Ðại Sứ Công Giáo Nhật Anh Hùng
Ðại Sứ Công Giáo Nhật Anh Hùng.
Radio Vatican (18/06/2009) - Sáng sớm ngày 27-7-1940, ông Sempo Sugihara, 40 tuổi - đại sứ Nhật tại Kaunas (Cộng Hòa Lituani) - giật mình thức giấc vì tiếng động ồn ào xôn xao, bên ngoài đại sứ quán.
Ðến cửa sổ nhìn ra đường, ông Sempo trông thấy một đám đông, gồm mấy ngàn người, đang đứng chờ trước cổng. Có người bồng bế con nhỏ. Có kẻ dắt tay cha mẹ già. Ða số mang theo trọn hành lý. Ông Sempo tần ngần chưa hiểu thực hư thì người giúp việc đến thưa:
- Ðó là những người tị nạn Do Thái. Họ đến xin đại sứ cứu sống họ.
Tháng 9 năm trước đó - 1939 - quân Ðức xâm chiếm lãnh thổ Ba Lan và cùng lúc, nhà độc tài Adolf Hitler (1889-1945) ra lệnh khủng bố tiêu diệt tất cả người Do thái.
Ông Sempo Sugihara cất tiếng hỏi đám đông, xem họ muốn gì. Một người tên Zorach Warhaftig - năm ấy làm luật sư trong lứa tuổi 30 - thay mặt đồng hương, trình bày số phận thảm thương của dân tộc Do Thái. Riêng ông Warhaftig thì toàn gia đình đã bị quân đức quốc xã giết chết. Ðể trốn nạn diệt chủng, người Do Thái từ Ba Lan chạy sang Cộng Hòa Lituani. Nhưng nay, chiến tranh cũng lan tới cộng hòa nhỏ bé này, và đoàn người Do Thái bắt buộc phải rời bỏ Lituani.
Lộ trình duy nhất cho cuộc trốn thoát là xuyên qua lãnh thổ Liên Xô. Nhưng người Nga sẽ không để cho đoàn tỵ nạn Do Thái đi qua đất họ, nếu họ không được một nước thứ ba tiếp nhận. Tất cả các đại sứ quán tại Lituani đã đóng cửa, hoặc không muốn giúp đỡ nhóm người Do Thái.
Ông Sempo Sugihara nói với đoàn tị nạn Do Thái:
- Tôi sẵn sàng cứu giúp quý vị. Nhưng tôi phải hỏi ý kiến Tokyo trước.
Nghe đại sứ Nhật nói thế, ông Warhaftig thật sự lo lắng. Vào thời ấy - 1940 - nhiều quốc gia không mấy thiện cảm với dân tộc Do Thái. Trong khi đó Nhật Bản đang có mưu tính liên kết với Ðức quốc.
Ông Sempo Sugihara liên lạc ngay với bộ Ngoại Giao Nhật tại Tokyo. Ông viết:
- Tôi xin phép ký các chiếu khán chuyển tiếp ngay tức khắc.
2 ngày sau, ông Sempo nhận bức điện trả lời của Tokyo:
- Ông không được ký chiếu khán chuyển tiếp cho những người không được một quốc gia thứ ba tiếp nhận.
Ðêm đó, ông Sempo không tài nào chợp mắt. Trong tâm tình tín hữu Công Giáo, ông nói với hiền thê:
- Anh phải làm một cái gì để cứu giúp những người Do Thái tỵ nạn đáng thương.
Bà Yukiko cũng là tín hữu Công Giáo. Trong tâm tình của bà mẹ trẻ có 3 con, bà Yukiko hoàn toàn hiệp nhất với chồng trong công tác bác ái. Bà nhỏ nhẹ nói với chồng:
- Vâng, chúng ta có bổn phận cứu giúp người Do Thái.
Ông Sempo Sugihara liên lạc với Tokyo thêm hai lần, nhưng lần nào cũng bị Bộ Ngoại Giao Nhật từ chối. Sau lần từ chối thứ ba, ông Sempo nói với vợ:
- Nếu anh bất tuân lệnh chính phủ, thì có nghĩa, con đường sự nghiệp tiêu tan. Tuy nhiên, anh quyết định bất tuân, bởi vì, nếu anh tuân lệnh chính phủ thì cũng có nghĩa anh không tuân phục Thiên Chúa. Anh phải nghe theo tiếng nói lương tâm và phải vâng phục Thiên Chúa.
Bà Yukiko dịu dàng trả lời chồng:
- Vâng, chúng ta phải cứu sống càng nhiều người Do Thái càng tốt.
Quyết định xong, ông Sempo Sugihara ra trước đại sứ quán và nói:
- Tôi sẽ ký chiếu khán chuyển tiếp cho tất cả những ai xin.
Sau giây phút im lặng ngỡ ngàng, đoàn người Do thái cất tiếng hò reo, vui sướng. Nhiều người vừa lặng lẽ cầu nguyện vừa khóc vì cảm động.
Vào buổi sáng ngày 1-8-1940, ông Sempo Sugihara bắt đầu ký chiếu khán chuyển tiếp qua Nhật, sau đó đoàn người Do Thái sẽ tìm đường sang đảo Curacao. Ông Sempo làm việc bất kể ngày đêm. Trong vòng một tháng, ông ký 3,500 chiếu khán. Nhưng có tài liệu cho rằng, ông đã ký ít nhất là 6,000 chiếu khán. Những người Do Thái nói với ông:
- Chúng tôi không bao giờ quên ơn ông.
Năm 1967, chính quyền Israel quyết định tưởng thưởng vị anh hùng Nhật Bản, đã cứu sống nhiều người Do Thái trong thế chiến thứ hai 1939-1945. Tại Tel Aviv, trong buổi lễ trao tặng huân chương cũng có mặt một số người Do Thái được ông Sempo cứu sống, trong đó có nhà luật sư Zorach Warhaftig. Năm đó ông Warhaftig làm bộ trưởng bộ tôn giáo. Ngoài ra còn có ông Igo Feldblum, một nhà vật lý học. Ông Igo đã ca tụng nhà đại sứ anh hùng Nhật Bản Sempo Sugihara (1-1-1900 / 1986) như sau:
- Người can đảm là người dám làm điều khó làm. Trong khi vị anh hùng làm điều xem ra không thể làm được. Vị anh hùng hành động ngay cả khi ông biết mình không được bất cứ một lợi lộc nào.
Còn Ông Warhaftig thì nói:
- Ông Sempo Sugihara quả là Vị Ðại Sứ của Thiên Chúa!
... "Người công chính sẽ sống muôn đời. Họ sẽ được Thiên Chúa ân thưởng và được Ðấng Tối Cao hằng quan tâm săn sóc. Quả vậy, họ sẽ lãnh nhận triều thiên vinh quang dành cho bậc vương giả, và ngọc miện rực rỡ chói ngời từ bàn tay Thiên Chúa. Và họ sẽ được tay hữu Ngài phù hộ và cánh tay Ngài như khiên thuẫn chở che" (Sách Khôn Ngoan 5,15-16).
("Reader's Digest", January/1994, trang 69-74)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(Radio Vatican)