Thử bàn về Dung Mạo Ðích Thực

của Một Ðại Học Công Giáo

 

Thử bàn về Dung Mạo Ðích Thực của Một Ðại Học Công Giáo?

(Radio Veritas Asia 26/05/2009) - Những phản ứng chống lại việc Ðại Học Công Giáo Notre Dame mời tổng thống Hoa Kỳ đến đọc diễn văn trong buổi lễ ra trường và tôn vinh ông với bằng "tiến sĩ luật danh dự" hôm Chúa Nhật 17 tháng 5 năm 2009, hiện vẫn còn ầm ĩ trong công luận Hoa Kỳ.

Ðức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Tổng Giáo Phận Denver, đã mạnh mẽ phê bình thái độ của Linh Mục John Jenkins, Viện Trưởng Ðại Học Notre Dame, là coi thường tiếng nói của hơn 70 giám mục Hoa Kỳ không đồng ý với quyết định của Cha. Các giám mục đã nhắc lại rằng từ năm 2004, Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đã công bố bản hướng dẫn dành cho các cơ sở giáo dục của Giáo hội Công giáo, các trường trung học, các học viện và các đại học. Bản Hướng Dẫn yêu cầu các trường công giáo không nên tôn vinh những cá nhân nào có "hành động khinh thường" những điểm giáo lý căn bản của Giáo hội Công giáo. Ðức Tổng Giám Mục Denver lưu ý như sau: "Chúng ta hãy nhớ rằng cuộc tranh luận về việc Tổng Thống Obama đến đọc diễn văn tại Ðại Học Notre Dame, không phải là cuộc tranh tụng xem Tổng thống Hoa Kỳ là "người tốt hay xấu". Tổng thống Hoa Kỳ là người thành thật, có nhiều khả năng và chấp nhận ảnh hưởng lớn của tôn giáo trong đời sống ông. Chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho tổng thống được ơn khôn ngoan và được thành công trong việc phục vụ công ích; nhưng việc phục vụ này cần được hướng dẫn bởi những nguyên tắc luân lý đúng. Ðồng thời chúng ta cũng có bổn phận bênh vực giáo huấn công giáo trong những vấn đề thật căn bản, như vấn đề phá thai, vấn đề nghiên cứu tế bào gốc sử dụng phôi thai người. Chúng ta có bổn phận phải tránh việc "làm hư" căn cước công giáo, dưới danh nghĩa "đối thoại", mà thật ra đây chỉ là "cái cớ bên ngoài" để dẹp bỏ những nguyên tắc luân lý của Giáo hội Công giáo chúng ta. Ðại học Notre Dame không chỉ đơn thuần mời tổng thống Hoa Kỳ đến đọc diễn văn trong buổi lễ ra trường vào cuối năm học. Ðại Học đã tôn vinh một con người có lập trường ủng hộ phá thai. Vậy điều thiết yếu nhất, mà người công giáo có thể làm trong lúc này, là yêu cầu - bằng lời nói, bằng việc làm và bằng việc ủng hộ tài chánh hay không - (yêu cầu) các cơ sở hay tổ chức mang danh hiệu "Công giáo" hãy sống đức tin cách can đảm và liên tục."

Tiếp theo phản ứng của Ðức Tổng Giám Mục Charles Chaput, là phản ứng của Patrick Reilly, sáng lập viên và là đương kim chủ tịch của Hiệp Hội có tên gọi là "Hội Ðức Hồng Y Newman", nhắm mục đích canh tân và củng cố "căn cước công giáo" của các học viện và đại học trên toàn quốc Hoa Kỳ. Ông Patrick Reilly cho rằng sự cố Ðại Học Notre Dame cho ta dịp thuận tiện để canh tân "căn cước và sứ mạng" của các học viện và Ðại học Công giáo Hoa Kỳ. Hội Ðức Hồng Y Newman đã thu được 367,000 chữ ký của người Công Giáo Hoa Kỳ chống lại việc Ðại Học Notre Dame mời và tôn vinh Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Barack Obama. Hội cho rằng đây không phải là một cuộc "phản đối chính trị" chống lại tổng thống, nhưng là một phản đối Ðại Học Notre Dame không vâng lời thẩm quyền Giáo Hội và phản bội những giá trị công giáo.

Hội Ðức Hồng Y Newman nhắc đến bài diễn văn của Ðức Hồng Y Francis Arinze, cựu Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, trong buổi lễ ra trường tại Học Viện Thomas More, tại Merrimark, bang New Hampshire, Hoa Kỳ, hôm ngày 10 tháng 5 năm 2009. Hội nhắc lại "tiêu chuẩn" mà Ðức Hồng Y Francis Arinze đã đề ra cho một Ðại Học Công Giáo tốt. Ðó là huấn luyện được một "người- kitô-vừa- là- công- dân" tốt. Việc huấn luyện trí thức cần được đi kèm với việc huấn luyện luân lý. Trong bài diễn văn được nhắc đến, Ðức Hồng Y Arinze cho rằng một Ðại Học Công Giáo có thái độ "vừa can đảm sáng tạo trong lãnh vực trí thức vừa trung thành với căn cước công giáo, thì sẽ góp phần cổ võ một tổng hợp lành mạnh giữa đức tin và văn hóa trong xã hội. Ðức Hồng Y cho rằng Ðại Học Công Giáo cần giảng dạy cho những sinh viên của mình biết rằng những quy luật luân lý giúp thẩm định điều tốt xấu, cần được áp dụng trong khoa học kỷ thuật, chính trị, thương mại, kinh tế, -- tắt một lời, -- trong mọi sinh hoạt của con người. Trong một thế giới phức tạp như hôm nay, -- nơi mà mọi ý tưởng đều muốn được chấp nhận mà không màn chi đến việc đúng hay sai, -- thì người sinh viên cần được hướng dẫn rõ ràng về mối tương quan giữa tôn giáo và đời sống. Ðại Học Công Giáo là nơi lý tưởng giúp sinh viên nhìn thấy ánh sáng và là nơi trang bị cho người sinh viên đó khả năng đóng góp tốt cho xã hội. Chúng ta sẽ được lợi gì, nếu người sinh viên đó trở thành một kẻ trí thức khổng lồ, nhưng lại là một em bé luân lý? Chúng ta được lợi gì, nếu người sinh viên đó am tường kỹ thuật điện toán, nhưng lại là một vấn đề cho cha mẹ, một kẻ nghiện ngập ma tuý, một kẻ quấy rối tình dục đồi bại, một tai họa cho trường học, một kẻ phạm pháp trong hồ sơ của cảnh sát?

Thật đã rõ rằng chỉ phát triển tri thức không mà thôi, thì không đủ.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page