Ðức thánh cha Beneđitô XVI

kêu gọi kitô giáo, hồi giáo và do thái giáo

phục vụ hòa bình

 

Ðức thánh cha Beneđitô XVI kêu gọi kitô giáo, hồi giáo và do thái giáo phục vụ hòa bình.

Jerusalem, Israel [La croix 11/5/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Hai 11 tháng 5 năm 2009, Ðức thánh cha đã đến Israel, tiếp tục chuyến viếng thăm Thánh Ðịa mà ngài gọi là "cuộc hành hương vì hòa bình".

Trong ba ngày viếng thăm Jordan, vượt qua một giai đoạn mới trong cuộc đối thoại với Hồi giáo, Ðức thánh cha vẫn chú tâm đến việc an ủi và khích lệ các tín hữu kito tại đây.

Nếu những ngày viếng thăm Jordan đã diễn ra một cách tốt đẹp thì những ngày còn lại của cuộc hành hương không phải là "dễ dàng".

Amman chỉ cách thủ đô Tel Aviv của Israel khoảng 100 cây số. Tuy nhiên, sáng hôm thứ Hai 11/05/2009, khi vượt qua khoảng cách ngắn ngũi này, Ðức thánh cha không chỉ đến một xứ sở khác, mà còn đi vào một bầu khí hoàn toàn khác.

Tại Jordan, ngài đã được các tín hữu kitô nồng nhiệt đón tiếp. Ðây là một cộng đồng tín hữu được hưởng tự do thực sự và cũng được sự tôn trọng của một quốc vương hồi giáo.

Nhưng đến Israel là đi vào một vùng đất có nhiều xung đột về tôn giáo, với bầu khí chính trị đày căng thẳng. Và nếu như trong những ngày viếng thăm Jordan, đức Benedicto XVI đã cẩn thận tránh đụng chạm đến vấn đề chính trị, thì tại Gierusalem, trọng tâm của một cuộc xung đột vừa diễn ra ở qui mô địa phương vừa có tính cách quốc tế, nhiều người e ngại rằng ngài khó có thể tránh khỏi cái bẫy chính trị đang được giăng ra.

Trên chuyến bay từ Roma đến thủ đô Amman của Jordan, Ðức thánh cha thố lộ với các ký giả rằng ngài đến đây như "một sức mạnh tinh thần". Thật vậy, trong ba ngày viếng thăm Jordan, ngài chỉ mới xử dụng "những khí giới của tôn giáo" cho cuộc hành hương vì hòa bình. Nói một cách chính xác hơn, Ðức thánh cha chỉ nói đến vũ khí của đức tin và lý trí. Trong vùng đất thánh là chiếc nôi khai sinh và cư ngụ của ba tôn giáo độc thần là do thái giáo, hồi giáo và kito giáo, Ðức thánh cha đã quảng diễn một trong những chủ đề tâm đắc của triều đại ngài là mối quan hệ giữa đức tin và lý trí. Ðây chính là đề tài mà ngài đã trình bày trong bài diễn văn gây sóng gió tại đại học Regensburg, Ðức, dạo tháng 9 năm 2006.

Tại Núi Nebo là nơi mà Kinh Thánh ghi lại rằng Thiên Chúa đã chỉ cho ông Moisen thấy Ðất Hứa trước khi nhắm mắt lìa đời, Ðức thánh cha đã nói đến mối giây bất khả phân ly liên kết Giáo hội và dân tộc do thái. Ngài kêu gọi các tín hữu của hai tôn giáo hãy vượt qua mọi trở ngại để tiến tới hòa giải.

Tại Madaba, nơi ngài đặt viên đá đầu tiên để xây cất một đại học công giáo, Ðức thánh cha lên án những lệch lạc và lèo lái tôn giáo khiến cho bộ mặt của tôn giáo đích thực bị bóp méo. Ngài khẳng định rằng cũng như mọi "biểu tỏ khác trong việc tìm kiếm chân lý, tôn giáo cũng có thể bị "hủ hóa".

Tôn giáo bị hủ hóa và bóp méo, khi nó phục vụ cho sự "ngu dốt đồi bại". Ai cũng hiểu được rằng với những lời lẽ mạnh mẽ này, Ðức thánh cha nhắm tới chủ nghĩa cực đoan trong tôn giáo.

Tại cuộc gặp gỡ được xem là cao điểm của chuyến viếng thăm Jordan, tức tại Ðền Thờ Hồi Giáo Al Hussein Bin Tala ở thủ đô Amman, Ðức thánh cha kêu gọi hồi giáo và kitô giáo hãy đẩy mạnh mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin. Ngài nói: "tôi tin mạnh mẽ rằng các tín hữu kitô và người hồi giáo có thể đảm nhận công tác này".

Ðức thánh cha đã chọn đúng nơi để đưa ra lời kêu gọi trên đây. Thật vậy, Jordan là một nước hồi giáo được xem là tích cực nhứt trong cuộc đối thoại liên tôn. Khi đón tiếp đức thánh cha tại Ðền Thờ Al Hussein Bin Tala, Hoàng thân Ghazi đã đọc một bài diễn văn về ý nghĩa của cuộc đối thoại này. Ông nhắc lại rằng chính tại Jordan mà các tín hữu kitô đã có mặt trước người hồi giáo đến cả 600 năm.

Theo giáo sư Hamdi Murad, thuộc trường đại học hồi giáo Amman, "biểu tỏ sống động và cụ thể nhứt của cuộc trao đổi giữa hai tôn giáo chính là tự do tôn giáo".

Nữ tu Laila, thuộc dòng Tiểu muội Chúa Giêsu, cho biết: dân chúng xem Truyền Hình, họ nghe nói về Ðức thánh cha cho nên khi chị đi chợ, họ hỏi thăm về "Ðức giáo hoàng của chị". Nhưng theo vị nữ tu này, chính phủ cần phải giáo dục các đền thờ hồi giáo, vì họ chưa được cởi mở như dân chúng".

Thật ra, cuộc đối thoại diễn ra ở hai qui mô: trên đường phố, người dân bất luận thuộc tôn giáo nào cũng đối xử với nhau thân tình. Nhưng trong các đền thờ thì không khí lại ngột ngạt: sau bài diễn văn của Ðức thánh cha tại Regensburg, phản ứng của người hồi giáo rất hung hãn. Chỉ cần một lời nói vô ý cũng đủ để làm phát sinh cả một làn sóng thù hận."

Như vậy cuộc đối thoại "thần học" giữa kitô giáo và hồi giáo không phải là ưu tiên của các tín hữu kito tại Trung Ðông. Họ cảm thấy cần được nâng đỡ trong niềm tin và cuộc sống của họ. Chính Ðức thánh cha đã nói với họ khi gặp gỡ các tín hữu kitô tỵ nạn Iraq hôm Chúa Nhựt 10/05/2009: "tôi sẽ cầu nguyện cho Giáo hội tại vùng đất này được vững mạnh trong niềm hy vọng".

Cha Francis Shalim, một linh mục quản xứ tại Jordan nói với một phóng viên của Nhựt Báo Công Giáo Pháp La Croix như sau: "Tôi hy vọng rằng các tín hữu kito sẽ lắng nghe sứ điệp thiêng liêng. Nhưng ở đây , mọi người chỉ chờ đợi Ðức thánh cha tỏ rõ lập trường chính trị đối với Israel. "Một nữ tu lấy làm tiếc rằng ai cũng chỉ nghĩ đến Palestine, mặc dù không ai nói ra".

Nhưng Ðức thượng phụ Gregoire III, thượng phụ công giáo thuộc nghi lễ Hy lạp Melkit đã không ngần ngại nói lên điều đó. Hôm thứ Bảy 9/05/2009, trước mặt Ðức thánh cha, vị thượng phụ này đã được nhiều người hoan nghênh khi ngài nói: "Palestine là quê hương của mọi người tín hữu kitô, vì đó cũng chính là quê hương của Chúa Giesu và Mẹ Maria".

Năm 1964, khi viếng thăm Thánh Ðịa, đức Phaolô VI đã tránh không nói đến Israel. Nhưng liệu năm 2009, đức Benedicto XVI có tránh được bốn chữ "Palestine" không? Ðó là điều mà nhiều người đang muốn lắng nghe trong những ngày viếng thăm Thánh Ðịa còn lại của ngài.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page