Vai trò của các tôn giáo
đối với sự hiệp nhứt
của gia đình nhân loại
Vai trò của các tôn giáo đối với sự hiệp nhứt của gia đình nhân loại.
Roma [Zenit 7/07/2009] - Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn nói rằng sự hiệp nhứt của gia đình nhân loại là nền tảng tối hậu của tình liên đới quốc tế và cơ sở để tìm kiếm những giá trị đạo đức chung.
Ðức hồng y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, đã đưa ra nhận định trên đây tại Hội nghị liên tôn lần thứ ba được tổ chức tại Astana do sáng kiến của tổng thống Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbayev cũng như đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới và các yếu nhân chính trị và văn hóa.
Nội dung Hội Nghị xoay quanh vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng một thế giới khoan nhượng, tương kính và hợp tác. Ba cuộc hội thảo bàn tròn đã cho phép các tham dự viên đào sâu các chủ đề như: những giá trị đạo đức và thiêng liêng như nền tảng của một nền đạo đức phổ quát, các lãnh vực có thể đối thoại và hợp tác, viễn ảnh của tình liên đới, nhứt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị, được báo người quan sát Roma ghi lại trong số ra ngày 7 tháng 7 năm 2009, Ðức hồng y Tauran giải thích rằng các tín đồ các tôn giáo tin rằng đạo đức không những có thể đề ra những chuẩn mực cho cách cư xử, mà còn có thể nhào nặn lương tâm nhân loại và góp phần khám phá những đòi hỏi của luật tự nhiên cơ bản là: hãy làm điều thiện và tránh điều ác.
Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, đây là nguyên tắc nền tảng mà mọi người đều tuân thủ. Nguyên tắc này cho phép đối thoại giữa những người thuộc văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Ðức hồng y Tauran nói: "Với tư cách là tín đồ, chúng ta cần phải chỉ ra cho anh chị em của chúng ta rằng những giá trị của chúng ta là nền tảng cho họ, để khuyến khích sự cảm thông và nhìn nhận nhau cũng như hợp tác giữa mọi thành phần của gia đình nhân loại".
Trong bài phát biểu tại Hội Nghị Astana, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn cũng trích dẫn Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền được liên hiệp quốc công bố hồi năm 1948. Theo ngài, văn kiện này là một trong những thể hiện cao nhứt của lương tâm nhân loại trong lịch sử hiện đại. Văn kiện này đã giúp cho con người thời đại ý thức được gia sản những giá trị nội tại của gia đình nhân loại và phẩm giá con người.
Theo Ðức hồng y Tauran, cần phải loại bỏ khuynh hướng muốn tách lìa nhân quyền ra khỏi chiều kích đạo đức và lý tính. Các nhà lập pháp phải hành động một cách có trách nhiệm và đạo đức để chính sách được đề ra không loại trừ khía cạnh đạo đức và để cho luật dân sự và trật tự pháp lý không loại bỏ tính tối thượng của luật luân lý.
Chu Văn