Ðức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Thánh Ðịa:
Giordani
Ðức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Thánh Ðịa: Giordani.
Amman,
Giordani (Vat. 8/05/2009) - Chiều 8-5-2009, ÐTC Biển Ðức 16 đã
đến Amman, thủ đô Vương quốc Giordani, để bắt đầu chuyến
viếng thăm mục vụ kéo 8 ngày tại Thánh Ðịa.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 (ở giữa bên trái) đến thăm hoàng cung của Jordan và gặp gỡ Vua Abdullah của Jordan (ở giữa, bên phải) cùng với gia đình là hoàng hậu Rania (bên trái số 3), hoàng tử Hussein (bên phải số 2), công chúa Iman (bên phải số 1), hoàng tử Hasehm (bên trái số 2), công chúa Salma (bên trái số 1). |
Trong hành trình này, sau 3 ngày tại Giordani, ngài sẽ sang thăm Israel và Palestine, theo một lộ trình phần lớn giống như cuộc viếng thăm của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 hồi tháng 3 Năm Thánh 2000, tuy bối cảnh rất khác nhau và cũng có một số thay đổi. ÐTC chỉ dừng lại tại 4 thành phố chính: Amman, thủ đô Giordani, Jerusalem, Bethlehem và Nazreth, nhưng tổng cộng có tới 36 địa điểm khác nhau tại các thành phố ấy được ngài viếng thăm và sẽ đọc 29 bài diễn văn gồm các bài giảng, diễn từ và những lời chào thăm. Chuyến viếng thăm của ÐTC thu hút sự chú ý đặc biệt của giới báo chí: ngoài hơn 60 ký giả đi cùng ÐTC trong chuyến bay, còn có 1,200 ký giả quốc tế khác đăng ký với Ban tổ chức ở Giordani và Israel để theo dõi và tường thuật về chuyến đi của ngài.
Tháp tùng ÐTC trong chuyến bay, có 30 vị thuộc đoàn tùy tùng, trong đó Ðức Hồng Y và Ðức Tổng Giám Mục Phụ tá quốc vụ khanh, còn có các vị Hồng Y Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô kiêm Chủ tịch Ủy ban liên lạc với Do thái giáo, và Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn.
Trên chuyến bay, ÐTC cũng gặp gỡ các ký giả tháp tùng và trở lời một số câu hỏi của họ, qua đó ngài khẳng định rằng hòa bình tại Trung Ðông chỉ có thể đạt được nếu người ta có những lập trường thực sự hợp lý. Giáo Hội tuy không có quyền bính chính trị nhưng có một sức mạnh tinh thần và có thể góp phần vào tiến trình hòa bình. ÐTC cũng bày tỏ xác tín rằng cuộc đối thoại với người Do thái, tuy có những hiểu lầm, nhưng cũng đang có những tiến bộ và điều này giúp ích cho hòa bình cũng như con đường hỗ tương với nhau. Ðặc biệt cuộc đối thoại giữa 3 tôn giáo độc thần Kitô, Do thái và Hồi giáo, là điều rất quan trọng đối với hòa bình và để mỗi ngừơi sống trọn tôn giáo của mình.
ÐTC cũng cho biết ngài muốn khích lệ các tín hữu Kitô tiếp tục ở lại Thánh Ðịa và Trung Ðông, nơi quê hương của mình, vì họ là thành phần quan trọng tại đây. Ngài cũng yêu cầu cho họ những điều kiện cụ thể để sống, như trường học và nhà thương.
Ðón tiếp
Sau 4 giờ bay, ÐTC, đoàn tùy tùng và các ký giả đã tới Phi trường mang tên "Hoàng hậu Alia" ở thủ đô Amman lúc gần 2 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Thành phố cổ kính này hiện có 1 triệu rưỡi dân cư, tức là hơn 1 phần 4 dân cư của Giordani sinh sống tại đây. Tại nước này, 96% là tín hữu Hồi giáo Sunnit, và số tín hữu Công Giáo là 109 ngàn người. Các tín hữu Công Giáo la tinh thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem với Ðức Thượng Phụ hiện nay là Fouad Twal, người Giordani. Ngoài ra, có các tín hữu Công Giáo Hy Lạp Melkite.
Từ trên máy bay bước xuống, ÐTC đã được Quốc vương Abdullah II và hoàng hậu Rania đón tiếp, cùng với đại diện của giáo quyền và chính quyền. 21 phát đại bác nổ vang trước khi quốc thiều Vatican và Giordani được trổi lên, và đoàn quân danh dự diễn hành trước ÐTC và quốc vương.
Tiếp đến, ÐTC và Nhà Vua vào trong một hội trường tại Phi trường trong đó đã có đông đảo các quan khách và đại diện ngoại giao đoàn cùng với các vị thượng phụ và Giám Mục cũng như một số tín hữu.
Trong
lời chào mừng ÐTC, Quốc vương Abdullah nói đến quyết tâm
đối thoại giữa Hồi giáo và Công Giáo, cũng như nền tảng
chung của sự đối thoại này ở trong Kinh Thánh Hồi giáo và
Kitô giáo, nhất là giới luật yêu thương nhau. Nhà vua đề
cao tầm quan trọng của sự sống chung hòa bình giữa các tín
hữu Hồi giáo và Kitô, đồng thời kêu gọi chống lại
những kẻ xách động gây hấn và những tham vọng ý thức
hệ về những chia rẽ và những đe dọa gây đau khổ cho con
người. "Chúng ta cần loại trừ tất cả những điều
đó vì tương lai của thế giới. Tất cả chúng ta phải canh
tân quyết tâm tôn trọng lẫn nhau".
Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đọc bài diễn văn trong buổi tiếp kiến các lãnh đạo Hồi Giáo, vào ngày 9/05/2009, tại Ngôi Ðền Hồi Giáo King Hussein Bin Talal, ở Amman, Giordani. |
Trong bài đáp từ, ÐTC nói chủ đích chuyến viếng thăm của ngài: "Tôi đến Giordani như một người lữ hành, để tôn kính các nơi thánh đã giữ một phần rất quan trọng trong một số biến cố chủ yếu của lịch sử Kinh Thánh. Trên núi Nebo, Ông Môisê đã hướng dẫn dân hướng nhìn về phần đất sẽ trở thành nhà của họ, và Ông đã qua đời và được an táng trên núi này. Tại Betania, bên kia sông Giordan, Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu, Người mà thánh nhân đã làm phép rửa cho trong nước sông mà đất nước này mang tên. Trong những ngày tới đây tôi sẽ viếng cả hai nơi Thánh và vui mừng làm phép viên đá đầu tiên xây cất nhà thờ tại nơi theo lưu truyền Chúa đã chịu phép rửa. Sự kiện cộng đoàn Công Giáo tại Giordani được xây cất các nơi thờ phượng công cộng là một dấu chỉ tôn trọng đối với tôn giáo tại đất nước này, và nhân danh họ tôi đánh giá cao sự cởi mở này. Tự do tôn giáo chắc chắn là một quyền căn bản và tôi nồng nhiệt hy vọng, cầu nguyện để sự tôn trọng các quyền bất khả nhượng, cũng như tôn trọng phẩm giá của mỗi người nam nữ ngày càng được củng cố và bảo vệ, không những tại Trung Ðông nhưng tại mọi nơi trên thế giới nữa."
ÐTC nói thêm rằng cuộc viếng thăm của ngài tại Giordani là cơ hội để ngài bày tỏ lòng tôn trọng sâu xa đối với cộng đoàn Hồi giáo và vai trò lãnh đạo của quốc vương. Ngài không quên nhắc đến việc công bố cách đây vài năm Sứ điệp Liên tôn tại Amman và ý nghĩa của Sứ điệp này trong việc cổ võ sự liên minh giữa các nền văn hóa của thế giới Tây phương và Hồi giáo, bác bỏ những lời tiên đoán của những người coi bạo lực và xung đột là điều không thể tránh được.
Viếng thăm trung tâm Regina Pacis
Sau nghi thức đón tiếp tại Phi trường, ÐTC đã về Trung Tâm Regina Pacis Nữ Vương Hòa bình, cách đó 22 cây số để gặp gỡ các bạn trẻ và các nhân viên hoạt động tại đây, một trung tâm phục hồi cho những người khuyết tật và giúp họ tái hội nhập vào đời sống xã hội. Tại đây cũng có một thánh đường có thể đón nhận 600 người.
Hàng ngàn người đứng sẵn ở bên ngoài trung tâm, tay cầm cờ Tòa Thánh và Giordani nồng nhiệt chào mừng ÐTC khi ngài đến đây vào lúc 3 giờ rưỡi chiều. Bất chấp vấn đề an ninh, ngài tiến lại bắt tay chào thăm đông đảo các tín hữu đứng chờ, trước khi tiến vào bên trong thánh đường.
Sau lời chào mừng của Ðức Thượng Phụ Fouad Twal, ÐTC đã tặng cho nhà thờ của Trung Tâm Nữ Vương Hòa Bình một Nhà tạm đựng Mình Thánh Chúa đúc bằng đồng thau nặng 30 kílô được trang trí nghệ thuật: cửa nhà tạm có hình Con Chiên, Ngọn Núi và cuốn Sách 7 ấn tích. Bên ngoài Nhà Tạm được làm bằng bạc, và bên trong thì mạ vàng.
Lên tiếng trong dịp này, ÐTC đã xin mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ khuyết tật tháp tùng ngài bằng lời cầu nguyện trong cuộc viếng thăm tại Thánh Ðịa, để mang lại an bình và hiệp nhất trong miền này.
ÐTC cũng ghi nhận rằng thành công của trung tâm Nữ Vương Hòa bình này là thăng tiến một chỗ đứng đúng đắn của người khuyết tật trong xã hội, và ngài đến đây để giúp anh chị em này ý thức về tình cảnh của họ theo ý nghĩa của Kitô giáo. Ngài nói: "Quả thực nhiều khi khó tìm ra một lý do để giải thích điều có vẻ là một chướng ngại phải vượt qua, hoặc như một thử thách về thể lý và cảm xúc phải chịu đựng. Nhưng đức tin và lý trí giúp chúng ta nhìn thấy một chân trời xa hơn bản thân chúng ta để quan niệm cuộc sống như Thiên Chúa tạo thành. Các Kitô hữu tuyên xưng rằng chính nhờ Thập Giá mà Chúa Giêsu dẫn đưa chúng ta vào sự sống đời đời và khi làm như vậy, Chúa chỉ cho chúng ta con đường hướng về tương lai, con đường hy vọng dẫn đưa mỗi bước trên con đường dài của chúng ta, và nhờ đó chúng ta trở thành những người mang hy vọng và bác ái cho tha nhân".
ÐTC nói thêm rằng: "Các bạn thân mến, khác với những người hành hương thời xưa, tôi không mang đến cho người dân tại Thánh Ðịa này quà tặng hay lễ vật.. Tôi chỉ đến với một ý hướng, một hy vọng: đó là cầu xin Chúa ban món quà quí giá là sự hiệp nhất và an bình, đặc biệt là cho miền Trung Ðông. Hòa bình cho cá nhân, cho các cha mẹ và con cái, cho các cộng đoàn, hòa bình cho Jerusalem, cho Thánh Ðịa, cho toàn miền, hòa bình cho toàn thể gia đình nhân loại; hòa bình được nảy sinh từ công lý, từ sự liêm chính và cảm thông, hòa bình nảy sinh từ sự khiêm tốn, tha thứ, từ ước muốn sâu xa sống trong hòa hợp như một thực tại duy nhất".
Trong ý hướng trên đây, ÐTC nói với anh chị em khuyết tật rằng: "Kinh nghiệm của anh em về đau khổ, chứng tá của anh chị em về sự cảm thông từ bi, quyết tâm của anh chị em vượt thắng những chướng ngại của mình, khuyến khích tôi tin rằng đau khổ có thể giúp người ta cải tiến hơn. Trong những thử thách của bản thân chúng ta, và khi đứng cạnh những ngừơi khác đang chịu đau khổ, có thể nói chúng ta trở nên nhân đạo hơn. Và chúng ta bắt đầu học biết rằng, trên một bình diện khác, cả những tâm hồn cứng lòng vì thái độ "sống chết mặc bay" hoặc vì bất công và thái độ không muốn tha thứ, không bao giờ ở ngoài phạm vi tác động của Thiên Chúa. Họ luôn có thể cởi mở đón nhận một lối sống mới, một quan niệm về hòa bình"...
Sau bài huấn dụ của ÐTC, một số bạn trẻ tàn tật đa mang tặng ÐTC những sản phẩm thủ công của họ... Một vài người ngồi trên ghế lăn. Ngài ân cần hỏi han họ. Bầu không khí thật là cảm động, giữa tiếng vỗ tay của các tín hữu.
Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc 4 giờ chiều giờ địa phương với kinh Lạy Cha và phép lành của ÐTC. Liền đó ngài đã về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 19 cây số để nghỉ ngơi chốc lát, và hơn một giờ sau đó, ngài đến hoàng cung vào lúc gần 6 giờ chiều để viếng thăm xã giao quốc vương và hoàng hậu Giordani.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)