Giáo hội Công giáo Ái Nhĩ Lan
và các hành động ngược đãi trẻ em
trong các cơ sở giáo dục của Giáo hội
Giáo hội Công giáo Ái Nhĩ Lan và các hành động ngược đãi trẻ em trong các cơ sở giáo dục của Giáo hội.
Ái Nhĩ Lan [La Croix 21/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Sau 9 năm điều tra, một Ủy ban của chính phủ Ái Nhĩ Lan đã cho công bố một bản báo cáo gồm 5 tập đưa ra ánh sáng những hành động ngược đãi trẻ em trong các cơ sở giáo dục của Giáo hội Công giáo.
Phản ứng khi đọc bản báo cáo, Ðức hồng y Sean Brady, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ái Nhĩ Lan đã nói: "Tôi hối tiếc sâu xa và cảm thấy xấu hổ vô cùng".
Cũng như những người đồng hương của ngài, Ðức hồng y Brady đã sững sốt khi đọc bản báo cáo.
Hôm thứ Tư 20 tháng 5 năm 2009, sau 9 năm điều tra, một ủy ban độc lập do chính phủ thành lập đã cho công bố một bản báo cáo dài 2,500 trang mô tả chi tiết các vụ lạm dụng tính dục cũng như những hành vi ngược đãi mà các trẻ em đã phải gánh chịu trong hằng bao thập niên trong các cơ sở giáo dục do các dòng tu điều khiển.
Trong một tập của bản báo cáo, Ủy ban điều tra của chính phủ đã minh thị qui trách nhiệm cho Giáo hội Công giáo Ái Nhĩ Lan như sau: "Giới hữu trách tôn giáo biết rõ rằng các vụ lạm dụng tính dục các bé trai là một vấn đề đang diễn ra trong các cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, các giới chức tôn giáo chỉ xử lý từng vụ lạm dụng một cách riêng rẽ và một cách bí mật và không đưa ra một biện pháp nào để giải quyết vấn đề". Bản báo cáo còn cho biết: "các vụ lạm dụng tình dục do các thành viên các dòng tu vi phạm, vì muốn ém nhẹm, ít khi được các giới chức tôn giáo thông báo lên bộ giáo dục".
Vào thập niên 90, các cuốn phim tài liệu được trình chiếu trên màn ảnh truyền hình mới bắt đầu đưa vấn đề ra ánh sáng. Năm 1999, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông Bertie Ahern mới lên tiếng xin lỗi các nạn nhân. Ông lên án sự đồng lõa của cả nước và loan báo thiết lập một ủy ban điều tra.
Ủy ban do thẩm phán Sean Ryan cầm đầu và gồm có các bác sĩ, chuyên gia tâm lý và nhân viên xã hội, được chia thành hai tiểu ban: một tiểu ban điều tra và một tiểu ban thu thập chứng từ của các nạn nhân.
Ðược báo chí thúc đẩy, đã có trên 1,000 nhân chứng từ hơn 200 cơ sở giáo dục của Giáo hội lên tiếng. Hơn một nửa là nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục. Ðối tượng chính của cuộc điều tra là các dòng tu, trong đó đáng chú ý hơn cả là các nữ tu Dòng Chúa Thương Xót và sư huynh các trường công giáo. Kết quả cuộc điều tra cho thấy: các đương sự đã từng có hành vi lạm dụng tình dục và chỉ được xử lý nội bộ theo giáo luật. Cảnh sát không hề được biết nội vụ. Ngoài ra, tệ hại hơn nữa là một số tu sĩ, dù đã có những hành động lạm dục tình dục, vẫn tiếp tục được dạy học.
Bản báo cáo của Ủy ban điều tra cũng đặt vấn đề về sự thụ động của chính phủ Ái Nhĩ Lan. Bản báo cáo viết: "Bộ giáo dục đã không đáp trả một cách thích ứng với những đơn kiện về các vụ lạm dụng tình dục. Các đơn này hoặc bị bác bỏ hoặc bị xem như không có".
Hôm thứ Tư 20/05/2009, đại diện cho chính phủ, ông Batt O' Keeffe, bộ trưởng bộ giáo dục Ái Nhĩ Lan, đã bày tỏ "sự cảm thông chân thành và sâu xa" với các nạn nhân và cam kết rút ra bài học từ quá khứ.
Hôm thứ Năm 21 tháng 5 năm 2009, Nhựt Báo Công Giáo Pháp La Croix đã tìm hiểu phản ứng của các giới chức tôn giáo tại Ái Nhĩ Lan, nhưng không vị Giám mục hay vị hữu trách nào của các dòng tu Ái Nhĩ Lan muốn trả lời. Trong một thông cáo được cho công bố hôm thứ Tư 20/05/2009, Hội đồng các dòng tu tại Ái Nhĩ Lan gọi tắt là "Cori" đã hoàn toàn nhận lấy trách nhiệm về những vết thương và nỗi đau khổ này. Hội đồng này tuyên bố như sau: "Vì quan niệm riêng, vì thiếu sự nâng đỡ và giám sát, các cơ sở giáo dục này không thích hợp để cung cấp cho trẻ em những nhu cầu chúng cần".
Nữ tu Marianne O'Connor, thuộc dòng Ursuline, chủ tịch Hội đồng các dòng tu Ái Nhĩ Lan tuyên bố trên Ðài Phát Thanh Vatican như sau: "Chúng tôi cần phải nhớ lại sự thiệt hại và đau khổ mà chúng tôi đã gây ra. Chúng tôi hoàn toàn nhìn nhận điều đó và chúng tôi xin tha thứ". Nhưng bà nói rằng cần phải nhớ rằng cung cách giáo dục cách đây 3, 4 chục năm trước không giống như ngày nay.
Các nữ tu dòng Chúa Thương Xót lập lại những lời xin lỗi vô điều kiện với tất cả những ai đã từng phải đau khổ trong các cơ sở của Dòng.
Về phần mình, Ðức cha Vincent Nichols, tân Tổng giám mục Westminster, giáo chủ Giáo hội Công giáo Anh, đã tuyên bố như sau: "Trái tim tôi rướm máu trước tiên vì tất cả những người mà kể từ nay câu chuyện đã trở thành công khai. Tôi cũng nghĩ đến các tu sĩ hay linh mục tại Dublin là những người phải đương đầu với quá khứ và một cách tự nhiên, theo bản năng, không muốn nhìn nhận nó. Ðiều đó đòi hỏi phải có can đảm. Chúng ta cũng không nên quên rằng bản báo cáo sẽ làm lu mờ đi tất cả những điều tốt đẹp họ đã làm".
Ngoài bản báo cáo về những lạm dụng tính dục và ngược đãi trong các cơ sở giáo dục, Giáo hội tại Ái Nhĩ Lan còn phải chờ đợi một bản báo cáo khác liên quan đến những vụ lạm dụng tình dục và bạo hành thể lý của các linh mục Tổng giáo phận Dublin trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2004. Hồi đầu tháng Tư năm 2009, Ðức cha Diarmuid Martin, Tổng giám mục Dublin, đã báo trước rằng bản báo cáo sẽ gây chấn động trên thế giới.
(Chu Văn)