Những thành quả

của Năm Thánh Phaolô

 

Những thành quả của Năm Thánh Phaolô.

Roma [Zenit 9/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Năm Thánh Phaolô, tức năm kỷ niệm 2,000 năm sinh nhựt của thánh nhân, sẽ kết thúc vào ngày 29 tháng 6 năm 2009.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho hãng tin Công giáo Zenit, Ðức hồng y Andrea Lanza di Montezemolo, Tổng quản Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, đã tổng kết các hoạt động của vương cung thánh đường này.

Trước hết đề cập đến các kho tàng nghệ thuật mà khách hành hương có thể chiêm ngắm khi viếng thăm Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành, Ðức hồng y Montezemolo cho biết: Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành có chứa đựng ngôi mộ của thánh Phaolô cũng như những kỷ vật và phụng vụ được phát triển xuyên suốt 20 thế kỷ qua. Từ nhiều thế kỷ trước, không ai được vào ngôi mộ này. Thánh Phaolô đã chịu tử đạo và thi thể ngài đã được cất giấu trong một ngôi mộ ngoại giáo của một gia đình. Việc tôn kính công khai chỉ bắt đầu vào năm 313, sau khi hoàng đế Constantino ban hành chiếu chỉ chấm dứt lệnh bắt đạo.

Lúc bấy giờ người ta mới bắt đầu xây dựng một ngôi thánh đường, kế đó là một Vương cung Thánh đường rộng lớn hơn và nghĩa trang ngoại giáo trước kia cũng biến thành nghĩa trang Kitô giáo.

Năm 1823, một trận hỏa hoạn đã tiêu hủy hầu như trọn bộ Vương cung Thánh đường. Các Ðức giáo hoàng lúc bấy giờ, nhứt là đức Piô IX, đã muốn tái thiết Vương cung Thánh đường một cách vĩ đại hơn. Vị giáo hoàng này đã xin thế giới Kitô giáo đóng góp cho chương trình tái thiết. Nga hoàng đã dâng cúng hai bàn thờ. Phó vương Ai cập tặng loại đá trắng đặc biệt để làm các cánh cửa sổ và các trụ của cửa chính.

Ðức hồng y Montezemolo cho biết: trong năm thánh Phaolô, Vương cung Thánh đường thánh Phaolô đã được trùng tu và cho gắn một hệ thống ánh sáng đặc biệt để khách hành hương có thể đến viếng mộ thánh Phaolô và chiêm ngắm các tác phẩm nghệ thuật. Một trong những tác phẩm nghệ thuật đó là tượng Chúa Giêsu cao 24 thước. Thông thường thánh Phaolô thường đứng bên cạnh thánh Phêrô. Nhưng trong Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, vào năm 1200, người ta khắc tượng thánh Phaolô bên cạnh thánh Luca. Ngoài ra bên phải tượng Chúa Giêsu, có chân dung của Ðức giáo hoàng Honorius III là người đã cho dựng lên bức Mosaic vĩ đại này.

Về phương diện trí thức, tức các cuộc nghiên cứu và đào sâu về gương mặt thánh Phaolô, Ðức hồng y Montezemolo giải thích như sau: "Thánh Phaolô là một nhà truyền thông vĩ đại đã cho chúng ta thấy được Lời Chúa. Nếu để ý, người ta sẽ thấy rằng trong phụng vụ hiện nay, tức trong thánh lễ cũng như các lời cầu nguyện, hơn một nửa các lời trích đều đến từ các lá thư của thánh Phaolô.

Theo Ðức hồng y Montezemolo, Sứ điệp của thánh Phaolô rất đa diện. Thánh nhân là một người thuộc ba nền văn hóa: là một người Do thái, ngài thuộc lòng Kinh Thánh; là một biệt phái, ngài biết rõ lề luật. Thánh nhân lại am tường văn hóa, triết lý và ngôn ngữ Hy lạp. Ngài viết và nói thông thạo tiếng Hy lạp. Ngoài ra, thánh nhân còn là một công dân Roma, do đó nắm vững tiếng Latinh. Sau cuộc trở lại trên đường đi Damas, thánh nhân sống cho đến cùng sứ điệp của Chúa Kitô đến độ thốt lên: "tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi".

Về phương diện đại kết, Ðức hồng y Montezemolo khẳng định: hơn các vương cung thánh đường khác, Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành có một bổn phận đặc biệt là thăng tiến phong trào đại kết. Chính tại Vương cung Thánh đường này đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ để cầu nguyện và nghiên cứu, vì gia sản mà các Giáo hội và cộng đồng còn giữ về thánh Phaolô rất phong phú.

Ngoài ra, còn có cả một cuộc gặp gỡ với người Do thái. Một cách nào đó, đây cũng là một cuộc gặp gỡ đại kết về phương diện văn hóa. Trường đại học Gierusalem đã tổ chức một hội nghị ba ngày trong đó Giáo hội đã có thể đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong thân thế thánh Phaolô, một người biệt phái có một tầm hiểu biết rộng rãi về văn hóa Do thái.

Năm thánh Phaolô sắp chấm dứt, để cho tinh thần học hỏi về thánh Phaolô không mai một, Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành sẽ đưa ra một số sáng kiến mới. Trước hết, theo Ðức hồng y Montezemolo, cần phải tiếp tục đón tiếp khách hành hương ngày càng đến kính viếng thánh nhân đông hơn trước kia. Ðức hồng y cho biết ngài muốn giữ cho một ngọn đuốc lên cháy sáng trong Vương cung Thánh đường. Ngày 28 tháng 6 năm 2008, khi khai mạc năm thánh Phaolô, chính Ðức thánh cha đã đích thân đến đây để đốt lên ngọn đuốc. Có lẽ khi năm thánh Phaolô bế mạc, ngọn đuốc này sẽ được dập tắt. Nhưng nhiều người yêu cầu nên để cho khách hành hương đốt nến và đặt vào xung quanh ngọn đuốc. Nhiều người cũng mong có được một chỗ đặc biệt để nói lên tinh thần sám hối theo chân thánh Phaolô.

Ngoài ra, Ðức hồng y Montezemolo cũng cho biết việc tôn kính thánh Phaolô sẽ được tiếp tục qua các thánh lễ, các buổi gặp gỡ cầu nguyện cũng như các hội nghị nghiên cứu.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page