Quan hệ giữa Tòa Thánh và Hoa kỳ

 

Quan hệ giữa Tòa Thánh và Hoa kỳ.

Washington, Hoa Kỳ [CNS 29/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa đề cử ông Miguel Diaz, một nhà thần học gốc Cuba làm đại sứ Hoa kỳ bên cạnh Tòa Thánh. Việc đề cử này diễn ra cùng một ngày với một cuộc hội thảo về quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh được tổ chức tại trường Ðại học Công giáo Hoa kỳ, ở thủ đô Washington hôm 28 tháng 5 năm 2009.

Cuộc hội thảo qui tụ các học giả, giám mục, linh mục, nữ tu, các nhà ngoại giao, sinh viên cũng như giới báo chí, do Hội đồng Giám mục Hoa kỳ và Trường Ðại học Công giáo Hoa kỳ đồng tổ chức để đánh dấu 25 quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Hoa kỳ.

Tuy Hoa kỳ và Tòa thánh chỉ mới chính thức quan hệ ngoại giao với nhau ở cấp bậc đại sứ từ 25 năm nay, mối quan hệ không chính thức giữa hai bên đã có từ lâu.

Trong bài phát biểu tại cuộc hội thảo, Ðức cha Timothy Dolan, Tổng giám mục New York, ghi nhận rằng ngay từ năm 1783, qua đại diện của mình tại Pháp, Tòa Thánh đã tìm cách liên lạc với chính phủ vừa mới thành hình tại Hoa kỳ.

Mặc dù phải chờ đợi 200 năm hai bên mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Tòa Thánh vẫn không ngừng mở ra các đường giây liên lạc với Hoa kỳ.

Ðức cha Doly cho biết: "Mỗi khi muốn bày tỏ các mối quan tâm đặc biệt với Hoa Kỳ, Tòa Thánh thường nhờ một vị giám mục có thế giá tại nước này: cho đến năm 1921, người thường đứng ra làm trung gian giữa Tòa Thánh và Hoa kỳ là Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Baltimore".

Theo Ðức Tổng Giám Mục New York, các vị trung gian của Tòa Thánh đã trấn an chính phủ Hoa kỳ trong những tuần lễ trước khi diễn ra cuộc chiến giữa Hoa kỳ và Tây Ban Nha. Trong thời đệ nhứt thế chiến, Ðức giáo hoàng Benedicto XV đưa ra các kế hoạch hòa bình của Tòa Thánh.

Về phần mình, Hoa kỳ cũng luôn tìm cách liên lạc để tham khảo ý kiến của Tòa Thánh. Thời đệ nhị thế chiến, tổng thống Franklin Roosevelt đã hỏi ý kiến của Tòa Thánh để tìm cách xử lý vụ một linh mục gây nhiều tranh cải trên đài phát thanh là cha Charles Coughlin. Tổng thống Roosevelt cũng dựa vào tình bạn với Ðức hồng y George Mundelen, Tổng giám mục Chicago, cũng như sau này xuyên qua đặc sứ của ông tại Vatican là ông Myron Taylor, để bày tỏ các mối quan ngại của Hoa kỳ với Tòa Thánh.

Trong cuộc hội thảo tại trường Ðại học Công giáo Hoa kỳ về lịch sử các mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Hoa kỳ, nhiều vị cựu đại sứ Hoa kỳ bên cạnh Tòa Thánh cũng như đương kiêm đại sứ Anh bên cạnh Tòa Thánh đã chia sẻ kinh nghiệm riêng của mình.

Trong số này, trước hết phải kể đến kinh nghiệm của ông Thomas Melady, đại sứ Hoa kỳ bên cạnh Tòa Thánh từ năm 1989 đến năm 1993. Ông Melady kể lại rằng cựu tổng thống Bush Cha đã yêu cầu ông dò hỏi để xem Ðức thánh cha Gioan Phaolô II có muốn Hoa kỳ mở cuộc điều tra để biết ai là người đã chủ mưu cuộc mưu sát ngài tại quảng trường thánh Phêrô ngày 13 tháng 5 năm 1981 không.

Ông Melady cho biết Tòa Thánh không muốn Hoa kỳ nhúng tay vào cuộc điều tra lúc đó. Về sau ông mới biết rằng Tòa Thánh đã có những liên lạc ngoại giao với chủ tịch Mikhail Gorbachev của Liên Xô và những hoạt động này đang mang lại kết quả khả quan.

Cựu đại sứ của Hoa kỳ tại Tòa Thánh nói rằng mặc dù vẫn muốn biết ai là người đứng đằng sau cuộc mưu sát, Tòa Thánh lại quan tâm đến những cuộc đối thoại với Liên Xô hơn. Về sau, chính ông Gorbachev đã bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với đức Gioan Phaolô II. Chính ông là người nhìn nhận rằng vị giáo hoàng này đã đóng một vai trò chủ yếu trong việc làm cho Liên Xô sụp đổ một cách êm thắm vào năm 1993.

Năm 2006, một ủy ban Quốc Hội Ý đưa ra kết luận rằng chính Liên Xô ra lệnh ám sát đức Gioan Phaolô II.

Trong bài phát biểu của mình, cựu đại sứ Hoa kỳ bên cạnh Tòa Thánh vừa mãn nhiệm hồi tháng Giêng năm 2009 là bà Mary Ann Glendon, giải thích rằng địa vị đại sứ bên cạnh Tòa Thánh không phù hợp với chức năng thông thường trong ngành ngoại giao, một phần bởi vì chức vụ này không có vai trò nào trong chính sách thương mại, cấp giấy nhập cảnh hay một số những nhiệm vụ khác của một tòa đại sứ.

Bà cho biết, khi Hoa kỳ mở ra cuộc chiến tại Iraq, Tòa Thánh đã không ngừng lên tiếng chống lại cuộc chiến này. Nhưng hai bên vẫn chia sẻ với nhau nhiều mối quan tâm chung như tranh đấu cho nhân quyền, chống lại khủng bố, cổ võ cuộc đối thoại liên tôn và hoạt động cho hòa bình tại Trung đông và những vùng đang có xáo trộn.

Ngoài ra, còn có một quan tâm chung khác vốn không được chú ý tới: đó là việc cứu trợ người nghèo và bệnh hoạn tại những quốc gia nghèo nhứt trên thế giới.

Bà Glendon giải thích rằng Tòa Thánh là "một nơi lắng nghe quan trọng". Với hàng ngàn cơ quan cứu trợ trên khắp thế giới do Giáo hội điều khiển, nhứt là tại những nơi Hoa kỳ ít hay hoàn toàn không hiện diện, cũng như mạng lưới các giáo xứ, các linh mục và nữ tu hoạt động trên khắp năm châu, Tòa Thánh ở vào vị thế biết được những gì thực sự đang diễn ra trên thế giới.

Ông Nicholas Burns, một giáo sư về ngoại giao và chính sách quốc tế tại Phân khoa chính trị thuộc trường đại học Harvard, đặc biệt đề cao vai trò ngoại giao của Ðức hồng y Theodore McCarrick, cựu Tổng giám mục Washington, nhứt là những năm sau khi chiến tranh tại vùng Vịnh Balkan chấm dứt.

Về phần mình, ông Francis Campbell, đương kiêm đại sứ Anh bên cạnh Tòa Thánh, kể lại tiến trình ngoại giao thường rất khó khăn giữa nước ông và Tòa Thánh. Tuy nhiên, ông đánh giá cao nền ngoại giao của Tòa Thánh.

Ông Campbell kể lại rằng mới đây cựu thủ tướng Margaret Thatcher viếng thăm Vatican và xin được phép viếng mộ đức Gioan Phaolô II. Tại đây bà đã đặt vòng hoa tưởng niệm và nói rằng vị giáo hoàng này là một con người của niềm tin và can đảm.

Bà Thatcher và đức Gioan Phaolô II đã hợp tác chặt chẻ với nhau để chấm dứt chiến tranh lạnh và giải quyết các cuộc xung đột tại Bắc Ái Nhĩ Lan.

Ông Campbell nói rằng không còn gì để nghi ngờ về sức mạnh của Tòa Thánh. Sự kiện một thủ tướng Anh đến viếng mộ đức Gioan Phaolô II đến lần thứ 2 và để lại đó một sứ điệp là một bằng chứng hùng hồn về nền ngoại giao của Tòa Thánh và lý do tại sao Anh Quốc có một tòa đại sứ tại đây.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page