Kỷ niệm 50 năm thành lập
Phong Trào "Hiệp Thông và Giải Phóng"
Kỷ niệm 50 năm thành lập Phong Trào "Hiệp Thông và Giải Phóng".
Rome [La Croix 3/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Năm nay kỷ niệm đúng 50 năm Phong Trào "Hiệp Thông và Giải phóng" tại Ý, được thành lập.
"Hiệp thông và Giải phóng" là một trong rất ít phong trào Giáo hội dấn thân sâu xa vào hoạt động chính trị và có những suy tư thần học sâu xa về các hoạt động của mình.
Mario Mauro, nghị viên Âu Châu, thành viên của Ðảng "Nhân dân vì tự do" của thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, là một gương mặt sáng giá có thể được bầu làm chủ tịch Nghị Viện Âu Châu. Năm nay 48 tuổi, vị giáo sư triết học này đã từng được biết đến vì lập trường chống lại trào lưu bài kitô tại Âu Châu. Ông là một trong những người lãnh đạo hiện nay của Phong Trào Công Giáo Ý "Hiệp Thông và Giải Phóng".
Ba yếu tố mang lại thành công cho ông Mauro là: trí thức, kinh tế và chính trị. Là một giáo sư triết, ông Mauro cũng đồng thời có chân trong ban quản trị ngân hàng có tên là "Compagnia delle Opere", tức cánh tay kinh tế của Phong trào. Ngoài ra, ông Mauro cũng thăng tiến nhanh trong Ðảng "Nhân dân vì tự do" của đương kiêm thủ tướng Ý.
Bốn năm sau khi nhà sáng lập là cha Don Luigi Giussani qua đời, với 400 ngàn thành viên rải rác trên khắp nước Ý, Phong Trào Hiệp thông và Giải phóng đã trở thành một yếu tố cần thiết cho bất cứ ai muốn hiểu biết về nước Ý. Năm 2008, trong cuộc gặp gỡ thân hữu do Phong trào tổ chức tại Rimini vào mỗi cuối tháng 8 năm 2008, người ta tính có đến 700 ngàn người tham dự. Các chính trị gia tham dự đông hơn mọi năm.
Ngân hàng "La compagnia delle opera" qui tụ 41 chi nhánh, liên kết 34 ngàn xí nghiệp, 1,100 tổ chức phi lợi nhuận và tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người. Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, Phong Trào giới thiệu khoảng 200 ứng cử viên. Có đến trên 10 vị giám mục Ý là thành viên của Phong trào, trong số này có Ðức hồng y Angelo Scola, thượng phụ Venezia.
Phong trào "Hiệp thông và Giải phóng" nằm trong truyền thống của Phong trào "Công giáo xã hội Ý" và gia sản của Dân chủ Kitô giáo. Và dĩ nhiên, đường hướng riêng của Phong Trào do cha Don Giussani, tuyên úy sinh viên, đề ra.
Thật vậy, lúc đầu, cha Giussani chỉ hoạt động theo phương pháp "xem-xét- làm" của Phong Trào Công Giáo Tiến hành, đặc biệt của Phong trào Thanh Sinh Công và Thanh Lao Công. Nhưng biến cố tháng 5 năm 1968, tức phong trào tranh đấu của sinh viên tại Pháp, đã lan rộng tới Ý và buộc phong trào "Hiệp thông và Giải phóng" phải duyệt lại đường hướng và lập trường của mình. Lúc bấy giờ, cha Giussani mới xem phong trào của ngài như một con đường đối lập với phong trào Marxit đang thịnh hành.
Theo người sáng lập Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng, sở dĩ Giáo hội Công giáo đã mất ảnh hưởng trong xã hội là bởi vì tách lìa đức tin ra khỏi đời sống công cộng. Trong khi triết gia Jacques Maritain của Pháp phân biệt thiêng liêng và trần thế, thì Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng chủ trương liên kết điều mà xã hội tục hóa muốn chia cách, tức niềm tin, văn hóa và chính trị.
Ðối lại với cánh tả cực đoan, các thành viên của Phong Trào Hiệp thông và Giải phóng không ngần ngại xông pha ứng chiến. Tinh thần chiến đấu chính là đặc điểm của Phong Trào này. Ðối lại với các hợp tác xã sinh viên Marxit, Phong trào Hiệp thông và Giải phóng tung ra các hợp tác xã Kitô. Ðối lại với các thư viện do cánh tả cực đoan quản lý, Phong trào tổ chức những trung tâm nghiên cứu riêng của mình. Và trên bình diện diện kinh tế, đối lại với những ảo tưởng của người cộng sản, các thành viên của phong trào Hiệp thông và Giải phóng đã thiết lập một "vương quốc kinh tế ở miền Bắc Ý". Người ta cũng có thể nói, cuộc họp mặt thân hữu vào tháng 8 hằng năm tại Rimini do Phong trào tổ chức cũng là một sáng kiến để đối lại với đại hội "Thống Nhứt" do đảng cộng sản Ý tổ chức.
Từ cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Marxit, Phong trào Hiệp thông và Giải Phóng mở ra cuộc chiến chống lại chủ nghĩa tục hóa nói chung. Năm 1980, các thành viên của Phong Trào là những ủng hộ mạnh mẽ nhứt Hội đồng Giám mục Ý trong cuộc chiến chống lại luật cho phép phá thai. Cuộc chiến thất bại, nhưng Phong trào đã có thể qui tụ 32 phần trăm cử tri chống phá thai để động viên dân chúng Ý theo đường hướng của Phong trào.
Ðức thánh cha Gioan Phaolô II đánh giá cao những nỗ lực này của Phong Trào cho nên đã đến tham dự cuộc họp mặt thân hữu Rimini hồi năm 1982.
Mặc dù đã có ảnh hưởng mạnh trong chính trường, hiện nay Phong Trào đang duyệt xét lại đường hướng của mình. Sự kiện cha Don Julian Carron, một người Tây Ban Nha, được cha Jussani chọn để thay thế mình, có một ý nghĩa đặc biệt.
Theo một số tài liệu mật, trong một cuộc họp cấp cao của Phong trào, ngày 19 tháng 5 năm 2009, sau khi ông Silvio Berlusconi đắc cử thủ tướng Ý, cha Carron đã mạnh mẽ chỉ trích sự trệch hướng của Phong trào. Vị linh mục này nói như sau: "Ai muốn đi vào chính trị cũng đều phải thành lập một đảng chính trị. Chúng ta đang ở vào một thời điểm mà tôi cho "hàm hồ": một phong trào Giáo hội đôi khi lại đặt hy vọng vào chính trị".
Thật ra, Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng không chỉ chú trọng đến các hoạt động chính trị. Bên cạnh hoạt động chính trị là vô số những hình thức hoạt động xã hội của phong trào như: Hội thiện nguyện phục vụ hải ngoại, ngân hàng thực phẩm, các tổ chức nhận con nuôi, các bệnh viện, trường học, trung tâm chữa trị bệnh Sida v.v...
Xét cho cùng, các thành viên của Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng trước tiên là những tín hữu Kitô dấn thân trong trần thế. Chính vì vậy mà Phong trào còn có một nhánh có tên là "Memores Domini" [những người nhớ đến Chúa] tức những người giáo dân sống đời thánh hiến giữa thế gian.
(Chu Văn)