Cộng đồng Công giáo người Việt Nam

tại Singapore và Malaysia

 

Cộng đồng Công giáo người Việt Nam tại Singapore và Malaysia.

Singapore (13/05/2009) - Cùng với việc có nhiều sinh viên và công nhân Việt Nam sang du học hay lao động tại Singapore và Malaysia trong những năm gần đây, các nhóm Công giáo Việt Nam đã và đang được hình thành tại những nước này.


Công nhân Công giáo Việt Nam ở bang Johor tham dự Lễ Phục Sinh.


Ở Singapore, một cộng đoàn, mang tên Cộng đoàn Ðức Mẹ La Vang Singapore, khoảng 100 người đã được hình thành. Bước đầu, cộng đoàn này chủ yếu là sinh viên, nhưng dần dần cũng có một số người đang sống tại Singapore hay từ Việt Nam, hoặc từ Úc, Ðức sang làm việc tại đây gia nhập cộng đoàn.

Trong khi ở Singapore chỉ có một cộng đoàn, ở Malaysia có đến hàng chục nhóm Công giáo đã và đang được hình thành.

Riêng tại bang Johor, giáp biên giới Singapore, đã có đến 10 nhóm đã được thành lập và mỗi nhóm quy tụ từ 50 đến 100 người.

Trong số các bang của Malaysia nhận công nhân Việt Nam, Johor là bang có nhiều công nhân Việt Nam nhất. Ước tính có đến hơn 20 ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc tại bang này.

Vì các nhóm này đang trong giai đoạn sơ khai nên không có các cơ sở và cũng chưa được tổ chức một cách quy cũ và thường xuyên.

Ở Singapore, sau một thời gian phải đi mượn các nhà thờ khác nhau để tổ chức các thánh lễ giờ cộng đoàn này đã được một nhà hưu dưỡng (thuộc các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành) tại Marymount cho mượn nhà nguyện và các cơ sở của họ để dâng lễ và các sinh hoạt khác.

Vào Chúa Nhật thứ hai và thứ tư trong tháng, cộng đoàn có thánh lễ bằng tiếng Việt và các sinh hoạt khác tại đây.

Trong khi đó ở Malaysia, theo Cha Trần Văn Ðợt, thuộc dòng Tên, người Úc, và hiện làm tuyên úy cho công nhân Việt Nam tại Malaysia, các giáo xứ Malaysia (chủ yếu gốc Hoa và Ấn độ) cho các nhóm người Việt mượn nhà thờ và các cơ sở để dâng lễ và sinh hoạt.

Cha Ðợt là linh mục đầu tiên được chính thức cử làm tuyên úy cho công nhân Việt Nam tại Malaysia. Trước đây, thỉng thoảng cũng có một số linh mục tới Malaysia dâng lễ nhưng chỉ ở lại trong một thời gian ngắn rồi đi.

Nhu cầu tâm linh

Cũng giống như bao nhóm hay cộng đoàn Công giáo Việt Nam khác ở hải ngoại, các nhóm này được hình thành xuất phát từ nhu cầu tâm linh.

Anh Cao Hà Thắng, người Úc, hiện đang làm nghiên cứu và giảng dạy (research fellow) tại Ðại học kỹ thuật Nanyang Technological University (NTU) và là một trong những thành viên trụ cột của cộng đoàn Công giáo người Việt tại Singapore, khi đến Úc cách đây ba năm, anh đã tìm đến một nhà thờ Công giáo để đi lễ.

Và tại đó anh và một số sinh viên Việt Nam khác được gặp một linh mục người Việt, Cha Gioan Nguyễn Văn Ðích, thuộc Hội thừa sai Paris và đã sống ở Singapore trong 20 năm. Ðược sự hướng dẫn của Cha Ðích, nhóm Công giáo từ đó được hình thành.

Ban đầu nhóm sinh viên này chỉ gặp nhau để sinh hoạt, chia sẻ với nhau sau các thánh lễ bằng tiếng Anh. Dần dần họ tổ chức các thánh lễ bằng tiếng Việt.


Tác giả (ngoài cùng, bên trái) cùng nhóm Công giáo ở Singapore.


Bạn Bùi Quang Khôi, sinh viên năm thứ ba tại NTU cho biết: "Khi sang Singapore cách đây ba năm, tất cả mọi thứ đều xa lạ với em. Do đó, khi biết được cộng đoàn Công giáo Việt Nam và đến dự lễ bằng tiếng Việt, em cảm thấy mình được nâng đỡ nhiều, cảm thấy gần gũi với gia đình, người thân hơn".

Tương tự như vậy, những người công nhân Công giáo khi đến Malaysia cũng tìm đến với các nhà thờ Công giáo để tham dự lễ Chúa nhật hay các dịp lễ lớn.

Nhưng khác hẳn với những sinh viên ở Singapore, khi mới đến Malaysia các công nhân này tham dự các thánh lễ bằng tiếng Malaysia, Trung Quốc hay Ấn Ðộ và chẳng hiểu gì.

Thấy được hoàn cảnh đó, hơn nữa vì số lượng công nhân Công giáo tương đối đông, nên có một số linh mục từ các nước khác như Úc đã tìm cách ghé qua cử hành thánh lễ cho họ.

Và vì nhu cầu càng ngày càng lớn, Ðức Cha Paul Tan, phụ trách Ủy ban Di dân của Hội Ðồng Giám mục Malaysia đã chính thức mời cha Ðợt sang làm tuyên úy cho công nhân Việt Nam tại Malaysia.

Theo cha Ðợt, khi phải đương đầu với biết bao khó khăn (công việc nặng nhọc, lương quá thấp, thiếu an ninh), lại phải sống trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, và không biết tiếng, những thánh lễ hay những buổi chia sẽ, những cuộc gặp là những món ăn hay chỗ dựa tinh thần cho họ.

Chị Hoàng Thị Sỹ, đã có gia đình và ba đứa con ở Nghệ An và đã sang Malaysia ba năm nhưng chưa một lần về thăm nhà nói: "Nhớ nhà, nhớ con vô cùng nhưng chẳng biết làm sao. Chỉ có những thánh lễ bằng tiếng Việt, hay những cuộc gặp gỡ, chia sẻ với nhau như thế này thì mới khuây khỏa được phần nào".

Nâng đỡ lẫn nhau

Những sinh viên hay công nhân này tìm đến với nhau không chỉ vì nhu cầu tâm linh mà còn để nâng đỡ, chia sẻ với nhau khi sống xa nhà.

Do đó, tại Singapore cũng như Malaysia, mỗi lúc có thánh lễ cũng là dịp họ gặp gỡ, sinh hoạt, vui chơi, ăn cơm chung với nhau.

Cha Ðích cho biết: "Vì xa nhà xa người thân, những dịp lễ cũng là dịp để mọi người gặp nhau, nâng đỡ nhau bằng cách này hay cách khác".

Ở Malaysia, ngoài các thánh lễ và các sinh hoạt khác nhau sau và trước thánh lễ, các công nhân không có điều kiện và hơn nữa cũng vì vấn đề an ninh, họ không dám đi chơi một nơi nào khác.

Theo anh Trần Trương Quốc Bảo, thợ điện và cơ khí làm việc ở Malaysia từ bốn năm này và cũng là một trong những thành viên trụ cột của một nhóm Công giáo tại bang Juhor, đã có nhiều vụ cướp dật hãm hiếp xảy ra với công nhân Việt Nam trong thời gian gần đây.

Vì vậy, ngoài công việc ở xưởng, nhà máy của mình và các thánh lễ, hay sinh hoạt tại các nhóm, công nhân ít đi đâu.

Trong khi đó, vì có điều kiện hơn nữa ở Singapore rất an toàn, các thành viên của Cộng đoàn Việt Nam tại Singapore hay tổ chức những cuộc đi chơi.

Các thành viên của cộng đoàn cũng thường tổ chức những chuyến đi Malaysia để thăm hỏi, động viên các công nhân Công giáo bên đó.

 

Ðoàn Xuân Lộc

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page