Chỗ đứng của các tín hữu kitô Thánh Ðịa
trong chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha
Chỗ đứng của các tín hữu kitô Thánh Ðịa trong chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha.
Mman
[Chiesa và La croix 8/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân
mến. Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã đặt chân xuống Phi
Trường quốc tế "Hoàng hậu Alia" tại thủ đô Amman,
Jordan vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày thứ Sáu 8 tháng 5 năm
2009, khởi sự chuyến viếng thăm Thánh Ðịa đầu tiên của
ngài.
Vua Abdullah của Jordan và hoàng hậu Rania tiếp đón Ðức Thánh Cha tại Phi Trường Amman, Jordan. |
Các chính phủ Jordan và Israel đã mời ngài. Ða số người Hồi giáo trong vùng cũng ủng hộ chuyến viếng thăm. Nhưng oái ăm thay, chính phần lớn các tín hữu kitô trong vùng xem ra không mấy phấn khởi vì chuyến viếng thăm này.
Sau buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhựt 3/05/2009, Ðức thánh cha đã nói ít lời như sau: "Với chuyến viếng thăm của tôi, tôi muốn củng cố và nâng đỡ các tín hữu kito tại Thánh Ðịa là những người đang phải trãi qua nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Là người kế vị thánh tông đồ Phêrô, tôi sẽ mang đến cho họ sự gần gũi và nâng đỡ của toàn thể Giáo hội. Hơn nữa, tôi sẽ là một người hành hương vì hòa bình nhân danh Thiên Chúa độc nhứt là Cha của mọi người. Tôi sẽ làm chứng cho những nỗ lực của Giáo hội Công giáo, nhân danh những ai đang cố gắng thực thi đối thoại và hòa giải để đạt được một nền hòa bình vững chắc và lâu dài trong công lý và tương kính. Cuối cùng, chuyến viếng thăm này cũng không thể không có một tầm quan trọng đày ý nghĩa về mặt đại kết và đối thoại liên tôn. Nhìn dưới khía cạnh này, Gierusalem là thành phố tượng trưng đúng nghĩa nhứt: chính tại đây mà Chúa Kitô đã chết để qui tụ mọi con cái của Chúa đang tản mát khắp nơi".
Ðây cũng là những lời mà Ðức thánh cha đã lập lại trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần sáng thứ Tư ngày 6 tháng 5 năm 2009.Theo Ðức thánh cha, để thăng tiến hòa bình và đối thoại giữa các dân tộc và tôn giáo tại Thánh Ðịa, trước tiên ngài đặt tin tưởng nơi các tín hữu kitô tại đây.
Tác giả Sandro Magister viết trên mạng "Chiesa" [Giáo hội] rằng "đây là một cuộc đánh cá". Thật vậy, không những cộng đồng tín hữu kitô tại Thánh Ðịa chiếm không đày 2 phần trăm dân số, mà đa phần là Do thái và Hồi giáo. Ngoài ra cũng phải nhớ rằng các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa là những người ít tin tưởng nhứt khi hay tin Ðức thánh cha sẽ viếng thăm vùng này. Rất nhiều người, kể cả linh mục và giám mục, cho rằng chuyến viếng thăm này diễn ra không đúng lúc.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Ðức cha Fouad Twal, Thượng phụ Công giáo Latinh tại Gierusalem cho biết chính ngài đã phải giải thích cho Ðức thánh cha biết những lý do tại sao các tín hữu kitô tại Thánh địa không mấy phấn khởi về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha.
Mối quan ngại lớn nhứt của những người không ủng hộ chuyến viếng thăm là thái độ lạc quan của Giáo hội đối với cuộc đối thoại với Do thái giáo. Họ cho rằng đây có thể một lợi điểm chính trị cho Israel.
Về
phần mình, theo nhận định của tác giả Sandro Magister, Ðức
thánh cha vẫn luôn giữ vững lập trường của ngài và Tòa
Thánh cũng luôn tìm cách xoa dịu những người chống lại
chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của Ðức thánh Cha.
Ðức Thánh Cha vẫy tay chào dân chúng khi vừa đến sân Trung Tâm Nữ Vương Hòa Bình (Regina Pacis - Our Lady of Peace) ở Amman, Jordan, để gặp gỡ các bạn trẻ và các nhân viên hoạt động tại đây, một trung tâm phục hồi cho những người khuyết tật và giúp họ tái hội nhập vào đời sống xã hội. Tại đây cũng có một thánh đường có thể đón nhận 600 người. |
Về mặt ngoại giao, người ta thấy Tòa thánh luôn tìm một thế quân bình trước những căng thẳng tại Trung Ðông. Chẳng hạn, tại Hội Nghị về chống kỳ thị chủng tộc tại Geneve mới đây, khi tổng thống Iran lên tiếng đả kích Israel, các phái đoàn Tây phương đã phản đối bằng cách rời bỏ phòng hội nghị, nhưng phái đoàn Tòa Thánh vẫn ngồi yên tại chỗ. Nhiều quan sát viên đánh giá thái độ "ôn hòa" của Tòa Thánh là không phù hợp. Nhiều người cũng không tán thành sự thinh lặng của Tòa Thánh và của chính Ðức thánh cha, khi chính quyền Iran treo cổ người thiếu nữ tên là Delara Dalabi. Trong những trường hợp như thế, Tòa Thánh thường lên tiếng bênh vực các nạn nhân và tố cáo các vị phạm nhân quyền. Nhưng trong trường hợp này, Tòa thánh đã giữ thinh lặng.
Về phần mình, Iran cũng đã đối xử rất tử tế với Tòa Thánh. Hồi tháng Tư năm 2008, khi tiếp đón Ðức cha Jean Paul Gobel, tân sứ thần tòa thánh tại Iran, tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã ca ngợi Tòa Thánh là một "sức mạnh tích cực cho công lý và hòa bình trên thế giới".
Sau đó không bao lâu, ông gởi một phái đoàn đến viếng thăm Tòa Thánh để tham dự một cuộc họp kín với Tòa Thánh về chủ đề " đức tin và lý trí trong Kito giáo và Hồi giáo".
Các tín hữu kito Á rập tại Thánh Ðịa đã quá quen thuộc với những lời rủa sả của tổng thống Iran đối với Israel. Chính họ cũng xem sự hiện hữu của Israel giữa khối Á rập là căn nguyên của mọi sự dữ.
Nhưng không chỉ có các tín hữu kito tại Thánh Ðịa mới có một cái nhìn như thế. Tại Roma, nhiều người cũng đồng quan điểm với họ. Linh mục Samir Khalil Samir, một nhà hồi giáo học nổi tiếng tại Vatican, cho rằng cội rễ của cuộc xung đột Israel và Palestine không phải là tôn giáo hay chủng tộc, mà là chính trị. Vấn đề đã phát sinh từ năm 1948, khi Palestine bị chia cắt và quốc gia Israel được thành lập, được các cường quốc hổ trợ mà không màng tới người Palestine đang hiện diện tại Thánh Ðịa.
Theo vị linh mục này, tuy chỉ là một thiểu số nhỏ, các tín hữu kitô Palestine lại là những người duy nhứt có thể cổ võ cho hòa bình trong vùng, bởi vì họ không muốn giải quyết vấn đề dưới khía cạnh tôn giáo, mà theo dựa trên công lý và luật pháp. Cũng theo cha, cuộc xung đột giữa khối Á rập và Israel sẽ không bao giờ chấm dứt bao lâu vẫn còn chiến tranh tôn giáo giữa Do thái giáo và Hồi giáo. Chỉ khi nào vấn đề được giải quyết bằng chính trị thì lúc đó mới có thể có hòa bình. Và các tín hữu kito là những người duy nhứt được trang bị để làm việc đó.
Tiếc thay, theo nhận định của cha Piebattista Pizzabella, trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, không ai nghĩ đến vai trò của các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa. Mặc dù được Ðức thánh cha dành cho một chỗ đứng đặc biệt trong chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của ngài, các tín hữu kitô tại đây lại là là những người xem ra ít phấn khởi nhứt về chuyến viếng thăm.
(Chu Văn)