Ðức thánh cha Beneđitô XVI
đã lắng nghe nỗi thất vọng của người Palestine
Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã lắng nghe nỗi thất vọng của người Palestine.
Giêrusalem [La Croix 13/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Thứ Tư 13 tháng 5 năm 2009 là ngày Ðức thánh cha Beneđitô XVI dành riêng cho Palestine. Một lần nữa, ngài tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa Thánh về việc thành lập quốc gia cho dân tộc này.
Quốc kỳ Palestine và cờ Tòa Thánh được treo trước các cửa tiệm bán đồ kỷ niệm.
Nhưng các cửa tiệm đều đóng cửa. Trên những con đường được Israel cho xây dựng để cho người do thái đi hành hương đến mộ của bà Rachel, tất cả mọi ngôi nhà đều bị bỏ hoang. Bên cạnh đó là bức tường cũng do Israel dựng lên để đề phòng điều mà họ gọi là những hành động khủng bố chống lại họ.
Trên con đường thường được gọi là đường các tổ phụ, một cánh cửa sắt mở ra để chiếc xe chở Ðức thánh cha đi qua. Phải đi qua một cánh cửa khác Ðức thánh cha và đoàn tùy tùng mới có thể đặt chân vào lãnh địa Palestine. Ngay trước mắt Ðức thánh cha, những khu ngoại ô Bethlehem, trước kia đày những cửa hiệu buôn bán sầm uất, nay chỉ còn là một vùng đất của "thất vọng".
Ðây là nỗi thất vọng mà Ðức thánh cha đã thấy và đã nghe được hôm thứ Tư 13/05/2009. Suốt ngày này, một ngày mà ngài gọi là "đáng ghi nhớ", ngài đã đến lãnh thổ của Palestine để tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa Thánh về "một quê hương có chủ quyền trên đất đai của tổ tiên, an ninh và hòa bình với các nước láng giềng, trong những ranh giới được thế giới nhìn nhận". Tại đây, một cách mạnh mẽ, ngài gọi bức tường do Israel dựng lên là "một nhắc nhớ không thể chối cãi được về ngỏ cụt của các mối quan hệ giữa Israel và Palestine".
Như cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã ghi nhận, mỗi một lời nói của Ðức thánh cha trong suốt ngày thứ Tư 13/05/2009 đều được cân nhắc cẩn thận. Thật ra, Ðức thánh cha chỉ lập lại lập trường mà Tòa thánh đã đưa ra hồi năm 2000, khi nhìn nhận chính quyền Palestine. Kể từ đó, Tòa Thánh và Ðức thánh cha không ngừng nhấn mạnh đến sự cần thiết của một giải pháp "hai Quốc Gia" tại Thánh Ðịa. Nhưng hơn bao giờ hết, lần này Ðức thánh cha đã tỏ ra mạnh mẽ và cương quyết hơn trong việc công bố lập trường này.
Thông thường, các bài diễn văn của Ðức Benedicto XVI ít được vỗ tay hoan hô và ngài cũng không hề muốn như thế. Nhưng hôm thứ Tư 13/05/2009, tại Bethlehem, ngài đã được một đám đông nòng nhiệt vỗ tay hoan hô nhiều lần, khi, trước hằng trăm ký giả trên thế giới, ngài đã lên tiếng bênh vực quyền của dân tộc Palestine.
Về tương lai của lãnh thổ Palestine, lập trường của Ðức thánh cha rất rõ ràng: có được một quê hương, một quốc gia và những ranh giới là một quyền chính đáng! Ngài cũng không quên nhắc lại rằng thứ năm 14 tháng Năm là ngày kỷ niệm "các biến cố tháng 5 năm 1948". Người Palestine gọi đây là khởi đầu của "Ðại Họa" giáng xuống trên dân tộc.
Ðức thánh cha khẳng định: giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là một giải pháp chính trị, nghĩa là nó chỉ có thể thực hiện được giữa hai dân tộc này mà thôi. Nhưng Ðức thánh cha cũng kêu gọi cộng đồng thế giới dấn thân vào việc tìm kiếm hòa bình cho vùng này. Ngài nhắm đến nỗ lực của chính phủ Hoa kỳ. Trong bối cảnh ấy, hôm thứ Tư 13/05/2009, khi tiếp kiến một phái đoàn tín hữu kitô từ Dãi Gaza, Ðức thánh cha đã lên án các cuộc dội bom của Israel xuống vùng này. Trong bài giảng thánh lễ tại quảng trường Giáng Sinh ở Bethlehem, ngài cầu nguyện cho cuộc cấm vận vùng này sớm chấm dứt.
Tuy nhiên, Ðức thánh cha cũng cân nhắc từng lời nói của ngài khi đề cập đến các vấn đề này. Nói cách khác, nói đến quyền của người Palestine, Ðức thánh cha cũng không quên tình trạng an ninh của chính Israel. Trong cuộc gặp gỡ với chủ tịch Palestine, ông Mahmoud Abbas, ngài cũng nhắc đến "những mối quan ngại về an ninh tại Israel" và kêu gọi người dân Palestine, nhứt là giới trẻ, hãy từ bỏ bạo động và khủng bố. Ngài nói: "Quí vị đừng để cho những thiệt hại về nhân mạng và các cuộc tàn phá mà quí vị đã chứng kiến, nuôi dưỡng sự cay đắng và thù hận trong tâm hồn quí vị".
Ðây là lời kêu gọi mà Ðức thánh cha đã không ngừng lập lại trong các bài diễn văn của ngài suốt ngày thứ tư vừa qua, cho dẫu rất quan tâm đến những nỗi khổ đau của người Palestine.
Tại trại tỵ nạn Aida, dưới bóng của bức tường bao phủ khắp nơi, Ðức thánh cha tuyên bố: "Thật là bi thảm khi thấy những bức tường vẫn còn được dựng lên". Vài giờ sau đó, khi rời bỏ vùng này, ngài cũng nói đến những bức tường khác. Nhưng Ðức thánh cha khẳng định: "Cho dẫu các bức tường có thể được dựng lên một cách dễ dàng, chúng ta biết rằng chúng sẽ không tồn tại mãi mãi: chúng có thể bị hạ xuống".
Suốt ngày thứ Tư 13/05/2009, Ðức thánh cha đã đáp trả được sự chờ đợi của giới hữu trách đạo đời Palestine. Ngài đã thật sự mang lại niềm hy vọng cho dân tộc Palestine. Nhưng Ðức thánh cha không quên nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính người Palestine.
Cách riêng đối với các tín hữu kitô Palestine, ngài nhắn nhũ: "Hãy là những chiếc cầu của đối thoại và cộng tác để xây dựng một nền văn hóa hòa bình hầu thay thế cho ngõ cụt hiện nay của sợ hãi và gây hấn".
Tình hình chính trị tại Thánh Ðịa hẳn vẫn còn căng thẳng. Nhưng chắc chắn đức thánh cha phải được an ủi nhiều khi từ giã lãnh thổ Palestine, nhứt là sau thánh lễ cử hành tại quảng trường Giáng Sinh tại Bethlehem: đây là lần đầu tiên kể từ khi ngài đặt chân tới Tel Aviv hôm thứ Hai 11/05/2009, giữa ngài và các tín hữu kitô Thánh Ðịa đã có một cuộc gặp gỡ hân hoan và thân tình.
Chu Văn