Nhận định tổng quát

về chuyến viếng thăm Thánh Ðịa

của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI

 

Nhận định tổng quát về chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI.

Roma [La Croix 15/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã về đến Roma vào lúc 2 giờ 45 chiều thứ Sáu 15 tháng 5 năm 2009, kết thúc chuyến viếng thăm Thánh Ðịa đầu tiên của ngài.

Rút kinh nghiệm từ chuyến viếng thăm Phi Châu, cuộc họp báo trên chuyến bay từ Roma đến Amman hôm thứ Sáu 8 tháng 5 năm 2009 đã được chuẩn bị rất chu đáo để tránh mọi ngộ nhận có thể xảy ra. Những câu hỏi của các ký giả đều được cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh sàn lọc trước và trình lên Ðức thánh cha. Lần này, các câu trả lời của Ðức Thánh Cha ngắn và có tính cách tổng quát.

Nhìn chung, như nhựt báo công giáo Pháp La Croix trong số ra ngày thứ Sáu 15/05/2009 nhận định, đây là một chuyến viếng thăm "phong phú, bất ngờ và táo bạo nhứt" trong triều đại của Ðức Benedicto XVI. Chính ngài cũng đã báo trước trên chuyến bay từ Roma đến Amman: "Cần phải có một cuộc đối thoại "tay ba" với các tôn giáo khác là hồi giáo và do thái giáo". "Ðối thoại liên tôn tay ba": câu nói thốt ra từ chính miệng của Ðức thánh cha đã được minh chứng trong suốt chuyến viếng thăm của ngài.

Một trong những cử chỉ đày ý nghĩa của Ðức Benedicto XVI trong cuộc đối thoại liên tôn này là: sáng thứ Bảy 9 tháng 5 năm 2009, ngài đã cởi giày khi đi vào Ðền Thờ Hồi Giáo lớn nhứt tại thủ đô Amman, Jordan. Ðền thờ Al Hussein này chỉ được xây cất năm 2006, trên một ngọn đồi nhìn xuống thủ đô Amman. Ðây là lần thứ hai Ðức Benedicto XVI đi vào một đền thờ hồi giáo.

Là người "hướng dẫn" Ðức Thánh Cha đi vào Ðền Thờ hồi giáo này, hoàng thân Ghazy, người anh em họ của quốc vương Abdallah II đã tỏ ra là một người rất am tường về kitô giáo. Trong bài diễn văn chào mừng Ðức thánh cha, ông đã nói đến mối quan hệ giữa niềm tin và lý trí. Ðây chính là chủ đề đã được Ðức thánh cha quảng diễn trong bài diễn văn lịch sử đọc tại đại học Regensburg, Ðức, dạo tháng 9 năm 2006. Bài diễn văn đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong thế giới hồi giáo. Nhưng nay, sau lá thư mang chữ ký của 138 học giả hồi giáo gởi cho Ðức thánh cha và các nhà lãnh đạo kitô giáo, sau những sáng kiến đối thoại do hoàng thân Ghazi đề nghị và nay với bài diễn văn của ông về đề tài "niềm tin và lý trí", người ta thấy rằng sự ngộ nhận giữa Ðức thánh cha và thế giới hồi giáo đã mang lại những thành quả tích cực.

Nhưng ý nghĩa nhứt trong cuộc đối thoại liên tôn mà Ðức thánh cha gọi là "tay ba" ấy là sự kiện sáng thứ Ba 12 tháng 5 năm 2009, ngài đã đi vào khuôn viên của Ðền Thờ Cổ Gierusalem. Một bên, người hồi giáo đã xây cất Vòm Ðá Tảng và đền thờ Al Aqsa. Ở phía dưới là Bức tường Than Khóc, nơi người do thái trên khắp thế giới đến cầu nguyện.

Sự hiện diện của vị chủ chăn Giáo hội hoàn vũ tại linh địa chung của Hồi giáo và do thái giáo hẳn phải có một ý nghĩa đặc biệt: ngài thật sự muốn liên kết ba tôn giáo lại trong một cuộc đối thoại chân thành. Tại điểm gặp gỡ của ba tôn giáo độc thần này, Ðức thánh cha đã nhận ra sự thống nhứt của gia đình nhân loại, một sự thống nhứt mà cả ba tôn giáo cần phải góp phần xây dựng.

Sự thống nhứt của gia đình nhân loại, theo Ðức thánh cha, cần phải được thực hiện trước tiên qua cuộc gặp gỡ của ba tôn giáo độc thần. Ngài đã thể hiện ý muốn ấy khi cởi giày để đi vào một đền thờ hồi giáo và đồng thời cũng làm một cử chỉ giống hệt như bất cứ một người do thái thuần thành nào khi đứng trước bức tường than khóc tại Gierusalem. Lời cầu nguyện được ngài viết trên một mẩu giấy và đích thân nhét vào một kẻ hở của bức tường có nội dung hoàn toàn hướng về Hòa bình của Gia Ðình Nhân Loại.

Cầu nguyện trước bức tường than khóc của Do thái giáo, Ðức Benedicto XVI hẳn không thể quên những giọt nước mắt của dân tộc Palestine đang bị giam hảm trong bức tường chạy dọc từ Gierusalem đến Bethlehem được Israel dựng lên. Là một người Ðức đã từng nếm trải những cay đắng đằng sau bức tường ô nhục Berlin do chủ nghĩa cọng sản xây lên, Ðức thánh cha hẳn cảm thông với người dân Palestine hơn ai hết. Nhưng chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Berlin dạo tháng 11 năm 1989, Ðức Benedicto XVI cũng tin tưởng rằng bức tường do Israel dựng lên trên lãnh thổ Palestine cũng sớm muộn được tháo gỡ. Chính vì vậy mà hôm thứ tư 13 tháng 5 năm 2009, khi viếng thăm trại tỵ nạn Aida tại Bethlehem, ngài đã tuyên bố: "Những bức tường có thể được con người dựng lên một cách dễ dàng, cho nên cũng có thể phá vỡ".

Và theo Ðức thánh cha, không nơi nào những bức tường ngăn cách giữa con người cần và có thể được phá vỡ cho bằng trong tôn giáo. Ðây là điều mà người ta có thể thấy được trong cuộc gặp gỡ liên tôn giữa Ðức thánh cha và các đại diện tôn giáo khác tại Nazareth chiều thứ Năm 14/05/2009.

Vào cuối cuộc gặp gỡ, một vị giáo trưởng do thái trẻ lên phát biểu. Ông nói rằng nếu không thể cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thì ít nhứt người ta cũng có thể hát với nhau. Nói xong, ông xin mọi người đứng lên. Và mọi người phải ngạc nhiên khi thấy Ðức thánh cha, sau một lúc do dự, đã nắm tay giáo trưởng Rosen và một chức sắc của Ðạo Druze. Vị giáo hoàng mà nhiều người cho là không mấy thiện cảm với "tinh thần Assisi" đã giơ tay lên và cùng với mọi người "hát" lên lời chào chúc Hòa Bình bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ðây hẳn phải là hình ảnh khó quên nhứt của vị giáo hoàng này. Lời nói cổ võ cho hòa bình đã biến thành hành động.

Sau tám ngày viếng thăm đầy cảm xúc, vui mừng và cũng đày đau khổ, Ðức Benedicto XVI như muốn dốc hết toàn lực để đưa ra một lời kêu gọi cuối cùng tại Phi Trường Tel Aviv chiều thứ Sáu 15/05/2009 như sau: "Xin đừng đổ máu, đừng chết chốc, đừng khủng bố nữa". Ðức thánh cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây sau khi nhắc lại chuyến viếng thăm đầy cảm xúc của ngài tại Ðài Tưởng niệm Yad Vashem.

Với chính phủ Israel, ngài nhắn gởi sứ điệp cuối cùng: "Ước gì giải pháp Hai Quốc Gia không là một giấc mơ, mà trở thành hiện thực! Xin hãy để cho hòa bình ngự trị trên đất nước để nó có thể trở thành như "Ánh Sáng Muôn Dân", mang lại niềm hy vọng cho tất cả mọi nơi đang bị xâu xé vì xung đột".

Máy bay cất cánh đưa Ðức thánh cha trở về Roma. Nhưng người ta có cảm tưởng như vẫn còn nghe vọng lại lời chào chúc của Ðức Thánh Cha dành cho những "người bạn Israel": "Shalom", cầu chúc bình an!

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page