Khiêm tốn can đảm
tìm gặp Thiên Chúa tình yêu
để thay đổi lộ trình cuộc sống và biến đổi thế giới
Khiêm tốn can đảm tìm gặp Thiên Chúa tình yêu để thay đổi lộ trình cuộc sống và biến đổi thế giới.
Vatican (Vat. 6/01/2010) - Noi gương ba Ðạo Sĩ Phương Ðông khiêm tốn can đảm tìm gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu nơi Hài Nhi Giêsu để thay đổi lộ trình cuộc sống và biến đổi thế giới. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ Hiển Linh cử tại trong đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng thứ Tư mùng 6 tháng Giêng năm 2010.
Tham dự thánh lễ do Ðức Thánh Cha chủ sự đã có hàng chục Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và các vị hiện diện tại Roma, cũng như nhân viên ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và 10 ngàn tín hữu. Hai Hồng Y Phó tế là Ðức Hồng Y Attilio Nicora và Ðức Hồng Y Joseph Paul Cordes.
Mở đầu thánh lễ Ðức Thánh Cha nói: "Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta long trọng cử hành lễ Hiển Linh là sự tỏ hiện của Chúa Kitô cho dân ngoại được đại diện bởi các Ðạo sĩ. Các vị là những người đầu tiên của đoàn ngũ những người đã liên lỉ tìm kiếm với cái nhìn ngôi sao của Thiên Chúa trong cuộc đời họ. Gương của các Ðạo sĩ là một lời mời gọi chúng ta mở rộng con tin. Chúa Kitô ánh sáng thế gian mời gọi chúng ta bước đi trong cuộc hành hương nội tâm dẫn đưa tới chỗ thờ lậy Người và hiệp nhất với Người".
Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha đã quảng diễn các bài đọc và mời gọi mọi người có thái độ khiêm tốn đích thực, biết tùng phục những gì cao cả hơn và có can đảm tin nơi những gì thực sự cao cả, cả khi nó được biểu lộ nơi một Trẻ Em không phương thế tự vệ. Vì thực ra nơi Hài Nhi Giêsu được tỏ hiện thực tại tuyệt vời cho thấy Thiên Chúa hiểu biết chúng ta và gần gũi chúng ta, cho thấy sự cao cả và quyền năng của Ngài không được diễn tả trong cái luận lý của trần gian, nhưng trong cái luận lý của một trẻ thơ vô phương thế tự vệ, có sức mạnh duy nhất là tình yêu thương mà Người trao ban cho chúng ta.
Bài đọc thứ nhất trình bầy thị kiến của ngôn sứ Isaia. Sau khi dân Israel đã gánh chịu các nhục nhã từ phía các cường quốc, ngôn sứ trông thấy ánh sáng lớn của Thiên Chúa bừng lên trên trái đất, một Thiên Chúa xem ra không quyền lực và không thể che chở dân Người. Nhưng ánh sáng ấy rạng ngời đến độ vua chúa các quốc gia sẽ phủ phục trước Ngài, từ mọi ranh giới của trái đất họ sẽ đến với Ngài và đặt dưới chân Ngài các kho tàng qúy giá nhất. Và con tim của dân chúng sẽ rung lên vì vui sướng. So sánh thị kiến vởi trình thuật của Phúc Âm thánh Mátthêu kể lại biến cố 3 Ðạo Sĩ tìm tới thờ lậy Chúa Hài Nhi Ðức Thánh Cha nói:
So sánh với thị kiện ấy điều thánh sử Mátthêu giới thiệu với chúng ta xem ra nghèo nàn và khiêm tốn: xem ra chúng ta không thể nhận ra nơi đó việc thành toàn các lời hứa của ngôn sứ Isaia. Thật thế vì không phải các vua chúa và người quyền thế của trái đất đếm Bethlehem, mà là cac Ðạo sĩ, các nhân vật không được ai biết tới, có lẽ bị nhìn với đôi mắt nghi ngờ, dù sao đi nữa họ là những người không đáng chú ý. Biến cố Hài Nhi sinh ra mà ba Ðạo sĩ gọi là Vua người Do thái, đã được dân thành Giêrusalem biết tin, nhưng họ thấy không cần phải mất công để ý, và xem ra cũng chẳng có ai ở Bếtlehem chú ý tới chuyện Hài Nhi sinh ra và ba Ðạo Sĩ từ Phương Ðông đến viếng thăm. Sau khi vua Hêrốt cho biết ai là người nắm quyền thực sự qua biến cố sát hại các hài nhi vô tội bó buộc Thánh Gia trốn sang Ai Cập, chuyện ba Ðạo Sĩ xem ra bị xóa bỏ và quên lãng. Tâm hồn tín hữu mọi thời đại bị lôi cuốn bởi thị kiến của ngôn sứ Isaia nhiều hơn là trình thuật đơn sơ của thánh sử, như được diễn tả lại trong các hang đá của chúng ta, với lạc đà và các vua chúa trần gian qùy trước Hài Nhi và dâng các lễ vật đựng trong các hộp qúy giá.
Tiếp tục bài giảng Ðức Thánh Cha khẳng định cần phải chú ý tới sứ điệp của cả hai trình thuật. Ngôn sứ Isaia trông thấy một thực tại sẽ ghi dấu dọc dài lịch sử. Và trình thuật Phúc Âm cho thấy các nhân vật đến từ Phương Ðông là những người đầu tiên của đoàn ngũ những người thuộc mọi thời đại biết nhận ra sứ điệp của ngôi sao, biết lên đường và tìm ra Ðấng bề ngoài xem ra yếu đuối và giòn mỏng, nhưng trái lại có quyền năng trao ban niềm vui lớn lao và sâu thẳm hơn cho trái tim con người.
Trên con đường lịch sử luôn có những người được ánh sao soi dẫn tìm ra con đường dẫn họ tới Chúa. Và mỗi người mỗi cách tất cả đều sống kinh nghiệm của ba Ðạo Sĩ.
Các lễ vật vàng hương và mộc dược mà các Ðạo Sĩ dâng lên đã không đáp ứng các nhu cầu đầu tiên thường ngày của Thánh Gia, nhưng có ý nghĩa sâu xa. Theo tâm thức của người Ðông Phương thời đó, chúng diễn tả sự thừa nhận một người là vua và là môt cử chỉ tùng phục. Nó có nghĩa là từ lúc đó trở đi các người dâng lễ vật thuộc về vị vua ấy và quyền bính của vị vua ấy. Và Ðức Thánh Cha nêu bật hậu qủa tức thì của sự tùng phục này nơi ba nhà Ðạo Sĩ như sau:
Các Ðạo Sĩ không thể theo con đường của họ nữa, không thể trở lại với vua Hêrốt, không thể là đồng minh với vị vua quyền thế tàn bạo ấy nữa. Họ đã được vĩnh viễn được dẫn đi trên con đường của Hài Nhi, con đường sẽ khiến cho họ không chú ý tới những người lớn lao quyền thế của thế giới này và sẽ dẫn đưa họ tới với Ðấng chờ đợi chúng ta nơi những người nghèo nàn, con đường của tình yêu thương là con đường duy nhất có thể thay đổi thế giới.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: cử chỉ ấy của ba Ðạo Sĩ đã vạch ra một con đường mới, một ánh sáng mới không thể tắt đã đến trần gian. Ánh sáng của Bếthllehem tiếp tục rạng người trên toàn thế giới và người ta tiến đến với Hài Nhi và sẽ đươc soi sáng bởi niềm vui mà chỉ có Ngài mới biết trao ban cho họ.
Khi đọc cả hai trình thuật trong bối cảnh lớn lao của toàn lịch sử, điều chúng ta nghe và diễn tả lại trong hang đá không phải là một giấc mơ hay một trò chơi của giác quan và cảm xúc, mà là Chân Lý giãi sáng trong thế giới, cả khi vua Hêrốt xem ra luôn mạnh mẽ hơn và Hài Nhi xem ra bị đuổi vào hàng ngũ những người không quan trọng và bị chà đạp. Nhưng chỉ Hài Nhi đó mới diễn tả sức mạnh của Thiên Chúa quy tụ con người thuộc mọi thời đại, vì dưới quyền là Chúa của Ngài họ bước theo con đường tình yêu biến đổi thế giới. Tuy nhiên cả khi số ít người dân Bếthlehen đã trở thành đông đảo, thì các người tin nơi Chúa Kitô vẫn luôn ít ỏi. Nhiều người đã trông thấy ngôi sao, nhưng chỉ có ít người hiểu sứ điệp. Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh thời Chúa Giêsu hiểu biết lời Chúa một cách toàn vẹn. Họ có thể cho biết một cách dễ dàng nơi Ðấng Cứu Thế sinh ra, nhưng như thánh Agostino nói: "đã xảy ra cho họ như là các cột đá chỉ đường: trong khi chỉ đường cho khách lữ hành, thì chúng đứng trơ trơ bất động" (Sermo 1999, In Epiphania Domini, 1,2). Lý do khiến cho họ nhìn mà không thấy và vẫn thờ ơ, chỉ đường mà bất động đó là họ qúa chắc chắn nơi chính mình, yêu sách hiểu biết thực tại một cách hoàn toàn và đưa ra một thiên kiến vĩnh viễn khiến cho con tim của họ khép kín và vô cảm trước sự mới mẻ của Thiên Chúa. Họ xác tín với quan niệm về thế giới và không để mình bị lôi cuốn vào trong cuộc mạo hiểm của một vì Thiên Chúa muốn gặp gỡ họ. Họ tin tường nơi mình hơn là tin tưởng nơi Ngài và cho rằng Thiên Chúa cao cả biết bao không thể trở thành bé nhỏ và tới gần chúng ta như thế được.
Sau cùng điều họ thiếu đó là sự khiêm tốn đích thật, biết tùng phục điều cao cả hơn, cũng như sự can đảm đích thực cho phép tin nơi điều thực lớn lao, cả khi nó được tỏ hiện nơi một Em Bé không phương thế tự vệ. Họ thiếu khả năng tin mừng là trẻ em trong tim, biết kinh ngạc và ra khỏi chính mình để bước đi trên con đường mà ánh sao chỉ cho, con đường của Thiên Chúa.
Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Swahili, Pháp, Anh, A rập và Bồ Ðào Nha: cầu xin cho Giáo Hội là dấu chỉ và dụng cụ phản chiếu ánh sáng của Chúa soi chiếu các dân tộc, và tái ý thức khám phá ra ơn thánh qúy giá là chức linh mục thừa tác; cho Ðức Thánh Cha luôn là Chủ chăn can đảm và trung thành ngoan ngoãn với các linh hứng của Chúa Thánh Thần và là chứng tá của Chân Lý cứu độ duy nhất; cho những anh chị em gặp khó khăn đau khổ; cho các người khao khát Thiên Chúa được nhận biết Ngài nơi Hài Nhi Giêsu và Chúa chịu đóng đanh phục sinh; cho cộng đoàn gia đình của Chúa biết loan báo Chúa Kitô ánh sáng thế giới bằng lời nói và chứng tá cuộc sống.
Trong phần dâng lễ, các lễ vật đã được hai nữ tu và hai cặp phụ nữ thuộc cũng như một cặp vợ chồng người Phi châu với con nhỏ dâng lên Ðức Thánh Cha.
70 Linh Mục đã giúp Ðức Thánh Cha phân phát Mình Thánh Chúa cho tín hữu.
Lúc 12 giờ trưa Ðức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Truyền Tin với tín hữu đứng gần kín quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn Ðức Thánh Cha đã nhắc lại lộ trình kiếm tìm Ðấng Cứu Thế của ba Ðạo Sĩ Phương Ðông. Họ đã theo ánh sao chỉ đường, nhưng khi tới Giêrusalem họ cần các chỉ dẫn của các tư tế và ký lục để biết một cách chính xác phải đến nơi đâu: đó là Bếthlehem thành vua Ðavít. Ngôi sao và Kinh Thánh đã là hai ánh sáng hướng dẫn con đường của các Ðạo Sĩ, xem ra là mẫu gương của những người kiếm tìm chân lý.
Là các nhà khôn ngoan họ dò xét tinh sao và hiểu biết lịch sử các dân tộc. Là các khoa học gia trong nghĩa rộng, họ quan sát vũ trụ, vì coi nó như một cuốn sách lớn chứa đầy các dấu chỉ và sứ điệp của Thiên Chúa cho con người. Nhưng họ không tự mãn, mà rộng mở cho các mạc khải và lời mời gọi khác của Thiên Chúa. Họ không xấu hổ xin các chỉ dẫn của giới lãnh đạo tôn giáo do thái. Họ lắng nghe và tiếp nhận các lời tiên tri. Khi lên đường họ lại trông thấy ngôi sao như việc xác nhận sự hòa hợp toàn vẹn giữa sự kiếm tìm của con người với Chân Lý thiên linh, một sự hòa hợp khiến cho con tim của các nhà khôn ngoan đích thật tràn ngập niềm vui. Khi gặp Con Trẻ và mẹ Người, họ qùy lậy và dâng các lễ vật thay vì thất vọng hay lấy làm gương mù gương xấu. Như là người khôn ngoan đích thực họ rộng mở cho mầu nhiệm được tỏ hiện một cách gây kinh ngạc. Với các lễ vật họ thừa nhận Chúa Giêsu là Vua và là Con Thiên Chúa và thành toàn các lời tiên tri loan báo các dân nước tới kính thờ Thiên Chúa của Israel.
Sau cùng thay vì trở lại Giêrusalem, vào dinh vua Hếrốt và đền thờ để loan báo khám phá của họ, các Ðạo Sĩ đã giữ gìn khám phá đó trong dấu ẩn theo thái độ của Mẹ Maria hay đúng hơn của chính Thiên Chúa, và họ biến đi trong thinh lặng, nhưng được thay đổi bởi cuộc gặp gỡ với Chân Lý. Họ đã khám phá ra một gương mặt mới của Thiên Chúa, một vương quyền mới: vương quyền của tình yêu.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người. Sau kinh Truyền Tin Ðức Thánh Cha đã chúc mừng tín hữu các Giáo Hội Ðông Phương anh em mừng lễ Giáng Sinh vào ngày mùng 7 tháng Giêng năm 2010. Ðức Thánh Cha xin cho mầu nhiệm ánh sáng trở thành suối nguồn của niềm vui và an bình cho mọi gia đình và cộng đoàn. Ngài cũng nhắc cho mọi người biết rằng lễ Hiển Linh cũng là Ngày Nhi Ðồng Truyền Giáo với khẩu hiểu "Trẻ em trợ giúp trẻ em", do Ðức Giáo Hoàng Pio XII phát động hồi năm 1950, để giáo dục trẻ em rộng mở tâm trí cho thế giới và liên đới với các trẻ em khác nghèo khổ hơn. Ngài gửi lời chào các nhà truyền giáo tí hon năm châu và khích lệ các em luôn là chứng nhân loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ðức Thánh Cha cũng chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, ngài cám ơn đoàn diễn hành lễ Ba Vua và chúc mọi người ngày lễ Hiển Linh tươi vui.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)