Nhận định về chuyến viếng mộ
hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô
của Hội đồng Giám mục Việt nam
Nhận định về chuyến viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô của Hội đồng Giám mục Việt nam.
Roma [Vietcatholic 30/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Chuyến viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô năm 2009 của Hội đồng Giám mục Việt nam có nhiều ý nghĩa.
Trước hết, chuyến viếng thăm diễn ra trong bối cảnh Giáo hội hoàn vũ đang mừng Năm Thánh Phaolô kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của ngài và Năm Linh Mục, kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, được Ðức thánh cha đặt làm quan thầy của các linh mục.
Năm 2009 cũng là năm Tòa thánh kỷ niệm 80 năm thành lập quốc gia Vatican do việc ký hiệp ước Latêranô giữa Tòa Thánh và nước Ý ngày 11/2/1929, dưới thời Ðức Giáo Hoàng Pio XI.
Ngoài ra, quan trọng hơn cả, chuyến viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô của các Ðức giám mục Việt nam diễn ra trong giai đoạn mà mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị cho việc mừng Năm Thánh kỷ niệm biến cố lịch sử 50 năm thiết lập Phẩm trật Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.
Nhìn dưới phương diện cơ cấu và tổ chức, phái đoàn Giám mục Việt nam viếng thăm Tòa Thánh lần này được xem là hùng hậu.
Trước hết, về số lượng, phái đoàn gồm có 31 vị giám mục từ 25 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh (Hà Nội, Huế và Sài Gòn) trong cả nước đều có mặt.
Xét theo chức vụ, thì phái đoàn lần này được xem là đầy đủ nhứt. Có quý Ðức cha chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký hội đồng giám mục, có quý Ðức Hồng Y, quý Ðức Tổng Giám Mục và quý Ðức cha đặc trách các Ủy Ban thuộc hội đồng giám mục. 15 Ủy Ban thuộc hội đồng giám mục hiện nay là con số đầy đủ nhất từ trước đến nay.
Sự khác biệt về tuổi tác cũng làm cho phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt nam thêm phong phú. Cao tuổi nhất là Ðức cha Phaolô Cao Ðình Thuyên sinh năm 1927, thứ đến là các Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Ðức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Ðức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang. Ít tuổi nhất là Ðức cha Giuse Vũ Văn Thiên sinh năm 1960, rồi đến Ðức cha Giuse Châu Ngọc Tri và Ðức cha Vincentê Nguyễn Văn Bản. Người có số năm làm Giám mục dài nhất là Ðức cha Stêphanô Nguyễn Như thể, Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, được tấn phong năm 1975 và có số năm làm Giám mục ngắn nhất là Ðức cha Vincentê Nguyễn Văn Bản, tân giám mục Ban Mê Thuột.
Về cơ cấu tổ chức, phái đoàn giám mục Việt nam viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô lần này được đặt dưới sự lãnh đạo của Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội đồng Giám mục.
Ðặc trách ngoại vụ của phái đoàn là đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, phó chủ tịch hội đồng giám mục. Ðặc trách Nội vụ là Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống. Thư ký của phái đoàn là Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm.
Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, chủ tịch UB Truyền thông lo về truyền thông của phái đoàn.
Ngoài ra, phái đoàn lần này còn được chia thành 3 nhóm:
Trưởng nhóm I là Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội. Các thành viên gồm có các đức giám mục các giáo phận: Ðàlạt, Phú Cường, Cần Thơ, Quy Nhơn, Ðà Nẵng, Ban Mê thuột, Hưng Hóa, Bắc Ninh, phụ tá giáo phận Bùi Chu và phụ tá giáo phận Sài Gòn.
Trưởng nhóm II là Ðức Tổng giám mục Huế. Các thành viên gồm có các đức giám mục: Bà Rịa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, phụ tá Sài Gòn, Kon Tum, phó Nha Trang, Vinh, Bùi Chu và phụ tá Hà Nội.
Trưởng nhóm III là Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Nhóm này gồm có các đức giám mục: Thanh Hóa, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Phòng, Nha Trang, phụ tá Huế, Long Xuyên, Phan Thiết, Xuân Lộc.
Theo chương trình, ngoài việc viếng thăm các Bộ của Giáo Triều, mỗi ngày sẽ có 4 vị giám mục được đức thánh cha tiếp kiếp riêng, mỗi vị được 15 phút.
Tưởng cũng nên nhắc lại: theo qui định của giáo luật, viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô Phaolô và tường trình lên tòa thánh các sinh hoạt của Giáo hội địa phương là nghĩa vụ mà các Ðức giám mục phải thực hiện năm năm một lần.
Với chuyến đi này, các Ðức giám mục muốn nói lên mầu nhiệm của Giáo hội, bày tỏ tình hiệp thông và tái khẳng định sứ vụ tông đồ của mình.
Giáo Hội là một mầu nhiệm, được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên "bí tích cứu độ phổ quát". Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến để giải cứu dân mình khỏi tội lỗi và để thánh hóa mọi người: như Chúa Cha đã sai Ngài thế nào, Ngài cũng sai các Tông Ðồ Ngài như vậy, và đã thánh hóa họ khi trao ban Chúa Thánh Thần cho họ để chính họ làm vinh danh Chúa Cha nơi trần gian và cứu độ loài người, "nhằm xây dựng Thân Thể Chúa Kitô" là Giáo Hội.
Trong Giáo Hội này của Chúa Kitô, Ðức Thánh Cha, vì là đấng kế vị Phêrô, người được Chúa Kitô trao phó chiên mẹ và chiên con để chăn dắt, do Chúa thiết lập, được hưởng dụng quyền tối cao, toàn diện, trực tiếp và phổ quát trong việc chăm sóc các linh hồn. Cũng thế, các Giám mục được Chúa Thánh Thần đặt lên kế vị các Tông Ðồ như chủ chăn các linh hồn và được ủy thác sứ mệnh duy trì mãi mãi công việc của Chúa Kitô, chủ chăn đời đời, hiệp nhất với Ðức Thánh Cha và dưới quyền ngài.
Các Giám mục là những người chia xẻ mọi nỗi lo âu của tất cả Giáo Hội, thi hành nhiệm vụ mục tử các ngài hiệp thông và dưới quyền Ðức Thánh Cha, đối với những gì thuộc quyền giáo huấn cũng như quyền cai quản mục vụ; tất cả các ngài họp thành Giám Mục Ðoàn đối với toàn thể Giáo Hội Chúa.
Chuyến viếng thăm Tòa thánh không chỉ là việc gặp gỡ, chào thăm, báo cáo, giới thiệu mà còn là việc bày tỏ lòng yêu mến, vâng phục và sự hiệp thông sâu xa nhất của từng Giám mục với Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Các Giám mục không chỉ bó khung trong giáo phận của mình, nhưng còn là Giám mục trong Hội Thánh duy nhất và phổ quát của Ðức Kitô.
VietCatholic News