ yếu tùy thuộc sự nhìn nhận mình thuộc về một gia đình duy nhất". Ðàng khác, Kitô giáo chỉ có thể góp phần vào sự phát triển nếu Thiên Chúa có một chỗ đứng trong lãnh vực công cộng. Khi phủ nhận quyền công khai tuyên xưng đức tin của tín hữu, chính trị mang sắc thái đàn áp và gây hấn. Và ÐTC cảnh giác rằng "với chủ thuyết tục hóa và cực đoan, người ta mất cơ hội đối thoại phong phú" giữa lý trí và đức tin. Sự rạn nứt ấy đưa tới một thiệt hại nặng nề cho sự phát triển nhân loại.

Rồi ÐTC nhắc đến nguyên tắc phụ đới. Ngài giải thích rằng nguyên tắc phụ đới là liều thuốc hữu hiệu nhất chống lại mọi hình thức trợ giúp theo tinh thần "gia trưởng" và nó thích hợp để nhân bản hóa hiện tượng hoàn cầu hóa. Những viện trợ quốc tế nhiều khi có thể duy trì một dân tộc trong tình trạng lệ thuộc, vì thế, viện trợ quốc tế cần được cung cấp với sự can dự của những chủ thể của xã hội dân sự chứ không phải chỉ liên hệ tới các chính quyền mà thôi. "Quá nhiều khi viện trợ chỉ được dùng để kiến tạo những thị trường bên lề cho các sản phẩm của các nước đang trên đường phát triển". Tiếp đến, ÐTC đề cập đến hiện tượng di cư rộng lớn. Ngài cảnh giác rằng "Không một nước nào tự mình có thể đương đầu với các vấn đề di cư." Mỗi người di cư là một nhân vị có những quyền phải được mọi người tôn trọng trong mọi hoàn cảnh. Ðức Giáo Hoàng cũng yêu cầu đừng coi những công nhân nước ngoài như một món hàng và ngài nêu rõ mối liên hệ trực tiếp giữa nghèo đói và thất nghiệp. Ðức Giáo Hoàng cổ võ công ăn việc làm xứng đáng cho tất cả mọi người và mời gọi các công đoàn, tách biệt với chính trị, hãy hướng nhìn về những công nhân tại các quốc gia trong đó các quyền xã hội thường bị chà đạp.

Tài chánh, sau khi nó bị lạm dụng gây thiệt hại cho nền kinh tế thực sự, tái trở thành phương thế nhắm mục tiêu phát triển.

Chương thứ VI

Chương VI, tức chương cuối cùng của Thông Ðiệp nói về đề tài "Sự phát triển các dân tộc và kỹ thuật". ÐTC lên án thái độ tự nhận mình có quyền năng tái sáng tạo, bằng cách sử dụng những kỳ công của kỹ thuật. Ngài cảnh giác rằng kỹ thuật không thể có một thứ tự do tuyệt đối. Theo ÐTC, "tiến trình hoàn cầu hóa có thể thay thế các ý thức hệ bằng kỹ thuật".

Gắn liền với sự phát triển kỹ thuật là các phương tiện truyền thông xã hội. Các phương tiện này được kêu gọi thăng tiến phẩm giá của con người và của các dân tộc. Chiến trường đầu tiên trong cuộc chiến văn hóa giữa trào lưu tuyệt đối hóa kỹ thuật và trách nhiệm luân lý của con người ngày nay là lãnh vực luân lý sinh học. ÐTC viết rằng "Lý trí mà không có đức tin thì sẽ bị mất hút trong ảo tưởng về sự toàn năng của mình". Vấn đề xã hội trở thành vấn đề nhân loại học. Ngài lấy làm tiếc vì sự nghiên cứu phôi thai người cũng như sản sinh con người theo phương pháp vô tính đang được nền văn hóa ngày nay cổ võ. Theo Ðức thánh cha, đây là thứ văn hóa tin rằng mình đã vén mở mọi mầu nhiệm. Ðức Giáo Hoàng cũng cảnh giác trước chủ nghĩa ưu sinh chủng tộc, theo đó người ta chỉ cho sinh ra những trẻ em thuộc giống tốt. Ngài tái khẳng định rằng "sự phát triển phải bao gồm sự tăng trưởng tinh thần hơn là vật chất". Sau cùng, ngài kêu gọi hãy có một con tim mới để vượt thắng quan niệm duy vật về những biến cố của con người".

Phần Kết luận

Trong phần Kết luận, ÐTC nhấn mạnh rằng việc phát triển đang cần đến những tín hữu Kitô biết giơ cao đôi tay hướng về Thiên Chúa trong thái độ cầu nguyện, yêu thương, tha thứ, từ bỏ bản thân, đón tiếp tha nhân, công lý và hòa bình".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page