Phản ứng của Tòa Thánh về bài diễn văn
của tổng thống Hoa Kỳ tại Cairo, Ai cập
Phản ứng của Tòa Thánh về bài diễn văn của tổng thống Hoa Kỳ tại Cairo, Ai cập.
Vatican [CWN 5/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Roma và Hoa kỳ đã có một loạt những phản ứng về bài diễn văn mà tổng thống Barack Obama đã đọc tại Ðại Học Cairo hôm thứ Năm 4 tháng 6 năm 2009.
Báo Người Quan Sát Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, đã ca ngợi tổng thống Obama vì đã ra khỏi thông lệ của những tuyên bố chính trị để "nói đến những quyền lợi chung nhân danh một nhân loại chung".
Về phần mình, cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, theo thông lệ vẫn luôn tỏ ra cẩn trọng. Dù vậy, người phát ngôn của Tòa Thánh vẫn nói rằng đây là một bài diễn văn "rất quan trọng" và "rất ý nghĩa".
Một số viên chức Giáo hội cũng ca ngợi bài diễn văn của ông Obama và đề nghị người Công giáo Hoa kỳ nên đón nhận những gợi ý của tổng thống mình. Cha James Massa, phụ trách về các quan hệ liên tôn của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ chẳng hạn, cho rằng có sự "phù hợp đáng kể" giữa bài diễn văn của tổng thống Obama và các tư tưởng của Ðức thánh cha Benedicto XVI.
Trong một bài phân tách được đăng trên báo "The National Catholic Reporter", tác giả John Allen, chuyên viên về Vatican, ghi nhận rằng nhiều viên chức Tòa Thánh cũng có cùng một nhận định như thế: họ cho rằng những chính sách của Hoa kỳ được phản ánh trong bài diễn văn của ông Obama rất gần gũi với các chính sách của Tòa Thánh. Thật vậy, tác giả Allen ghi nhận rằng các phản ứng từ Vatican có thể giải thích tại sao, trái với thái độ cứng rắn của các Ðức giám mục Hoa kỳ, Tòa Thánh luôn có thái độ thân thiện với chính phủ của ông Obama. Theo tác giả, Tòa thánh hy vọng rằng chính phủ Obama sẽ là một đồng minh mạnh trong nỗ lực kiến tạo Hòa bình tại Trung Ðông.
Trong các phản ứng về bài diễn văn của tổng thống Obama, sâu sắc nhứt có lẽ là những nhận định của linh mục Samir Khalil Samir, dòng Tên, một chuyên gia về hồi giáo học có thế giá tại Vatican.
Trong một bài viết dành cho hãng tin Công giáo Asianews, cha Samir khẳng định rằng liên quan đến viễn ảnh Hòa bình tại Thánh Ðịa hay về các mối quan hệ giữa Tây Phương và Hồi Giáo, bài diễn văn của tổng thống Obama không đưa ra nhiều chi tiết như các bài diễn văn của Ðức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Thánh Ðịa vừa qua.
Dưới khía cạnh lịch sử, cha Samir cho rằng bài diễn văn của tổng thống Obama đã bị "lèo lái", có lẽ để làm vừa lòng người Hồi giáo. Nhưng theo vị linh mục này, đây là một bài diễn văn chính trị và chúng ta phải chấp nhận sự kiện là tổng thống Obama chỉ muốn làm sáng tỏ các vấn đề mà thôi.
Cha Samir ca ngợi tổng thống Obama vì ông đã mở ra một trang mới cho cuộc đối thoại liên văn hóa khi ông đưa ra hai lời tuyên bố mà cha gọi là "can đảm".
Trước hết, ông Obama nói với cử tọa Hồi giáo rằng mặc dù cha ông là một người Hồi giáo, ông lại theo Kitô giáo. Theo cha Samir, sự kiện này cho thấy sự can đảm của một con người không che giấu bản sắc của mình. Ông Obama ý thức rõ ràng rằng với tư cách là con của một người Hồi giáo, ông bị xem như một người "chối đạo" và thế giới Hồi giáo không dung thứ cho những người chối đạo.
Kế đó, khi nói về tự do tôn giáo, tổng thống Obama không ngần ngại nói đến những vụ bạo động chống lại các tín hữu Kitô Copte tại Ai cập. Nói chuyện với một cử tọa Ai cập, ông Obama đã không màng đến chuyện có được tán thưởng hay không khi nhắc đến sự kiện này.
Theo cha Samir, trên đây là hai điểm cho thấy sự thành thật và can đảm đáng ca ngợi của tổng thống Obama.
Tuy nhiên, trong một số phần khác của bài diễn văn, vì muốn làm vừa lòng cử tọa Hồi giáo, ông Obama đã hoặc cố tình làm ngơ trước một số sự kiện hoặc ngay cả sai lầm.
Chẳng hạn, ông nói rằng dân tộc Palestine cũng giống như người Do thái cách đây vài thế hệ: cả hai phải đau khổ vì không có một quê hương. Thật ra, theo cha Samir, không thể so sánh người Do thái tại Ðông Âu với người Palestine hiện đang sống trong các trại tỵ nạn: người Do thái không hề phải đau khổ vì người Palestine hay người Hồi giáo, mà vì người Tây phương.
Ông Obama cũng đã dựng lên "một huyền thoại thái quá" khi nói rằng vương quốc Hồi giáo Andalusia thời trung cổ đã tỏ ra khoan nhượng về tôn giáo. Thật ra, theo cha Samir, vương quốc này đã không ngừng đàn áp các tín hữu Kitô và người Do thái.
Tổng thống Obama kêu gọi người Hồi giáo hãy hợp tác để bảo vệ quyền của người phụ nữ, nhưng ông không dám nói đến sự cần thiết phải chấm dứt những hành động hạ phẩm giá người phụ nữ tại nhiều quốc gia Hồi giáo.
So sánh tổng thống Hoa kỳ với Ðức thánh cha, cha Samir khẳng định rằng Ðức Thánh Cha đã dám thách thức thế giới Hồi giáo bằng cách nhấn mạnh đến vai trò của lý trí trong cuộc đối thoại liên tôn. Và theo cha Samir, ngay cả khi đề cập đến tiến trình hòa bình tại Trung Ðông, Ðức thánh cha cũng tỏ ra rất rõ ràng và dứt khoát: ngài nhấn mạnh đến quyền của dân tộc Palestine và tỏ ra cương quyết về giải pháp hai quốc gia trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Cha Samir kết luận: tổng thống Hoa kỳ cần xem Vatican như một đồng minh đáng tin cậy trong tiến trình hòa bình. Nói đến sự "phù hợp" giữa lập trường của tổng thống Hoa kỳ và Ðức thánh cha là đi quá xa.
(Chu Văn)