Những bộ mặt khác nhau của Hồi Giáo

 

Những bộ mặt khác nhau của Hồi Giáo.

Ý [Chiesa 4/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Năm mới bắt đầu với nỗi lo sợ trước những cuộc tấn công khủng bố của những người hồi giáo cực đoan, nhứt là những người hồi giáo sinh ra và lớn lên ngay tại các nước Tây phương.

Theo dư luận chung, Hồi giáo và chủ nghĩa Hồi giáo ngày càng có nguy cơ đồng nghĩa với nhau. Người Hồi giáo di dân ngày càng bị chụp lên cái mũ cực đoan và bạo động.

Nhưng trong thực tế, thế giới Hồi giáo hoàn toàn khác hẳn với những gì chúng ta nghe nói hay nhìn thấy, nếu chúng ta biết lắng nghe chính tiếng nói của người Hồi giáo.

Một trong những tiếng nói ấy, như tác giả Sandro Magister viết trên mạng Chiesa ngày 4 tháng Giêng năm 2010, là Khaled Fouad Allam. Ông Khaled Fouad Allam là một người Ý gốc Algeri hiện đang là giáo sư tại hai trường đại học Trieste và Urbino của Ý.

Trong một bài xã luận trên nhựt báo Công giáo "Avvenire" của Hội đồng Giám mục Ý trong số ra ngày 9 tháng 9 năm 2009, giáo sư Allam viết rằng chủ nghĩa hồi giáo cực đoan và bạo động không hề được phổ biến rộng rãi trong thế giới Hồi giáo ngày nay, ngay cả tại một nước như Algeri, là nơi cho dẫu trong những thập niên vừa qua chủ nghĩa này đã làm cho hàng ngàn người bị thiệt mạng.

Theo giáo sư Allam, cũng có một đường giây Al Qaeda tại các nước Bắc Phi. Nhưng so với quá khứ, ngày nay đường giây này và các phong trào khác chỉ còn dành riêng cho những thành phần ưu tú gồm một thiểu số trí thức và người trẻ bị lôi kéo bởi những lời đường mật của ý thức hệ và họ không còn được chỗ đứng xã hội vững chắc như cách đây 15 năm. Ngày nay, giới trẻ Algeri mơ được đến Tây Phương và Âu Châu không chỉ để tìm một cuộc sống tiện nghi hơn như cha mẹ của họ trong hai thập niên 60 và 70, mà còn để đi tìm tự do. Và trong khi tại các nước Hồi giáo, các chính phủ đang đẩy mạnh công cuộc Hồi giáo hóa, thì cũng chính những nước này lại ngày càng chứng kiến hiện tượng tục hóa đang xung đột với niềm tin tôn giáo. Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp điển hình.

Giáo sư Allam là một nhà phân tách sâu sắc; ông có thể giải thích một cách đúng đắn về những gì đang diễn ra trong nền văn hóa Hồi giáo. Cách đây một năm, ông là một cộng tác viên thường xuyên của nhựt báo "người quan sát Roma", cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh.

Một tiếng nói thứ hai mà tác giả Sandro Magister cho là có thế giá để nói về thực tế của thế giới Hồi giáo là cô Anna Mahjar- Barducci, một ký giá và nhà văn hiện đang sống tại Ý. Là con của một người mẹ gốc Maroc và một người cha gốc Ý, cô Anna Mahjar Barducci lập gia đình với một người Do thái.

Dưới mắt của Hồi Giáo chính thống, cuộc hôn nhân của cô và của chính mẹ cô, cả hai đều lập gia đình với những người đàn ông khác đạo, là điều không thể chấp nhận được, vì đó là một hành vi chối đạo. Nhưng tại Maroc, luồng dư luận trổi vượt lại không đến nổi khắc khe như thế. Năm 2006, cuốn phim có tựa đề "Marok" là cuốn phim được nhiều người xem nhứt. Ðó là một chuyện tình giữa một người phụ nữ Hồi giáo muốn thoát khỏi tín điều của tôn giáo và một người thanh niên Do thái.

Cách đây vài tuần, cô Anna Mahjar Barducci đã cho trình làng một cuốn sách tự thuật có tựa đề "Phụ nữ Ý gốc Maroc. Những câu chuyện của những người di dân Maroc tại Âu Châu". Cuốn sách là một bức tranh sống động gồm những câu chuyện của những người bà con của tác giả tại một khu phố ở Maroc.

Một số thân nhân bà con của tác giả đi đi về về giữa Maroc và Âu Châu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhứt là không một người nào giống người nào. Tất cả đều là người Hồi giáo, nhưng hoàn toàn khác nhau. Tất cả đều mơ được đến Âu Châu. Nhưng không người nào có thể hội nhập vào nơi họ được đón nhận. Tác giả cũng tự nhận rằng, mặc dù là công dân Ý, cô cũng không thể hoàn toàn hội nhập vào quê hương thứ hai. Trong một chương khác của cuốn sách, cô Anna Mahjar Barducci viết rằng điều khiến cho tình trạng thêm trầm trọng hơn chính là những người di dân Hồi giáo .

Tác giả kể lại: "Khi thấy một người gốc Magreb [tức Bắc Phi] trên đường phố, tôi phải tìm cách tránh né. Người đó bắt đầu chào tôi bắng tiếng Á rập và nhìn chòng chọc vào tôi như thể tôi là sở hữu của họ. Lần nọ, tôi đang ở trong một tiệm Pizza với một người bạn học và một người Maroc gọi tôi là "Sharmuta", nghĩa là " con đĩ". Anh ta bảo tôi rằng tôi không được phép đi ra ngoài với một người Ý. Người chủ quán phải can thiệp, đuổi anh ta ra khỏi tiệm. Một điều như thể chẳng bao giờ xảy ra tại Maroc".

Trong những bài viết khác, ký giả Anna Mahjar Barducci giải thích rằng chính những khó khăn trong việc hội nhập vào các nước âu châu đã khiến cho nhiều người di dân Hồi giáo đánh mất bản sắc của mình. Và điều này lại càng làm cho họ rơi vào mạng lưới của những người Hồi giáo cực đoan, vốn là những người có thể giúp cho họ không còn cảm thấy cô đơn , mà trái lại tìm lại được bản sắc của mình. Chẳng hạn tại Milano, người ta thấy có nhiều người Magreb trẻ, mặc dù không nói được tiếng Á rập, nhưng vẫn để râu và ăn mặc theo lối truyền thống Hồi giáo: đây là điều mà chắc chắn họ sẽ không làm nếu còn sống tại Maroc.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page