Ý nghĩa của Năm Linh mục

 

Ý nghĩa của Năm Linh mục.

Roma [Chiesa 10/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ngày 19 tháng 6 năm 2009, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong buổi đọc Kinh Chiều tại Vương Thánh Ðường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của xương cánh tay phải của thánh Gioan Maria Vianney, quan thầy của các linh mục, Ðức thánh cha Beneđitô XVI long trọng tuyên bố khai mạc Năm Linh Mục.

Ðức thánh cha đã giải thích những lý do để công bố Năm Linh Mục trong phiên khoáng đại của các Hồng y và giám mục thành viên của Bộ Giáo Sĩ dạo tháng 3 năm 2009.

Cho đến năm 1967, bộ giáo sĩ vẫn còn được gọi là "bộ của Công Ðồng". Công đồng ở đây là công đồng Trento. Thật vậy, sau công đồng Trento, bộ này được thành lập để giám sát việc áp dụng các đường hướng của Công đồng trong việc "chăm sóc các linh hồn" của hàng giáo sĩ.

Dung mạo của linh mục được Công Ðồng này phác họa đã in đậm nét trên đời sống Giáo hội Công giáo cho đến hậu bán thế kỷ 20. Dung mạo đó đã được làm nổi bật xuyên qua mẫu gương của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, mà năm 2009 Giáo hội tưởng niệm 150 năm ngày qua đời.

Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, ở nhiều cấp độ khác nhau, bản sắc của linh mục công giáo đã bị biến chất, làm cho lu mờ và ngay cả "tan rã" trước làn sóng tục hóa bên trong và bên ngoài Giáo hội.

Do đó công bố một Năm Linh Mục, chủ ý của Ðức thánh cha là muốn tái lập trong linh mục một bản sắc thiêng liêng vững mạnh, trung thành với sứ mệnh của mình. Mục đích của Năm Linh mục cũng nhằm giúp loại trừ "những uế tạp" đã làm cho hàng giáo sĩ bị ô nhiễm, bị giới hạn trong con số cũng như tạo ra một hình ảnh tệ hại trên khắp thế giới.

Một biến cố khác có liên quan đến Năm Linh Mục cũng cần được ghi nhận. Ở khởi đầu Năm Linh mục, Tòa thánh ra lệnh cho kinh lý Hội Tông Ðồ "Ðạo Binh Chúa Kitô". Hội Tông Ðồ này nổi bật do con số ơn gọi và tân linh mục kỷ lục. Tuy nhiên, Hội này cũng có nguy cơ sụp đổ sau khi hình ảnh của chính vị sáng lập là cố linh mục Marcial Maciel đã sụp đổ. Cuộc sống nước đôi của vị linh mục này đã trở thành một gương mù khủng khiếp, nhứt là đối với những người đã từng là đệ tử trung thành của ông.

Do đó, tái lập bản sắc thiêng liêng của linh mục cũng có nghĩa là quan tâm một cách đặc biệt đến việc huấn luyện linh mục. Cũng như trước kia chủng viện là một trong những cột trụ trong công cuộc cải tổ Giáo hội được Công Ðồng Trento đề ra, thì ngày nay cũng chính trong chủng viện mà bản sắc của các tân linh mục cần phải được nhào nặn.

Hiện nay Bộ Giáo Sĩ không phải là Bộ giám sát các chủng viện. Ðây là trách nhiệm của Bộ Giáo Dục công giáo. Do đó, bộ này cũng phải nỗ lực để bảo đảm rằng Năm Linh Mục có thể mang lại thành quả.

Qua bài diễn văn mà đức cha Jean Louis Bruguès, thư ký của Bộ Giáo Dục Công giáo, đã đọc trong cuộc gặp gỡ của các viện trưởng các chủng viện giáo hoàng tại Roma hôm 3 tháng 6 năm 2009, người ta đã thấy được những bước đầu mà Bộ này đã đề ra nhân năm linh mục.

Ðức cha Bruguès, 66 tuổi, thuộc dòng Ðaminh, đã làm Giám mục Angers, Pháp quốc, cho đến năm 2007. Ngoài chức vụ thư ký của Bộ Giáo dục Công giáo, ngài còn là phó chủ tịch của văn phòng cổ võ ơn gọi của Tòa thánh và thành viên của ủy ban huấn luyện ứng sinh cho chức linh mục. Ðức cha Brugues cũng là một giáo sư tại Ðại học Angelicum của dòng đaminh ở Roma.

Theo nhận xét của tác giả Sandro Magister trên trang mạng "Chiesa" [Giáo hội], bài diễn văn của Ðức cha Brugues hoàn toàn không có giọng điệu của giáo triều. Ðức cha thư ký của Bộ Giáo dục Công giáo đã tỏ ra rất thành thật trong những nhận định của mình. Ngài mô tả và tố cáo những thất bại tiếp theo Công Ðồng Vatican II, nhứt là tại Âu Châu, kể cả sự thiếu hiểu biết về những điểm giáo thuyết nền tảng nơi những người trẻ muốn vào chủng viện ngày nay.

Một trong những liều thuốc được Ðức cha Brugues đề ra cho sự thiếu hiểu biết này chính là dành nguyên năm linh mục này để dạy Giáo Lý của Giáo hội Công giáo trong các chủng viện.

Ðức cha thư ký của Bộ Giáo dục Công giáo nhận định như sau: "Bất kể dưới hình thức nào, hiện tượng tục hóa đã tạo ra một sự sụp đổ của nền văn hóa kito giáo trong các nước của chúng ta. Những người trẻ xin vào các chủng viện của chúng ta biết rất ít hay hoàn toàn không biết gì về giáo lý công giáo, về lịch sử và các truyền thống của Giáo hội. Tình trạng thiếu giáo dục này buộc chúng ta phải nhìn lại cách huấn luyện trong chủng viện."

Ðức cha Brugues đề ra hai điểm:

Trước hết, cần phải dành nguyên một năm hay hơn nữa để gọi là "huấn luyện khai tâm" về giáo lý và văn hóa.Chương trình này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau tùy theo những nhu cầu đặc thù của mỗi nước. Ngài gợi ý nên dành nguyên một năm để giúp các ứng sinh mới vào chủng viện nắm vững nội dung Sách Giáo Lý của Giáo hội Công giáo.

Ðiểm thứ hai được đức cha thư ký Bộ Giáo dục Công giáo đề nghị là: cần phải duyệt xét lại chương trình huấn luyện. Ngài nói: "những người trẻ vào chủng viện biết rằng mình thiếu hiểu biết. Họ khiêm tốn và khao khát học hỏi sứ điệp của Giáo hội. Ðây là một điểm tích cực".

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page