Các vị lãnh đạo tôn giáo Âu châu
kêu gọi duyệt xét lại các hệ thống giá trị
Các vị lãnh đạo tôn giáo Âu châu kêu gọi duyệt xét lại các hệ thống giá trị.
Roma [Zenit 14/05/2009] - Trong cuộc khủng hoảng kinh tế, các vị lãnh đạo tôn giáo Âu Châu kêu gọi duyệt xét lại các hệ thống giá trị.
Tuyên bố tại cuộc gặp gỡ của các đại diện tôn giáo âu châu và đại diện Nghị Viện âu châu, Ðức cha Adrianus Van Luyn, chủ tịch Ủy ban các Hội đồng Giám mục Âu châu nói rằng "cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cho thấy cuộc khủng hoảng tinh thần và một thứ bậc thang giá trị giả hiệu".
Thể theo lời mời của chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, ông Jose Manuel Barroso, khoảng 20 vị đại diện của kitô giáo, do thái và hồi giáo tại 12 quốc gia thành viên cũng như Nga, đã gặp gỡ tại Bruxelles, Bỉ để thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế, đồng thời nói lên sự đóng góp của các tôn giáo trong việc quản trị kinh tế.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Ðức cha Van Luyn, nói rằng không nên qui trách cho các giám đốc ngân hàng hay các nhóm doanh nghiệp lớn về thái độ thiếu trách nhiệm khiến dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn phải xét đến thái độ của các nhà hữu trách chính trị: chính họ là những người đã đưa ra những hứa hẹn vượt quá khả năng của mình.
Về phần mình, Ðức cha Reinhard Marx, Tổng giám mục Munich, Ðức, kiêm phó chủ tịch Ủy ban các Hội đồng Giám mục Âu Châu, nhấn mạnh đến "nguy cơ đánh mất niềm tin vào kinh tế thị trường, nhứt là tại các nước Ðông và Trung Âu, là nơi mà rất nhiều người đã đặt nhiều hy vọng vào mô thức kinh tế này.
Riêng Ðức cha Diarmuid Martin, tổng giám mục Dublin, Ái nhĩ lan, kêu gọi thiết lập một hệ thống đạo đức và pháp lý khả dĩ cho giúp cho kinh tế hoạt động một cách hữu hiệu.
Ðức hồng y Miloslav Vlk, Tổng giám mục Praha, Tiệp Khắc, yêu cầu nên giáo dục mọi thành phần của xã hội về tinh thần trách nhiệm đối với công ích.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, ông Barroso và chủ tịch Nghị Viện Âu Châu, ông Hans Gert Pottering, đã đón nhận những góp ý của các Ðức giám mục Âu châu. Hai ông nhấn mạnh rằng Liên Âu không được xây dựng trên mô thức tư bản vốn đặt nền tảng trên chủ nghĩa duy vật, mà trên "mô thức kinh tế thị trường xã hội" đặt con người vào trọng tâm của mọi sinh hoạt.
Chu Văn