Tường thuật về nghi thức trao dây Pallium

cho các tân Tổng giám mục chính tòa

 

Tường thuật về nghi thức trao dây Pallium cho các tân Tổng giám mục chính tòa.

Roma [Tổng hợp 30/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Sáng thứ Hai 29 tháng 6 năm 2009, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Ðền thờ thánh Phêrô và trao dây Pallium cho 34 vị Tổng giám mục chính tòa thuộc 20 quốc gia.

Trong số các tiến chức, có hai vị Á châu là Ðức Cha Francis Xavier Kriengsak, 60 tuổi, tân Tổng Giám Mục Bangkok, Thái Lan, và Ðức Cha Albert Malcom Ranjith, 62 tuổi, tân Tổng Giám Mục Colombo, Sri Lanka, và nguyên là Tổng thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích. Nhóm đông nhất là 5 vị người Mỹ, Tổng Giám Mục các giáo phận Detroit, New York, Saint Louis, Omaha và New Orleans. Tổng cộng có 16 vị Tổng Giám Mục thuộc Mỹ châu.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn, một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Len để làm dây Pallium được lấy từ những con chiên màu trắng được các tu sĩ thuộc một tu viện tại giáo xứ thánh Anê, ở đường Nomentana, Roma, nuôi, và hàng năm, cứ đến ngày lễ thánh nữ Anê tử đạo, 21-1, họ mang chiên tới trao cho ÐTC và ngài trao lại cho các nữ tu thuộc đan viện thánh Cecilia thuộc dòng Biển Ðức, gần Vatican nuôi để xén lấy lông làm len và đan thành dây Pallium.

Dây Pallium là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Thánh Simeon thành Tessalonica viết: "Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao". Dây này cũng biểu hiệu sự hiệp thông giữa vị vị Tổng Giám Mục chính tòa với Tòa Thánh Phêrô.

Ðồng tế với ÐTC là 34 vị Tổng Giám Mục chính tòa, trước sự hiện diện của hơn 40 Hồng Y trong đó có Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn, trên 80 Giám Mục, trong đó có 28 Giám Mục Việt Nam, và 10 ngàn tín hữu.

Cũng như những năm trước đây, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople đã gửi phái đoàn đến tham dự và do Ðức Tổng Giám Mục Emmanuel, thủ lãnh Giáo Hội Chính Thống tại Pháp hướng dẫn. Trong bài giảng sau Phúc Âm, ÐTC đã dựa vào bài đọc trích từ thư thứ I của thánh Phêrô Tông Ðồ để diễn giảng về sứ vụ Giám Mục, trước khi đưa ra những lời nhắn nhủ dành cho các vị Tổng Giám Mục nhận dây Pallium. Ngài nói:

"Vậy thánh Phêrô nói gì với chúng ta, chính trong năm Linh Mục này, về nghĩa vụ của tư tế? Trước tiên, ngài hiểu sứ vụ tư tế hoàn toàn từ Chúa Kitô. Ngài gọi Chúa Kitô là "người chăn dắt và canh giữ... các linh hồn" . Bản dịch tiếng Ý dịch là "custode" người canh giữ, còn từ tiếng Hy lạp thì dùng từ Episcopos, Giám Mục. Tiếp sau đó Chúa Kitô được mô tả là Mục Tử tối cao. Thật là lạ vì thánh Phêrô gọi Chúa Kitô là Giám Mục - Giám Mục của các linh hồn. Qua đó ngài có ý nói gì? Trong tiếng Hy Lạp có chứa xựng động từ "nhìn thấy", vì thế từ ấy được dịch là "người canh giữ" hay là "người canh chừng". Nhưng chắc chắn ở đây ngài không có ý hiểu là một sự canh chừng từ bên ngoài, như thể một lính canh nhà tù. Ðúng hơn ngài hiểu đó là sự nhìn thấy từ trên cao, nhìn từ độ cao của Thiên Chúa. Nhìn thấy trong viễn tượng của Thiên Chúa là một cái nhìn yêu thương muốn phục vụ tha nhân, giúp đỡ họ trở thành thực sự là mình. Chúa Kitô là "Giám mục của các linh hồn", điều này có nghĩa là Ngài nhìn thấy chúng ta trong viễn tượng của Thiên Chúa. Khi nhìn từ Thiên Chúa, ta có một cái nhìn tổng quan, thấy được những nguy hiểm và cả những hy vọng và cơ hội. Trong viễn tượng của Thiên Chúa, ta thấy được điều cốt yếu, thấy được con người nội tâm. Nếu Chúa Kitô là Giám mục của các linh hồn, là bởi Ngài muốn tránh cho linh hồn con người khỏi trở nên lầm than, làm sao cho con người không đánh mất yếu tính của mình, khả năng đối với sự thật và tình thương, làm cho linh hồn nhận biết Thiên Chúa và không lạc mất trong những cái vòng lẫn quẩn; không bị mất hút trong sự cô lập nhưng cởi mở đối với toàn thể. Chúa Giêsu là Giám mục của các linh hồn, là khuôn mẫu của mọi sứ vụ Giám mục và linh mục. Giám mục và linh mục trong viễn tượng đó có nghĩa là: đảm nhận vị trí của Chúa Kitô. Suy nghĩ, nhìn và hành động từ vị thế được nâng cao của Chúa. Từ Chúa luôn sẵn sàng phục vụ con người, để họ tìm được sự sống."

ÐTC giải thích thêm: "Như thế, từ "Giám mục" rất gần với từ "Mục tử", đúng ra hai từ có thể dùng như nhau. Nhiệm vụ của vị mục tử là chăn dắt, và gìn giữ đoàn chiên và dẫn chúng tới cánh đồng cỏ đúng. Chăn dắt đoàn chiên có nghĩa là chăm sóc để chiên tìm được lương thực thích hợp, được no đầy và không phải đói khát. Ngoài tính chất biểu tượng, điều này có nghĩa là Lời Chúa là lương thực mà con người đang cần. Luôn làm cho Lời Chúa hiện diện và vì thế nghĩa vụ của vị Mục tử ngay chính là mang lương thực cho con người. Mục tử cũng phải biết chống lại kẻ thù, những chó sói. Thánh Phêrô, trong diễn văn dành cho các trưởng lão, cũng nêu bật một điều rất quan trọng: Các Mục Tử không phải chỉ nói mà thôi, mà cần phải trở thành gương mẫu cho đoàn chiên".

Trong phần cuối của bài giảng, ÐTC đặc biệt ngỏ lời với các vị Tổng Giám Mục lãnh dây Pallium như sau: "Giờ đây, tôi ngỏ lời với Anh em quí mến trong hành giám mục, sắp lãnh nhận từ tay tôi dây Pallium. Dây này được dệt bằng lông những con chiên mà Giáo Hoàng đã làm phép trong lễ kính thánh Anê. Ðiều ấy nhắc nhớ những con chiên của Chúa Kitô mà Chúa Phục Sinh đã ủy thác cho thánh Phêrô nhiệm vụ coi sóc, nhắc nhớ đoàn chiên của Chúa Giêsu Kitô mà anh em phải chăm sóc trong niềm hiệp thông với Phêrô, nhắc nhớ chính Chúa Kitô, Ðấng như mục tử nhân lành đã vác lấy con chiên lạc trên vai, là nhân loại, để đưa về nhà, nhắc nhớ sự kiện Chúa là Mục Tử tối cao, đã muốn trở thành Chiên Con, để gánh lấy từ bên trong số phận của tất cả chúng ta, để mang lấy và chữa lành chúng ta từ nội tâm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa xin Ngài ban cho chúng ta bước theo vết của những mục tử công chính, không phải vì bị bó buộc nhưng tự nguyện, như Chúa muốn... với tâm hồn quảng đại... như mẫu gương của đoàn chiên".

Sau khi nhận dây Pallium, các Ðức tổng giám mục đã cùng đọc lời tuyên thệ hứa sẽ luôn luôn trung thành và vâng phục Thánh tông đồ Phêrô, Giáo Hội tông truyền Roma, Ðức giáo hoàng và các đấng kế vị ngài. Ðức thánh cha đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Ðấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân Tổng Giám Mục, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

Tiếp đến từng vị tân Tổng Giám Mục tiến lên qùy trước mặt ÐTC để ngài đeo dây Pallium cho, trước những tiếng vỗ tay của cộng đoàn. Sau cùng, Ðức Tổng Giám Mục Monterisi, Tổng thư ký Bộ Giám Mục, đã tiến lên trước mặt ÐTC để nhận các dây Pallium còn lại để chuyển tới các vị Tổng Giám Mục vắng mặt.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page