Các nữ tu trong cuộc chiến

chống lại tệ nạn buôn người

 

Các nữ tu trong cuộc chiến chống lại tệ nạn buôn người.

Roma [La Croix 14/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Từ ngày thứ Hai 15 tháng 6 cho đến ngày thứ Năm 18 tháng 6 năm 2009, Liên Hiệp các bề trên dòng nữ trên thế giới phối hợp với tổ chức di dân thế giới IOM để tổ chức tại Roma một Hội Nghị có chủ đề: "Hội Nghị năm 2009: các nữ tu trong mạng lưới chống lại tệ nạn buôn người".

Nữ tu Bernadette Sangma, thuộc Dòng nữ Salesien con Ðức Mẹ Phù Hộ, khẳng định như sau: "Việc buôn bán phụ nữ và trẻ em ư? Nó diễn ra dưới mắt chúng ta, trên đường phố chúng ta, trong khu phố chúng ta, đằng sau nhà chúng ta".

Theo vị nữ tu này, "tệ nạn buôn người là một hình thức nô lệ mới ngày càng gia tăng, mà những lái buôn chính là các tổ chức tội phạm thường hành động với sự đồng lõa của các chính quyền địa phương hay các thế lực chính trị".

Từ nhiều năm qua, hoặc với tư cách cá nhân hoặc xuyên qua các dòng tu của mình, các nữ tu đã và đang động viên chống lại hiện tượng này.

Nữ tư Victoria Gonzales, Tổng thư ký của Liên Hiệp các bề trên dòng nữ thế giới cho biết: "Năm 2001, 800 đại diện của các cộng đồng nữ tu trên khắp thế giới đã quyết định đặt cuộc chiến chống lại tệ nạn buôn người vào những ưu tiên hàng đầu. Do đó, hiện nay hầu hết các dòng nữ đều có một Ủy Ban về "chống buôn người" hoạt động rất tích cực."

Tệ nạn buôn người là một hiện tượng rất phức tạp vì được toàn cầu hóa, nghĩa là nó không còn bị giới hạn trong ranh giới của một quốc gia nữa. Từ mại dâm có tổ chức đến lao dịch trong các gia đình và ngay cả buôn bán cơ phận, theo ông Stefano Volpicelli, thuộc Tổ Chức Di Dân Thế Giới IOM, người ta ước tính có đến khoảng 2 triệu rưỡi người, nhứt là phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của hình thức nô lệ mới này. Kể từ khi Công Ước Palermo được thông qua hồi năm 2000, nhờ một định nghĩa rõ ràng được quốc tế công nhận về việc buôn người, người ta đã có thể nhận dạng được các cá nhân và tổ chức sống bằng tệ nạn này.

Tuy nhiên, ông Volpicelli nói rằng các cá nhân và tổ chức này che đậy việc buôn người đằng sau những lý do giả hiệu cũng như xử dụng những phương tiện ngày càng tinh vi, khiến cho việc nhận diện các mạng lưới buôn người trở nên khó khăn. Cuộc chiến chống lại tệ nạn buôn người vừa nỗ lực ngăn ngừa vừa cố gắng tái hội nhập các nạn nhân trong xứ sở của họ cũng như tại những nơi họ bị bắt làm nô lệ. Ðây là một công việc lớn lao.

Trước hiện tượng di dân của thời hiện đại, các nữ tu cảm thấy có nhu cầu phải làm việc chung với những tổ chức khác. Năm 2005, nhờ tài trợ của Hoa Kỳ, các bề trên dòng nữ thế giới đã thông qua một thỏa hiệp hợp tác với tổ chức di dân thế giới IOM, nhằm thiết lập các mạng lưới vùng. Cho tới nay đã có khoảng 15 mạng lưới đã được thiết lập tại Phi Châu, Á châu hay Âu châu. Như thế, các trung tâm của tổ chức IOM có thể kêu gọi các nữ tu giúp tái hội nhập các phụ nữ. Tổ chức này cũng có thể lợi dụng chỗ đứng quốc tế của mình để tác động trên các quốc gia tiếp cư cũng như những nước xuất xứ của những người nô lệ của thời đại. Ðã có 24 phụ nữ Thái Lan đã có thể trở về quê hương của mình!

Hay như tại Albani, Nigeria và Rumani, các nữ tu mở cuộc điều tra về tình trạng của các phụ nữ và những làng mạc nơi các phụ nữ bị bắt đem đi bán, nhằm giúp cải thiện cuộc sống cho họ một khi họ được hồi hương. Nhờ sự trợ giúp của tổ chức di dân thế giới IOM, các nữ tu cũng đã vận động để thông qua một luật tại Nam Phi nhằm ngăn cấm việc buôn người.

Với hội nghị đang diễn ra tại Roma, Liên hiệp các bề trên dòng nữ thế giới và tổ chức di dân thế giới IOM muốn cung cấp thông tin và lượng giá về những hoạt động trong năm qua.

Việc buôn người không chỉ là chuyện của các nữ tu, lại càng không chỉ là chuyện của các phụ nữ. Nữ tu Bernadette Sangma ghi nhận rằng trong các nạn nhân của tệ nạn buôn người, còn có trẻ em và ngay cả nam giới. Nhứt là, theo vị nữ tu này, nếu có cung là bởi đã có cầu. Ðã có bán thì phải có mua. Vấn đề "người mua" là một vấn đề không thể tránh né, nhứt là về phía Giáo hội.

Tiếc thay, theo nữ tu Sangma, một phần lớn của "khách mua" lại là những người chồng và người cha trong gia đình, những người tự nhận là các tín hữu thuần thành.

Do đó, không những toàn thể Giáo hội mà các nam nhân cũng phải dấn thân vào cuộc chiến chống lại tệ nạn này. Nữ tu Sangma khẳng định: "các linh mục và nam tu sĩ cũng phải làm công tác giáo dục và gây ý thức. Không có các vị, chúng tôi sẽ không bao giờ liên hệ được với một bộ phận rất lớn những người có dính líu đến tệ nạn này, tức những người đàn ông".

Về phương diện này, công việc đang tiến hành rất chậm. Hiện tổ chức di dân thế giới IOM đang tổ chức một mạng lưới chống buôn người dành cho các dòng tu nam. Một số dòng như dòng Ngôi Lời hay Montfortain đã dấn thân vào cuộc chiến.

Chính vì vậy mà trong Ðại hội đang diễn ra tại Roma, các nữ tu đã mời một số đại diện của các dòng nam tham dự.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page