Ðức thánh cha Beneđitô XVI

Hồi giáo Á rập và Tây Phương

 

Ðức thánh cha Beneđitô XVI, Hồi giáo Á rập và Tây Phương.

Roma [Asianews 14/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Trong cuộc hành hương Thánh Ðịa từ ngày 8-15/05/2009, Ðức thánh cha Beneđitô XVI không những kêu gọi thế giới Hồi giáo mở ra cuộc đối thoại với khoa học, mà Ngài còn nhắn nhủ thế giới Tây Phương hãy từ bỏ chủ nghĩa duy tương đối chống lại tôn giáo.

Một cách đặc biệt, trong những ngày dừng chân tại Jordan, Ðức thánh cha đã đặt nền móng cho sự hợp tác giữa Hồi giáo và các tín hữu kitô, giữa Ðông và Tây Phương.

Tại vương quốc hồi giáo này, Ðức thánh cha đã ca ngợi lòng hiếu khách của quốc vương Abdallah II, hoàng thân Al Ghazi và hoàng hậu Rania là người đã tháp tùng ngài đến nơi làm phép viên đá đầu tiên cho Ðại học Công giáo Madaba. Sự hiện diện của một Ðại học Công giáo trong một nước Hồi giáo cũng đủ để nói lên chính sách cởi mở của Jordan về phương diện tôn giáo.

Tinh thần cởi mở của vương quốc này cũng đã được thể hiện qua chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha tại Ðền thờ Hồi giáo Al Hussein bin Talal ở thủ đô Amman. Tại đây, Ðức thánh cha không buộc phải cởi giày khi đi vào đền thờ. Trái lại, các giới chức hồi giáo còn trải thảm đỏ để đón tiếp ngài. Ngoài ra, hoàng thân Al Ghazi là người hướng dẫn Ðức thánh cha vào đền thờ cũng không buộc phải cởi giày.

Cử chỉ nhỏ này cho thấy tính hiếu khách và sự tôn trọng mà vương quốc Jordan muốn dành cho Ðức thánh cha.

Chính trong bầu khí ấy mà Ðức thánh cha đã nói rằng tất cả mọi người đều là bạn hữu với nhau. Về phần mình, người Jordan cũng nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu và Mẹ Maria là một phần trong truyền thống lịch sử của dân tộc họ, bởi vì các ngài đã sống tại Jordan. Họ tin rằng đất nước của họ đã được chúc lành bởi sự hiện diện của Chúa Giêsu và các tiên tri.

Nhưng bài diễn văn của Ðức thánh cha tại đại học Madaba mới là điểm trọng yếu của cuộc hành hương. Trong bài diễn văn, Ðức thánh cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công cuộc giáo dục nhằm giúp cho các tín hữu kitô và người hồi giáo có được sự phát triển cá nhân cũng như thăng tiến hòa bình và tiến bộ trong vùng.

Ðức thánh cha khẳng định rằng: giáo dục đại học là chìa khóa của sự phát triển cá nhân; hòa bình được xây dựng trên sự hiểu biết và nghiên cứu hơn là sự ngu dốt; và một sự phát triển toàn diện, kinh tế, xã hội, chính trị và dân chủ phát sinh từ học hỏi và hiểu biết.

Theo Ðức thánh cha,mục đích của đại học là khuyến khích con người yêu mến sự thật và gắn bó với các giá trị giúp phát huy tự do cá nhân.

Ngài nhấn mạnh rằng việc huấn luyện trí thức sẽ "tôi luyện kỹ năng phê phán, đẩy lùi sự ngu dốt và thành kiến cũng như giúp bác bỏ những ý thức hệ cũ cũng như mới".

Những kỹ năng phê phán là điều rất quan trọng đối với thế giới Á rập. Theo Ðức thánh cha, thiếu óc phê phán, niềm tin có thể trở thành cuồng tín, dị đoan hay ngay cả bị lèo lái.

Ðức thánh cha đã chạm đến một điểm rất nhạy cảm đối với thế giới Á rập. Theo Ðức thánh cha, thiếu óc phê phán, dân chúng sẽ đi theo một nhà lãnh đạo chính trị mà không hề đặt vấn đề về nhu cầu dân chủ, tự do, nhân quyền và sống chung hòa bình. Về phương diện tôn giáo, họ tin mà không bao giờ đặt câu hỏi về những điểm nền tảng của đức tin. Họ bám víu vào những truyền thống chỉ vì sợ tự do lương tâm. Theo Ðức thánh cha, điều này đúng không những đối với Hồi giáo mà cũng có giá trị cho mọi tôn giáo khác. Sự ngu dốt hay thành kiến luôn đe dọa hòa bình và đối thoại. Khi nói đến sự "mê hoặc của các ý thức hệ", Ðức thánh cha muốn ám chỉ đến cách thế dễ dàng dân chúng để cho mình bị lôi cuốn theo cuồng tín và bạo động.

Ðức thánh cha khẳng định: "Dĩ nhiên, cũng giống khoa học và kỹ thuật, triết lý và mọi biểu tỏ của sự tìm kiếm chân lý trong chúng ta, tôn giáo cũng có thể bị hủ hóa. Tôn giáo bị bóp méo khi nó được xử dụng để phục vụ cho sự ngu dốt hay thành kiến, bạo động và lạm dụng".

Trong bài diễn văn đọc tài Ðền Thờ "Al Hussein Bin Talal", Ðức thánh cha cũng đề cập đến lời cáo buộc cho rằng tôn giáo là căn nguyên của bạo động. Ngài trả lời rằng tôn giáo chỉ thật sự phục vụ cho bạo động khi nó bị bóp méo. Trích dẫn thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Philipphê, Ðức thánh cha kêu gọi mọi người hãy làm chứng cho tất cả những gì là "chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền, đáng quí trọng". Ngài khuyến khích các tín hữu kitô và người hồi giáo đừng sợ khoa học, nhưng hãy cởi mở đón nhận nó, ngay cả khi phải gặp nguy hiểm cho đức tin.

Ðây hẳn phải là một sứ điệp đầy can đảm mà Ðức thánh cha muốn nhắn gởi cho thế giới Hồi giáo Á rập.

Nhưng Ðức thánh cha không chỉ nhắm vào thế giới Hồi giáo. Ngài cũng muốn nhắn gởi một sứ điệp cho thế giới khoa học, vốn thường có nguy cơ biến thành một ý thức hệ trống rỗng các giá trị đạo đức và khép kín lại với Thiên Chúa.

Ðây là điều mà Ðức thánh cha đã nhấn mạnh trong bài diễn văn đọc tại đại học Regensburg, Ðức, hồi tháng 9 năm 2006. Theo Ðức thánh cha, ngay cả khoa học cũng có giới hạn của nó. Ngài nói: "Khoa học không thể mang lại giải đáp cho những câu hỏi về con người và sự hiện hữu của nó. Thật vậy, con người, chỗ đứng và mục đích của nó trong vũ trụ không thể bị giam hảm trong những ranh giới của khoa học".

Chính vì thế mà sự hiểu biết khoa học cần phải được hướng dẫn bởi ánh sáng của lẽ khôn ngoan đạo đức. "Ðây là lẽ khôn ngoan đã hướng dẫn lời thề của Hippocrat. Ðây là lẽ khôn ngoan đã hướng dẫn bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Ðây là lẽ khôn ngoan đã hướng dẫn Qui ước Geneve và những qui ước quốc tế đáng ca ngợi khác."

Ðề cao khoa học, óc phán đoán và tự do, Ðức thánh cha không chỉ nhắm đến thế giới Hồi giáo. Ngài cũng muốn nhắn gởi sứ điệp đến toàn thế giới, nhứt là Tây Phương hiện đang bị nhận chìm trong chủ nghĩa duy tương đối, thiếu niềm tin và khinh rẽ mọi tôn giáo.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page