Ðức thánh cha mở lại
nhà nguyện Paulina
Ðức thánh cha mở lại nhà nguyện Paulina.
Vatican [Zenit 6/07/2009] - Ðức thánh cha Beneđitô XVI nói rằng Thánh Thể là Bí tích trong đó cô động toàn bộ công cuộc cứu rỗi.
Ðức thánh cha đã khẳng định như thế nhân dịp chủ tọa buổi hát kinh chiều hôm thứ Bảy 4 tháng 7 năm 2009 để mở lại nhà nguyện Paulina trong dinh tông tòa. Nằm bên cạnh nguyện đường Sistina, nhà nguyện này là nơi cầu nguyện dành riêng cho Ðức giáo hoàng và phủ giáo hoàng. Sở dĩ có tên là "Paulina" là vì được Ðức giáo hoàng Phaolô III cho xây cất.
Nhà nguyện này có chứa đựng hai bức tranh "thánh Phêrô chịu đóng đinh và thánh Phaolô trở lại": đây những bức tranh cuối cùng của danh họa Michelangelo, được sáng tác giữa năm 1542 và năm 1550. Trong 5 năm vừa qua, nhà nguyện Paulina đã được trùng tu và kết quả đã được trình bày trong một cuộc họp báo gần đây.
Trong bài giảng, Ðức thánh cha ghi nhận rằng trên gương mặt thánh Phaolô, danh họa Michelangelo đã làm toát lên "ân sủng của Chúa Kitô, Ðấng biến đổi và canh tân con người nhờ ánh sáng của chân lý và tình yêu của Ngài".
Theo Ðức thánh cha, gương mặt của thánh Phaolô "biểu thị nỗi khao khát ánh sáng cao cả nơi con người. Ðó là ánh sáng thần linh, cần thiết để đạt được một cái nhìn mới, để nhận thức về thực tại hướng về niềm hy vọng đang chờ đợi con người trên trời".
Nếu thánh Phaolô không ngừng làm chứng cho ánh sáng thì thánh Phêrô, nhờ kết hợp với Chúa Kitô đến độ chịu đóng đinh, đã trở thành biểu tượng của tất cả mọi nỗi khổ đau và khốn khổ của con người. Ðức thánh cha nói: "Thập giá của Chúa Kitô, thủ lãnh của Giáo hội, được lập lại trong thập giá của thánh Phêrô, vị đại diện của Ngài trên trần gian. Người môn đệ cảm nghiệm tất cả nỗi đắng cay của thập giá, những hậu quả của tội lỗi làm cho xa cách với Thiên Chúa và tất cả sự phi lý của bạo động và dối trá".
Ðức thánh cha kết luận: trong nhà nguyện Paulina, tất cả đều "hội tụ về cùng một bài ca duy nhứt về chiến thắng của sự sống và ân sủng trên cái chết và tội lỗi, trong tấu khúc ca tụng và yêu thương dâng lên Chúa Kito Cứu Thế".
Chu Văn