Bí tích giải tội trong năm linh mục

 

Bí tích giải tội trong năm linh mục.

Roma [Chiesa 22/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Khi khai mạc Năm Linh Mục, Ðức thánh cha Beneđitô XVI nói rằng mục đích của ngài là cho thấy tầm quan trọng của sự "thánh thiện của linh mục đối với cuộc sống và sứ mệnh của Giáo hội". Và để kêu gọi linh mục sống thánh thiện, ngài đề ra mẫu gương của hai thánh Gioan Maria Vianney và thánh Padre Pio.

Ðức thánh cha nhắc đến mẫu gương của thánh Gioan Maria Vianney trong lá thư gởi cho các linh mục khi khai mạc Năm Linh mục hôm thứ Sáu 18 tháng 6 năm 2009. Còn mẫu gương của thánh Padre Pio, Ðức thánh cha ôn lại nhân dịp viếng thăm San Giovanni Rotondo, Bắc Ý, hôm Chúa nhựt 21 tháng 6 năm 2009.

Cả hai vị thánh này đều xuất thân từ những gia đình nông dân và đều không phải là những bậc thông minh tài trí. Một vị làm cha sở đồng quê tại Pháp vào thế kỷ thứ 19 và một vị là tu sĩ dòng Phanxico tại Ý hồi thế kỷ 20. Nhưng hai vị đã sống thánh thiện đến độ đã thu hút được vô số người tìm đến với bí tích giải tội.

Cầu nguyện, Thánh Thể, giải tội: đó là ba luồng sáng chói ngời trong sự thánh thiện của hai vị thánh này. Nhưng trong năm linh mục, đặc biệt vào thời buổi số người tìm đến bí tích giải tội ngày càng thưa thớt, nhứt là tại các nước Tây Phương và một phần do sự thiếu sót của linh mục, Ðức thánh cha đặc biệt kêu gọi canh tân bí tích này.

Trước hết, Ðức thánh cha đưa ra lời kêu gọi này trong lá thư gởi các linh mục, khi nhắc đến việc kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của thánh Gioan Maria Vianney. Ðức thánh cha viết: "Các linh mục đừng bao giờ cam chịu" trước cảnh tòa giải tội trống vắng hay sự thờ ơ của giáo dân đối với bí tích này. Tại Pháp, vào thời cha sở họ Ars, việc xưng tội cũng không dễ dàng hay thường xuyên hơn ngày nay, do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng đối với việc thực hành đạo. Tuy nhiên, thánh nhân đã tìm đủ mọi cách,bằng lời giảng dạy và bằng khả năng thuyết phục, để giúp đỡ giáo dân tái khám phá ý nghĩa và vẽ đẹp của bí tích sám hối; ngài xem sự sám hối như một đòi hỏi gắn liền với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể... Qua hằng giờ ở trong nhà thờ trước nhà tạm, thánh nhân đã mời gọi giáo dân bắt chước ngài đến viếng thăm Chúa Giêsu, vì biết rằng cha sở của mình cũng đang ở đó, sẵn sàng lắng nghe và mang lại ơn tha thứ. Về sau, con số người đến xưng tội từ khắp nước Pháp khiến thánh nhân phải ở trong tòa giải tội mỗi ngày đến 16 tiếng đồng hồ. Người ta nói rằng giáo xứ Ars đã trở thành "một bệnh viện vĩ đại cho các linh hồn".

Gương giải tội của thánh Padre Pio được Ðức thánh cha nhắc đến trong chuyến viếng thăm San Giovanni Rotondo hôm Chúa Nhựt 21 tháng 6 năm 2009.

Ðức thánh cha nói với các linh mục như sau: "Cũng như cha sở họ Ars, thánh Padre Pio nhắc nhở chúng ta về sự cao cả và trách nhiệm của tác vụ linh mục. Có ai mà không cảm kích về sự sốt sắng của ngài mỗi khi sống lại cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu trong mỗi thánh lễ? Từ lòng yêu mến Thánh Thể nơi thánh nhân cũng như nơi cha sở họ Ars đã phát sinh quyết tâm muốn đón tiếp các tín hữu, nhứt là các tội nhân.

Nếu trong một thời đại đầy xáo trộn và khó khăn, thánh Gioan Maria Vianney đã cố gắng làm mọi cách để giúp đỡ giáo dân tái khám phá ý nghĩa và vẽ đẹp của bí tích sám hối, thì sự chăm sóc các linh hồn và sự hoán cãi của các tội nhân cũng là một ước nguyện thiêu đốt tâm hồn vị tu sĩ dòng Phanxico thánh thiện của miền Gargano, Ý cho đến chết. Biết bao nhiêu người đã thay đổi cuộc sống nhờ việc thi hành tác vụ linh mục nhẫn nhục của ngài hằng giờ trong tòa giải tội!

Cũng như cha sở họ Ars, chính tác vụ trong tòa giải tội đã mang lại vinh quang và nét nổi bật cho vị tu sĩ dòng Capucin thánh thiện này. Làm sao chúng ta không nhận ra được tầm quan trọng của việc tham dự bí tích Thánh Thể và sốt sắng cũng như thường xuyên lãnh nhận bí tích giải tội? Một cách đặc biệt, cần phải đề cao hơn giá trị của bí tích sám hối và các linh mục đừng bao giờ "cam chịu" khi thấy tòa giải tội trống vắng hay khi thấy giáo dân tỏ ra dửng dưng đối với nguồn ơn thanh thản và bình an phi thường này".

Khi tường thuật về việc khai mạc Năm Linh Mục, các cơ quan truyền thông đã không chú ý đủ đến việc Ðức thánh cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bí tích sám hối. Thật ra, mục tiêu chính mà Ðức thánh cha muốn đề ra trong Năm Linh mục chính là kêu gọi quan tâm đến bí tích giải tội.

Mối quan tâm này của Ðức thánh cha cũng được nhiều gương mặt nổi bật trong Giáo hội chia sẻ. Một trong những gương mặt đó là Ðức hồng y Carlo Maria Martini, cựu Tổng giám mục Milano, Bắc Ý.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhựt báo Ý "La Republica" trong số ra ngày 18 tháng 6 năm 2009, Ðức hồng y Martini đề cập đến những vấn đề lớn mà Giáo hội ngày nay phải đương đầu như: thái độ cần có của Giáo hội đối với những người ly dị, việc bổ nhiệm Giám mục, luật độc thân linh mục, vai trò của người giáo dân, quan hệ giữa hàng giáo phẩm và chính trị.

Vị hồng y này cũng đề nghị triệu tập một công đồng mới mà một trong những vấn đề chính cần bàn là mối quan hệ của Giáo hội với những người ly dị.

Nhưng liền sau đó, Ðức hồng y cựu Tổng giám mục Milano nói thêm rằng một vấn đề khác mà một công đồng tương lai cần bàn tới là bí tích sám hối. Theo ngài, sám hối là một bí tích vô cùng quan trọng, nhưng ngày càng có ít người tìm đến với bí tích này cũng như chỉ đón nhận một cách máy móc. Ngài nói rằng cần phải làm sao để việc xưng tội thật sự là một bí tích, nghĩa là như một cuộc hành trình sám hối và một chương trình sống, một cuộc gặp gỡ thường xuyên với linh mục giải tội hay một hình thức linh hướng.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page