Niềm hứng khởi

do nữ Chân phước Mary McKillop

tạo ra tại Úc Ðại Lợi

 

Niềm hứng khởi do nữ Chân phước Mary McKillop tạo ra tại Úc Ðại Lợi.

Úc đại lợi [La Croix 5/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Nữ chân phước Mary McKillop có thể sẽ được tôn phong chân phước tại Roma nội trong năm 2010. Tin này đã tạo ra một niềm hứng khởi lớn lao vượt qua ranh giới của Cộng đồng Công giáo tại Úc đại lợi.

Ngày 19 tháng 12 năm 2010, không riêng gì người Công giáo, mà mọi người dân Úc đều quan tâm đến việc Ðức Thánh Cha Benedicto XVI công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ thứ hai được thực hiện do sự bầu cử của Chân phước Mary McKillop và việc Chân phước này có thể được tôn phong Hiển thánh tại Roma trong năm 2010. Là một trong những quốc gia được xem là bị tục hóa nhứt thế giới hiện nay, Úc đại lợi vẫn hân hoan đón chào tin một người phụ nữ trở thành vị thánh đầu tiên của xứ sở.

Trong một quốc gia mà Cộng đồng Công giáo chỉ chiếm khoảng 26 phần trăm dân số, hàng giáo phẩm Công giáo Úc đại lợi rất vui mừng trước niềm phấn khởi mà vị nữ Chân phước này đang tạo ra trên toàn đất nước.

Cha Paul Garnier, cáo thỉnh viên vụ án phong Chân phước cho Mary McKillop tuyên bố: "Ðây là một vị nữ anh hùng thật sự của Úc đại lợi. Chân phước là một mẫu gương mà lòng can đảm đã vượt qua mọi hàng rào chia cách của một xã hội".

Về phần mình, Ðức cha Philip Wilson, Tổng giám mục Adelaide, chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc đại lợi, nói rằng nữ Chân phước Mary McKillop là một nguồn cảm hứng cho một thế giới quá thiếu cảm hứng. Theo vị Tổng giám mục này, nữ Chân phước là "vị thánh của toàn nước Úc".

Tin vị tông đồ của những người thổ dân được nâng lên bàn thờ của Giáo hội hoàn vũ đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi trên toàn nước Úc. Tại phía Bắc thành phố Sydney là nơi an nghỉ của nữ Chân phước, dân chúng đã tỏ ra rất phấn khởi. Tại đây, năm 1867, nữ Chân phước đã vào dòng với tên gọi là Mary Thánh Giá. Năm 1871, trong năm tháng liền, nữ Chân phước đã buộc phải từ chức bề trên của Dòng thánh Giuse do chính mình sáng lập, vì lý do bất phục tùng đối với hàng giáo phẩm. Nữ chân phước đã phải về Roma để xin Ðức giáo hoàng Pio XII can thiệp.

Nhưng đây là giai đoạn mà Ðức hồng y George Pell, Tổng giám mục Sydney, theo ghi nhận của báo chí tại Úc, đã không nhắc tới. Hôm 20 tháng 12 năm 2010, trong một cuộc họp báo, Ðức hồng y Tổng giám mục Sydney nhắc đến một số phép lạ trong Kinh Thánh và dựa vào hai phép lạ được thực hiện do sự bầu cử của nữ Chân phước Mary McKillop để tuyên bố rằng bệnh ung thư có thể chữa trị bằng lời cầu nguyện. Lời tuyên bố này đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực nơi giới y khoa Úc đại lợi.

Mặc dù không tán thành lời tuyên bố trên đây của Ðức hồng y Pell, giáo sư thần học Michael Masson đã nhìn nhận rằng việc tôn phong Chân phước cho nữ tu Mary McKillop đã gây được sự chú ý và tạo ra nhiều phản ứng nơi người dân Úc, bất luận là Công giáo hay ngoài Công giáo.

Cha Gardiner tin rằng việc tôn phong Hiển thánh cho Chân phước Mary McKillop mà người ta hy vọng sẽ được cử hành tại Roma vào tháng 3 năm 2010, có thể vực dậy việc thực hành đạo tại Úc đại lợi. Theo cha, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, tin này đã được phổ biến đi khắp nước Úc.

Tuy nhiên, ngôi sao Mary McKillop có nguy cơ bị lu mờ bởi chính sự khai thác của các chính trị gia Úc, mà nổi bật nhứt là thủ tướng Kevin Rudd. Thủ tướng Úc là người được xem rất xông xáo trong việc vận động tôn phong Hiển thánh cho chân phước Mary McKillop. Là người Công giáo, ông đã công khai gia nhập Anh Giáo sau khi lập gia đình với một người phụ nữ Anh Giáo. Nhưng trong một đất nước mà các chính trị gia thường không muốn lẫn lộn chuyện đạo đời, thủ tướng Rudd đã không ngần ngại đến cầu nguyện trước mộ của nữ Chân phước trước khi lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh về thời tiết tại Copenhagen hồi trung tuần tháng 12 năm 2010.

Cử chỉ này không những làm cho các đồng nghiệp của ông trong Ðảng Lao Ðộng khó chịu, mà còn tạo cơ hội cho đảng đối lập, tức Ðảng tự do, kêu gọi đề cao những giá trị đạo đức. Ông Tony Abbott, một cựu chủng sinh, hiện đang là thủ lãnh của Ðảng Ðối Lập, hứa rằng năm 2011, nếu đắc cử, ông sẽ đưa việc học Kinh Thánh vào nhà trường. Chỉ vài giờ sau khi Ðức Thánh Cha tuyên bố nhìn nhận phép lạ thứ hai do nữ chân phước Mary McKillop bầu cử, ông Tony Abbott nói: "Mọi người cần phải làm quen với Kinh Thánh, vốn tạo nên cốt lõi của nền văn minh chúng ta".

Một quan sát viên tại hậu trường quốc hội ở thủ đô Canberra đã ghi nhận: đây là lần đầu tiên trong lịch sử Úc đại lợi, hai nhà lãnh đạo chính trị công khai tự nhận mình là những tín hữu Kitô thực hành đạo.

Theo quan sát viên này, trong chính trị cần phải nắm bắt mọi cơ hội tốt: 50 phần trăm lá phiếu của các cử tri Kitô có thể bảo đảm thắng lợi trong kỳ bầu cử vào năm 2011.

Nhựt báo Công giáo Pháp La croix bình luận: "Cuộc săn tìm lá phiếu đã mở ra, mà bình phong phía sau là việc tôn phong Hiển thánh cho nữ Chân phước Mary McKillop."

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page