Cuộc hành hương tôn giáo và chính trị
của Ðức Benedicto XVI
Cuộc hành hương tôn giáo và chính trị của Ðức Benedicto XVI.
Gierusalem [La Croix 14/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Trong chuyến viếng thăm Thánh Ðịa mà ngài không ngừng gọi là một cuộc hành hương tôn giáo, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi ngài đưa ra những lập trường chính trị mạnh mẽ về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời mở ra những viễn ảnh táo bạo cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo.
Về cuộc hành hương thánh địa của Ðức Gioan Phaolo II hồi năm 2000, có lẽ người ta chỉ giữ lại hình ảnh ngài đến cầu nguyện tại bức tường than khóc của người do thái tại Gierusalem.
Nhưng với Ðức đương kiêm Giáo hoàng, có lẽ thế giới sẽ không ngừng trở lại với một bức tường khác: đó là bức tường chia cách Israel và các lãnh thổ Palestine. Cách nhau 10 năm, mỗi vị giáo hoàng đứng trước một bức tường: một bức tường nói lên hy vọng, một bức tường nói lên sự hận thù.
Ðây là hai bức hình nổi bật trong hai chuyến viếng thăm. Nhưng dĩ nhiên, người ta không thể chỉ tóm gọn chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của Ðức Benedicto vào một ngày dừng chận trên lãnh thổ Palestine, mà còn phải nhắc đến những địa điểm quan trọng khác mà ngài đã viếng thăm như: Núi Nebo tại Jordan, Ðền Thờ hồi giáo tại thủ đô Amman, bảo tàng viện Yad Vashem, Ðền thờ hồi giáo Vòm Núi Ðá và bức tường than khóc tại Gierusalem.
Ngoài ra, cũng phải nói đến sự đón tiếp dành cho Ðức Benedicto XVI. Nếu dân chúng trên đường phố Amman hay tại Gierusalem đã tỏ ra không mấy nồng nhiệt đối với ngài, thì ngược lại quốc vương Abdallah II của Jordan đã dành cho vị thượng khách một cuộc đón tiếp rất nòng hậu và thân tình. Dĩ nhiên, không thể quên niềm hân hoan của cộng đồng tín hữu kito tại Thánh Ðịa tập trung lại để chào đón Vị Cha Chung: 15 ngàn người tại Amman, 3 ngàn người tại Gierusalem, 5,000 ngàn người tại Bethlehem và nhứt là 30 ngàn người tại Nazareth. Ðây là những con số không đoán trước được, nhứt là trong những điều kiện an ninh vô cùng nghiêm nhặt tại Thánh Ðịa hiện nay.
Trước khi Ðức thánh cha lên đường, ai cũng cho đây là một chuyến đi khó khăn. Nhiều người đã dự kiến sự thất bại. Nhưng Ðức thánh cha vẫn cương quyết thực hiện cuộc hành hương. Hôm thứ Năm 14 tháng 4 năm 2009, cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã cho biết: "đây là một quyết định cá nhân và can đảm của Ðức thánh cha nhằm phục vụ hòa bình".
Thật vậy, Hòa Bình là chủ điểm của cuộc hành hương vì hòa bình này. Tại ba địa danh tượng trưng của ba nước Jordan, Israel và Palestine là Núi Nebo, Gierusalem và Nazareth, Ðức Benedicto XVI đã khéo léo hướng đến chủ đề Hòa Bình.
Chính tại Núi Nebo, mà hôm thứ Bảy 9 tháng 5 năm 2009, lần đầu tiên Ðức Benedicto XVI ngỏ lời với ba tôn giáo độc thần trong một bài diễn văn, được ngài tiếp tục quảng diễn sau đó trong đền thờ hồi giáo ở Amman và tại Israel. Trong các mối quan hệ với do thái giáo cũng như trong cuộc đối thoại liên tôn, Ðức Benedicto XVI luôn đi theo đường lối đã được công đồng Vatican II vạch ra. Nhưng nét độc đáo của vị giáo hoàng này là mở ra những viễn ảnh mới cho cuộc đối thoại liên tôn của ba tôn giáo độc thần khi liên kết Hòa bình với độc thần. Ngài đã đặt một nền móng thần học vững chắc cho sáng kiến "đối thoại liên tôn" được Ðức Gioan Phaolo II đề ra tại Assisi hồi năm 1987.
Tại Gierusalem, Ðức Benedicto XVI cũng lập lại ý tưởng ấy. Tại nơi được xem là linh địa chung của do thái giáo, kitô giáo và hồi giáo, mỗi một lời nói của ngài đều được cân nhắc và cũng bị mọi phe phái bình phẩm. Vậy mà thế giới, nhứt là người Do thái, đã ngạc nhiên không ít về nội dung chính trị của các bài diễn văn của ngài, nhứt là khi ngài đề cập đến cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Trong căn bản, ngài chỉ lập lại lập trường của Tòa Thánh kể từ thời đức Gioan Phaolo II. Nói cách khác, ngài nói đến quyền có một quốc gia của Israel lẫn Palestine. Nhưng về hình thức, cử chỉ và ngôn từ của ngài biểu lộ một sự gần gũi và cảm thông sâu xa với dân tộc Palestine. Người ta thấy rõ điều đó trong chuyến viếng thăm của ngài tại trại tỵ nạn Aida và nhứt là khi ngài mạnh mẽ lên án việc Israel dựng lên bức tường tại Cisjordan.
Trước mắt, bài diễn văn của Ðức Thánh Cha tại Ðài tưởng niệm Yad Vashem đã làm cho nhiều người do thái thất vọng. Nhưng theo một nguồn tin ngoại giao, mặc dù ghi nhận sự kiện ấy, Israel vẫn không muốn tạo ra căng thẳng với Tòa Thánh, bởi vì nước này đang muốn làm đẹp hình ảnh của mình trên sân khấu thế giới. Trong dư luận quần chúng Israel, tiếp theo vụ rút vạ tuyệt thông cho Ðức cha Williamson, vị giám mục thủ cựu đã chối bỏ trách nhiệm của Ðức quốc xã trong cuộc sát tế người do thái, hình ảnh của Ðức Benedicto XVI vẫn còn tiêu cực. Trong số ra sáng thứ Năm 14/05/2009, một trong những tờ Nhựt Báo lớn xuất bản tại Israel là tờ "Yedioth Aharonot" chỉ dành cho chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha tại Bethlehem một trang nhỏ với tựa đề: "giáo hoàng chính trị".
Nếu tại Núi Nebo và Gierusalem, Ðức thánh cha đã rao giảng Hòa Bình, thì tại Nazareth, nơi có đông tín hữu kitô nhứt tại Thánh Ðịa, ngài cũng tiếp tục nói về đề tài này. Tại đây, trong thánh lễ cử hành tại Núi Vực, ngài đã kêu gọi Giáo hội địa phương hãy dấn thân vào cuộc hành hương vì hòa bình.Ngài giải thích: "Thiên Chúa đã đi vào mọi hang cùng ngỏ hẻm của lịch sử nhân loại". Nazareth nhắc nhở các tín hữu kito rằng họ đang được đặt trước thánh đố phải "tham dự vào công cuộc tạo dựng, mang lại cho nó một lý lẽ và một mục đích".
Theo Ðức thánh cha, tại vùng đất của xung đột này, các tín hữu kito có một vai trò quan trọng là phải tạo ra những chiếc cầu nối giữa các cộng đồng.
Theo cha Emile Shoufani, một linh mục quản xứ tại Nazareth, Ðức thánh cha không chỉ đến Thánh Ðịa để tìm hiểu tình hình tại đây. Ngài đến để mang lại một ý nghĩa tiên tri cho những gì các tín hữu kito đang cố gắng xây dựng mỗi ngày.
Thật vậy, sáng thứ Năm 14/05/2009, từ chân trời u ám của Thánh Ðịa, các tín hữu kito đã gởi đi những tín hiệu tích cực: đó là sự kiện một thánh lễ ngoài trời qui tụ đến 30 ngàn người đã có thể diễn ra ngay trong bầu khi ngột ngạt của Thánh Ðịa. Ðây là điều mà người ta không dám nghĩ tới dưới thời Ðức Gioan Phaolô II.
Chu Văn