Sứ điệp của các đại diện tôn giáo

 

Sứ điệp của các đại diện tôn giáo.

Roma [Zenit 19/06/2009] - Ðại diện các tôn giáo thế giới kêu gọi phải có một sự chấn chỉnh đạo đức để đương đầu với các thách đố của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Trước cuộc họp thượng đỉnh khối G8 sẽ diễn ra tại Aquila, Ý, vào đầu tháng 7 năm 2009, đại diện các tôn giáo trong khối này cũng đã qui tụ tại Roma trong hai ngày 16 và 17 tháng 6 năm 2009.

Trong sứ điệp được cho công bố sau cuộc gặp gỡ, hơn 80 nhà lãnh đạo tôn giáo trong khối G8 khẳng định "liên kết với nhau trong nỗ lực thăng tiến công lý, bảo vệ sự sống con người, xây dựng công ích cũng như nói lên niềm xác tín về phẩm giá bất khả xâm phạm của con người từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, vì được Thiên Chúa tạo thành."

Ðứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang đè nặng trên người nghèo, các vị đại diện tôn giáo nhấn mạnh rằng cần phải có một "thỏa ước mới về tài chính" khả dĩ giúp "đương đầu với những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng". Theo các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tác nhân của kinh tế và tài chính cần phải nhìn nhận những nguyên tắc luân lý nền tảng và quan tâm đến nhu cầu khẩn thiết phải tài trợ cho sự phát triển.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo trong khối G8 khẳng định rằng đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, cần phải có một định hướng tinh thần, bởi vì chỉ có đời sống thiêng liêng và tự do sống đời sống thiêng liêng mới có thể bảo đảm cho một nền hòa bình đích thực.

Theo các vị, chỉ có "cuộc sống thiêng liêng mới đáp ứng với nhu cầu về giá trị mà xã hội ngày nay đang cần đến", bởi vì duy vật chủ nghĩa không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong bối cảnh ấy, các đại diện tôn giáo xác tín rằng tôn giáo có thể góp phần quyết định trong việc tìm kiếm công ích. Sứ điệp của các vị đại diện tôn giáo trong khối G8 khẳng định: "cần phải nhờ đến sự khôn ngoan của các tôn giáo lớn để chỉ ra một con đường đạo đức cho công lý và sự phát triển của con người".

Nhắc đến đệ nhị thế chiến, các vị đại diện tôn giáo kêu gọi các quốc gia đừng xem chiến tranh như một phương thế trong chính sách quốc tế. Các vị kêu gọi hãy tài giảm võ khí hạt nhân và đề ra những chính sách cấm phổ biến võ khí này hầu đạt được một sự giải giới hạt nhân toàn diện.

Cuối cùng, đứng trước những đe dọa và thách đố trong giai đoạn hiện tại, các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi đối thoại giữa các tôn giáo với nhau cũng như giữa các nền văn hóa và chính trị.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page