Ðức thánh cha Beneđitô XVI
tưởng niệm các nạn nhân Ðức quốc xã
Ðức thánh cha Beneđitô XVI tưởng niệm các nạn nhân Ðức quốc xã.
Jerusalem, Israel [La croix 11/5/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Chiều thứ Hai 11 tháng 5 năm 2009, Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã đến Bảo Tàng Viện Yad Vashem tại Gierusalem để tưởng niệm 6 triệu người do thái bị đức quốc xã sát tế trong thời đệ nhị thế chiến.
Trong thinh lặng, đức Benedicto XVI đã đứng trước Ðài Tưởng Niệm những nơi người Do thái bị sát hại.
9 năm sau đức Gioan Phaolo II, đây là lần thứ hai một vị giáo hoàng tưởng niệm những người do thái đã bị Ðức quốc xã sát hại. Ngay từ buổi sáng, trong bài diễn văn đáp từ tổng thống Shimon Peres tại phi trường Ben Gourion, Ðức thánh cha đã nói rằng đến Ðài Yad Vashem là một "điều chính đáng".
Nhưng những ai chờ đợi vị giáo hoàng người Ðức này nói đến kinh nghiệm riêng của ngài trong quá khứ hay trình bày thảm kịch dưới khía cạnh lịch sử, đều thất vọng.
Thật vậy, nếu đức Gioan Phaolo II đã nói đến quá khứ "Balan" của ngài, thì đức Benedicto XVI lại chỉ đứng trên cương vị của một người kế vị thánh Phêrô, nghĩa là ngài không đá động đến nguồn gốc "Ðức" của ngài. Bài diễn văn của ngài trước Bảo Tàng Viện Yad Vashem là một bài suy niệm thiêng liêng và thần học, chứ không có tính cách lịch sử. Cụ thể, ngài không nhắc tới các trại tập trung, các cộng đồng do thái bị tàn sát, cũng chẳng nói tới trách nhiệm của con người, cách riêng của dân tộc Ðức hay bất cứ người nào.
Hơn nữa, nếu đức Gioan Phaolo II đã nói với dân do thái rằng "Giáo hội công giáo rất đau buồn vì sự thù hận, vì những cuộc bách hại và những biểu hiện bài do thái của các tín hữu kitô mọi thời và mọi nơi", thì Ðức Benedicto XVI không hề lên án những hành động bài do thái của các tín hữu kitô hay trách nhiệm của Giáo hội.
Nói như thế không có nghĩa là vị giáo hoàng này không lên án chủ nghĩa bài do thái. Ngay từ khi vừa đặt chân xuống phi trường quốc tế Ben Gourion, ngài đã mạnh mẽ lên án chủ nghĩa này, chủ nghĩa mà ngài gọi là "hoàn toàn không thể chấp nhận" được.
Trước Ðài tưởng niệm Yad Vashem, ngài cũng lập lại rằng "Giáo hội không ngừng cầu nguyện và hoạt động để sự thù hận không còn ngự trị trong trái tim con người". Ám chỉ đến hành động của đức cha Williamson, vị giám mục thủ cựu được ngài rút lại vạ tuyệt thông hồi cuối tháng Giêng năm 2009, Ðức thánh cha mạnh mẽ lên án mọi hành động chối bỏ cuộc sát tế người do thái.
Nhưng trước đài tưởng niệm dành cho hằng triệu người do thái bị đức quốc xã sát hại, thay vì nhìn lại thảm kịch dưới khía cạnh lịch sử, đức Benedicto XVI chỉ đưa ra một suy tư thần học dựa trên ý nghĩa của tên gọi con người.
Khởi đi từ ý nghĩa của hai tiếng "Yad" nghĩa là "tưởng niệm" và "Shem" là tên gọi, Ðức thánh cha nói đến tầm quan trọng của tên gọi của con người. Theo ngài, phủ nhận cuộc sát tế cũng có nghĩa là chối bỏ con số các nạn nhân bằng cách xóa bỏ "tên gọi" của họ.
Thật vậy, khi một tù nhân bị đưa vào các trại tập trung đức quốc xã, bước đầu tiên mà họ phải trải qua là bị người ta xóa bỏ tên gọi để thay thế bằng một con số. Với hành động này, đức quốc xã tước đoạt phẩm giá của con người. Ðối lại với hành động này, đài tưởng niệm Yad Vashem trao lại cho mỗi nạn nhân tên gọi của họ. Ðây là dấu vết cuối cùng của con người mà các lò sát sinh không thể nào xóa bỏ được.
Ðức thánh cha nhắc lại vai trò của tên gọi trong Kinh Thánh: Thiên Chúa đặt một tên mới cho con người khi Ngài trao cho người đó một sứ mệnh. Chính trong ý nghĩa đó mà Ðức thánh cha suy tư về tên gọi của hằng triệu triệu nạn nhân được bảo tàng viện Yad Vashem cho ghi khắc trong ký ức nhân loại.
Người do thái chắc chắn rất cảm kích trước lời kết án minh thị của Ðức thánh cha đối với chủ nghĩa bài do thái và việc ngài bảo đảm rằng Giáo hội luôn đứng về phía dân tộc do thái trong cuộc chiến chống lại tệ nạn này. Nhưng có lẽ một số không mấy hài lòng về bài diễn văn của Ðức thánh cha tại Yad Vashem, bởi vì họ cho rằng ngài cũng chỉ xem cuộc sát tế người do thái như một thảm kịch giữa muôn nghìn thảm kịch khác trong lịch sử nhân loại.
Về phương diện chính trị, cánh hữu trong chính phủ Israel có lẽ cũng bực tức không kém về lập trường của Tòa thánh trong vấn đề Palestine. Thật vậy, ngay tại Phi trường Ben Gourion cũng như tại dinh tổng thống, Ðức thánh cha đã nhắc lại với các nhà hữu trách về sự cấp thiết phải đưa ra một tiến trình hòa bình dựa trên công lý. Dựa trên truyền thống ngoại giao của Tòa Thánh vốn ủng hộ việc thành lập một quốc gia Palestine, đức Benedicto XVI yêu cầu các nhà hữu trách hãy đẩy mạnh những cuộc đàm phán nhắm tìm kiếm một giải pháp công bình, ngõ hầu "hai dân tộc đều có thể sống chung hòa bình trong quê hương của riêng họ, bên trong những ranh giới được bảo đảm an ninh và được thế giới nhìn nhận".
Ðiều đáng mừng là tân thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã loan báo rất có thể sẽ mở ra các cuộc đàm phán "trong những tuần lễ sắp tới".
Trước mặt tổng thống Israel, sau khi đã gặp gỡ với cha mẹ của người binh sĩ Israel tên là Gilad Shalit, người đã bị phong trào Hamas cầm giữ từ 3 năm nay, Ðức thánh cha nhắc lại chiều kích tôn giáo của Thánh Ðịa và Gierusalem đối với ba tôn giáo độc thần. Ðức thánh cha giải thích rằng trong tiếng Hy bá lai, " an ninh" cũng có nghĩa là "tin tưởng". Ðức thánh cha nói: "an ninh như vậy không có nghĩa là vắng bóng sự đe dọa, mà còn nói lên cảm giác thanh thản và tin tưởng". Nhưng với người Israel, an ninh có nghĩa là chống lại khủng bố.
Như vậy, khi ám chỉ đến bức tường ngăn cách Israel với các lãnh thổ tự trị của Palestine, Ðức thánh cha nói rằng xã hội có thể trở thành một vườn cây ăn trái, không chỉ "được đánh dấu bởi những bức tường hay rào cản, mà bởi sự ăn khớp và hài hòa".
Theo nhận định của các nhà quan sát, trong ngày đầu viếng thăm Israel, Ðức thánh cha đã cố gắng bày tỏ một lập trường quân bình để tránh cho chuyến viếng thăm có thể bị giải thích như là một chúc lành cho chính sách hiện nay của chính phủ Israel.
Chu Văn