Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI

đề cao tự do tôn giáo và sự khoan nhượng

 

Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đề cao tự do tôn giáo và sự khoan nhượng.

Jerusalem, Israel [Tin tổng hợp 11/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Hôm thứ hai 11 tháng 5 năm 2009, Ðức thánh cha Beneđitô XVI từ giã Jordan để lên đường đi Israel, tiếp tục chuyến viếng thăm Thánh Ðịa đầu tiên mà ngài không ngừng gọi là "cuộc hành hương vì hòa bình".

Kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo và thái độ khoan nhượng là ý tưởng nổi bật trong các bài phát biểu của Ðức Thánh Cha tại Jordan.

Chiều thứ Sáu 8 tháng 5 năm 2009, khi vừa đặt chân xuống phi trường "Hoàng hậu Alia" tại thủ đô Amman, Ðức thánh cha nói rằng ngài đến Joran là để viếng thăm các linh địa của kitô giáo cũng như đặt viên đá đầu tiên cho hai nhà thờ mới tại nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Theo ngài, sự kiện này phản ánh chủ trương tôn trọng đối với tôn giáo và bảo vệ các quyền tôn giáo của chính phủ Jordan.

Trong bài đáp từ quốc vương Abdullah II và chào mừng quan khách tại phi trường Amman, Ðức thánh cha khẳng định như sau: "Tự do tôn giáo, dĩ nhiên, là một quyền căn bản và tôi hy vọng và cầu mong rằng sự tôn trọng đối với các quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá của mỗi người sẽ ngày càng được khẳng định và bảo vệ, không những tại Trung Ðông mà còn trên khắp thế giới".

Ðức thánh cha cũng nhân dịp này đề cao các nỗ lực của các lãnh đạo Jordan trong việc tìm kiếm một giải pháp công bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Hồi cuối tháng Tư năm 2009, quốc vương Abdullah đã gặp gỡ với tổng thống Hoa kỳ Barack Obama và thúc đẩy ông hãy làm những bước quyết định cho hòa bình giữa Israel và Palestine. Nhà vua cũng đã gặp gỡ với tổng thống Ai cập Hosni Mubarak để tìm cách tái lập các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, dựa trên giải pháp "hai quốc gia" cho cả hai phía.

Ðây cũng chính là lập trường và mong mõi của Tòa thánh và của chính Ðức thánh cha. Chính vì vậy mà buổi chiều cùng ngày (thứ Sáu 8/05/2009), khi viếng thăm Trung Tâm "Nữ Vương Hòa Bình" của các nữ tu dòng truyền giáo Comboni dành cho người khuyết tật, Ðức thánh cha nói rằng ngài đến Thánh Ðịa chỉ với một ý chỉ và hy vọng: đó là cầu nguyện cho món quà quí giá là hiệp nhứt và hòa bình, nhứt là tại Trung Ðông. Ðó chính là mục đích của chuyến đi như được Ðức thánh cha chia sẻ với các ký giả trên chuyến bay từ Roma đến Amman. Ngài nói: "các tín hữu kitô xác tín về sức mạnh của sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện mở tâm hồn của thế giới ra với Thiên Chúa và chúng tôi xác tín rằng Thiên Chúa lắng nghe và có thể hoạt động trong lịch sử. Và tôi tin rằng nếu hằng triệu tín hữu kitô cầu nguyện là bởi vì cầu nguyện thực sự là một sứ mạnh có thể tác động và làm cho chính nghĩa hòa bình tiến mạnh".

Chính vì lời cầu nguyện cho một sức mạnh kỳ diệu như thế mà tôn giáo có chỗ đứng đặc biệt trong xã hội. Ðây là điều mà Ðức thánh cha muốn nhấn mạnh trong nghi thức làm phép viên đá đầu tiên cho trường Ðại Học Madaba, trường đại học công giáo đầu tiên tại Jordan do Tòa thượng phụ công giáo tại Gierusalem tiến hành xây cất.

Ðây là biến cố đáng chú ý trong ngày thứ Bảy 9 tháng 5 năm 2009. Trong bài diễn văn đọc khi làm phép viên đá đầu tiên cho đại học Madaba, khi đề cao vai trò của tôn giáo trong xã hội, Ðức thánh cha cũng cảnh cáo rằng bộ mặt của tôn giáo có thể bị bóp méo khi nó được xử dụng để biện minh cho bạo động. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục để tránh điều mà ngài gọi là "hủ hóa tự do của con người" và làm "cho tinh thần ra mù quáng".

Trước đó, Ðức thánh cha đã đến viếng thăm đền thờ Al Hussein Bin Tatal. Ðây là đền thờ hồi giáo lớn nhứt tại Jordan. Trong bài diễn văn đọc trước các nhà lãnh đạo hồi giáo tại nước này, Ðức thánh cha nhìn nhận "sự hiện hữu của những mối căng thẳng và chia rẽ giữa cac thành phần của các truyền thống tôn giáo khác nhau". Nhưng ngài khẳng định rằng "chất xúc tác đích thực làm phát sinh các căng thẳng và chia rẽ và ngay cả đôi khi của các cuộc bạo động" trên thế giới, không phải là tôn giáo, mà là "sự lèo lái ý thức hệ".

Tiếp tục suy tư về quan hệ giữa lý trí và đức tin đã được ngài trình bày trong bài diễn văn đọc tại đại học Regensburg, Ðức, hồi tháng 9 năm 2006, Ðức thánh cha kêu gọi các tín hữu kitô cũng như người hồi giáo hãy "phát huy khả năng bao quát của lý trí con người". Theo ngài, lý trí có thể "bảo vệ xã hội dân sự khỏi những thái quá của cái tôi lệch lạc muốn tuyệt đối hóa cái hữu hạn và làm lu mờ cái vô hạn".

Cũng trong bài diễn văn đọc tại Ðền Thờ Al Hussein Bin Tatal sáng thứ Bảy 9/05/2009, Ðức thánh cha nhắc lại tính đại đồng của các quyền con người. Ngài khẳng định rằng các quyền con người "có giá trị cho mọi người, bất luận thuộc tôn giáo, nhóm chủng tộc hay giai cấp xã hội nào". Riêng về tự do tôn giáo, Ðức thánh cha nói rằng quyền này không chỉ giới hạn trong việc thờ phượng. Cách riêng đối với các nhóm thiểu số, quyền này còn bao gồm cả quyền được có công ăn việc làm và tham gia vào những lãnh vực khác của xã hội.

Bài diễn văn của Ðức thánh cha chắc chắn có một âm hưởng đặc biệt tại Jordan, nhứt là vào giữa lúc Tổ Chức "Huynh đệ hồi giáo" và cánh tay chính trị của tổ chức này là "Mặt Trận Hành động chính trị" buộc ngài phải lên tiếng xin lỗi về bài diễn văn đọc tại đại học Regensburg.

Có lẽ cũng muốn gián tiếp nhắn gởi với các thành phần hồi giáo cực đoan này mà Ðức thánh cha đã khuyên các tín hữu kitô "hãy chuẩn bị cho nước Chúa qua các hoạt động bác ái và phục vụ người nghèo và bằng cách trở thành tác nhân của "hòa giải" cho thế giới.

Ðây là lời kêu gọi mà Ðức thánh cha đã đưa ra khi viếng thăm Núi Nebo, nơi mà Kinh Thánh viết rằng Thiên Chúa đã chỉ cho ông Moisen thấy Ðất Hứa trước khi qua đời. Trong bài diễn văn đọc tại linh địa này, Ðức thánh cha nhắc lại "Mối giây bất khả phân ly giữa các tín hữu kitô và dân tộc do thái". Ngài bày tỏ ước muốn vượt qua "mọi trở ngại đến tiến tới hòa giải giữa các tín hữu kitô và người do thái trong tinh thần tương kính và hợp tác."

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page